Những điều bức xúc ở chùa Thầy - Hà Nội

Thứ Ba, 28/02/2012, 14:42
Chùa Thầy là một khu di tích đẹp, giàu giá trị lịch sử và tâm linh. Nhưng nơi đây đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi nạn chặt chém, phiền lòng khách thập phương.

Nhiều dịch vụ phiền lòng khách

Đầu xuân, với mong muốn cầu xin sự bình an cho người thân và gia đình, nhiều khách thập phương đã chọn chùa Thầy  - một di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh đẹp ở Hà Nội làm một trong những điểm dừng chân. Tuy nhiên, đây cũng được nhiều người biết đến bởi tình trạng chặt chém đối với khách du lịch. Ngay tại cổng chùa, không ít du khách đã cảm thấy lúng túng, khó xử trong việc chọn địa điểm trông giữ xe.

Chị Đặng Thị Nhung (Hải Dương) bức xúc kể lại: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi tới chùa Thầy. Khi hai vợ chồng còn đang tìm chỗ gửi xe thì một người phụ nữ chạy lại tuýt còi, yêu cầu chúng tôi phải cho xe vào bãi theo quy định của xã. Quy định đâu không biết, chỉ biết hai vợ chồng phải đi bộ gần 300m mới tới được cổng chùa. Ở trong này lại có rất nhiều địa điểm trông giữ xe. Lúc đấy mới ngớ người ra biết mình bị lừa”.

Ngoài than phiền về giá trông xe cao hơn nhiều so với giá niêm yết trên vé, du khách còn cảm thấy mệt mỏi vì sự mời mọc dai dẳng của những người xưng là “hướng dẫn viên du lịch”. Tại đền Trình – ngôi đền gắn với cụm di tích chùa Thầy, khách du lịch sẽ được các “hướng dẫn viên” mời vào một gian nhà gỗ để giới thiệu về lịch sử và tham khảo sơ đồ tham quan ngôi chùa. Theo họ, “đây là trách nhiệm của nhà chùa và du khách được hướng dẫn hoàn toàn miễn phí”. Tuy nhiên, đi kèm với sự nhiệt tình và tận tâm của những nhân viên mẫn cán đó, khách sẽ  bị ép mua một mâm lễ gồm vài cành lộc, hộp chè, gói kẹo lạc và ít tiền vàng với giá từ 150 – 200 ngàn đồng.

Du khách tham quan chùa Thầy.

Lên tới chùa trên, khách du lịch bắt gặp những hướng dẫn viên bất đắc dĩ. Họ hồ hởi giới thiệu cho khách các thắng cảnh, hướng dẫn cách thắp hương, hành lễ tại từng ngôi chùa. Đổi lại, khi tới hang Cắc Cớ, họ sẽ cho du khách thuê đèn pin với giá 5.000 đồng và sẵn sàng dẫn đường với số tiền tùy tâm. Tuy nhiên, theo anh Long (Nguyễn Khang,Yên Hòa, Cầu Giấy), ngoài tiền thuê 2 chiếc đèn pin, gia đình anh đã phải trả 60 nghìn tiền công cho một người đàn ông dẫn đường.

Ngoài ra, ngay trong khu vực chùa chính, khách du lịch cũng bị đội ngũ bán hàng rong chèo khéo, mời mua những đồng xu hoặc tấm thẻ cầu an xanh đỏ với giá từ 20 – 25 ngàn đồng. Chị Đỗ Thị Hường (Đông Anh, Hà Nội) tâm sự: “ Từ lúc tôi bước vào đền Trình cho tới khi lễ Phật tại chùa, những người bán hàng rong cứ lẽo đẽo chạy theo mời mua mấy đồ lưu niệm. Không lấy thì bị dúi vào tay. Khi trả lại thì họ tỏ vẻ khó chịu và ăn nói sỗ sàng với mình.

Nhà chùa cũng…kêu cứu

Không chỉ bị chặt chém ở các chùa dưới, vào tới hang Cắc Cớ, khách hành hương còn phải đối mặt với các hình thức lừa đảo tinh vi hơn. Trong hang, trên một bệ đá bằng phẳng là một ban thờ bày sẵn vàng hương. Sau khi hành lễ, khách du lịch sẽ được đưa tiền vàng để hóa. Một người phụ nữ trẻ vừa hướng dẫn một nhóm khách đến xin lộc, vừa nói: “Hôm nay chùa có tổ chức phát lộc cho con nhang đệ tử. Ai muốn xin lộc chùa có thể vào đăng ký tên tuổi và địa chỉ để nhà chùa liên hệ.”

Cũng theo người này, khách thập phương trước khi nhận lộc cần phải mua công đức. Số tiền đó sẽ được sử dụng để tôn tạo, sửa chữa và khói nhang trong chùa. Tuy nhiên, so với những tặng vật được gọi là lộc chùa như quả cầu may mắn, khánh bình an, tiền xu…Với số tiền công đức ít nhất là 30 nghìn đồng, du khách không khó để nhận ra việc mình đã bị lừa mua những món đồ này với giá cao gấp 3 - 4 lần.

Chị Nguyễn Thị Minh (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, để xin được một cành lộc với giá 3.000 đồng, chị đã phải bỏ ra 30 nghìn đồng để mua công đức. “Khi tôi bỏ vào thùng 10 nghìn thì có người thanh niên mặt mũi bặm trợn chạy ra nói tiền công đức thấp nhất phải là 30 nghìn đồng. Nhìn thái độ hung hăng của anh ta, tôi cũng không dám tranh cãi”.

Giống như chị Minh, nhiều du khách khi tới hang Cắc Cớ đã than phiền về hành động của những người tự xưng là nhân viên tại đây. Khi được hỏi về tình trạng này, hòa thượng Thích Đàm Vĩnh – trụ trì chùa Thiên Phúc Tự cho chúng tôi biết: “Việc bán hàng rong là do người dân tự tổ chức nên nhà chùa không thể can thiệp được. Có rất nhiều khách thập phương đã kêu ca về nạn lừa đảo, chặt chém tại chùa. Những bức xúc của Phật tử, nhà chùa đều kiến nghị lên chính quyền xã nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để”.

Chùa Thầy là một khu di tích đẹp, giàu giá trị lịch sử và tâm linh. Nhưng nơi đây đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi nạn chặt chém, phiền lòng khách thập phương. Để trả lại cho chùa vẻ thanh tịnh và linh thiêng vốn có, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp triệt để ngăn chặn tình trạng trên, giúp khách thập phương có một nơi hành lễ đầu năm bình an, suôn sẻ

Hoàng Anh
.
.
.