Những năm tháng không quên của đội bóng thanh niên Bộ Công an

Thứ Sáu, 27/10/2006, 08:00
"Đội bóng Thanh niên Bộ Công an có thể ví như một dòng sông nhỏ, độ dài ngắn nhưng nó vẫn là một dòng sông mang trong mình đầy ắp những kỷ niệm của tôi thuở đầu xanh khi đứng trong hàng ngũ cầu thủ của đội bóng Thanh niên Bộ Công an", ông Nguyễn Bá Hảo (nguyên là hậu vệ của đội Thanh niên Bộ Công an), nói.

Vào một ngày đầu thu năm 1961, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ thị cho Phòng TDTT phải nhanh chóng xây dựng đội bóng đá lấy tên là Thanh niên Bộ Công an - đội gồm những cán bộ, chiến sĩ trong ngành có năng khiếu về đá bóng và thể lực tốt. Tập trung về Bộ để luyện tập cùng đội bóng Công an Hà Nội, Công an Hải Phòng để tạo thành lực lượng bóng đá có trình độ chuyên môn cao ngang hàng với các đội bóng mạnh ở các nước Đông Nam Á.

Ba lực lượng bóng đá trên sẽ tạo thành đội tuyển tiêu biểu toàn ngành Công an thi đấu trong nước và quốc tế, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần trong cán bộ, chiến sĩ Công an - tăng cường tình hữu nghị với các nước láng giềng và các nước trong phe XHCN.

Tháng 8/1961, đội bóng Thanh niên Bộ Công an đã được thành lập tại Hà Nội, với mục tiêu rõ ràng, với sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Bộ, với quyết tâm cao không ngừng hoàn thiện về thể lực và kỹ thuật đá bóng của các cầu thủ nên chỉ trong một thời gian ngắn đội đã có những tiến bộ đáng kể.

+ Năm 1963 - vô địch giải Thanh niên mùa xuân (gồm 4 đội tuyển là: Thanh niên Thanh Hóa, Thanh niên Hà Nội, Thể công và Thanh niên Bộ Công an).

+ Năm 1964 - đứng thứ 3 giải 10 năm giải phóng Thủ đô.

+ Năm 1965 - tham gia giải bóng đá hạng A miền Bắc.

Trong thời gian này, đội tuyển đóng góp 4 cầu thủ là Kiềm, Linh, Khiêm, Hùng tham gia đội tuyển Công an và Thanh niên Hà Nội, tham gia thi đấu với đội Quảng Đông (Trung Quốc), đội dầu lửa Petolun Rumani, đội Công an CHDCND Triều Tiên và Thượng Hải, Trung Quốc…

Đội bóng đá Thanh niên Bộ Công an (tại Quảng Bình) năm 1962.

Nhớ lại lần ra quân đầu tiên đội gặp ngay đội bóng đá Tổng cục Bưu điện - đội này vừa vô địch giải hạng A nên tiếng tăm nổi như cồn, trong đó có sự tham gia của các danh thủ như: Thịnh, Mạnh, Toàn, Lực… trước sự chứng kiến của 25 nghìn khán giả trên sân vận động Hàng Đẫy, đội đã thủ hòa 1-1. Thành tích trên đã khích lệ tinh thần tập luyện của các cầu thủ lúc bấy giờ.

Quá trình hình thành và trưởng thành đội bóng Thanh niên Bộ Công an nhờ sự góp mặt của 82 cầu thủ Công an các tỉnh, thành và lực lượng Công an nhân dân vũ trang với lứa cầu thủ có kỹ thuật và áp dụng sáng tạo chiến thuật 4+2+4 được sử dụng phổ biến lúc bấy giờ. Với đội hình gồm có:

Tiền đạo: Kiềm, Khiêm, Huy (Hải Dương), Thơ (Nam Định), Sinh, Đỗ, Hùng, Hòa (Hà Nội), Ninh, Thanh (Thanh Hóa), Ngọc (Bắc Giang).

Tiền vệ: Phú (Hải Phòng), Khoát (Nam Định), Phúc, Dương (Hà Nội), Thông, Lộc (CAVT).

Hậu vệ: Hảo (Hà Nội), Nguyễn Hùng, Phạm Hùng (Lạng Sơn), Thơ (Vĩnh Linh), Hòa (CAVT), Hiếu (Lào Cai), Đào (Vĩnh Phúc), Thắng (Sơn La), Thìn (Hà Nội), Tự, Bốn (Nam Định), Xuân, Hạnh, Mười (Quảng Ninh), Đáng (Bắc Giang).

Thủ môn: Linh, Nhung (Hải Dương), Bình (Thái Nguyên), Tín (Hà Nội), Khoan (Thanh Hóa), Sáu (CAVT), Kim (Hải Phòng).

Trong những năm đầu đội hình của đội đá rất hay, trận đấu nào cũng ghi được bàn thắng, kể cả khi gặp các đội bóng sừng sỏ như Trường huấn luyện - thực chất là đội tuyển Việt Nam trong đó có mặt các danh thủ như: Koóng, Đức, Tòng, Lai, Nghĩa, Đô, Thành Tho - Ngọc… hoặc các đội hạng A khác như Thể Công, Công an Hà Nội, Than Quảng Ninh, Dệt Nam Định - đội đều đá hòa có tỷ số. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng Thủ đô, đội đã thắng Thanh niên Hà Nội 1-0. Các đội cùng thời như Thanh niên Thanh Hóa, Thể Công trẻ, Thanh niên Nam Hà, đội đều thắng với tỷ số đậm từ 2-0 trở lên. Với tinh thần thi đấu hết mình - các cầu thủ còn bảo đảm ý thức kỷ luật cao. Toàn đội không cầu thủ nào uống bia, rượu, hút thuốc lá. Đến giờ giới nghiêm đều có mặt đầy đủ.

Những năm 1965 - 1967 chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ bằng máy bay ngày càng ác liệt. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân và cầu thủ, nhiều giải bóng đá hạng A phải sơ tán về các vùng quê gần rừng núi như Tế Tiêu (Vân Đình), Nhổn, Phùng (Hà Tây). Thời gian này đội chuyển hướng một mặt duy trì rèn luyện kỹ chiến thuật bóng đá. Mặt khác học tập nghiệp vụ Công an.

Bộ Công an đã tổ chức học tại chức lớp sĩ quan Cảnh sát C572 rồi lớp học lái xe môtô phân khối lớn (2 và 3 bánh). Anh em hoạt động trên các địa hình phức tạp, trèo đèo lội suối. Cả đội sang thị xã Bắc Ninh ngày tập bóng - ngoài giờ tập võ thuật. Nhờ có tố chất thông minh, thể lực tốt và lòng dũng cảm nên 100% cầu thủ khi sát hạch đều đạt điểm khá, giỏi.

Nhớ lại những ngày ngồi trên chiếc xe ca được đóng lại từ chiếc xe tải Môlôtôva của Liên Xô đi đá bóng giao lưu với các địa phương rồi rong ruổi vào thi đấu các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình rồi đến Vĩnh Linh chờ đón đội bóng Công an nước CHDCND Triều Tiên vào thi đấu giao hữu để đồng bào giới tuyến được chứng kiến cái đẹp, hấp dẫn và đầy tình hữu nghị của môn bóng đá (môn thể thao vua). Những khuôn mặt hồ hởi, phấn khởi, tin tưởng của bà con bờ Nam sông Bến Hải (giới tuyến chia cắt đất nước lúc bấy giờ) khi thấy các cầu thủ trẻ, khỏe mạnh của đội bóng Thanh niên Bộ Công an.

Rồi chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt. Một số cầu thủ của đội đã tình nguyện vào Nam chiến đấu, điển hình như Trần Cư (thủ môn), Lê Nghĩa (tiền đạo). Ngay cả đồng chí bác sĩ riêng của đội bóng Ngọc Châu cũng kiên quyết về Nam (quê hương đồng chí) để tham gia chiến đấu.

Ngày hòa bình thống nhất đất nước, nhiều cầu thủ của đội đã trở thành cán bộ lãnh đạo của các Sở, Ty Công an Vũng Tàu, Đồng Nai, Ninh Thuận. Riêng đồng chí bác sĩ Ngọc Châu đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Bệnh viện Sùng Chính rồi Bệnh viện Hùng Vương ở TP Hồ Chí Minh.

Tham gia đội bóng từ khi còn là U18, U20, nay các cầu thủ đều ngoài 60, có đồng chí hơn 70 tuổi. Trở lại gặp nhau tại buổi lễ tôn vinh 45 năm đội bóng Thanh niên Bộ Công an, khi hỏi về cảm xúc và suy nghĩ của mình với hành trình của đội bóng, ông Nguyễn Bá Hảo (nguyên là hậu vệ của đội Thanh niên Bộ Công an) đã xúc động nói: "Con sông nào đều có cội nguồn phát sinh và đều tìm cách vươn về với đại dương mênh mông - đội bóng Thanh niên Bộ Công an có thể ví như một dòng sông nhỏ, độ dài ngắn nhưng nó vẫn là một dòng sông mang trong mình đầy ắp những kỷ niệm của tôi thuở đầu xanh khi đứng trong hàng ngũ cầu thủ của đội bóng Thanh niên Bộ Công an. Tôi vô cùng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và đặc biệt sự cổ vũ nhiệt tình bằng cả tinh thần lẫn vật chất của đồng chí Thiếu tướng Hữu Ước - Tổng Biên tập Báo CAND đã cho chúng tôi niềm vui vô bờ bến của ngày gặp mặt sau 45 năm xa cách".

Chiều 25/10, Cục Công tác chính trị - Tổng cục XDLL Bộ Công an đã tổ chức cuộc gặp mặt thân mật các cựu cầu thủ đội bóng nhằm tôn vinh, ghi nhớ lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an đã từng tham gia luyện tập thi đấu trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và những năm tháng trước đây. Tham dự buổi họp mặt có 80 cựu cầu thủ thuộc đội bóng Thanh niên Bộ Công an và những khách mời là những cựu cầu thủ anh em từng ở Công an Hà Nội, Thanh niên Hà Nội, Công an Hải Phòng và Cảng Hải phòng.

Ông Lê Thế Thọ, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Quả bóng vàng 50 của bóng đá Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia I, Thiếu tướng Hữu Ước - Tổng Biên tập Báo CAND - Chuyên đề ANTG… cùng đại diện lãnh đạo Cục X15 đã tham dự.

Đúng như cầu thủ Quang Minh, năm nay đã 76 tuổi, cựu cầu thủ Công an Hải Phòng, cựu cầu thủ Đường sắt Việt Nam, người sinh ra cầu thủ tài hoa mang số áo 11 của Đội bóng Công an Hà Nội sau này: "Nhớ lắm, nhớ lắm. Hôm nay người còn người mất, mong muốn được gặp nhau nhiều hơn". Phát biểu tại buổi lễ, ông tha thiết đề nghị thành lập Hội cựu cầu thủ bóng đá toàn quốc, để họ được gặp nhau, liên hệ với nhau…

Có lẽ người phát biểu da diết nhất là bác Nguyễn Trọng Lộ, cựu cầu thủ Quốc gia, cựu cầu thủ Công an Hải Phòng: "Chúng tôi tự hào về một thời vang bóng. Cái thời mà chính uy tín, tài năng và trung thực của các đội bóng Thanh niên Bộ Công an, Công an Hải Phòng, Công an Hà Nội… đã là chiếc gạch nối giữa lực lượng Công an với nhân dân. Dường như nhân dân nhiều địa phương trên miền Bắc đã tích cực ủng hộ Công an là bắt đầu từ những cảm mến đầu tiên đối với các cầu thủ bóng đá lực lượng Công an".

Với tư cách là người yêu bóng đá, là cơ quan tài trợ cho cuộc gặp mặt hôm nay, Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước tâm sự thân tình trong sự cảm mến của đông đảo các cựu cầu thủ: "Tôi mê bóng đá, mê những đường bóng đẹp của các bác, các anh mà muốn được sum họp". Các cựu cầu thủ rất thú vị khi nhà văn Hữu Ước gọi các bác là các "cựu chiến binh can trường" một thuở.

Một cuộc gặp thật ngắn giữa những cựu cầu thủ đội bóng Thanh niên Bộ Công an với sự tham dự của những cựu cầu thủ anh em thật ấm áp tình nghĩa của những cựu chiến binh, những người từng làm nên những đường bóng đẹp, làm nên cảm xúc tình yêu trong trẻo trong lòng khán giả. Tất cả đều đã trên 60, 70 tuổi, có người như bác Phạm Long, nguyên Phó phòng TDTT Bộ Công an đã trên 80 tuổi nhưng tất cả đang nhớ về cội nguồn, nhớ về quá khứ, để trân trọng một thời vang bóng, đốt ngọn lửa đam mê cho tương lai. 45 năm ấy biết bao nhiêu tình.

Văn Hùng

Ngọc Kiềm
.
.
.