Những sứ giả không biên giới

Chủ Nhật, 13/06/2010, 15:46
Cuộc gặp gỡ giao lưu giữa các nhà văn Mỹ và Việt Nam tại Hòa Bình trong dịp tháng 6/2010 này đã chứng minh hùng hồn cho nhận định của tôi: Nhà văn là những nhà ngoại giao bằng văn hóa.

1. "Nhà văn là kỹ sư tâm hồn". "Nhà văn là lương tâm". "Nhà văn nhịp cầu nối thế giới"… Những gì người ta ưu ái cho nhà văn từ xưa quả không sai. Qua nhiều chuyến đi nước ngoài tiếp xúc với các nhà văn và công chúng, tôi cảm thấy nhà văn còn là sứ giả không biên giới. Bởi lẽ, có nhiều điều nhà chính trị chưa làm được thì nhà văn, với sự nỗ lực văn chương lại đầy sức thuyết phục. Họ chính là những nhà ngoại giao bằng văn hóa viết.

Điều quan trọng là nhà văn đã thuyết phục công chúng không phân biệt tôn giáo hay đảng phái chính trị bằng các tác phẩm đầy tính nhân văn sâu sắc, với ngòi bút chĩa vào sự thật trong sâu thẳm hồn người. Văn chương đạt tới cái đẹp chống lại cái xấu thì ai còn lương tâm cũng đều dễ dàng chia sẻ; hơn nữa, văn chương hướng tới cả sự phục thiện của con người, và chính nhà văn khi hướng tới cái đẹp cũng đồng thời làm cuộc tẩy trần chính mình.

Trong một số nhà văn Mỹ tôi gặp, có những nhà văn đã từng tham chiến tại Việt Nam cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Rõ ràng cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm họ cắn rứt lương tâm sau khi trở về với công việc của mình. Họ thành lập Trung tâm William Joiner (WJC) bao gồm những nhà văn là cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam và những nhà văn cùng chí hướng hóa giải hận thù như một sám hối chiến tranh nhằm hòa hợp thân thiện với Việt Nam trên tinh thần nhân loại. "Một lần là kẻ thù, mãi mãi là bạn", đó là phát ngôn của nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng là tuyên ngôn của Kevin Bowen, Giám đốc WJC.

Và với nhiều lần trở lại Việt Nam, những nhà văn thuộc WJC đã thể hiện rõ thiện chí của mình bằng nhiều cuộc tiếp xúc, bằng tác phẩm, bằng những cuộc mời nhà văn Việt Nam đến Mỹ giao lưu, sáng tác và nghiên cứu mảng văn học "hậu chiến" liên quan đến chiến tranh Việt Nam.

Bài thơ "Chơi bóng rổ với Việt cộng" (cũng là tên tập thơ của Kevin Bowen) viết về cuộc chơi của tác giả với nhà văn Nguyễn Quang Sáng trên sân bóng nhà mình đã mở ra một thời kỳ mới cho cái nhìn thân thiện sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc. Đó là cái nhìn rất sớm, trước cả thời kỳ Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam 5 năm. Khi các nhà văn đến với nhau, kéo theo cả các chính phủ đến với nhau, đó là điều mà ai cũng thấy chứ không chỉ Kevin khi đoàn nhà văn của ông được Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tiếp đón nồng nhiệt.

Từ trái qua: các nhà văn Tô Nhuận Vỹ; Kevin Bowen; Nguyễn Trọng Tạo; Nguyễn Bá Chung và Trần Đăng Khoa tại Hòa Bình.

2. Sau 20 năm với nhiều nỗ lực hoạt động của tổ chức phi chính phủ WJC kết hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà văn hai nước đã trở thành những người bạn. Và một cuộc hội thảo chính thức mang tên "Văn học Việt Nam - Hoa Kỳ sau chiến tranh" đã được hai trường đại học Văn hóa Hà Nội và Masachusetts phối hợp tổ chức tại Việt Nam.

Tôi rất vui khi gặp lại những nhà thơ Mỹ ở đây: Kevin Bowen, Bruce Weigl, Fred Marchant, Martha Collins, John Dean, George Kovach… và đặc biệt là nhà thơ Việt Nam sống ở Boston Nguyễn Bá Chung, một sứ giả nối cầu văn học Việt - Mỹ, người đã đón tôi và những nhà văn từ Việt Nam vô cùng thân thiết khi đến Mỹ.

Các nhà văn Việt Nam đã từng đến Mỹ cũng có mặt khá đông đủ: Nguyên Ngọc, Lê Lựu, Nguyễn Quang Sáng, Tô Nhuận Vỹ, nhà thơ Hữu Thỉnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Quang Thiều, đạo diễn Trần Văn Thủy, GS Hoàng Ngọc Hiến, GS Nguyễn Huệ Chi... Chính ở đây, người Mỹ và người Việt đã tìm lại nhau qua văn học.

Những tham luận được trình bày tại Hội thảo đều hướng tới cái nhìn về bộ mặt thật sự của con người. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, "chiến tranh chỉ nhìn nhau bằng bộ mặt kẻ thù; chỉ có sự thức tỉnh của lương tri, con người mới tìm thấy bộ mặt thật đáng yêu của con người qua văn học. Sự thân thiện của các nhà văn từng đối đầu trong chiến tranh không chỉ thức tỉnh tinh thần nhân văn của hai dân tộc Việt - Mỹ mà còn làm thay đổi cả cách nhìn của người Việt trong nước và hải ngoại với nhau trên tinh thần cao cả".

Nhà văn Kevin luôn nở cười sau bao nhiêu gian nan mới thông được nhịp cầu, nhưng ông cũng khiêm tốn phát biểu với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã dành thời gian tiếp đoàn: "Nhiều người trong chúng tôi 40 năm trước sang Việt Nam với tư cách người lính cầm súng để đánh các ông, còn hôm nay được ngồi ở đây trò chuyện với người đứng đầu Nhà nước Việt Nam là một điều hết sức đặc biệt. Đó cũng là nhờ sự rộng lượng và lòng nhân ái của người Việt Nam, và tôi hy vọng sự giao lưu này còn kéo dài đến thế hệ con cháu của chúng ta nữa".

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều thực tâm chia sẻ: "Trung tâm William Joiner là nơi tiên phong trong xã hội Mỹ và không ngưng nghỉ thực thi sứ mệnh cao cả của các nhà thơ, nhà văn nói riêng và của bộ phận những tri thức tiến bộ Mỹ nói chung trong việc mang đến cho công chúng Mỹ một hình ảnh chính xác nhất về đất nước và con người Việt Nam. Và hình ảnh này đã thay đổi một cách cơ bản cái nhìn của nước Mỹ đối với Việt Nam. Con đường của các nhà văn, nhà thơ hai nước đã và đang đi là con đường đến với cái đẹp. Nhưng con đường đi đến cái đẹp không phải là con đường của hoa và những lời tung hô. Con đường đó phải đi qua những ngờ vực, những thù hận và đầy thách thức".

Vâng thật nhiều gian nan để đến được với nhau. Nhà văn Lê Lựu tuy đang đau ốm vẫn đến Hội thảo để nói rằng, ông là người đầu tiên đến Mỹ theo lời mời của WJC, với bao cay đắng vì những lời đồn đại không hay, có khi đã phải úp mặt khóc; nhưng trái tim nhà văn đã không cho phép ông lùi bước, và chỉ có trái tim nhân ái thì hai kẻ thù của nhau mới không hận thù nhau được . Chỉ khi tiếp xúc với nhau bằng những giá trị văn học đích thực, người ta mới thực sự chia sẻ được.

Và văn học thực sự thuyết phục những ai đang nghi ngờ lòng tốt ở con người. Nhiều tập thơ Việt Nam đã được các bạn Mỹ chuyển dịch và xuất bản giới thiệu với công chúng Mỹ. Nhà thơ Fred Marchants từng dịch thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, những bài thơ của Khoa đã thực sự làm cho ông yêu ngôn ngữ Việt Nam và tâm hồn Việt Nam. Ông sung sướng khi nhìn thấy tấm ảnh mình bên cạnh Khoa khi giới thiệu tập thơ, và khẳng định: "Ngày càng thấy có một xu hướng rất lớn trong giới trẻ Mỹ muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, đất nước Việt Nam qua văn học. Và văn học là cách tốt nhất để hiểu một dân tộc".

Nhà văn Lê Lựu (nhà văn VN đầu tiên sang Mỹ) cùng các nhà văn Việt Nam - Mỹ tại hội thảo (Ảnh: Nguyễn Đình Toán).

Trong đêm thơ Việt - Mỹ mang tên "Chơi bóng rổ với Việt cộng" diễn ra tại hội trường chính của V.Ressots tỉnh Hòa Bình, những bài thơ đã làm rộ lên tiếng vỗ tay vang dội. Đọc thơ và dịch thơ từ tiếng Anh sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng Anh ngay trên sân khấu hội trường lớn. Suốt 3 giờ liền với sự "lên tiếng" của hơn 20 nhà thơ. Một không gian đậm đặc tiếng thơ của những con người "một lần là kẻ thù, mãi mãi là bạn". Hình như các nhà thơ không còn phân biệt ngôn ngữ hay tuổi tác. Chỉ còn lại ý niệm của thơ ca và hòa bình, tự do và tình bạn.

Ngay cả khi Lâm Thị Mỹ Dạ bị quên nửa chừng vì quá xúc động, chị lại càng nhận được sự ưu ái chờ đợi của mọi người. Và nữ thi sĩ Martha Collins đã chia sẻ với tôi là chị rất thích thơ Mỹ Dạ và đã từng cùng một người bạn dịch được một tập thơ của bà trong đó có bài “Hương vườn” mà chị rất thích: "Đêm qua bom nổ trước thềm/ Sớm ra trời vẫn ngọt mềm tiếng chim/ Nghe hương cây vội đi tìm/ Hái chùm ổi chín lặng im cuối vườn".

Cũng trong đêm thơ này, nhà thơ Kevin Bowen báo tin bài viết của ông về tập thơ song ngữ Việt - Anh “Ký ức mắt đen” của tôi vừa được đăng trên báo Mỹ, như một sự tiếp nhận thơ Việt Nam đối với công chúng yêu thơ và muốn tìm hiểu văn học Việt Nam hôm nay. Nhà thơ Nguyễn Bá Chung cho biết, WJC sẽ xuất bản tập thơ “Ký ức mắt đen” trong sự tiếp tục giới thiệu văn học Việt Nam ở Mỹ. Và tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam cũng cần giới thiệu nhiều hơn nữa các tập thơ Mỹ, đặc biệt là những tác phẩm tiến bộ liên quan đến Việt Nam. Đó là nhịp cầu qua lại giữa hai nền văn học, để người Việt và người Mỹ ngày càng sát gần với nhau hơn.

3. Tôi nghĩ ở Mỹ không chỉ những nhà văn thuộc WJC quan tâm đến Việt Nam, mà còn rất nhiều nhà văn Mỹ đang lặng lẽ đến Việt Nam để tìm hiểu cuộc sống và văn học Việt Nam. Thơ Hồ Xuân Hương "khó" thế mà cũng đã được dịch và xuất bản ở Mỹ với số lượng lớn. Thơ Nguyễn Trãi cũng đã được dịch bởi Pol Hoover (kết hợp cùng nhà thơ Việt Nguyễn Đỗ) xuất bản tại San Francisco.

Nhớ lần tôi đến San Francisco, nhờ Nguyễn Đỗ tìm lại nhà thơ Pol Hoover, và thật bất ngờ, ông đã đưa cả vợ là nhà văn đến thăm tôi. Một đêm thật ngắn ngủi với chúng tôi, khi nói chuyện về thơ Việt và thơ Mỹ. Pol Hoover vốn thích uống rượu vang, nhưng đêm đó đã cùng tôi thức đến 1 giờ sáng "cưa" hết chai Wishky hảo hạng mà Nguyễn Đỗ dành thết khách quý. Pol Hoover nói rằng, ông đến Việt Nam gặp nhiều nụ cười dù còn nhiều vất vả, nhưng gặp người Việt ở Mỹ thì hình như họ quá lắm lo toan về cuộc sống. Vì thế mà thơ ở Việt Nam luôn tìm đến một ngôn ngữ mới hiện đại. Điều đó khiến ông rất đồng cảm. Và khi dịch thơ Việt sang tiếng Mỹ, ông thật nhiều ngạc nhiên về sự sáng tạo của những tâm hồn Việt luôn hướng tới cái đẹp và hiện đại, kể cả Nguyễn Trãi xưa hay thế hệ nhà thơ Việt hiện nay.

Những lời nói không hề "xã giao" đó khiến tôi càng thấy tự tin hơn về văn học Việt Nam mình. Quả thật, các nhà văn Việt Nam luôn cố gắng tạo nên những giá trị văn chương thực sự nhân văn và hiện đại nhằm hòa nhập cùng thế giới. Những giá trị ấy chính là ngôn ngữ và tư tưởng nghệ thuật. Nhiều năm chiến tranh gian khổ và trì trệ đã làm cho văn học ta gần như khép kín, không mở ra được với thế giới. Đã đến lúc nhà nước và nhà văn cùng nhìn lại chính mình cho sự phát triển và hội nhập của Việt Nam với thế giới.

Các cố gắng "Quảng bá văn học Việt Nam ra quốc tế" hay "Nhìn lại văn học Việt Nam sau chiến tranh" là những việc làm cần thiết. Nhưng nhà nước cần có quốc sách lớn và cụ thể cho VHNT Việt Nam trong tương lai mạnh mẽ hơn nữa mới hy vọng sự phát triển và hội nhập tốt đẹp. Bởi nhà văn chính là những sứ giả hòa bình và hiệu quả đối với việc truyền bá tâm hồn, tư tưởng Việt tới cộng đồng nhân loại. Vâng, chính nhà văn là những "sứ giả không biên giới".                

Hà Nội, 6/2010

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
.
.
.