Những lát cắt nhân văn trong tập sách mới của Hồng Thanh Quang

Chủ Nhật, 26/08/2007, 17:00
Viết báo, làm thơ là những lát cắt sống và yêu trong con người nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang thì Những lát cắt số phận chân dung hồn vía, thần thái những chính khách, văn nghệ sĩ là cái nhìn đầy nhân văn trong sự đồng điệu với nhịp chảy của cuộc sống đương đại. Tập sách được NXB CAND ấn hành tháng 8/2007.

Hồng Thanh Quang đã "sống như quên sống", đã "yêu như chết là hạnh phúc" và đã viết báo, làm thơ như tình yêu không thể mất. Nếu Hồng Thanh Quang nhà thơ là một trái tim mạnh mẽ, kiêu thăng với những vần thơ yêu "Sống như không thể chết" thì Hồng Thanh Quang nhà báo lại tỉnh táo và sắc sảo, nhanh nhạy trong công việc cũng như trong mỗi bài báo của mình.

Điều này nghe có vẻ như mâu thuẫn song kỳ thực lại rất thống nhất, và hữu cơ và biện chứng trong con người anh. Những câu thơ hay các bài báo dưới ngòi bút anh đều toát lên một Hồng Thanh Quang đầy tinh thần trách nhiệm xã hội và ý thức công dân cao, mà nói như người xưa là "Sĩ phu hữu trách".

Đã rất nhiều người ấn tượng với những bài phỏng vấn mà anh và các cộng sự đã tạo được dấu ấn riêng trong chuyên mục Trò chuyện cuối tháng trên tờ An ninh thế giới Cuối tháng.

Và mảng báo chân dung nhân vật cũng không kém phần đặc sắc, bởi anh đã có một góc nhìn của riêng mình từ những lát cắt được chọn lựa thông minh, được tiếp cận có khi rất nhỏ nhoi nhưng đủ để rút ra những thông điệp nhân văn.

Nhìn ra những lát cắt phận người trong sự đồng điệu với nhịp chảy của cuộc sống đương đại, nhận biết được những gì là hữu ích cho cách hành xử sống thiết thực, hữu dụng cho hôm nay để những giá trị nhân văn xưa được nối tiếp vào hơi thở gấp gáp hiện đại, phải là cái nhìn tinh tường mới thấy được.

Đọc tập sách chân dung chính khách, văn nghệ sĩ Những lát cắt số phận của Hồng Thanh Quang, ta thấy tỏ sáng hơn những đánh giá về đời, về nghề, về đạo lý, ta thấy hiện lên những nhân cách của những người có tâm và có tài, có tầm vóc.

Những chân dung viết trong tâm thế nhìn nhận một cách công tâm và khách quan, tương xứng với những giá trị được thiết lập, như cái tương liên của đời sống vậy. Trong sự va đập, trong cái va vấp, trong những va chạm của cuộc sống, những phận người hiện lên nổi bật với những nét tính cách, những tấm lòng, những tâm hồn vừa đặc thù vừa tương tác.

Những chính khách, những danh nhân lịch sử, những văn nghệ sĩ với tất cả những buồn lo, những nhọc nhằn, những niềm riêng được trải bày, chia sẻ...

Một Thân Nhân Trung trọng danh nhưng không ưa hư danh, một Ngô Thì Nhậm thức thời nhưng kiên định, một nhà nho lo công việc an ninh Huỳnh Thúc Kháng suốt đời theo đạo học làm người; những nhà cách mạng Việt Nam Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng; những bậc trí giả, học thức như Tôn Thất Bách, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Khắc Viện...; những văn nghệ sĩ tài năng Huy Cận, Quang Dũng, Phó Đức Phương, Lê Khanh... và một nhà báo lão thành Hữu Thọ, tất cả đều gói ghém những thông điệp sống đáng trân quý.

Rằng, ra giúp đời, nếu có tâm và có tài thì ở lứa tuổi nào cũng không là muộn. Rằng, những nhân vật có tầm vóc lịch sử cũng không bao giờ đơn giản một chiều và càng nhiều thời gian trôi qua, chúng ta càng có điều kiện thấu hiểu hơn những đóng góp của họ vào tiến trình phát triển của dân tộc, đất nước và cả những góc độ khác nhau trong tính cách của họ.

Rằng, bản lĩnh của người nghệ sĩ là lúc vinh quang không bị lóa mắt, lúc đau đớn không bị tuyệt vọng. Rằng, nhà thơ chân chính phải là người sẵn sàng chấp nhận thua thiệt để gìn giữ phẩm giá nhân văn của mình. Rằng, mực của học giả còn thiêng liêng hơn máu của kẻ tử vì đạo.

Thời nào cũng vậy, những trăn trở suy tư của kẻ sĩ luôn là cống hiến lớn lao cho sự tiến bộ của xã hội và những dòng tâm huyết mà kẻ sĩ viết ra dẫu không là "đòn xoay chế độ" (chữ của nhà thơ Sóng Hồng) nhưng luôn có thể trở thành điểm tựa để người ta bẩy tư duy chung đi lên thêm những bước dài... Những thông điệp như rút tỉa từ đời sống để người đọc tự soi chiếu, có cách sống sao cho có ích và phải đạo...

Mỗi người là tổng hòa của những mối quan hệ xã hội không đơn giản và nhiều khi là rất phức tạp. Không có một cái nhìn tổng thể, không có một cái nhìn biện chứng sẽ dễ dẫn tới những nhận định chủ quan và phiến diện, những định kiến, những thiên kiến lệch lạc khi đánh giá một ai đó.

Mỗi người sinh ra và sống một cuộc đời của chính họ, không ai có thể sống thay người khác cho dù hết lòng yêu thương và sẵn sàng xả thân, hy sinh vì người khác. Mỗi cuộc đời đi qua trong kiếp nhân sinh này để lại một số phận, "Hổ chết để da, người ta chết để tiếng".

Số phận những chính khách, những văn nghệ sĩ thì tiếng vọng vang hơn có lẽ bởi sức tác động, tầm ảnh hưởng sâu rộng trong lòng xã hội đương thời và hậu thế. Dù đương đại hay thời đại đã qua thì sự lay động và lan tỏa vào đời sống của họ cũng dư ba hơn nhiều và vì thế thuyết phục hơn những người khác.

Tôi trộm nghĩ Hồng Thanh Quang đã đúng khi chọn những chính khách, văn nghệ sĩ để tỏ bày những điều mình muốn nói về phận người, dù chỉ là những lát cắt. Nhưng có lẽ không phải là anh chọn mà dường như điều đó đã thường trực sẵn trong tâm tư anh.

Tôi là người gần anh không nhiều, nhưng mỗi lần tiếp xúc lại như thấy ngọn gió tư duy ào ạt thổi đến. Anh có đặc tính là nói nhanh, câu trước chưa ra hết câu sau đã tới như để bắt kịp với dòng suy nghĩ đang hối hả ùa về.

Thường thì những người nói nhanh là những người có tốc độ tư duy cao. Tưởng như trong anh là dòng chảy luôn cuồn cuộn những luồng nghĩ suy.

Ghé qua trang web www.hongthanhquang.com sẽ hiểu rõ hơn những gì anh trăn trở, bộc trực, nỗi niềm sống và yêu của chàng trai Hà thành năm nào vẫn nguyên niềm yêu mê, tận hiến và sung mãn.

Viết báo, làm thơ là những lát cắt sống và yêu trong con người nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang thì Những lát cắt số phận chân dung hồn vía, thần thái những chính khách, văn nghệ sĩ là cái nhìn đầy nhân văn trong sự đồng điệu với nhịp chảy của cuộc sống đương đại.

Tập sách được NXB CAND ấn hành tháng 8/2007 dưới ngòi bút thể hiện của Hồng Thanh Quang là những thông điệp rút tỉa từ đời sống, kết tinh trong từng con chữ mà anh muốn gửi vào đời sống nhân gian này...

Lê Bảo Âu Long
.
.
.