Tiến tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam(3/2/1930-3/2/2010):

Những ngày chuẩn bị thành lập Đảng

Thứ Năm, 28/01/2010, 09:47

Năm 1922, người thanh niên yêu nước Hoàng Quốc Việt rời làng quê bên Sông Cầu ra Hải Phòng học Trường Kỹ Nghệ thực hành. Khi đang học năm thứ 3, tấm gương oanh liệt của Phạm Hồng Thái lôi kéo ông vào con đường tranh đấu.

>>Trưng bày hiện vật quý mừng 80 năm Đảng Cộng Sản Việt Nam

Do tham gia đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu nên ông bị đuổi học phải trở về quê rồi lên làm tại mỏ than Phấn Mễ.Năm 1928, khi ông trở lại Hải Phòng làm việc tại xưởng Caron lúc này ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều tổ chức chính trị: Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Việt Nam Quốc dân Đảng, Tân Việt Cách mạng Đảng.

Nhưng qua tác phẩm "Đường Kách mệnh" của Nguyễn Ái Quốc và tờ báo Thanh Niên do Người sáng lập cùng với việc "truyền khẩu" của các cán bộ do đồng chí Nguyễn Ái Quốc huấn luyện, ông đã "sáng tỏ được những vấn đề cơ bản trong lịch sử cách mạng Việt Nam" rồi "quyết tâm đi theo đường lối của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, chính là nhờ đồng chí đã mang lại cho chúng tôi chủ nghĩa Mác - Lênin". Theo tạp chí Lịch sử Đảng (1990) nhà cách mạng lão thành Hoàng Quốc Việt đã kể về những ngày chuẩn bị thành lập Đảng như sau:

"Tháng 6 năm 1929 đến tháng 1/1930, ở Việt Nam lần lượt xuất hiện ba tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Lực lượng của Đông Dương Cộng sản Đảng chủ yếu ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, có cơ sở ở Nam Bộ.

An Nam Cộng sản Đảng hoạt động ở Nam Bộ, có cơ sở trong những người Việt Nam ở nước ngoài. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn hoạt động ở Trung Bộ, Nam Bộ và có cơ sở ở nước ngoài.

Cả 3 tổ chức cộng sản đều có nét chung là theo chủ nghĩa Mác - Lênin, nhận mình là Đảng mác xít chân chính, hướng hoạt động vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước.Có điều là tổ chức nào cũng muốn tranh giành ảnh hưởng chính trị về mình...

Một phong trào cách mạng chung mà lại có ba đội tiên phong đã tạo ra sự chia cắt thành ba mảng, làm cho quần chúng hoang mang và mỗi tổ chức hoạt động riêng rẽ cũng thấy yếu đi. Là một đảng viên của Đông Dương Cộng sản Đảng, tôi trăn trở trước việc giai cấp công nhân bị phân tán lực lượng, kẻ thù nhân đó mà lợi dụng tấn công ta.

Có lần, tôi than vãn với anh Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng. Qua tâm sự, tôi cũng thấy anh băn khoăn về việc này. Anh cho biết, Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng có gửi thư cho các đồng chí An Nam Cộng sản Đảng, nói rõ sự thiệt thòi của phong trào cách mạng khi chưa có đội tiên phong duy nhất lãnh đạo.

Anh nói rằng, đất nước nhiều đảng phái nhất định sẽ ảnh hưởng đến phong trào. Anh còn cho biết, Đông Dương Cộng sản Đảng không chỉ có ý định hợp tác An Nam Cộng sản Đảng mà cả với Tân Việt Cách mạng Đảng và còn muốn mở rộng cộng tác với Việt Nam Quốc dân Đảng.Bởi cách mạng Việt Nam đang ở vào giai đoạn dân chủ, cho nên cần phải làm cho tiểu tư sản đi với vô sản.

Anh Cảnh nói với tôi rằng, anh Ngô Gia Tự là người sáng suốt nhận định tình hình cách mạng, nhưng anh ấy lại đang ở Nam Kỳ. Rồi như nảy ra ý nghĩ mới, anh Cảnh bảo tôi: "Anh có thể vào Nam Kỳ gặp anh Tự được không?". Tôi trả lời: "Được". Anh mừng lắm, nói tiếp: "Khi vào đến cảng Sài Gòn, anh tìm gặp ngay người có tên Sĩ Quyết, cứ bảo người của Bé ở phố Hàm Long, anh ấy sẽ nhận ra ngay".

Nhân có tàu Clốtdơ Sáp đang tuyển người, tôi làm đơn xin việc ngay. Ít ngày sau, tàu nhổ neo vào Sài Gòn. Vào đến Nam Bộ, tôi đã tìm gặp đồng chí Ngô Gia Tự. Tôi, đồng chí Ngô Gia Tự và Lê Văn Lương cùng làm với nhau ở cảng Sài Gòn. Đồng chí Ngô Gia Tự hướng dẫn tiến hành công tác vận động anh em công nhân nơi chúng tôi làm hàng ngày.

Tôi nhận thấy rằng, tuy xa anh Cảnh, nhưng trong chủ trương đoàn kết các lực lượng cộng sản, anh Tự rất nhất trí với anh Cảnh… Anh cho rằng, lúc này cần thực hiện chủ trương đoàn kết giữa Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng. Hằng ngày, anh nhắc nhở chúng tôi cần thực hiện việc đoàn kết giữa công nhân Nam Kỳ, Bắc Kỳ.

Anh Tự không chỉ giao nhiệm vụ mà còn chú ý theo dõi, kiểm tra xem xét kết quả ra sao và kịp thời uốn nắn. Với tác phong khiêm tốn, sâu sát và lý lẽ sắc sảo, anh đã thực hiện được nhiệm vụ đoàn kết. Có điều tôi thấy anh Tự băn khoăn là chưa có một ngọn cờ đủ uy tín đứng ra thống nhất các lực lượng Cộng sản trong cả nước lại. Và chúng tôi đã hy vọng nhiều ở lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Quả nhiên, đầu năm 1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã đứng ra thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành chính đảng duy nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản Việt Nam họp ở Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), cũng là lúc tôi ở Pháp về Sài Gòn.

Vì anh Tự biết tôi có người bạn thân là Lưu Bá Kỳ làm việc dưới tàu Santiy, anh muốn cử tôi sang gặp Đảng Cộng sản Pháp, yêu cầu các đồng chí giúp đỡ cho ít tài liệu, sách báo của Các Mác, Lê Nin. Chuyến đi thật may mắn vì tôi gặp được đại diện Đảng Cộng sản Pháp.

Tôi đã mang về không chỉ ba vali đầy ắp tài liệu, sách báo mà còn cả 2 khẩu súng ngắn. Việc mang tài liệu và súng lên bến cảng Sài Gòn trót lọt. Tôi gặp ngay anh Tự, giao tài liệu và súng. Anh Tự mừng lắm, báo tin cho tôi biết Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử hai đại biểu cùng hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng dự Hội Nghị thành lập Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam.

Chúng tôi hy vọng Đảng nhất định thống nhất thành một khối vững chắc. Hy vọng này đã trở thành hiện thực. Sở dĩ thống nhất được các tổ chức cộng sản trong cả nước lại vì đồng chí Nguyễn Ái Quốc xác định rõ ràng một đường lối cách mạng đúng đắn ở Việt Nam: Cách mạng là sự nghiệp của đông đảo quần chúng nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo; công nông là gốc cách mạng; cách mạng muốn giành được thắng lợi triệt để cần có sự lãnh đạo của Đảng Mác - Lênin; Cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới.

Bốn nguyên lý trên đây ngày nay thấy bình thường. Nhưng ở vào những năm 1930, đó là cả một cuộc cách mạng vĩ đại. Tôi nghĩ rằng, trong tình hình hiện nay, Đảng ta cũng vẫn rất cần ôn lại bốn nguyên lý cơ bản đó và làm cho nó sắc bén hơn với thời cuộc. Từ sau giờ phút thiêng liêng đó, chúng tôi bắt đầu bước vào trận chiến đấu mới.

"Hồ Chí Minh - hồi ức màu đỏ" ra mắt công chúng Thủ đô

Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2010), kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tối 27/1, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế đã trình diễn vở "Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ" (kịch bản: nhà văn Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn: NSƯT Nguyễn Ngọc Bình, mỹ thuật: NSND Lê Huy Quang). Đây là tác phẩm nghệ thuật hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", vừa tham gia hội diễn tuồng, dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 1/2010 và đã để lại sự xúc động sâu sắc cho người xem. Với tấm lòng kính yêu đối với Người Anh hùng dân tộc, với khả năng diễn xuất của các diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế, một lần nữa, hình tượng Hồ Chủ tịch lại xuất hiện thật vĩ đại mà vô cùng giản dị, thật cao cả nhưng cũng hết sức gần gũi. Lắng lại trong lòng khán giả Thủ đô sau vở diễn, là những tình cảm trân trọng trước sự nghiệp và cuộc đời cao cả của Người. (Dạ Miên)

 

Thanh Lê (sưu tầm)
.
.
.