Những mảnh chìm khuất lấp

Thứ Sáu, 14/03/2008, 09:24
Vì T. sở hữu một cái chân trái thuộc vào dạng cực "độc", nên năm 1997 anh được gọi lên Tuyển, chuẩn bị cho SEA Games tại Indonesia. Tuy nhiên, ở Tuyển chưa lâu thì anh lại xin về với lý do là…chữa bệnh dạ dày. Sau nhiều lần xin về như thế nhiều người hồ nghi T. và sau này phát hiện ra thực chất đấy là một… con nghiện.

Những ngày này làng bóng Việt Nam rung động dữ dội quanh việc 5 cầu thủ của đội T&T Hà Nội bị bắt vì sử dụng… ma túy tổng hợp. Nhưng thực chất đấy mới chỉ là phần biểu hiện của việc quản lý, giáo dục trong làng bóng đá có nhiều chuyện phải bàn.

Còn nhớ năm 1995, trước trận chung kết của một giải bóng đá cấp Quốc gia, những cầu thủ trụ cột của một đội nọ rủ nhau đi… hát karaoke. Họ hát say và hát hăng tới mức chiều hôm sau, khi trận đấu diễn ra đã không còn sức mà chạy. Kết quả đội bóng thua.

Và sau khi thua thì ông HLV trưởng nói thản nhiên cùng báo giới: "Nhìn tụi nó đá, tôi biết là tối qua tụi nó lại… giở trò". Nhắc lại câu chuyện này để thấy rằng các HLV, các lãnh đội biết hết cầu thủ của mình làm gì. Nhưng từ chỗ "biết" tới chỗ "quản lý" dường như lại là khoảng cách xa vời.

Cũng vào những năm 1990, bóng đá Sông Lam Nghệ An nổi tiếng với một cầu thủ tên là T. Trong đội hình của Sông Lam ngày ấy T. đá tiền vệ, là người "châm ngòi" cho những đợt công phá của anh em Sỹ Hùng, Sỹ Thủy. Giới chuyên môn đánh giá T. sở hữu một cái chân trái thuộc vào dạng cực "độc".

Vì "độc" thế nên năm 1997 anh được gọi lên Tuyển, chuẩn bị cho SEA Games tại Indonesia. Tuy nhiên, ở Tuyển chưa lâu thì anh lại xin về với lý do là…chữa bệnh dạ dày. Sau nhiều lần xin về như thế nhiều người hồ nghi T. và sau này phát hiện ra thực chất đấy là một… con nghiện.

Cũng trong thời bao cấp, bóng đá Sông Lam từng có lúc xôn xao bởi chuyện các cầu thủ quan hệ với giới giang hồ, và đã có lần nổ súng trong một vũ trường. Thời ấy còn có chuyện "nổi" hơn là sau một trận đấu giữa Sông Lam - Đà Nẵng, cầu thủ hai đội rủ nhau đi nhảy. Và tại đó thủ môn Đà Nẵng đã bị chém trọng thương. Thủ môn này sau đó giải nghệ, và giải nghệ rồi đã tổng kết lại cuộc đời bóng đá của mình bằng một câu bất hủ: "Nghề này nghiệt quá"!

Chuyện thời chuyên nghiệp, Bóng đá Việt Nam thoát xác khỏi trận đồ bao cấp, bước sang thời chuyên nghiệp liệu có sáng hơn và sạch hơn? Đấy từng là một câu hỏi ám ảnh những nhà làm bóng đá Việt Nam. Và câu hỏi ấy đã tức khắc được một vị từng làm "quan" ở VFF trả lời như sau: "Văn hóa bóng đá chưa có thì còn ối chuyện". Năm 2007, cầu thủ U.19, H của một đội bóng miền Trung bị phát giác là một môn đệ của… ma túy.

Vụ này khiến cho nội bộ đội U.19 rối như canh hẹ, và để ngăn ngừa, khắc phục, một lệnh "kiểm tra y tế" đã tức thì được ban xuống. Vừa nghe lệnh, một cầu thủ trong đội là V liền xin về nhà để… lập gia đình. Vài tháng sau người ta phát hiện rằng, V cũng là một con nghiện thứ thiệt. Nói những chuyện này để thấy rằng không "bới" thì thôi, chứ cứ "bới" thì sẽ dễ dàng tìm thấy những… đệ tứ của "lắc", của "ma túy".

Thế nên khi lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh tấn công nhà nghỉ Mai Vinh, phát hiện thấy 5 cầu thủ của đội T&T đang trong "vùng cấm", dân anh chị trong làng bóng có người cười nhạt: "Có gì bất ngờ đâu, chuyện nhỏ thôi mà".

"Chuyện nhỏ thôi mà" - thật đau quá đau trước lời nhận xét chân thực, chính xác ấy. Xét cho cùng, ai có lỗi trong những chuyện kiểu này: Các HLV, các lãnh đội quản quân không chặt chăng? Các cầu thủ ý thức rèn luyện và bản lĩnh nghề nghiệp kém chăng?

Khi chuyện đã xảy ra thì trách bất cứ ai chẳng dễ. Nhưng trách để làm gì khi mà BĐVN từ thời bao cấp sang thời chuyên nghiệp đã tồn tại quá nhiều những… mảng chìm khuất lấp. Thế nên vấn đề là phải cùng xóa cái mảng chìm ấy thay vì cứ nhăm nhắm giải quyết 1, 2 trường hợp cụ thể đến từ 1, 2 cái linh hồn tuổi 20

Diệp Xưa
.
.
.