Những người lính trong đội hình đặc biệt

Thứ Sáu, 31/07/2009, 17:46
Chỉ 1 ngày sau khi cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi, ngày 20/8/1945, Ban âm nhạc Giải phóng quân (tiền thân của Đoàn Nghi lễ Quân đội) đã được thành lập, cho thấy vai trò quan trọng của quân nhạc trong đời sống tinh thần của quân, dân ta.

64 năm qua, Đoàn đã vượt qua mọi gian nan, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đã được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quí: danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới; các Huân chương Chiến công hạng Nhất và hạng Nhì; cờ thưởng của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Quốc phòng và nhiều Bằng khen của nhiều Bộ, ngành và địa phương trong cả nước.

Những dấu ấn tự hào

Lịch sử của Đoàn Nghi lễ Quân đội luôn gắn liền với lịch sử cách mạng của đất nước. Trong kháng chiến, tiếng kèn quân nhạc không chỉ là nguồn động viên những người lính xung trận, cổ vũ đồng bào mà còn làm nên chiến thắng trước âm mưu chính trị của địch bên dòng Bến Hải. Hòa bình, Đoàn tiếp tục hoàn thành xuất sắc sứ mệnh phục vụ nghi lễ và góp phần xây dựng nền nghệ thuật âm nhạc cách mạng. Mỗi dấu ấn lịch sử của đất nước đều không thể thiếu vắng những chiến sĩ của Đoàn Nghi lễ Quân đội.

Thời kỳ đổi mới là giai đoạn phát triển đỉnh cao của Đoàn Nghi lễ Quân đội với các nhiệm vụ chính trị không còn chỉ trong phạm vi Quân đội. Đoàn vinh dự là đơn vị duy nhất trong toàn quốc được giao nhiệm vụ phục vụ nghi lễ cho Đảng, Nhà nước và Quân đội, thực hiện đường lối đổi mới và chính sách ngoại giao của Đảng, Nhà nước và phục vụ tang lễ trọn khâu cấp Nhà nước cho cán bộ TW quản lý và CBCS Quân đội.

Đây cũng là lực lượng phục vụ trực tiếp và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Đoàn nghi lễ Quân đội trong thực hiện nghi thức mới đón Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào 2009.

Với niềm tự hào ấy, với truyền thống hào hùng trong quá khứ, Đoàn đã đưa ra phương châm "Nghiêm trang, trọng thị khi đón khách, tận tình, chu đáo trong tang lễ" để hoạt động. Chỉ từ năm 2003 đến nay, Đoàn đã thực hiện gần 100 lần lễ đón các nguyên thủ quốc gia, các đoàn quân sự sang thăm Việt Nam và phục vụ 2 hội nghị tầm quốc tế là Hội nghị ASEM5 và Hội nghị APEC tại Hà Nội. Đó là chưa kể hơn 50 nghi lễ cấp Nhà nước cùng hơn 800 lễ tang các cấp.

Danh dự quốc gia là trên hết

Đại tá Ngô Chí Doanh, Đoàn trưởng Đoàn Nghi lễ Quân đội tâm sự: Mỗi nghi lễ đón khách của Nhà nước và Quân đội đều mang ý nghĩa chính trị trong các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Đó cũng là cánh cửa đầu tiên về văn hóa, con người cũng như sự hiếu khách của Việt Nam mà các nguyên thủ và lãnh đạo Quân đội các nước tiếp nhận khi đến nước ta. Làm nhiệm vụ đặc biệt như vậy, nên yêu cầu an toàn tuyệt đối và không có bất kỳ sai sót nào là sợi chỉ xuyên suốt mọi hoạt động của Đoàn trong tiến trình lịch sử vừa qua.

Trước chính sách đối ngoại của Việt Nam ngày càng mở rộng, Đoàn Nghi lễ Quân đội đã chủ động sáng tạo trong việc đổi mới nghi thức nghi lễ đón khách. Đại tá Ngô Chí Doanh tâm sự: "Đổi mới nghi thức thể hiện được sự trọng thị với các quốc gia, đồng thời, tôn vinh đất nước Việt Nam, khi thông qua nghi thức, bạn bè quốc tế cảm nhận về một Việt Nam phát triển mọi mặt. Vì thế, khó khăn mấy chúng tôi cũng vượt qua".

Đại tá Ngô Chí Doanh cho chúng tôi xem chiếc đồng hồ kèm tấm thiếp ghi "Tặng người đứng đầu đội danh dự bảo vệ quốc gia với những lời ngợi khen của Tổng thống Ấn Độ". Đây là kỷ vật mà Tổng thống Ấn Độ đã gửi tặng Đại tá sau chuyến thăm Việt Nam. Khi đến thăm Việt Nam, cảm kích trước lễ đón trọng thị, Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng nhờ Chủ tịch nước Trần Đức Lương chuyển lời khen tới Đoàn Nghi lễ Quân đội.

Đại tá Ngô Chí Doanh còn có niềm tự hào khi Tổng thống Pháp Francois Mitterrand tỏ ra hài lòng trước nghi lễ trọng thể của Việt Nam, mà buổi đó, Đại tá là người báo cáo trước Tổng thống. Đại diện nhiều quốc gia trước cũng gửi lời cảm ơn tới Đoàn Nghi lễ Quân đội vì đã chơi các bản quốc ca của nước họ thấm đẫm bản sắc dân tộc họ!

Đó là những phần thưởng vô giá đối với mỗi CBCS của Đoàn Nghi lễ Quân đội phía sau sự nỗ lực, cố gắng tự biên soạn, phối khí hơn 50 quốc ca các nước trên thế giới để luyện tập, phục vụ nhiệm vụ đón các đoàn quốc tế.

Đại tá Ngô Chí Doanh nhấn mạnh: Đó là kết quả từ sức mạnh mà Đoàn đã tạo được từ công tác giáo dục tư tưởng chính trị, sự rèn luyện kỷ luật trong dân chủ, để mỗi CBCS tự giác thực hiện khi đã thấu suốt vinh dự và vai trò quan trọng của người lính trong đội hình đặc biệt này.

Thêm một lần vinh dự được đứng bên Người

40 năm trước, các CBCS Đoàn Nghi lễ Quân đội đã đóng góp đáng kể để lễ tang của Hồ Chủ tịch được diễn ra trọng thể, ấn tượng với nhân dân và khách quốc tế. Giờ đây, họ thêm một lần vinh dự khi lại được đứng bên Người, trong chương trình "Hồ Chí Minh - một đời vì nước, vì dân" do BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp với Báo CAND và Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh tổ chức nhân 40 năm thực hiện Di chúc của Người.

Đại tá Phạm Trung Kiên, Chính ủy Đoàn tâm sự: Lần đầu tiên được tham gia một chương trình nghệ thuật lớn và có ý nghĩa như thế, lại vào dịp kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống của Đoàn, chúng tôi rất tự hào, nhưng cũng hiểu được trách nhiệm lớn lao. Vì thế, Đoàn đã dành sự quan tâm đặc biệt đến chương trình. Khoảng 200 nhạc công xuất sắc được lựa chọn để tham gia với các tiết mục đặc sắc.

Chương trình "Hồ Chí Minh - một đời vì nước vì dân" sẽ là buổi trình diễn đầu tiên trang phục mới của Đoàn trước công chúng, như một tình cảm riêng với chương trình. Việc luyện tập được tổ chức chu đáo nên hiện công tác chuẩn bị của Đoàn cho chương trình đã cơ bản hoàn tất. Sự náo nức, mong chờ được biểu diễn trong chương trình kỷ niệm về Bác đang là tâm trạng của mỗi CBCS.

Thành công từ chương trình "Hồ Chí Minh - một đời vì nước vì dân", Đoàn sẽ thêm  tự tin để tham gia chương trình nghệ thuật kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác do Nhà nước tổ chức vào tối 2/9, các chương trình chuẩn bị kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ III năm 2009…

Thanh Hằng
.
.
.