Những bí ẩn của Leonardo Da Vinci

Chủ Nhật, 06/09/2009, 10:03
Để gia tăng khả năng tiếp nhận thế giới, cải thiện trí nhớ và phát triển mạnh mẽ hơn nữa óc tưởng tượng, Leonardo Da Vinci đã thực hành những bài tập tâm lý đặc biệt mang hơi hướng của cả những thủ pháp huyền bí của những người theo học thuyết Pythagoras và cả môn thần kinh ngữ âm học (Neurolinguistique) hiện đại.

Dường như danh họa đã biết được trước những chìa khóa tiến hóa mở ra những bí mật của tâm lý con người. Một trong những bí quyết của Leonardo da Vinci ẩn giấu trong chế độ ngủ đặc biệt: cứ 4 giờ ông lại chợp mắt 15 phút và bằng cách này thu gọn lại tổng thời gian ngủ trong một ngày đêm từ 8 giờ xuống còn 1,5 giờ. Nhờ thế, danh họa đã "tiết kiệm" được 75% thời lượng dành cho giấc ngủ và trong thực tế đã kéo dài được thời gian sống tỉnh táo của mình từ 70 năm lên 100 năm.

Xưởng họa bí mật

Sau 5 thế kỷ, thiên tài của thời đại Phục hưng Leonardo Da Vinci vẫn không ngừng làm cho hậu thế phải kinh ngạc. Mới đây, các nhà nghiên cứu Italia đã phát hiện ra một xưởng họa bí mật của ông. Nó nằm trong nhà thu nam giới St. Annunziata ở ngay trung tâm Florence. Các nam tu sĩ ở đó đã cho những vị khách danh giá thuê một số phòng.

Từ lâu đã có những nguồn tư liệu khác nhau tiết lộ về sự tồn tại của xưởng họa đó nhưng để tìm ra nó thật không dễ dàng vì nó đã được ngụy trang rất khéo léo. Đằng sau cánh cửa kín đáo là một cầu thang, ghi năm 1430, công trình của nhà tạc tượng kiêm kiến trúc sư Michelosso Bartolomeo. Cây cầu thang này dẫn vào căn phòng, nơi danh họa từng sống và làm việc cùng các học trò của mình. Điều kiện sinh hoạt trong xưởng họa rất tốt vì khi tới đây thuê, Leonardo Da Vinci đã là người rất danh giá rồi. Căn phòng rộng nhất, có hai cửa sổ, là phòng ngủ. Ngoài ra, còn có một căn phòng bí mật liền kề, nơi danh họa sáng tạo. Những phòng còn lại được sử dụng để Leonardo Da Vinci cùng 5-6 người học trò làm việc. Một số chi tiết trong phòng cho thấy, giữa những học trò này có cả một đầu bếp.

Nơi đặt xưởng họa này cực kỳ lý tưởng. Thư viện trong tu viện lúc đó có gần 5.000 bản thảo, rất được Leonardo Da Vinci quan tâm. Gần đó có trạm xá St. Maria, nơi thiên tài có thể nghiên cứu cơ thể học của các xác chết. Minh chứng cho việc Leonardo Da Vinci đã làm việc ở xưởng họa này là các bức bích họa. Những bức bích họa này gợi nhớ ngay tới những tác phẩm nổi tiếng của Leonardo ngay từ cái nhìn đầu tiên. Các nghiên cứu trên computer cũng khẳng định sự đúng đắn của nhận xét này.

Cũng chính trong tu viện St. Annunziata, gia đình thương gia Francesco di Bartolomeo del Giocondo có một nguyện đường. Hoàn toàn có thể là, chính ở trong tu viện này, danh họa vĩ đại đã được nhìn thấy vợ của người thương gia giàu có, bà Lisa Gherardini. Người phụ nữ trẻ này đã trở thành người mẫu để Leonardo Da Vinci vẽ nên kiệt tác Mona Lisa (La Joconda) của mình.

Chàng hay nàng?

Các nhà nghiên cứu đã phải đau đầu trước sự bí ẩn trong nụ cười của Mona Lisa từ rất nhiều năm nay. Và hình như năm nào cũng có một nhà khoa học nào đấy reo lên: "Eureca, đã phát hiện ra bí mật rồi!". Một số nhà nghiên cứu cho rằng, sự khác nhau trong cách cảm nhận vẻ mặt của La Joconda phụ thuộc vào những phẩm chất tâm lý của từng người xem tranh. Ai đó cảm thấy đấy là một gương mặt buồn, còn ai đó cho đấy là gương mặt trầm ngâm. Ai đấy nghĩ, đấy là gương mặt láu lỉnh, thậm chí hơi cáu kỉnh…

Một số người còn cho rằng, La Joconda thậm chí không hề cười trong tranh của Leonardo Da Vinci! Có những nhà nghiên cứu cho rằng, vấn đề là ở trong những đặc điểm vô tiền khoáng hậu trong phong cách nghệ thuật của danh họa. Dường như ông đã độn những lớp màu lên nhau theo một cách đặc biệt nào đó khiến vẻ mặt của Mona Lisa liên tục thay đổi. Nhiều nhà nghiên cứu đã cố công chứng minh rằng, danh họa đã tự vẽ chân dung của chính mình trong y phục nữ giới và vì thế đã tạo ra một hiệu quả lạ kỳ.

Có giả thuyết cho rằng, danh họa hình như là người lưỡng tính và đã vẽ trong tranh không phải bản thân mình mà là người học trò kiêm trợ lý Gian Giacomo Caprotti, người từng ở cạnh thầy mình suốt 26 năm ròng. Một trong những luận chứng có lợi cho giả thuyết này là việc danh họa trước khi qua đời năm 1519 đã di chúc lại cho người học trò này thừa kế bức tranh La Joconda.

Cũng cần phải rất chú ý tới ý kiến của các chuyên gia y học. Bác sĩ nha khoa kiêm chuyên gia hội họa Joseph Borkowski cho rằng, vẻ mặt của Mona Lisa là vẻ mặt rất điển hình của những người đã bị gãy hàm răng trước. Còn vị bác sĩ người Nhật Nakamura lại phát hiện ra vết tổn thương ở góc mắt trái của Mona Lisa và khẳng định rằng, người phụ nữ trong tranh của Leonardo Da Vinci dễ bị bệnh tim và đã mắc bệnh hen suyễn.

Còn có một giả thuyết nữa - về bệnh tê liệt thần kinh mặt - được đưa ra bởi chuyên gia tai mũi họng Azur ở Auckland (Mỹ) và vị bác sĩ người Đan Mạch Finn Kecker Christiansen, người đã đề nghị chú ý tới việc, La Joconda cười ở phía bên phải mặt nhưng lại nhăn ở phía bên trái. Ngoài ra, vị bác sĩ người Đan Mạch còn phát hiện ra ở Mona Lisa những dấu hiệu của bệnh đần, dựa trên những dấu hiệu không cân đối của các ngón tay và sự thiếu vắng sự mềm mại ở tay nàng. Còn theo ý kiến của vị bác sĩ người Anh Kenneth Kill, trong bức tranh của danh họa thời Phục hưng đã truyền tải trạng thái mãn nguyện của người đàn bà đang có mang.

Người ta đồn rằng, chính với người mẫu của tranh La Joconda mà Leonardo Da Vinci đã phải chết sớm hơn số phận. Theo giả thuyết này, chính vì đã tốn quá nhiều công sức để vẽ nên tuyệt tác này với một người mẫu có khả năng hút kiệt sức sống của danh họa mà ông đã mất. Ngay sau khi bức tranh được hoàn thành, Leonardo Da Vinci đã từ giã cõi trần.

Chúng ta không biết đọc!

Ai cũng biết rằng, Leonardo Da Vinci thuận tay trái, viết từ phải sang trái theo kiểu soi gương. Những bản viết đầu đời của ông hoàn toàn không đọc được nhưng dần dà cách viết theo kiểu soi gương của ông đã ổn định dần hình thái dẫu vẫn khó đọc. Sắp xếp nét viết của các từ riêng lẻ, một vài nhà nghiên cứu đã học được cách đọc văn bản mà  Leonardo Da Vinci đã viết theo cách từ phải sang trái. Và có cảm giác như đã khám phá được bí ẩn trong thủ bút của ông.

Tuy nhiên, sự khó đọc nét viết của thiên tài hội họa này mới chỉ là một nửa của tai họa. Leonardo Da Vinci còn có thói quen viết theo cách nghe được, lúc để cách các âm của một từ, lúc lại viết nhiều từ liền sát nhau. Cộng thêm vào đó là những tri thức rất rộng lớn mà chỉ những chuyên gia cao cấp của các lĩnh vực khác nhau mới hiểu được. Tất cả những điều này không thể không dẫn các nhà nghiên cứu vào mê lộ của các lầm tưởng. Chính vì thế mà tuyệt đại đa số các điều bí ẩn của thiên tài này đều chưa được nhân loại khám phá.

Trong các tác phẩm văn xuôi của Leonardo Da Vinci có "Những tiên đoán" đầy bí ẩn. Đó như thể một trò chơi đố vui. Có thể ông đã soạn ra chúng để mua vui cho giới thượng lưu hay cung đình. Leonardo Da Vinci đã đưa ra những miêu tả sự vật hay hiện tượng với những dấu hiệu riêng chuẩn xác nhưng lại có thể rất khác so với bản chất của nó. Và bất cứ một sự việc bình thường nào cũng hiện lên ngược với chính nó. Trong trò chơi này, người nghe phải đoán được đúng tên sự vật hay hiện tượng. Nhiệm vụ của Leonardo Da Vinci là, một mặt, phải làm cho sai khác càng nhiều càng tốt giữa những miêu tả sự vật hay hiện tượng với chính nó, mặt khác, không làm mất đi mối liên hệ giữa chúng.

Một thí dụ, Leonardo Da Vinci đã viết câu đố về những đứa trẻ được quấn tã như sau: "Ôi những thành phố biển! Tôi thấy các bạn, các công dân của bạn, cả nam lẫn nữ, đều là những người bị buộc chân tay rất chặt bằng những dải khăn, những dải khăn sẽ không thể hiểu những lời các bạn nói, và các bạn sẽ chỉ được dễ chịu hơn và trở nên tự do trong những lời than khóc và gào thét, bởi người đã thắt các bạn lại sẽ không hiểu các bạn, và các bạn cũng không hiểu họ!".

Và đây là câu đố của Leonardo Da Vinci về những đứa trẻ đang bú: "Nhiều cậu Franchesco, Dmoninico và Benedetto sẽ ăn thứ mà những đứa bé ở cạnh đã ăn nhiều lần rồi, và sẽ phải mất nhiều tháng ngày để chúng có thể nói được"…

"Ôi, có biết bao nhiêu người như thế, sẽ không thể được sinh ra" - danh họa đã viết như thế về những quả trứng ung.

Trong nhiều câu đố của Leonardo Da Vinci ẩn chứa cả những tiên đoán về tương lai. Một số nhà nghiên cứu cho rằng họ đã tìm được câu trả lời cho một số câu đố. Thí dụ:

"Trong không khí sẽ bay lên dòng giống kinh hồn; chúng sẽ tấn công con người và cầm thú và sẽ gào thét lên ăn thịt muôn loài. Chúng sẽ làm đầy bụng mình máu đỏ". Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là lời tiên đoán của Leonardo Da Vinci về sự xuất hiện của các loại máy bay trong tương lai.

"Con người sẽ nói chuyện cùng nhau từ những nơi xa xôi nhất và sẽ đáp lại lời nhau" - đó là lời tiên đoán về sự xuất hiện của điện thoại.

"Có thể sẽ thấy nhiều người đi như bay trên những con vật lớn tiến tới cái chết của chính mình. Trên mặt đất sẽ hiện rõ những con vật đa mầu mang con người tới cõi huỷ diệt đời mình" - đó là lời tiên đoán về sự xuất hiện của các loại xe hơi…

Còn nhiều thí dụ tương tự… Leonardo Da Vinci không bao giờ vội vã hoàn thành tác phẩm của mình. Ông cho rằng, sự chưa hoàn thành là phẩm chất không thể thiếu được của sự sống. Hoàn thành tức là kết thúc, là cái chết. Không ngẫu nhiên mà ông sáng tạo một cách cực kỳ chậm rãi, ông vẽ những bức tranh của mình trong rất nhiều năm. Ông có thể chỉ hạ bút làm vài nét vẽ rồi để tác phẩm dang dở trong một thời gian dài. Hầu như tác phẩm lớn nào của ông cũng đang trong giai đoạn cần hoàn thiện. Nhiều tác phẩm của ông đã bị hư hại bởi nước, lửa, bởi cách bảo quản tồi tệ nhưng danh họa không bao giờ sửa lại tác phẩm của mình, dường như ông muốn cuộc sống tự nhiên can thiệp vào sáng tạo của ông và biến cải chúng theo ý nó.

Leonardo Da Vinci làm ảo thuật rất giỏi (những người cùng thời gọi ông là đạo sĩ). Ông có thể lấy ra từ chất lỏng đang sôi một ngọn lửa xanh bằng cách đổ rượu vang vào đó. Ông dễ dàng biến rượu vang trắng thành rượu vang đỏ. Ông có thể chỉ bằng một động  tác làm gẫy cây gậy đặt hai đầu ở hai cái cốc mà không làm vỡ cốc. Ông chỉ dính tí nước bọt vào bút lông và viết được chữ đen như mực… Người đương thời không thể hiểu được hết các phép thuật của ông.

Leonardo Da Vinci cũng viết rất nhiều ẩn ý để các ý tưởng của ông chỉ được mở ra từ từ, theo sự trưởng thành dần của nhân loại. Các nhà khoa học chỉ tới năm 2008 mới  hiểu được bản vẽ của ông về chiếc xe tự hành. Đây có thể coi như tiền thân của xe hơi hiện đại.

Các phát minh và sáng chế của Leonardo Da Vinci bao trùm lên hơn 50 lĩnh vực và đã định hướng trước được mọi phát triển của nền văn minh hiện đại. Năm 1499, để đón vua Pháp Louis XII, ông đã thiết kế một con sư tử gỗ cơ khí có thể tự đi vài bước rồi mở lồng ngực mình ra để mọi người thấy trong đó có toàn hoa huệ. Ông cũng là người sáng chế ra áo giáp, tàu ngầm, tàu thuỷ, chân nhái… Ông có bản thảo mô tả khả năng lặn sâu dưới nước mà không cần áo giáp nhờ một hợp chất hơi đặc biệt (thành phần hợp chất này ông đã cố xoá đi). Để làm ra hợp chất đó, cần phải có đủ kiến thức về các quá trình sinh hóa trong cơ thể con người mà lúc đó không có ai ngoài ông có thể hiểu được. Chính ông đã là người đầu tiên đưa ra ý tưởng đặt lên các con tàu thủy bọc thép các khẩu đội pháo, sáng chế ra máy bay trực thăng, xe đạp, máy bay, dù, xe tăng, súng liên thanh, các chất độc hóa học, màn khói bao phủ quân lính, kính phóng đại…

Leonardo Da Vinci cũng là người đã sáng chế ra máy dệt, cần cẩu, hệ thống làm khô đầm lầy bằng các đường ống, cầu treo… Ông đã làm nên những bản vẽ các cánh cửa, đòn bẩy và cánh quạt để nâng những vật nặng lên cao - đó là những hệ thống cơ khí chưa có ở thời của ông. Thật kỳ lạ là, Leonardo Da Vinci đã có thể mô tả rất chi tiết những hệ thống này, dẫu khi đó không thể nào làm được chúng vì người thời ấy  không có khái niệm gì về ổ bi (nhưng bản thân danh họa lại biết điều này - hiện vẫn còn hình vẽ để lại). Đôi khi có cảm giác như Leonardo Da Vinci  đã muốn biết càng nhiều càng tốt về thế giới này nên ông đã sưu tập được nhiều thông tin đa dạng đến thế. Nhưng những thông tin này cần cho ông làm gì? Ông đã không để lại câu trả lời cho câu hỏi này

Khánh Hà
.
.
.