Những bí mật trong va li tư liệu của nhà văn Franz Kafka

Chủ Nhật, 13/07/2008, 08:30
Ngày 6/7, tờ Haaretz xuất bản ở Israel đã đưa tin, trong tương lai gần, các nhà nghiên cứu văn học sẽ có cơ hội tìm hiểu những bí mật cuối cùng trong chiếc va li đựng đầy các tư liệu chưa từng được biết tới của nhà văn lừng danh Franz Kafka, được lưu giữ tại Tel Aviv từ năm 1939. Số phận của chiếc va li này rất li kỳ và thậm chí là đôi lúc còn phi lý hơn những tình huống phi lý nhất trong các tác phẩm của Kafka.

Trong lịch sử văn học thế giới thế kỷ XX, Franz Kafka là một trong những gương mặt nổi bật với một phong cách khác lạ cũng rất nổi bật. Phần lớn các tác phẩm chính của ông đều được xuất bản sau khi ông qua đời. Đó là những cuốn sách tuyệt hay và chứa đầy những điều phi lý và nỗi lo âu đối với thế giới bên ngoài và đấng tối cao, khiến người đọc không thể nào không đắm chìm trong những suy tư trăn trở.

Trước khi chết, Kafka đã muốn thiêu hủy hết các bản thảo của mình. Chính vì thế, người đời lại càng quan tâm tới tất cả những gì liên quan tới nhà văn lớn còn sót lại trên thế giới.

Cách đây hơn một tuần, vào ngày thứ bảy 6/7, tờ Haaretz xuất bản ở Israel đã đưa tin, trong tương lai gần, các nhà nghiên cứu văn học sẽ có cơ hội tìm hiểu những bí mật cuối cùng trong chiếc va li đựng đầy các tư liệu chưa từng được biết tới của nhà văn lừng danh Franz Kafka, được lưu giữ tại Tel Aviv từ năm 1939. Số phận của chiếc va li này rất li kỳ và thậm chí là đôi lúc còn phi lý hơn những tình huống phi lý nhất trong các tác phẩm của Kafka.

Thực ra, người ta đã biết về chiếc va li tư liệu này từ lâu; nữ chủ nhân cuối cùng của nó hàng chục năm nay đã cố tình chơi trò "mèo vờn chuột" với chính quyền Israel và chỉ bây giờ, khi người đàn bà này đã qua đời, những nhà nghiên cứu về Kafka mới có cơ hội trực tiếp tiếp xúc với cái va li chứa đầy bí ẩn của nhà văn. Tuy nhiên, đó mới chỉ là cơ hội, để cơ hội này trở thành hiện thực thì còn phải cần nhiều thời gian nữa.

Franz Kafka lớn lên trong một gia đình gốc Do Thái trung lưu ở Praha, nay thuộc CH Czech. Ông đã mất tại Kierling, gần thành Viên, thủ đô Áo, vì bệnh lao ngày 3/6/1924, đúng một tháng trước lễ sinh nhật lần thứ 41 của mình (ông sinh ngày 3/7/1883). Khi đó, ông đã công bố được hơn một chục truyện ngắn và truyện vừa "Hoá thân" (1915).

Ba cuốn tiểu thuyết trứ danh của ông là "Vụ án", "Lâu đài" và "Nước Mỹ" lúc ấy vẫn chưa được sẵn sàng để in. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Kafka đã yêu cầu người bạn thân gần gụi là nhà văn kiêm nhà phê bình văn học Áo, Max Brod  đốt hộ mọi bản thảo. Ông cũng đã đưa ra một yêu cầu tương tự đối với người tình cuối cùng của mình là Dora Diamant.

Tuy nhiên, Dora đã thực hiện gần hết yêu cầu của nhà văn và chỉ giữ lại cho mình hơn ba chục lá thư và hai mươi cuốn sổ ghi chép của Kafka. Tất cả những tư liệu này đã bị biến mất năm 1933, khi các nhân viên Gestapo của phát xít Đức tràn vào căn hộ của Dora Diamant lục soát và tịch thu mọi thứ chúng tìm thấy ở đó. Cho đến hôm nay, những tư liệu đó vẫn biệt vô âm tín.

Riêng Max Brod, khi ấy đã là một tên tuổi khá nổi trong làng văn bút châu Âu, nhưng đã làm khác với những lời di huấn của bạn. Hơn thế nữa, ông đã biến tất cả những gì mà Kafka để lại mà ông đã không đốt đi theo lời di huấn của nhà văn thành sự nghiệp chính yếu của đời mình.

Sau khi bạn chết, ông đã cho công bố những tác phẩm bất hủ của Kafka như "Phiên tòa" (năm 1925), "Lâu đài" (năm 1926), “Nước Mỹ” (năm 1927)… Trong những năm 30 của thế kỷ trước đã xuất bản tới 6 cuốn tuyển tập các tác phẩm của Kafka. Năm 1937, tập tiểu sử đầu tiên của nhà văn lớn cũng đã được công bố.

Năm 1939, khi quân đội Đức Quốc xã tràn vào Praha, Max Brod đã di tản sang xứ Palestine (khi đó còn chưa có quốc gia Israel ở Trung Đông). Đi cùng ông tới Tel Aviv là chiếc va li chứa đầy bản thảo của Kafka.

Năm 1956, khi xảy ra cuộc khủng hoảng kênh đào Suez, ông Brod, vốn bản tính cực kỳ thận trọng, đã gửi tư liệu của người bạn quá cố sang Thụy Sĩ và cất giấu trong két sắt một nhà băng kín cổng cao tường.

Năm 1961, theo yêu cầu của những người thừa kế Kafka, ông Brod đã chuyển phần lớn những tư liệu của nhà văn lớn cho thư viện Bordlerian thuộc Đại học Oxford. Trong số này có các bản thảo "Lâu đài", "Nước Mỹ" và "Hóa thân". Ông chỉ giữ lại cho mình bản thảo "Phiên tòa" mà ông nói rằng, đó là món quà mà Kafka tặng riêng cho ông cùng một số đồ vật khác.

Mọi thứ mà ông Brod không chuyển tới Oxford đều được lưu giữ tại căn hộ của ông ở Tel Aviv. Sau khi ông Brod qua đời năm 1968, phần còn lại trong những tư liệu của Kafka đã được người thừa kế kiêm thư ký của ông Brod là bà Ester Hoffe, có lẽ cũng là tình nhân cuối cùng của ông, giữ lại.

Nhiều nhà nghiên cứu văn học đã tới yêu cầu bà Hoffe cho xem những gì còn lại trong va li tư liệu của Kafka nhưng đều bị từ chối kiên quyết. Thi thoảng bà Hoffe lại tung ra nhỏ giọt chút ít thông tin về những gì Kafka để lại khiến các nhà nghiên cứu văn học quan tâm tới Kafka phải dựng cả tóc gáy lên.

Mọi chuyện đã trở nên nghiêm trọng đến mức chính quyền Israel đã nghi ngờ bà Hoffe có ý định bí mật chuyển tư liệu của Kafka ra ngoài lãnh thổ Israel để bán ở châu Âu. Đã một lần bà Hoffe bị bắt giữ tại sân bay Ben Gurion ở thủ đô Tel Aviv khi mang theo mình các lá thư và cuốn sổ tay ghi chép lúc đi đường của nhà văn.

Sau vụ tai tiếng này, bà Hoffe đã đưa cho mọi người nhìn thấy một phần tư liệu mà Kafka để lại nhưng cũng chỉ thế thôi. Ngoài ra, một phần khác của kho tư liệu này đã được bà Hoffe gửi vào két sắt của một số ngân hàng.

Năm 1988, bà Hoffe đã bán tại nhà đấu giá Sotheby bản thảo tiểu thuyết "Phiên toà" vốn rất được ông Brod trân trọng với giá một triệu bảng Anh (khi ấy, đấy là con số kỷ lục). Rất may mắn cho những người nghiên cứu về Kafka, vị chủ nhân mới của bản thảo này đã chuyển nó tới cho một thư viện công của nước Đức.

Cũng vào thời điểm đó, giữa những năm 80, nhà xuất bản  Artemis & Winkler ở Đức đã ứng trước cho bà Hoffe một khoản tiền để nhận lấy quyền đăng nhật ký của ông Brod nhưng mãi mà bà vẫn không cung cấp bản thảo cho họ.

Năm 2006, những người hàng xóm của bà Hoffe đã gọi điện tới cảnh sát yêu cầu kiểm tra căn hộ của bà này: họ cho rằng, những con chó và mèo mà bà cụ này nuôi làm phiền nhiễu họ quá mức. Một số chuyên gia cho rằng, trong tình cảnh đó, những tư liệu trong chiếc va li của Kafka cũng khó có thể được bảo quản tốt.

Bà Hoffe mới qua đời mùa xuân năm nay ở tuổi 101. Chính cái chết đó đã cho phép nói tới khả năng tiếp cận với những bí ẩn trong chiếc va li chứa các tư liệu của Kafka trong tương lai gần. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải thương lượng thỏa đáng với những người con gái của bà Hoffe. Và việc đó là không dễ dàng

Thu Hà
.
.
.