Nobel Văn học 2007: Không chờ vẫn được

Thứ Tư, 07/11/2007, 19:23
Khi biết tin mình đoạt giải Nobel Văn học năm nay, nữ văn sĩ Doris Lessing (80 tuổi) không hề tỏ ra ngạc nhiên. Bà nói: "Người ta đã đề cử tôi suốt 30 năm nay rồi nên đây không phải là sự bất ngờ lớn. Giờ thì tôi có những việc quan trọng hơn để suy nghĩ. Đằng nào thì tôi cũng đã được nhận tất cả những giải thưởng có thể có ở châu Âu rồi, giờ lại thêm giải thưởng này nữa".

Năm nay, cũng như sáu năm gần đây, giải thưởng Nobel Văn học, cũng như các giải Nobel trong các lĩnh vực khác, tính thành tiền đều ở mức 10 triệu cuaron Thụy Điển (tương đương với 1,09 triệu euro). Giá trị tính thành tiền của những giải Nobel đầu tiên, trao vào năm 1905, là 150 nghìn cuaron.

So với thời ấy, đó cũng đã là số tiền không nhỏ, tương đương với gần 7 triệu cuaron hay 700 nghìn euro bây giờ. Từ năm 1980 tới năm 2001, trị giá tiền của giải Nobel đã tăng với tốc độ khá nhanh, lên gấp 10 lần nếu tính theo con số và gấp 5 lần nếu tính theo giá trị thực tế.

Quy trình nghiêm ngặt

Theo tiết lộ của ông Horace Engdahl, Thư ký của Viện hàn lâm Nobel và thành viên Ủy ban Nobel, trong bài trả lời phỏng vấn Hãng AFP, Hội đồng Nobel bắt tay vào xem xét danh sách các ứng cử viên của giải Nobel Văn học từ đầu tháng 2 hằng năm. Thông thường, bản danh sách này (do các Viện hàn lâm của các quốc gia cũng như các học đường cao cấp ở các nước giới thiệu) bao gồm từ 200 tới 300 tác giả.

Trong khoảng thời gian từ tháng 4 tới tháng 6, Ủy ban Nobel sẽ lọc từ đó ra một danh sách rút gọn bao gồm khoảng 20 tác giả. Các thành viên của Ủy ban Nobel cố gắng đọc các tác phẩm của những tác giả này bằng nguyên bản (những ngôn ngữ chính ở đây là tiếng Anh, Pháp, Nga và Đức).

Tuy nhiên, họ cũng vẫn phải thường xuyên nhờ cậy tới sự giúp đỡ của các dịch giả (những người này trước khi bắt tay vào việc phải tuyên thệ là sẽ không để lộ bất cứ thông tin gì về các ứng cử viên). Nếu ứng cử viên là nhà thơ thì dịch giả phải đọc tác phẩm bằng thứ tiếng mẹ đẻ của tác giả trước Ủy ban Nobel và lý giải những đặc thù ngôn ngữ của tác phẩm.

Đến đầu kỳ nghỉ hè, Viện hàn lâm Nobel đã phải có trong tay một danh sách "bán kết" bao gồm 5 tác giả. Việc bỏ phiếu lựa chọn nhà văn sẽ được nhận giải Nobel được tiến hành vào tháng 9 hằng năm.

Người chiến thắng được xác định bằng đa số phiếu trong cuộc bầu chọn được tổ chức vào khoảng 1 giờ rưỡi trước thời điểm chính thức công bố kết quả. Thường chỉ cần hai lần bỏ phiếu là đủ. Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Engdahl, các viện sĩ rất ít khi hoàn toàn nhất trí với nhau.

Các thành viên Ủy ban Nobel không được phép nhắc tên họ các ứng cử viên thành tiếng. Vì vậy, mỗi một nhà văn có tên trong danh sách "bán kết" được đặt cho một mật danh. Thí dụ như nhà viết kịch người Anh Harold Pinter (giải Nobel Văn học năm 2005) đã được đặt cho mật danh là… Harry Potter!

Ủy ban Nobel có 18 thành viên nhưng năm nay chỉ có 15 thành viên tham gia bỏ phiếu lựa chọn nhà văn được nhận giải Nobel Văn học. Lý do là một viện sĩ đã qua đời mà vẫn chưa có ai được bầu thay thế, còn hai viện sĩ khác đã từ chối bỏ phiếu vì những bất đồng với các đồng nghiệp còn lại.

Bói gà, ra… vịt

Quy trình bầu chọn giải Nobel Văn học "tinh vi" như thế nên kết quả được công bố thường gây nên những bất ngờ lớn. Ngay từ năm 1901, khi giải Nobel Văn học được trao lần đầu tiên, những ứng cử viên nặng ký nhất hiển nhiên phải là Liev Tolstoi, Emil Zola, Henric Ibsen, những danh nhân hàng đầu của văn học bấy giờ và cho tới hôm nay vẫn là những cây đại thụ của nền văn học thế giới…

Thế nhưng, giải Nobel Văn học năm 1901 đã được trao cho nhà thơ người Pháp Sully Prudhomme. Ai trong số độc giả hôm nay đã từng đọc dẫu chỉ một cuốn sách của tác giả này?! Ngay ở Pháp, thi sĩ này cũng đã bị chìm trong quên lãng từ lâu nên dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông (6/9/1907) đã trôi qua khá lặng lẽ.

Có thông tin nói rằng, văn hào Nga Liev Tolstoi cảm thấy tự ái đến mức năm 1906, ông đã lớn tiếng tuyên bố, nếu Viện hàn lâm Thụy Điển có trao cho ông giải Nobel Văn học thì ông cũng không nhận!

Năm nay, các hãng cá cược, đặc biệt là Hãng Ladbrokes (từng đoán trước được tên nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk năm 2006 đoạt giải Nobel Văn học), đã đặt cửa lớn nhất vào nhà văn Mỹ Philip Roth. Nhà văn thứ hai được giới cá cược kỳ vọng là Haruki Murakami, tác giả người Nhật của những tác phẩm đang rất ăn khách trên thế giới (như "Rừng Na Uy" chẳng hạn). Người thứ ba là nhà văn Amos Oz của Israel.

Tuy nhiên, cả ba nhà văn này năm nay đều không phải là người được nhận giải Nobel Văn học vì vinh dự đó đã được trao cho nữ văn sĩ ở tuổi 87 Doris Lessing, người Anh. Khi Viện hàn lâm Thụy Điển gọi điện thoại tới tư gia của bà Lessing để thông báo tin này, thì đã chẳng gặp được ai vì bà đang đi mua sắm ngoài siêu thị.

Phải tới chiều về, bà Lessing mới hay tin mình đoạt giải Nobel Văn học năm nay và không hề tỏ ra ngạc nhiên: "Người ta đã đề cử tôi suốt 30 năm nay rồi nên đây không phải là sự bất ngờ lớn. Giờ thì tôi có những việc quan trọng hơn để suy nghĩ. Đằng nào thì tôi cũng đã được nhận tất cả những giải thưởng có thể có ở châu Âu rồi, giờ lại thêm giải thưởng này nữa. Thật không thể tưởng tượng nổi!".

Giải Nobel Văn học dành cho bà Lessing là giải thưởng thứ 80 dành cho các tác giả châu Âu. Giải Nobel Văn học từng được trao cho các tác giả ở Bắc Mỹ 11 lần, ở châu Á 5 lần, ở châu Phi 4 lần và ở châu Mỹ Latinh 3 lần. Chỉ duy nhất có một nhà văn Australia được trao giải Nobel Văn học (nhà văn Patrich White, năm 1973).

24 nhà văn được nhận giải Nobel Văn học viết bằng tiếng Anh. Tiếng Pháp  - 12 người. Tiếng Đức - 10 người. Tiếng Thụy Điển - 6 người. 5 nhà văn viết bằng tiếng Nga đã được trao giải Nobel Văn học. Trong số 104 nhà văn được nhận giải Nobel có 11 phụ nữ.

Suốt đời cỏ hát

Nữ văn sĩ Doris Lessing, tên khai sinh Doris May Tayler, sinh ra ở thành phố Kermanshah thuộc xứ sở Ba Tư (nay là Iran) ngày 22/10/1919. Người cha là một sĩ quan phục viên, còn mẹ làm y tá.

Năm 1925, gia đình bà chuyển tới ở Nam Rhodesia (nay là Zimbabwe) với dự định làm trang trại. Tuy nhiên, công việc làm ăn của họ không mấy phát đạt và cô bé Doris đã phải bỏ học. Dù chưa tốt nghiệp phổ thông nhưng Lessing không chút cấn cá về trình độ học vấn dang dở của mình. Trái lại, bà còn tự hào là không bị nền giáo dục cổ hủ đè bẹp những mầm non sáng tạo ở trong mình.

Ngay từ khi còn trẻ, cô Doris đã vào làm ở Quốc hội và tại đó, trở nên gần gụi với những người cánh tả. Năm 1939, nhà văn tương lai lập gia đình lần đầu. Cuộc hôn nhân này mang lại cho bà hai người con.

Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, Doris làm quen với người chồng thứ hai của mình, một người Đức theo tư tưởng mácxít di cư tới châu Phi. Tên họ của ông là Gottfried Lessing (về sau, ngay cả khi đã li dị rồi, nữ văn sĩ vẫn mang họ của người chồng thứ hai cho tới bây giờ).

Năm 1949, bà Doris Lessing cùng người con thứ ba (trong cuộc hôn nhân với ông Gottfried) sang cư trú tại London. Ông Gottfried Lessing sau này trở thành Đại sứ Đức ở Uganda và đã chết tại đó trong một tai nạn giao thông.

Tại Anh, nữ văn sĩ tương lai đã xích lại gần những tổ chức tả khuynh và đấu tranh bảo vệ quyền nữ giới. Cũng ở thủ đô Anh năm 1950, bà đã xuất bản tác phẩm đầu tay "Cỏ hát". Tiếp theo đó là hàng chục tiểu thuyết và truyện ngắn. Cuốn sách gần đây nhất của bà "Vết nứt" được phát hành cách đây vài ba tháng. Một sức lao động bền bỉ đáng khâm phục!

Trong tác phẩm "Cỏ hát" cũng như trong những cuốn sách đầu tiên của Doris Lessing ("Martha Quest", "Môn đăng hộ đối"…) bộc lộ rõ một phong cách hiện thực không khoan nhượng. Đó dường như là những cố gắng thử nghiệm chuyển dòng văn học giáo dục của thế kỷ XIX sang thời đại mới. Nữ văn sĩ trẻ đầy nhiệt huyết mau chóng được xã hội công nhận.

Tới năm 1962, tức là khi xuất bản cuốn sách nổi tiếng nhất của Lessing "Nhật ký vàng", bà đã cảm thấy mình là một tác giả đã định hình, tay nghề cao nhưng đã khai thác hết cơn hứng khởi sáng tạo đầu tiên. Trong "Nhật ký vàng", Doris Lessing đã dựng lại hình ảnh mình trong nhân vật Anna Wulf, một nhà văn nữ đang phải đối mặt với những khủng hoảng của phái yếu ở tuổi trung niên và những bế tắc sáng tạo.

Cuốn tiểu thuyết này được đánh giá cao không chỉ về những diễn biến tâm lý tinh tế mà còn như một thử nghiệm hình thức táo bạo. Nhân vật chính trong sách cùng một lúc viết 4 tập nhật ký: một tập dành cho những hồi ức về tuổi thơ trôi qua ở châu Phi; tập thứ hai nói về những quan điểm chính trị của mình; tập thứ ba chị đứng tách ra khỏi cá nhân mình và viết về mình như thể một người lạ; còn tập thứ tư mới là tập nhật ký thực của chị. Lo lắng bị phân thân và đánh mất bản chất của mình, nhân vật nữ Anna đã cố gắng liên kết những trang nhật ký lẻ vào một bản thảo thống nhất.

"Nhật ký vàng" đã nhanh chóng trở thành tác phẩm kinh điển của dòng văn học nữ ở Anh thế kỷ XX. Lessing ngay lập tức đã trở  thành một nữ tác giả được hâm mộ nồng nhiệt: người ta mời bà đi diễn thuyết ở các trường đại học; sách của bà gần như trở thành "khuôn vàng thước ngọc" cho phong trào đấu tranh bảo vệ nữ quyền. Tuy nhiên, bản thân bà lại nhìn nhận phong trào bảo vệ nữ quyền với một sự giễu cợt nhất định.

Nói chung, Lessing luôn có cái nhìn giễu cợt với tất cả những lý thuyết xã hội quá lạc quan hay quá bi quan khi nói tới tương lai nhân loại. Những tác phẩm khoa học viễn tưởng của bà là những thử nghiệm nghiên cứu mối quan hệ giữa người với người trong các điều kiện mâu thuẫn, chứ không phải là sự cố gắng dựng nên một thực tế khác…

Tháng 6/1995, bà Lessing được tặng bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Harvard. Và ngày 10/12 tới tại Stockholm, bà sẽ được trao bằng chứng nhận và số tiền thưởng lên tới 1,09 triệu euro (khoảng gần 2 triệu USD) của giải Nobel Văn học năm nay. Dù ai đó cảm thấy ngạc nhiên vì bà đã không được dự đoán trước cho vinh dự này nhưng, như thực tế cho thấy, Viện hàn lâm Thụy Điển rất hiếm khi lầm lẫn khi chọn mặt gửi vàng

Hoàng Anh
.
.
.