Vở diễn ‘Công lý không gục ngã’:

Niềm tin vào khát vọng công lý của dân tộc

Thứ Hai, 29/06/2015, 08:18
Cái tên của vở diễn đủ tạo một sức hút với công chúng, nhất là khi, vở diễn do NSND Doãn Hoàng Giang, một trong những cây đại thụ của làng sân khấu dàn dựng, còn tác giả là Lê Chí Trung - một biên kịch đã có nhiều kịch bản ăn khách. Một điểm cộng nữa của vở diễn là do các nghệ sĩ danh tiếng của Nhà hát Tuổi trẻ thể hiện. Bởi thế, sau những đêm diễn luôn kín rạp, đây sẽ là vở diễn được lựa chọn tham dự Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2015.

“Công lý không gục ngã” kịch tính ngay từ phút mở màn. Vở diễn tái hiện một giai đoạn lịch sử dân tộc ở kinh thành Thăng Long giai đoạn cuối trào của phủ Chúa Trịnh, thời kỳ kỷ cương phép nước lung lay, công lý chao đảo vì sức mạnh của cường quyền. Chúa Trịnh Sâm vì quá si mê Tuyên phi Đặng Thị Huệ, đã không nghe lời can gián của mẹ và các quan đại thần, thậm chí, lúc ốm yếu còn giao hết quyền hành cho Đặng Thị Huệ, người đàn bà đầy tham vọng quyền lực. Nhờ chị gái được vua sủng ái, “cậu Trời” Đặng Mậu Lân đã tác oai tác quái, hãm hiếp đàn bà, cướp nhà, cướp đất của người dân, gây nên cảnh đau thương, ly tán cho bao gia đình.

Nhưng những tiếng kêu oán thán không vọng đến triều đình, vì Đặng Thị Huệ dung túng, bao che tội ác, cho người chặn ở các cửa quan. Ai đến đánh trống kêu oan đều bị ngăn cản, thậm chí bị đưa đi mất tích. Nhưng, những kẻ sĩ Bắc Hà dám sống chết vì nhân dân như Ngô Thì Nhậm, Lê Quý Đôn đã dũng cảm đối mặt với cường quyền, với Đặng Thị Huệ, nhận lãnh trách nhiệm làm rõ những tội ác tày trời của Đặng Mậu Lân. Nhờ đó, những người dân bị áp bức đã tìm đến tố cáo tội ác của “cậu Trời”, hợp tác với danh sĩ Ngô Thì Nhậm diệt trừ mối họa cho bách tính.

“Công lý không gục ngã” là cuộc “kết duyên” đầu tiên giữa NSND Doãn Hoàng Giang với Nhà hát Tuổi trẻ. Kinh nghiệm và tài năng của một đạo diễn tên tuổi kết hợp với sức trẻ, đầy sáng tạo của các nghệ sĩ của một trong những nhà hát hàng đầu, đã tạo nên một tác phẩm sân khấu rung động lòng người. Đạo diễn đã khai thác những xung đột trong bối cảnh lịch sử ấy, tạo những nút thắt rất kịch tính, khiến người xem nhiều lúc như ngợp thở trong những câu chuyện oan khiên thấu trời, trước khi mở nút.

Ấn tượng đặc biệt về sự sáng tạo của đạo diễn trong vở kịch là dàn 9 chiếc trống lớn, nhỏ, mang lại hiệu quả rất mạnh, cả về thị giác lẫn âm thanh: 9 chiếc trống kêu oan như biểu tượng của “cửu thiên”, đỉnh cao quyền lực, cũng là chín cõi nhân gian, luôn vang lên những âm thanh gióng giả, giục giã, như mong muốn sự oan khuất của dân lành ở khắp nơi được cất lên, thấu đến trời xanh, đến những người ở ngôi cao nhất.

Đạo diễn Doãn Hoàng Giang cũng dồn tâm trí, tình cảm cho nhân vật quan Thị lang Ngô Thì Nhậm, để NSƯT Như Lai khai thác sáng tạo, khắc họa thành công khí phách của một viên quan văn liêm chính. Giữa một triều chính đang lung lay bởi những thế lực hắc ám, Ngô Thì Nhậm vẫn nghe được những oan khuất của dân lành và cương quyết xử tử Đặng Mậu Lân, dù biết sẽ phải đối đầu với thế lực rất lớn trong triều đình, thậm chí có thể phải chết dưới tay của Tuyên phi và đồng bọn. Nhưng giữ kỷ cương phép nước mới là điều quan trọng nhất để ông bất chấp mọi áp lực, hiểm nguy: “Kẻ sĩ phải có một minh chúa để thờ, chứ không thể cúc cung ngu trung phò tá cho một triều đình ruỗng nát”.

Cảnh trong vở  “Công lý không gục ngã”.

Quan điểm, sự dũng cảm của ông trước bạo quyền là một thông điệp lịch sử còn lưu lại cho hậu thế niềm tin vào chiến thắng của công lý: “Công lý phải được thực hiện để lau khô những giọt nước mắt trên gương mặt những người dân lành. Dân lành trông cậy vào pháp luật và công lý. Vậy mà công lý cúi đầu thì dân lành biết trông cậy vào đâu?”.

NSƯT Bùi Như Lai đã chia sẻ về vai diễn Ngô Thì Nhậm mà anh đảm nhận: Cái hay của vở là công lý được thực hiện không phải từ những vị tướng mạnh mẽ, đầy quyền lực, mà là từ một kẻ sĩ Bắc Hà. Vở diễn chính là một lời đánh thức tầng lớp trí thức, để có tiếng nói và tạo được vai trò trong xã hội, giúp cho những người cầm cân nảy mực có cái nhìn sâu sắc về công lý, bảo vệ người dân, như thế hệ cha ông đã làm.

Với tài năng của mình, NSƯT Minh Hằng đã rất xuất sắc cho vai diễn mẹ vua, mà đôi khi, chỉ là một cử chỉ rất nhỏ cũng mang nhiều ý nghĩa trên sân khấu. Dù còn trẻ, Bảo Thanh cũng tạo được ấn tượng riêng cho vai Đặng Thị Huệ, một nhân vật tâm trạng và tính cách khá phức tạp.

Sau thời kỳ hoàng kim của sân khấu phía Bắc với những kịch bản sống động của Lưu Quang Vũ, “Công lý không gục ngã” là một trong không nhiều vở diễn đáp ứng được tâm lý của công chúng, với việc mạnh dạn dấn thân và phản ánh những vấn đề xã hội. Khán giả có thể tìm thấy ở đây những điều muốn nói và muốn nghe, được tháo gỡ những ẩn ức trong cuộc sống hằng ngày và nhất là, tìm thấy sự sẻ chia cảm xúc và nỗi niềm trong từng lớp diễn luôn mang tính khái quát.

Trò chuyện với PV Báo CAND, biên kịch Lê Chí Trung tâm sự: Nghệ sĩ không ai viết lịch sử để cho lịch sử, mà là để gửi gắm những tâm sự, trăn trở về những vấn đề mang tính xã hội hôm nay. Vở diễn giống như một khát vọng về công lý, ca ngợi kẻ sĩ Bắc Hà dám đương đầu với bạo cường, bảo vệ công lý cho người dân vô tội.

Trong những thời khắc lịch sử nhiễu nhương nào đó, công lý có chao đảo, thậm chí gục ngã, nhưng nếu có những người dũng cảm như Ngô Thì Nhậm, Lê Quý Đôn và nhất là những người dân dám đứng lên bảo vệ lẽ phải, thì công lý của cả dân tộc không bao giờ gục ngã.

Thanh Hằng
.
.
.