Những dấu ấn đầu tiên của HLV Falko Goetz

Thứ Hai, 20/06/2011, 15:34
Trước khi Falko Goetz chính thức nhiếp chính, VFF từng thông báo rằng HLV Mai Đức Chung sẽ là người lên danh sách ĐT và chỉ đạo ĐT trong trận đấu gặp ĐT Macau tại vòng loại World Cup 2014. Nhưng VFF không ngờ là ông thầy người Đức đã hăng hái đòi chỉ đạo ĐT ngay từ giai đoạn khởi đầu này. Và sau 3 buổi trực tiếp “đứng lớp”, ông thầy đã bắt đầu để lại những dấu ấn đầu tiên.

Dấu ấn dễ thấy nhất của vị tân HLV trưởng ĐT nằm ở sự trẻ trung, hòa đồng. Có lẽ sau HLV Dido năm 2001, chỉ Falko Goetz mới có thể cùng khởi động, cùng tâng bóng và cùng tham gia màn “đá ma” với các học trò của mình. Ở màn “đá ma” này, các cầu thủ thậm chí đã bắn quả bóng về phía ông theo đúng kiểu “ném đạn”, nhưng không ngờ ông đã phản xạ rất nhanh, và đã khống chế bóng rất ngon lành.

Xem ra cựu cầu thủ Đức dù đã giã từ sự nghiệp khá lâu, nhưng những kỹ năng vận động với quả bóng thì ông vẫn có thể thực hiện thuần thục như ngày nào. Chính nhờ việc Falko Goetz có thể cùng khởi động và cùng tập luyện với các cầu thủ, nên ông đã bước đầu tạo ra sự gần gũi với những con người mà đến lúc này mình vẫn chưa thể thuộc hết tên.

Những ai theo dõi kỹ các buổi tập của Đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) thời Calisto suốt 3 năm qua, chắc chắn đã quá quen thuộc với hình ảnh một ông già khó tính, luôn luôn hò hét, quát tháo các học trò. Một tuyển thủ Quốc gia từng tâm sự rằng những lời quát tháo của ông “Tô” có lúc đã tạo lửa cho toàn đội, nhưng có lúc lại khiến anh phải chịu những áp lực không đáng có. Falko Goetz thì không hò hét liên hồi kỳ trận theo dạng này.

Vị tân HLV trưởng đã thể hiện được những dấu ấn đầu tiên. Ảnh: Quang Minh.

Trái lại, ông nói ít, nhưng nói chắc. Bằng chứng là khi cầu thủ thực hiện một đường chuyền sai ý đồ, hay một cú sút sai kỹ thuật, thì ông đã lập tức tuýt còi, giảng giải một cách ngắn gọn trước khi đề nghị họ thực hiện lại tình huống. Tiền đạo Quang Hải cho biết, cách làm như vậy của Goetz vừa tạo cho cầu thủ cảm giác thoải mái, vừa bước đầu cho thấy tính chuyên nghiệp của một HLV nhà nghề.

Một điểm đáng chú ý khác là nếu trước đây, HLV Calisto bên cạnh việc dùng người dựa trên những căn cứ chuyên môn cũng đã dùng người dựa trên công lao và tâm ảnh hưởng vốn có của mỗi người trong màu áo ĐT, thì Falko Goetz vì là một ông thầy mới tinh nên hoàn toàn không bị lợn cợn về những vấn đề như “ai là công thần, ai là “dân đen?”, “Ai là ngôi sao, ai vốn là cầu thủ bình bình?”.

Chính nhờ thế mà ông nhìn nhận cầu thủ một cách công bằng, và sự cạnh tranh giữa các cầu thủ cũng diễn ra gần như bình đẳng, khách quan, chứ không có những ưu thế được “tạm ứng” cho người nọ người kia. Vậy nên sau 3 buổi đứng lớp, Falko Goetz đã tạo ra những bất ngờ lớn về cách sử dụng con người.

Chẳng hạn như ở trong khung gỗ, ai cũng nghĩ khi Hồng Sơn xin rút lui thì vị trí bắt chính nghiễm nhiên thuộc về Tấn Trường, nhưng không, Falko Goetz lại chọn thủ thành Mạnh Dũng của Thanh Hóa. Ở khu vực trung tâm hàng tiền vệ cũng thế, ai cũng nghĩ người được xếp đá cạnh Tài Em phải là Minh Châu, nhưng không, Falko Goetz lại bất ngờ chọn Võ Duy Nam.

Xét ở phương diện lối chơi, có thể thấy rằng lối chơi 4-2-3-1 thời Calisto đã bước đầu được thay thế bằng lối chơi 4-4-2 điển hình. Lối chơi mà ở đó, cặp tiền đạo được chọn là Việt Thắng và Quang Hải, còn Công Vinh lại được kéo xuống đá như một tiền vệ trái đúng nghĩa, chứ không phải là một tiền đạo lùi như trước nữa. 

Mới chỉ sau 3 buổi trực tiếp huấn luyện, thị phạm các học trò nhưng nhà cầm quân người Đức bước đầu đã tạo ra được dấu ấn của mình. Và hiện nay, những dấu ấn đó đều được các cộng sự và các học trò của ông đánh giá cao. Nhưng tất nhiên, nó có thể đem tới những hiệu quả gì thì vẫn phải chờ thời gian kiểm chứng.

Là một ông thầy Đức, Falko Goetz đương nhiên rất coi trọng kỷ luật. Bằng chứng rõ nhất của việc “coi trọng kỷ luật” là ông và người trợ lý ngôn ngữ của mình đã ngồi cả tiếng đồng hồ giữa trời nắng chang chang để quan sát tỉ mỉ ĐT Olympic Việt Nam tập luyện trên sân Mỹ Đình.

Khi người trợ lý ngôn ngữ đề nghị được vào đứng ở chỗ râm mát, Falko Goetz đã nhất quyết không đồng ý. Chỉ tới khi nhận thấy anh này dường như đã có những biểu hiện “say nắng” thì ông mới chấp thuận để anh rút lui. Nhưng chấp thuận cho người khác rút lui, chứ cá nhân mình, Goetz vẫn ngồi yên giữa trời nắng, bất chấp khắp cơ thể đã đầm đìa mồ hôi. Hy vọng là khi nhìn vào hình ảnh này các tuyển thủ Việt Nam rồi sẽ học được nhiều điều.

Liên quan đến quá trình tập luyện của ĐTVN, hôm qua cả đội đã có buổi đấu trận giao hữu đầu tiên với CLB hạng Nhất Đồng Nai. Ông Goetz cho biết, mục tiêu chính của trận đấu này không phải là kết quả, mà là để rà soát lại con người, lối chơi, cũng như để ông có thể hiểu rõ hơn về năng lực của mỗi người.

Theo kế hoạch ban đầu,  ĐT còn một trận giao hữu nữa với CLB Đồng Tháp trên sân Thống Nhất, tuy nhiên vào phút chót Đồng Tháp đã xin rút lui, và CLB Đồng Tâm.Long An đã tình nguyện làm “quân xanh” thay thế.(Ngọc Anh)

Mạnh Phát
.
.
.