Những vấn đề lớn về “văn hóa làng quê” chốn đô thị

Thứ Bảy, 06/09/2014, 14:20
Tốc độ đô thị hóa như vũ bão, đã kéo theo nhiều hệ lụy mà sự giao thoa, xâm thực giữa các vùng miền đã tạo nên một màu sắc văn hóa của những người thành phố “không giống ai”, theo kiểu “nửa tỉnh nửa quê”. Sự xung đột văn hóa đã diễn ra trong bối cảnh văn hóa chưa theo kịp cuộc sống hiện đại vốn đang mở ra với kích cỡ đa chiều, tạo nên bức tranh phức tạp trong cuộc sống của những con người từ nông thôn ra thành phố. Đó cũng là những vấn đề lớn lần đầu được Nhà hát Tuổi trẻ đặt ra trong chùm tiểu phẩm “Ao làng”, vừa được dàn dựng để ra mắt khán giả trong tháng 9 này.

“Ao làng” là kịch bản của tác giả Nguyễn Toàn Thắng, được NSƯT Chí Trung, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ và là đạo diễn của vở, đặt hàng. Với 5 tiểu phẩm hài về những cảnh trớ trêu của đời sống thành thị gồm “Tên làng”, “Sống thử”, “Ghen ngược”, “Tiếp thị”, “Ôsin”, chùm hài kịch “Ao làng” đã thu hút khán giả từ đầu đến cuối, bởi những câu chuyện hết sức gần gũi trong cuộc sống, bằng những góc nhìn chân thật, hóm hỉnh, nhưng cũng rất vui tươi và duyên dáng.

Cảnh trong vở “Ao làng”.

Chia sẻ với PV Báo CAND, biên kịch Nguyễn Toàn Thắng cho biết: “Với “Ao làng”, tôi muốn chuyển đến khán giả một vấn đề mang tính xã hội, tính thời sự hiện nay: Chúng ta có đô thị nhưng chưa có con người đô thị, người dân quê lên thành phố, ngoài những đức tính như cần cù, chăm chỉ, thật thà v.v… thì lại cũng mang theo cả những ngơ ngác, những ước muốn đổi đời. Chính những cái đó tạo nên không ít va đập trong cuộc sống, và đã tạo nên nhiều bi hài kịch.  Vì tôi cũng là nông dân 100%, nên tôi nhìn người dân quê trong cuộc sống ở đô thị hiện đại với con mắt đầy cảm thông, cũng như đầy chua xót. Ước vọng của người dân quê, cũng như mọi ước vọng thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn nói chung, đều chả bao giờ là xấu cả. Nhưng, sự va đập cũng như những gì trớ trêu trong quá trình thực hiện khát vọng đó, đã tạo nên tiếng cười. Và tôi muốn phản ánh hiện thực ấy. Còn đón nhận như thế nào, lại tùy thuộc vào khán giả, vì mỗi người, bằng phông văn hóa, sự trải nghiệm cá nhân, sẽ thấy ở “Ao làng” những cảm nhận khác nhau”

Thanh Hằng
.
.
.