Nỗi đau hậu Chanchu

Thứ Tư, 31/05/2006, 08:02

Sự vô cảm cũng là một hiểm họa của cuộc sống con người. Sự vô cảm cũng là một dạng Chanchu phá hoại tâm hồn. Đó là cơn bão ngầm không có cấp gió nhưng sức tàn phá của nó chưa thể lường hết được.

Sinh ra và lớn lên ở miền Trung, mỗi khi đài báo bão, lòng tôi thường nao nao lo lắng cho dải đất đòn gánh này. Bởi, xưa nay nhắc tới miền Trung là người ta nghĩ đến vùng quê nghèo khó, nắng nôi, gió bão khắc nghiệt. Số cơn bão dữ đổ vào miền Trung hằng năm thường nhiều hơn bất cứ vùng miền nào trên đất nước ta. Do đó, khi nghe Đài truyền hình Việt Nam báo cơn bão Chanchu đổi hướng đi về phía Bắc, không đổ bộ vào đất liền tôi đã mừng thầm cho miền Trung thoát nạn.

Nào ngờ, cơn bão Chanchu quái đản đã "đuổi" theo hàng trăm con tàu đánh cá của ngư dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… để vùi dập, quăng quật họ. Kết cục, hàng chục chiếc tàu bị sóng đánh tả tơi chìm xuống biển, hàng trăm ngư phủ chết không nguyên vẹn hình hài. Lại thêm một tai họa khủng khiếp bất ngờ giáng xuống đầu người dân miền Trung. Đau xót nhân lên gấp đôi vì tin dữ đến khi đất liền đang bình yên tĩnh lặng.

Những người mẹ, người vợ rũ rượi, mặt nhàu nhĩ, đăm đăm trông ra biển. Trước mặt họ là những chiếc bàn thờ lập vội nghi ngút khói hương. Họ chưa biết được tin người thân mình còn sống hay đã mất. Thất vọng và hy vọng đan xen. Không cầm lòng nổi, họ phải thắp lên mấy nén hương, trước là để cho người lâm nạn khỏi tủi lòng, sau là cầu khấn đất trời phù hộ độ trì cho người thân được sống sót trở về.

Những người từ tâm bão trở về. Sống. Chết. Không có niềm vui trọn vẹn. Bên cạnh những vòng tay ôm riết chồng con may mắn còn sống là những tử thi của bạn thuyền nằm lặng lẽ. Nước mắt nhiều hơn nụ cười. Phủ lên miền Trung vẫn là nỗi đau thương tang tóc. Trước mất mát của người khác,  niềm vui của ta bao giờ cũng bé mọn.

Lá lành đùm lá rách. Thật chưa có câu châm ngôn nào nói về cái sự chia sẻ, đùm bọc vừa giản dị vừa sâu sắc như thế. Những đồng tiền ân nghĩa từ khắp mọi miền đất nước gửi về Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Cảm động làm sao, trong đó có những đồng tiền chắt chiu dành dụm của người phụ nữ nghèo, đồng tiền nhịn quà sáng của cháu bé tiểu học… Có những vùng đất rất nghèo ở Tây Bắc vẫn gửi tặng đồng bào mình bị nạn hàng trăm triệu đồng. Bộ Giáo dục vừa có một quyết định, đúng ra đó cũng là một nghĩa cử rất hợp lòng dân là sẽ xét đặc cách tốt nghiệp trung học phổ thông cho con em của những người bị nạn trong cơn bão Chanchu vừa qua.

Tôi tin rằng nỗi đau thương của những gia đình bị nạn sẽ được chia sớt, vợi đi một phần bởi tấm lòng cảm thông đùm bọc của nhân dân và chiến sỹ cả nước. Cuộc sống đầy những bất trắc, tai ương, luôn rập rình những hiểm họa, rủi ro. Bởi thế, càng cần biết mấy lòng nhân ái, cảm thông, che chở, đùm bọc. Sự vô cảm cũng là một hiểm họa của cuộc sống con người. Sự vô cảm cũng là một dạng Chanchu phá hoại tâm hồn. Đó là cơn bão ngầm không có cấp gió nhưng sức tàn phá của nó chưa thể lường hết được.

Trong mấy ngày qua, tôi và có lẽ nhiều người khác không bỏ sót các bản tin thời sự của Đài THVN. Hình ảnh của những ngư dân bị nạn và người thân của họ thực sự làm xúc động chúng ta. Nhưng cũng trên màn hình nhỏ tôi đã nghe câu nói: “Ngư dân ta là chủ quan lắm” của một quan chức trong ủy ban tìm kiếm cứu nạn cứu hộ quốc gia. Theo tôi, câu ấy có hai điều chưa được.

Xét về lý, đó là một sự khẳng định vội vàng. Bởi vì, như nhiều tờ báo đã chỉ ra việc dự báo bão của Trung tâm Dự báo khí tượng và thủy văn Trung ương của chúng ta là chậm và chưa chính xác. Hơn nữa, những người dân đi biển họ không lạ gì sự tàn phá ghê gớm của bão tố nên tôi tin rằng không ai dám chủ quan. Mặt khác, xét về tình, nếu đúng là người dân có chủ quan thì trong lúc họ đang mất mát, đau thương không ai nỡ buông câu trách cứ thẳng băng như vậy. Mới ngẫm ra câu người xưa căn dặn: nên uốn lưỡi bảy lần trước khi nói vẫn đúng đắn biết bao.

Nói trước một người đã phải cân nhắc, huống hồ đây nói trước hàng chục triệu người trong một bối cảnh đầy nước mắt thương đau sau cơn bão Chanchu quái ác vừa qua

Nguyễn Hữu Quý
.
.
.