Diễn viên Hồng Sơn trong vai trò Giám đốc sản xuất phim:

Niềm tin từng được thử thách

Chủ Nhật, 20/12/2009, 18:38
Sau một thời gian im hơi lặng tiếng vì tai nạn gãy hai chân, Hồng Sơn đã trở lại màn ảnh, chỉ khác một điều là ở vai trò Giám đốc sản xuất phim. Liệu có bất ngờ quá không khi diễn viên nổi tiếng và gặp nạn này có sự thay đổi? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh.

Phóng viên (PV): Em nghe chị Thu Hương (vợ cũ Hồng Sơn) nói, anh được Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam ký hợp đồng làm Giám đốc dự án phim cho một công ty truyền thông của tập đoàn?

Hồng Sơn (HS): Ngày 1/9/2009, anh đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Văn hóa truyền thông xanh (Greentv), thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam để làm công tác khai thác phim và Giám đốc dự án phim. 5 ngày sau khi ký hợp đồng, anh bay vào TP HCM và bắt tay thực hiện tiếp bộ phim "Nghe trà", hiện đang phát sóng trên HTV9 với vai trò là Giám đốc sản xuất. Mức lương hằng tháng 8.000.000đ, nếu làm Giám đốc sản xuất phim (căn cứ vào thời gian sản xuất từng bộ phim) thì cộng thêm thu nhập 12.000.000đ/tháng.

PV: Thế thì anh Hồng Sơn bây giờ là đại gia rồi!

HS (cười): Đây là mức thu nhập tương đối, giúp anh dần ổn định cuộc sống. Nhớ lại lúc anh bị tai nạn, vợ cũ, con gái và bạn bè mỗi người một ít xúm lại giúp mới có tiền trả viện phí. Cũng may những lúc sa chân lỡ bước, anh luôn có những người thân, bạn bè giúp đỡ. Trong lúc anh đang nằm dưỡng bệnh, thì cậu Giám đốc Greentv đến thăm và nói: "Lúc nào anh khỏi thì đến chỗ em làm".

PV: Và rồi anh đã làm Giám đốc?

HS (cười): Trong công ty, anh làm ở phòng khai thác phim. Sau khi lựa chọn phim và nhận được sự đồng thuận của Ban Giám đốc Công ty, sẽ lên kế hoạch sản xuất. Lúc đó, anh sẽ thực hiện nhiệm vụ của Giám đốc sản xuất.

PV: Vậy có gì khác nhau giữa vai trò diễn viên và Giám đốc sản xuất phim không, thưa anh?

HS: Em cứ hình dung, Giám đốc sản xuất giống như người nuôi con mọn. Anh ta phải lo chọn phim, ê kíp làm phim, phối hợp chọn diễn viên, dẫn đoàn, chọn cảnh, thuê mượn bối cảnh, ăn, ở... Dù vai trò thay đổi nhưng anh cũng không lạ lẫm với công việc này bởi đã quen với trường quay, với diễn xuất... Quan trọng hơn, anh thấy rất yêu công việc này.

PV: Nghe anh đề cập đến việc chọn phim, em muốn biết tiêu chí để chọn phim của anh nói riêng và Công ty Greentv?

HS: Rất may là ê kíp làm việc ở công ty rất ăn ý nên việc lựa chọn phim thường có sự thống nhất cao. Trước đó, bên anh sẽ nói chuyện với tác giả kịch bản, đạo diễn, nếu bắt được ý tưởng của nhau thì... OK. Quan trọng là cách nhìn. Có khá nhiều người đưa những kịch bản về tuổi teen chào hàng nhưng bên anh không chọn, vì vấn đề này đề cập nhiều rồi. Hiện nay, Greentv đã ký hợp đồng sản xuất các phim như: "Ma làng" phần 2, "Giải tỏa", "Em muốn đến nước Mỹ", "Thầy cãi"... Đây là các phim tâm lý xã hội, đề cập đến các góc cạnh của đời sống. Anh tin tưởng việc khai thác mảng đề tài này là hướng đi đúng.

PV: Nhân việc anh nhắc tới "Ma làng", em muốn biết anh Giỏ trong "Ma làng" của Hồng Sơn đã đưa anh trở lại vị trí trước đây trong lòng khán giả, nay vai trò của anh giờ đã thay đổi, liệu anh có "bỏ rơi" anh Giỏ?

HS: Không bao giờ. Anh đã thống nhất với đạo diễn và cũng là tác giả kịch bản Nguyễn Hữu Phần sẽ tiếp tục đóng vai này. Anh Giỏ trong phần 2 vẫn trong dòng nhựa nhựa như ở phần 1. Trong phần này, khán giả sẽ yêu anh Giỏ hơn. Cuối phim, anh Giỏ sẽ lấy cô Ló.

PV: Đây có phải là kết thúc có hậu như người diễn viên thủ vai Giỏ hiện nay?

HS (cười): Bối cảnh xã hội trong phim vẫn là nông thôn nhưng đạo diễn Nguyễn Hữu Phần sẽ khai thác ở khía cạnh gần hơn với đời sống. Kể cả khi làm diễn viên lẫn khi làm Giám đốc sản xuất, điều anh quan tâm nhất là làm sao để bộ phim đến với khán giả mượt mà nhất. Cái kết thúc có phần êm ái của cuộc đời anh Giỏ cũng vì bản chất của anh ta tốt. Đây là cái kết có ý nghĩa.

PV: Với số lượng phim đang trong kế hoạch lớn như vậy, hẳn áp lực công việc đối với anh không nhỏ?

HS: Áp lực lớn nhất hiện nay là tốc độ làm phim. Do yêu cầu của khách hàng (cụ thể là các đài truyền hình), đáp ứng đúng tiến độ rất quan trọng bởi lịch phát sóng đã lên. Ví dụ như phim "Nghe trà", phần hậu kỳ gần như làm song song với việc quay phim. Thứ hai là tổ chức đoàn làm phim. Một ê kíp sản xuất phim vài chục người, mỗi người đều có vị trí của mình nhưng làm thế nào để công việc trơn tru là cả một vấn đề không đơn giản. Hiện nay, do sức ép về kinh phí nên tiết kiệm thời gian cũng giảm được tiền bạc. Không để thủng ngày quay nào vừa thể hiện tính khoa học trong công việc, vừa tiết kiệm tài chính.

PV: Đúng là Giám đốc thì không thể không quan tâm đến vấn đề tài chính, xem ra đây cũng thử thách đối với một diễn viên có tiếng là lãng tử như anh? 

HS: Theo anh, cái cần để nâng cao chất lượng phim truyền hình hiện này là có trường quay, tăng kinh phí, tăng chất lượng đào tạo diễn viên. Hiện nay, trường quay của chúng ta chưa có. Các nhà sản xuất phải tận dụng, lắp ghép những bối cảnh hiện có để làm phim. Trung bình, một tập phim truyền hình có kinh phí khoảng 100.000.000đ. Để mặc vừa "tấm áo" này, nhà sản xuất phải tính chi ly tới mức chỉ được phép quay 1 tập phim trong 2,5-3 ngày. Đáp ứng yêu cầu này, người trực tiếp làm phim như anh phải tính sao cho sản phẩm của mình làm ra không vượt quá mức tiền được phép chi trả.

PV: Theo em được biết, lợi nhuận của nhà làm phim chủ yếu căn cứ vào tiền quảng cáo. Phim của anh có hút khán giả, mới có nhiều doanh nghiệp quảng cáo. Thế nên, một số nhà sản xuất phim đã chọn những đề tài nóng của xã hội và đưa dàn diễn viên trẻ đẹp đang nổi trong làng giải trí lên để câu khách. Quan niệm của anh về vấn đề này như thế nào?

HS: Rất may cho anh là Greentv không đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu nên không bị sức ép câu khách. Tuy nhiên, không vì thế mà anh không quan tâm đến tính hấp dẫn của phim. Anh ví dụ, phim "Ma làng" nào có mỹ nhân đâu mà vẫn khiến nhiều khán giả thích. Cái hay của nó là khán giả nhìn thấy đời sống thực tại trên phim. Cái tài của người diễn viên là đã hoá thân một cách nhuần nhị, khiến cho người xem không cảm thấy như đang xem kịch.

PV: Anh từng nói, anh là người diễn viên duy nhất sống được bằng nghề đóng phim. Với một người từng có tần suất xuất hiện nhiều trên màn ảnh như anh mới có may mắn như vậy, hẳn những diễn viên trẻ rất trầy trật với cuộc sống nếu chỉ sống bằng nghề diễn.

HS: Khi anh rời trung tâm cai nghiện, anh đã tự giam mình trong phòng trọ ở bãi sông Hồng, một địa điểm rất phức tạp về ma tuý và sống bằng tiền "cứu trợ" của vợ cũ và con gái, anh thấm thía sự quý giá của đồng tiền lắm lắm. Anh em bạn bè cũ sau này đã gọi đi đóng phim để kiếm sống. Phim nọ nối tiếp phim kia nên anh không bị thất nghiệp. Có được điều này vì anh có bạn bè tốt và có chút ít kinh nghiệm trong nghề diễn.

Còn diễn viên trẻ bây giờ thì sao? Theo anh biết, chẳng ai sống bằng nghề cả. Tiền cát sê quá thấp, trong khi đó không phải lúc nào cũng có phim để đóng. Ngoài ra, cũng chẳng có hội nghề nghiệp của diễn viên truyền hình nên tiếng nói, quyền lợi của họ hầu như không có. Thế nên, phần lớn diễn viên truyền hình đều là người của nhà hát, đoàn nghệ thuật nào đấy hoặc có một cái nghề khác nữa. Đây cũng là lý do khiến diễn xuất của một bộ phận diễn viên trẻ không được tốt lắm.

PV: Đề cập đến vấn đề chất lượng diễn viên, em thấy khán giả cũng chê diễn xuất của diễn viên phim truyền hình  nhiều lắm.

HS: Có thể do đào tạo chưa tốt, cộng với việc người học, học hời hợt. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của anh, nếu ai đó say nghề thực sự sẽ tự học và tạo dựng được phong cách riêng. Anh thấy lớp diễn viên trẻ bây giờ thiếu trải nghiệm quá. Còn một điều đáng buồn có một bộ phận làm diễn viên để lấy danh chứ không phải yêu nghề. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc để tìm kiếm được những gương mặt diễn viên trẻ ấn tượng rất khó khăn.

PV: Anh đã làm thế nào để tuyển diễn viên tốt cho phim của mình?

HS: Những người làm nghề cùng thời với anh đều có cách nhìn, cách cảm của riêng mình. Nhìn là biết ngay, ai có thể nhập vai nào.

PV: Có một câu hỏi mà em cho rằng, độc giả rất muốn nghe từ anh. Đó là tại sao Greentv lại chọn anh?

HS: Quá khứ của anh phơi bày trước tất cả. Anh có giấu giếm gì đâu. Bản thân Giám đốc Greentv lần đầu tiên gặp anh cũng gặp tại trung tâm cai nghiện. Như một cái duyên, các anh lại gặp lại nhau và... nên chuyện. Thực ra anh cũng hiểu, mọi người có quyền nghi ngờ bởi thực tế, rất ít người có thể đoạn tuyệt được với ma tuý. Những người lãnh đạo ở Greentv đặt niềm tin vào anh không phải là ngẫu nhiên mà họ có thời gian để nhìn nhận. Anh tự nhận thấy, để có được niềm tin này, mình đã vượt qua nhiều thử thách.

PV: Vì thực tế như anh nói, rất ít người đủ nghị lực để thoát khỏi ma tuý nên thiên hạ mới nghi ngờ anh. Có người còn nói với em, họ vẫn hoài nghi ở anh điều này. Em đã nói rằng, anh có gần 2 tháng ở trong bệnh viện để điều trị 2 cái chân gãy, hẳn là các bác sỹ đã nhiều lần xét nghiệm máu. Nếu anh còn sử dụng ma tuý, chắc chắn sẽ bị phát hiện?

HS: Đúng thế. Mới đây vào TP HCM làm phim, mấy cậu trẻ tuổi rủ đi sàn nhảy. Họ đã mời anh hút tài mà. Anh bảo: "Cái thứ này anh không bao giờ đụng vào nữa". Đến thuốc lá, con gái anh đã luyện cho bố hút loại thuốc của phụ nữ. Và anh thấy, nó có lý.

PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này. Chúc anh thành công trong vai trò mới

Cao Hồng (thực hiện)
.
.
.