Những công trình đặc biệt trong những ngày đầu Bác mất

Thứ Bảy, 01/08/2009, 16:56
Bộ Tư lệnh Công binh đã âm thầm chuẩn bị những công trình đặc biệt, sẵn sàng đi vào thực hiện nhiệm vụ đề phòng lúc Bác lâm chung. Những công trình đặc biệt trong những ngày đầu Bác mất có phiên hiệu là Công trình 75A và 75B được xây dựng ngay trong lòng Thủ đô Hà Nội.
>> Nâng niu từng sợi tóc để giữ cho chân dung Bác được nguyên vẹn

Trước tình hình sức khỏe của Bác giảm sút, linh cảm đau đớn về cái ngày Bác sẽ mãi mãi ra đi đã đến gần, ngày một cận kề. Ngay từ trước đó, dù vô cùng đau thương và không bao giờ muốn nghĩ đến giây phút Bác mất, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã giao nhiệm vụ tối quan trọng cho Bộ Tư lệnh Công binh xây dựng các công trình chuẩn bị phục vụ việc bảo quản thi hài Bác.

Đại tá Bùi Danh Chiêu, trong hồi ức của mình đã kể lại chi tiết rằng: Tôi nhớ như in một buổi chiều năm 1968 tại khu sơ tán Hà Tây, anh Tạ Xuân Mẫn, Trưởng ban Thiết kế Phòng Công trình Bộ Tư lệnh Công binh báo cho biết: “Về ngay Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới". Nhận thông báo như vậy, tâm trạng tôi vừa mừng, vừa lo. Lo nhiệm vụ mới, môi trường công tác mới, xa anh em, đơn vị, liệu mình có đảm đương hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tổ công tác lúc đó gồm 4 người: đồng chí Nguyễn Trọng Quyển phụ trách chung và 3 chúng tôi là: anh Phạm Hoàng Vân - kỹ sư điện, anh Nguyễn Lam Sinh - kỹ sư xây dựng, và tôi - kỹ sư công trình thiết kế phần điều hoà thông gió. Công việc đầu tiên của chúng tôi là đến ngay Viện Quân y 108 để cùng thảo luận và làm việc với Tổ Y tế đặc biệt do bác sĩ Nguyễn Gia Quyền phụ trách.

Cán bộ Đoàn 195 theo dõi thông số kỹ thuật trong công trình Lăng.

Nhiệm vụ đòi hỏi chúng tôi phải cải tạo khu phẫu thuật của bệnh viện thành một khu thí nghiệm đặc biệt, có phiên hiệu là 75A, nhiệt độ: 16 cộng trừ 0,2độ C; Độ ẩm: 75% cộng trừ 5%; Không được có gió lùa; Phải vô trùng tuyệt đối; Thời gian hoàn thành càng nhanh càng tốt và phải tuyệt đối giữ bí mật.

Bây giờ nghĩ lại tôi càng thấm thía câu thành ngữ: "Cái khó ló cái khôn". Khó khăn nhất là công việc đảm bảo độ ẩm của buồng chính, nơi giữ thi hài Bác theo yêu cầu của y tế. Công việc đó được thực hiện vào thời điểm của mấy chục  năm về trước, khi máy móc còn rất thiếu thốn và thô sơ, hơn nữa trong hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh, khó khăn bộn bề. Cuối cùng, chúng tôi đã tìm ra cách dùng lượng gió nóng của máy WPH-105 hòa trộn với lượng gió lạnh của máy UC-26. Việc thử nghiệm cho kết quả tốt.

Công trình 75B là công trình phục vụ Lễ Quốc tang tại Hội trường Ba Đình. Công trình này tuy nhỏ nhưng hết sức khó khăn về mặt kỹ thuật. Tôi đã phải túc trực thường xuyên bên máy để điều chỉnh. Có lúc hơi focmol và hoá chất lọt ra ngoài làm mắt cay sè. Để đảm bảo công việc, tôi đã nhiều đêm thức trắng. Có lúc buồn ngủ quá, tôi phải đổ nước lạnh lên đầu cho tỉnh táo để tiếp tục làm việc. Tôi đã có một kỷ niệm nhỏ không thể quên trong những ngày này. Đó là buổi họp của Ban lễ tang để kiểm tra các công tác vừa chuẩn bị.

Vừa nghe Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài nói được 5 phút, tôi đã gục xuống ngủ không hay biết gì. Các đồng chí xung quanh thấy vậy nhưng biết chúng tôi đã phải thức đêm liên tục nên không đánh thức, để tôi chợp mắt trong chốc lát. Thủ trưởng Tài cũng biết nhưng ông đã rộng lượng tha thứ.

Hơn một phần ba thế kỷ trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại những suy nghĩ, tình cảm, những đêm thức trắng, cùng các đồng chí, đồng đội miệt mài nghiên cứu, thiết kế, những khó khăn vất vả phải vượt qua, tôi vô cùng xúc động. Đó là những năm tháng "khó khăn nào cũng vượt qua" để hoàn thành nhiệm vụ vinh quang mà Đảng và nhân dân giao cho. Bộ phận kỹ thuật chúng tôi kết hợp với bộ phận y tế đã cùng nhau giữ gìn nguyên vẹn thi hài Bác đến khi đón Bác về Lăng.

Chúng tôi rất xúc động khi được nghe Hội đồng Khoa học gồm các chuyên gia y tế Liên Xô và Việt Nam sau khi kiểm tra đã kết luận: Ở một nước khí hậu nhiệt đới, lại phải di chuyển xa, nhưng hình dáng Người vẫn nguyên vẹn như khi Người còn sống và có đủ điều kiện để giữ gìn lâu dài

Như Bình (trích ghi)
.
.
.