Dư luận xung quanh bộ phim "Vượt qua bến Thượng Hải":

Những sáng tạo mới mẻ, hấp dẫn về Bác Hồ

Thứ Sáu, 17/12/2010, 17:18
Sau khi "Vượt qua bến Thượng Hải" được công chiếu, nhiều ý kiến khen ngợi về những sáng tạo mới mẻ về hình tượng Nguyễn Ái Quốc, vẫn có ý kiến cho rằng: một số bối cảnh Việt Nam chưa thật… Việt, hay những đạo cụ hiện đại, không phù hợp với thời điểm những năm 1930. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Triệu Tuấn, đồng đạo diễn phim "Vượt qua bến Thượng Hải" về những nội dung này:

PV: Thưa ông, "Vượt qua bến Thượng Hải" là bộ phim do Việt Nam sản xuất, có bối cảnh Trung Quốc và thuê nhân công một số khâu, trong đó có đạo diễn hiện trường, là người Trung Quốc. Ông có thể cho biết, sự phân công giữa hai đạo diễn như thế nào?

Đạo diễn Triệu Tuấn: Tôi và anh Phạm Đông Vũ (đạo diễn người Trung Quốc) cùng với nhà sản xuất thỏa thuận lịch làm việc chi tiết: tổng kết sau mỗi ngày làm việc và thống nhất công việc ngày hôm sau. Các cuộc họp có cả thiết kế mỹ thuật, giám đốc sản xuất, tư vấn giám sát, chủ nhiệm phim. Khi bắt tay vào làm phim, lại quay phim trên trường quay ở Trung Quốc, có nhân vật là diễn viên Trung Quốc đóng và tổ quay phim Trung Quốc, nên đạo diễn hiện trường được phân công cho anh Đông Vũ.

Còn tất cả các trường đoạn, hoặc các tình huống liên quan đến Việt Nam thì đạo diễn Việt Nam là người quyết định. Nếu có ý kiến cần tranh luận, thì 2 đạo diễn gặp riêng nhau, bàn bạc trao đổi, chứ không phát biểu ở hiện trường. Nếu có tranh luận lớn, trong trường hợp hai đạo diễn không thống nhất được, thì giám đốc sản xuất sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng trong suốt quá trình làm phim, chúng tôi đã không có tranh luận gì lớn, vì đều hiểu nghề nên dễ đi đến thống nhất.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về phần hậu kỳ?

Đạo diễn Triệu Tuấn: Hậu kỳ phim thì kỹ thuật viên dựng hình sơ bộ, còn lại hầu hết công việc dựng phim, hoàn thiện hậu kỳ là do tôi làm.

PV: Một số ý kiến cho rằng, phim có "sạn" về đạo cụ, như dùng thìa nhựa hay cánh cửa sắt, là không đúng với thời điểm chuyện phim xảy ra. Ông nói sao về điều này?

Đạo diễn Triệu Tuấn: Việc làm bối cảnh phim trong trường quay hoàn chỉnh, hiện đại khác rất nhiều so với việc làm phim của Việt Nam. Có thể nói là họ rất chuyên nghiệp. Toàn bộ khâu thiết kế mỹ thuật, bối cảnh, phục trang đã được khởi động trước khi bấm máy khoảng 4-5 tuần. Tại trường quay, có các nhà chuyên môn, đảm trách từng phần việc. Khi bấm máy, chỉ cần ghép các khâu với nhau.

Ví dụ: Với bối cảnh là phủ Tống, hay phủ ông Long, thì ngoài việc chọn dinh thự đúng mẫu thời kỳ lịch sử đó, thì có công ty chuyên cho thuê các đạo cụ nội thất đúng với thời kỳ đó. Do vậy, việc chuyển từ bối cảnh này sang bối cảnh khác hầu như không phải chờ đợi. Cũng chính vì cách làm chuyên nghiệp đó, nên đạo cụ dùng cho phim rất chính xác.

Vừa qua, sau khi công chiếu, có một vài ý kiến cho rằng, phim có "sạn" do diễn viên dùng chiếc thìa nhựa xới cơm, thực sự không phải như vậy. Tôi khẳng định không hề có chuyện thìa nhựa ở trong phim, mà đó là chiếc thìa sứ. Tôi nhớ rất rõ, vì ông thiết kế mỹ thuật không đồng ý dùng thìa sứ thường, xỉn màu, mà yêu cầu phải có loại đồ sứ Giang Tây dùng trong phủ họ Long. Với hệ thống đèn chiếu sáng rất lớn, có thể chiếc thìa sứ ấy phản chiếu ánh sáng, một vài bạn đã nhầm lẫn, tưởng đó là thìa bằng nhựa. Nếu nhặt sạn bối cảnh, đạo cụ thì các bạn nên thật tinh tường, nói có chứng cớ.

Cảnh trong phim "Vượt qua bến Thượng Hải".

PV: Còn chi tiết về "cửa sắt kéo"?

Đạo diễn Triệu Tuấn: Bạn có biết rằng cửa sắt kéo là loại cửa có từ bao giờ không? "Cửa sắt kéo" không phải đặc sản của ngày hôm nay. Những người già ở Hà Nội, đều biết loại cửa này có từ thời Pháp thuộc. Sau này, chính cái "cửa sắt kéo có lập là" được phục hồi lại thiết kế của cái "cửa sắt kéo" có từ cuối thế kỷ XIX ở Hà Nội. Cũng như cái ghế xếp, đâu phải đặc sản ngày nay, các ông cắt tóc thời Tây cũng có cái ghế xếp rồi. Tôi không biết các bạn nhìn cái cửa sắt kéo ở cảnh nào, hay là cách cải hoa văn gỗ của nhà Trung Quốc, khiến cho ai đó trông giống cái "cửa sắt kéo"?

PV: Vậy ông có thể nói gì về bối cảnh Hội An, Sài Gòn trong bộ phim này, khi có ý kiến chê là "giông giống" Hồng Kông, Thượng Hải?

Đạo diễn Triệu Tuấn: Có lẽ nên đặt câu hỏi lại: Bạn nào thắc mắc như vậy, liệu có xem kỹ Hội An và Sài Gòn năm 1905 như thế nào không? Tổ mỹ thuật của Việt Nam đã nghiên cứu nhiều tấm ảnh Hội An và Sài Gòn đầu thế kỷ, và nhất trí chọn góc phố Tàu Hội An và góc quận 1 của Sài Gòn cũ làm bối cảnh, hậu cảnh là khách sạn Continental, có quảng cáo bằng chữ Tàu và chữ Việt Nam quốc ngữ.

Cũng có ý kiến chọn bối cảnh Chợ Lớn khu phố Tàu, nhưng rồi lại thôi. Ngoài khung cảnh kiến trúc, còn có hàng quán, người đi. Phố Thượng Hải và Hồng Kông không thể có người ăn mặc kiểu ta đi lại, không có hàng quán Việt Nam bày bán, không thể có lính Tây đi lại ngông nghênh. Riêng hàng quán, chúng tôi cũng thảo luận rất kỹ, để đảm bảo tính xác thực đến từng chi tiết.

Tôi khẳng định, việc dựng bối cảnh Hội An và Sài Gòn có thể có chỗ chưa thật giống như đúc, nhất là Hội An chưa có cảnh đặc trưng, nhưng nói giống Hồng Kông hay Thượng Hải thì quả thật là võ đoán. Chính người nói điều đó không tinh tường, và chưa thật sự hiểu về các tín hiệu đặc trưng văn hoá của Việt Nam.

PV: Chúng ta trao đổi thẳng thắn về một số thắc mắc của người xem… Ông có cho rằng, việc làm bộ phim về Bác Hồ mà các tuyến nhân vật khác chiếm nhiều thời lượng hơn tuyến nhân vật chính, khiến người xem có cảm giác thiếu thiếu…?

Đạo diễn Triệu Tuấn: Điều này còn tùy vào quan niệm của mỗi người. Có người cho rằng, làm phim về Bác Hồ thì từ đầu đến cuối, Bác Hồ phải xuất hiện trong phần lớn các cảnh. Tôi không quan niệm như vậy. Các tác giả kịch bản cũng không có ý nghĩ ấy. Người Trung Quốc làm phim về Tôn Trung Sơn, từ đầu đến cuối, lúc nào cũng thấy như có mặt Tôn Trung Sơn, tinh thần Tôn Trung Sơn, nhưng thực tế, Tôn Trung Sơn chỉ xuất hiện gần 1 phút ở cuối phim.

Phim "Vượt qua bến Thượng Hải" không định làm theo mô-tuýp ấy, nhưng tất cả các nhân vật khác, đều được xây dựng để tô đậm tính cách nhân vật Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc chỉ xuất hiện trong những tình huống thật cần thiết và bối cảnh lịch sử, nhân vật lịch sử phải được truyền tải nhờ có sự góp mặt các nhân vật khác, để làm nên "dấu ấn lịch sử" cho bộ phim.

Thử giả sử, từ đầu đến cuối, hoặc 80-90% thời lượng là nhân vật Nguyễn Ái Quốc xuất hiện, thì phim thế nào? Chúng tôi không định minh họa lịch sử, cũng không định minh họa câu chuyện lịch sử, mà đây là một câu chuyện phim.

Nhân đây cũng nói thêm, cũng có người nói, tình huống phim không được đẩy lên gay cấn, nghẹt thở… hoặc cảnh thoát hiểm của Bác Hồ hơi dễ dàng. Chúng tôi cũng đã tiên liệu điều này. Đây không phải là phim trinh thám, mà là một bộ phim tâm lý xã hội, mang chủ đề lịch sử cách mạng, các tình tiết rượt đuổi, võ thuật cũng phải được tính toán để không lôi người xem về một phía cảm nhận khác, vẫn giữ cho thông điệp trung tâm là tôn vinh hình tượng nhân vật chính, về đạo đức, tính nhân văn trong tính cách điển hình Nguyễn Ái Quốc.

Dĩ nhiên, như giám đốc sản xuất phim đã nói hôm công chiếu, có một số cảnh, nếu được đầu tư hơn, thì cũng có thể làm hay hơn nữa, điều này tôi không phủ nhận.

PV: Xin cảm ơn cuộc trao đổi thẳng thắn của ông!

Thanh Hằng
.
.
.