Liên hoan sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ 3 diễn ra từ 10/7 đến 24/7, tại Nhà hát Âu Cơ:

Những câu chuyện đầy tình người

Chủ Nhật, 19/07/2015, 13:57
Với vở diễn “Nguồn sáng phía chân trời”, Đoàn Cải lương Hoa Mai (Nhà hát Cải lương Hà Nội) đã chứng tỏ, khán giả không thờ ơ với cải lương, nếu chuyện kể hay và ca cải lương “mùi”. Hơn cả thế, “Nguồn sáng phía chân trời” đã mang đến cho khán giả niềm xúc động trọn vẹn, từ đầu tới cuối câu chuyện, qua những tình tiết, qua những câu hát và qua lối diễn giàu cảm xúc của các nghệ sĩ, diễn viên.

Là câu chuyện về người chiến sĩ Cảnh sát trại giam – đề tài đã và đang được nhiều đơn vị nghệ thuật dàn dựng trong Liên hoan Sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND”, nhưng “Nguồn sáng phía chân trời” đã cuốn hút người xem đi theo những tình huống éo le, kịch tính một cách nhuần nhuyễn. Không ai ngờ, hình ảnh lãng mạn của cảnh diễn đầu chỉ là cái cớ cho một câu chuyện bi thương, mà vô cùng nhân ái.

Tình yêu của Văn và Hường chân thành, được gia đình vun đắp, chỉ còn đợi ngày cưới. Họ lại có hoàn cảnh gần nhau, khi bố của 2 người đều là Công an, nhưng bố của Văn đã hy sinh, bố của Hường thì bị di chứng thần kinh, khi mê khi tỉnh. Nhưng vì tình yêu đơn phương ích kỷ với Hường, Hoàng đã sắp đặt để mẹ Hường vỡ nợ, rồi ra tay “cứu giúp”.

Vì gia đình, Hường đồng ý lấy Hoàng, dù trái tim đã thuộc về Văn. Nhưng sóng gió đã đến, khi Hoàng vì làm ăn phi pháp đã bị bắt, đúng ngày Hường sinh con, cũng là lúc mẹ con cô bị bố Hoàng đuổi ra khỏi nhà. Năm tháng trôi qua, không ngờ, Hường, Hoàng và Văn lại gặp nhau trong cảnh trớ trêu, khi Hường vào trại giam, nơi Văn làm quản giáo, đòi Hoàng ký đơn ly hôn. Nhưng Văn đã khuyên nhủ Hường vì con, vì sự hoàn lương của Hoàng mà tha thứ.

Khi Hoàng sợ Văn trả thù mà bỏ trốn, cơ hội thanh toán món nợ với Hoàng nằm trong tay Văn, lúc chỉ có 2 người giữa rừng, nhưng Văn đã khuyên Hoàng trở về trại để cải tạo. Không chỉ thế, chính Văn còn tạo điều kiện đưa vợ con Hoàng lên trại thăm Hoàng. Rồi, cơn lũ rừng bất ngờ ập tới, Văn đã quên mình để cứu vợ con Hoàng, cứu chính Hoàng…

Cảnh trong vở "Nguồn sáng phía chân trời".

“Tung” 2 diễn viên chính của Đoàn Hoa Mai là Quang Thanh (vai Văn) và Tuấn An (vai Hoàng) vào đảm nhận 2 nhân vật quan trọng của vở diễn, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đã không bị phụ công. Không chỉ có lợi thế về ngoại hình, mà Quang Thanh còn thể hiện tâm lý nhân vật rất tốt, lột tả thành công một chiến sĩ Công an có tình yêu sâu nặng, luôn biết hy sinh vì người khác, trái hẳn với sự ích kỷ của “tình địch” Hoàng.

Trong mọi tình huống, cách xử lý của Văn đều chân thành, rất tự nhiên và rất con người. NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội tỏ ra hài lòng khi diễn xuất của cả nhân vật Văn và Hoàng đều  gần gũi với cuộc sống - điều rất cần trong những đề tài về xã hội đương đại. Điều này, đòi hỏi diễn viên phải có bản lĩnh sân khấu và kinh nghiệm diễn xuất, biết tập trung vào những điểm nhấn, sự kiện quan trọng trong vai diễn của mình.

Các diễn viên đã thể hiện khá đầy đủ vai diễn, phối hợp ăn ý, để câu chuyện mang đến cho người xem ý nghĩa thật lớn: giáo dục một con người không nhất thiết phải ở nhà tù, cũng không hẳn phải là gông cùm, mà những tấm gương tốt sẽ cảm hóa được cả các tên tội phạm nguy hiểm nhất.

NSƯT Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội, người đã theo sát quá trình luyện tập của vở diễn, nhấn mạnh: Cái được của “Nguồn sáng phía chân trời” là cốt chuyện rành mạch, chủ đề tư tưởng rất rõ. Với câu chuyện được kể bằng diễn xuất, người xem thấy rõ hơn phẩm chất sáng ngời của người chiến sĩ Công an: Đó không phải là những người chỉ biết nguyên tắc trong công việc, mà còn sống rất tình nghĩa, sẵn sàng hy sinh vì hạnh phúc của người khác, thậm chí, hy sinh để cho tội phạm được sống.

Sau khi tạo ấn tượng với khán giả qua “Cho một ngày bình yên” (tác giả: Lê Chí Trung; đạo diễn: Bùi Như Lai), Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục mang tặng công chúng một tác phẩm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ: “Ai là thủ phạm” (đạo diễn: NSUT Chí Trung). Chỉ cần nhìn số ghế của đêm diễn đông kín người xem, đủ thấy được sức hấp dẫn của vở kịch này, dẫu đã có hàng chục đêm diễn do Ngân hàng SHB lựa chọn dành tặng cho khán giả trong dự án “Chắp cánh niềm tin”.

Vở diễn kể về đời sống thường nhật của người dân thành thị trong những năm 80 ở Hà Nội, xung quanh những mảng đời nhỏ lẻ ở một khu tập thể nhỏ. Một thế hệ trẻ lớn lên với nhiều hoàn cảnh sống, cách giáo dục khác nhau. Nhưng vấn đề là, những người trẻ ấy sẽ là những người lớn trong giai đoạn hiện nay, thậm chí, có người còn làm lãnh đạo.

Do đó, cách rèn giũa, dạy dỗ trẻ không trung thực, giả dối, phải chăng chính là căn nguyên sâu xa giải đáp cho câu hỏi “Ai là thủ phạm?”  của những hiện tượng tha hóa, tham nhũng liên tục nảy sinh trong đời sống hôm nay? Hình tượng người chiến sĩ Công an không đậm đặc, nhưng xuất hiện đúng lúc và có tính “tháo nút”, đã thực sự tạo được thiện cảm trong lòng khán giả với hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an.

Với thủ pháp đồng hiện, xen kẽ giữa những bối cảnh xưa là suy nghĩ của lớp trẻ hiện nay, NSƯT Chí Trung đã tiếp tục cho thấy bản lĩnh sân khấu và kinh nghiệm của một đạo diễn nhiều kinh nghiệm, khi vẫn giữ được hồn cốt của kịch Lưu Quang Vũ, với tính nhân văn, tính dự báo, mà vẫn hấp dẫn ở tính thời sự xã hội nóng bỏng qua những mảng miếng hài hước, sinh động. 

Sự xuất hiện của dàn diễn viên nổi tiếng như NSND Lê Khanh, NSƯT Ngọc Huyền, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Đức Khuê, Vân Dung, Quỳnh Dương, Thanh Dương, Anh Thơ, Thanh Tú, Chí Huy, Huy Toàn... đã tạo nên sức nặng cho vở diễn “Ai là thủ phạm” với màu sắc mới, ấn tượng mới, rất hấp dẫn.

Dạ Miên
.
.
.