Nick Vujicic và thông điệp “không bao giờ bỏ cuộc”

Thứ Bảy, 25/05/2013, 14:06
“Trong cuộc đời không có khuyết tật nào lớn hơn và tồi tệ hơn định đầu hàng số phận”, Nick Vujicic đã chuyển tải thông tin này đến với gần một nghìn người khuyết tật và hơn 4.000 trẻ em tại sân vận động Quần Ngựa, Hà Nội chiều 24/5. Chỉ trong 3 ngày ở Việt Nam, chàng trai không chân, không tay đến từ nước Úc đã nhận được sự đón nhận hào hứng của hàng vạn người, trong đó có cộng đồng người khuyết tật Việt Nam.

Kỳ tích của người không chân, không tay Nick Vujicic khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Để có thể đá bóng, bơi, lướt ván, viết sách, diễn thuyết... Nick Vujicic đã luôn cố gắng. Nói theo ngôn ngữ của anh trong buổi giao lưu với các bạn sinh viên ở sân vận động Mỹ Đình tối 23/5 là “không bao giờ bỏ cuộc”. Ý chí không bao giờ bỏ cuộc giúp anh luôn đi đến đích. Cái ví dụ đơn giản mà Nick nêu ra trong buổi giao lưu là việc anh phải tiến đến cái điện thoại di động cách mình chỉ hơn một mét. Nếu anh không kiên trì đi thẳng đến chỗ cái điện thoại mà quay lưng lại thì mãi mãi, không bao giờ lấy được cái điện thoại dù nó chỉ cách đấy hơn một mét.

Một ví dụ đơn giản nhưng rất thuyết phục của Nick diễn ra trước mặt hàng nghìn khán giả. Nick chia sẻ ký ức tuổi thơ trước hàng nghìn người bằng câu chuyện, năm 6 tuổi, cậu bé Nick đã khóc rất nhiều khi bị bạn chê cười vì vẻ bề ngoài không bình thường. Năm 10 tuổi, cậu bé Nick từng muốn chết... Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy, để trưởng thành như hôm nay, Nick đã phải trải qua rất nhiều rào cản. Và mỗi lần bước qua, thêm một thang bậc để vươn tới thành công.

Cô bé Linh Chi 8 tuổi, ở Yên Bái có vẻ bề ngoài rất giống Nick. Bé sinh ra không có chân, không có tay. Nhưng bé vẫn đến trường, vẫn viết và vẽ và vẫn đi lại... Nhìn Nick di chuyển trên sân khấu, tôi lại hình dung ra cách di chuyển của Linh Chi. Họ đều đi bằng những đôi chân của ý chí.

Nick Vujicic trong buổi giao lưu với người khuyết tật và học sinh Hà Nội chiều 24/5 tại Sân vận động Quần Ngựa.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa cô bé Linh Chi và Nick đã đem đến cho cộng đồng sự cảm phục. Ở họ, có chung một ý chí. Ý chí không khuất phục số phận. Sau cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa ở sân vận động Mỹ Đình với Nick vào tối 23/5, chiều 24/5 tôi lại thấy cô bé này cùng mẹ có mặt trong buổi giao lưu của Nick ở sân vận động Quần Ngựa. Tôi tin rằng, sau những cuộc gặp gỡ này, cô bé Linh Chi sẽ lớn lên trong niềm lạc quan chứ không phải lấn vấn bởi những câu hỏi, tại sao mình không có chân, có tay; tại sao mình không giống như các bạn khác...

Nguyễn Thị Sơ Ri, nữ vận động viên khuyết tật – người có một gia tài là 28 huy chương quốc tế và trong nước sau cuộc giao lưu với Nick đêm 22/5 ở thành phố Hồ Chí Minh đã thốt lên với tôi rằng, “em thấy mình còn may mắn hơn Nick. Bởi, em vẫn có tay, vẫn có chân”. Nghe Sơ Ri nói mà tôi ứa nước mắt. Đúng là Sơ ri có đủ chân, đủ tay nhưng em phải đi lại bằng xe lăn. Em đã so sánh với Nick để thấy rằng, Nick chỉ có hai ngón chân nhưng anh có thể bơi, đá bóng, trượt ván, viết sách và đi khắp thế giới. Tôi từng biết rằng, để trở thành một “kình ngư”, những ngày đầu tiên Sơ Ri đến với môn bơi vô cùng vất vả. Em gần như bị ném xuống nước.

Bản năng sinh tồn, ý chí đã khiến cô bé một thân một mình từ Long An lên thành phố Hồ Chí Minh không để mình bị nước nhấn chìm. Điều đặc biệt là chỉ ít ngày sau khi đến với môn bơi, Sơ Ri đã gặt hái cho mình huy chương đầu tiên. Trò chuyện với Sơ Ri, tôi ngộ ra một điều rằng, khả năng tiềm ẩn của con người là vô tận. Cái quan trọng là biết phát hiện và khơi dậy khả năng ấy. Sơ Ri là một điển hình.

Không chỉ đem lại vinh quang cho thể thao người khuyết tật Việt Nam, năm 2013, Sơ Ri đã tốt nghiệp đại học, chuyên ngành Anh văn. Nếu không có ý chí, hẳn cô gái khuyết tật nhỏ bé này đã không chinh phục được tri thức và mấy chục tấm huy chương.

Ở Việt Nam, có bao nhiêu người như Nick Vujicic? Có. Rất nhiều. Những tấm gương điển hình của người khuyết tật Việt Nam nhiều vô kể. Đó là Trần Công Hùng, Hiệp sỹ công nghiệp thông tin; Trần Công Thanh, Hiệp sỹ Công nghệ thông tin; Khuất Hải Vân, Hiệp sỹ công nghệ thông tin; dịch giả Bích Lan.... Họ là những người đã vượt qua rất nhiều chướng ngại vật để sống độc lập và có nhiều đóng góp cho xã hội. Sức lan tỏa, sự ảnh hưởng từ những người như Nick Vujicic và những người khuyết tật Việt Nam tiêu biểu đến cộng đồng rất lớn. Bản thân người viết bài này vẫn còn thuộc nằm lòng bài học từ thủa ấu thơ về thầy Nguyễn Ngọc Ký.

Những Nick Vujicic made in Việt Nam đã góp phần không nhỏ khơi dậy ý chí, thắp lên niềm hy vọng cho nhiều người trong xã hội. Trò chuyện với những người khuyết tật đã và đang giao lưu với Nick, tôi thấy họ đều có chung nhận xét rằng, Nick là một tấm gương. Họ sẽ không đầu hàng số phận như Nick.

Nguyễn Thị Sơ Ri – VĐV khuyết tật: Em thấy mình còn may mắn hơn Nick

Sau cuộc giao lưu với Nick Vujicic, em thấy mình may mắn hơn anh ấy bởi, em chỉ bị khuyết tật đôi chân. Cuộc đời của Nick cho em bài học về ý chí vươn lên, không bao giờ được phép bỏ cuộc. Cách giao lưu của Nick thật cởi mở, thân tình. Anh ấy có cái nhìn vui tươi, nụ cười thật rạng rỡ.

Linh Chi tại buổi giao lưu của Nick chiều 24/5.
Linh Chi sẽ học tập chú Nick

Bé Linh Chi, 8 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Bé là thế hệ thứ 3 trong gia đình bị ảnh hưởng chất độc da cam. Ông nội bé từng chiến đấu ở mặt trân Khe Sanh, Quảng Trị và bị nhiễm chất độc da cam. Sinh ra, Linh Chi đã không có chân, có tay. Linh Chi đã tập đi, tập viết, tập vẽ bằng chính “đôi tay” của mình.

 

Nguyễn Đức Thể - Trung tâm Khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội): Tôi thấy may mắn là mình không đầu hàng số phận

Tôi có cảm giác khâm phục Nick. Tôi đã mua và đọc hai quyển tự truyện của anh nên rất hiểu, anh đã vượt qua số phận như thế nào. Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp THPT tôi phát bệnh – căn bệnh di chứng chất độc da cam. Tôi bị liệt toàn thân, nằm bẹp suốt mấy năm liền. Nhưng ý chí thôi thúc tôi ngồi dậy, thôi thúc tôi bám thành giường tập đi… Nay, tôi đã trở thành một người thợ làm tranh đá quý. Tôi thấy may mắn là mình không đầu hàng số phận.

Anh Nguyễn Như Liêm – Một người khuyết tật và đang là cán bộ Trung tâm Khuyết tật Thụy An:  Ai cũng có khả năng tiềm ẩn, quan trọng là khơi dậy

Tôi từng là trẻ khuyết tật và lớn lên ở Trung tâm Nuôi trẻ khuyết tật nên tôi hiểu thế nào là không đầu hàng số phận. Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi đã thi đỗ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tốt nghiệp đại học, tôi lại trở về chính trung tâm nuôi tôi hồi nhỏ để công tác. Công việc hàng ngày của tôi là dạy nghề và hướng nghiệp cho các em khuyết tật. Câu chuyện của Nick và cuộc đời của anh khiến tôi rút ra một điều, ai cũng có những khả năng tiềm ẩn, quan trọng là biết khơi dậy và phát huy nó.

Cao Hồng
.
.
.