Phát hiện mới về khảo cổ học ở Trường Sa:

Những bằng chứng khẳng định chủ quyền của Việt Nam

Thứ Bảy, 27/09/2014, 13:30
Nhiều phát hiện bổ sung từ đợt khảo sát khảo cổ học Trường Sa đã khẳng định sự có mặt từ rất sớm và liên tục của cư dân thời đại kim khí miền Trung, cũng như của người Việt trong lịch sử Việt Nam từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn ở Trường Sa - Khánh Hòa. Đó là những thông tin quan trọng được đưa ra tại Hội nghị “Những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 49”- năm 2014, do Viện Khảo cổ học tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 25 và 26/9. Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, người tham gia chuyến khảo sát đặc biệt này.

- Thưa ông, Viện Khảo cổ học vừa có đợt khảo sát khảo cổ học tại Trường Sa với những phát hiện mới. Kết quả của cuộc khảo cổ có những gì mới mẻ?

TS Bùi Văn Liêm: Trong 10 ngày cuối tháng 6/2014, đoàn khảo cổ gồm 10 thành viên thuộc Viện Khảo cổ học, Cục Di sản văn hóa, Bảo tàng Khánh Hòa, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh đã điều tra khảo sát ở 4 đảo: Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh. Đây là chuyến khảo sát được thực hiện theo kế hoạch hợp tác giữa Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và tỉnh Khánh Hòa. Trong đợt này, tại hố thám sát ở đảo Trường Sa Lớn và Nam Yết, đoàn đã thu được 4 mảnh gốm thời tiền sử, một số mảnh gốm thời Trần, Lê và một số mảnh sành có niên đại khoảng thế kỷ XVIII - XIX. Ở các hố thám sát, các nhà khoa học đã phát hiện dưới lớp cát tôn nền đảo có lớp cát trắng xám lẫn màu đen nghi là tầng văn hóa. Dựa trên những hiện vật có được từ các cuộc khảo sát, khai quật khảo cổ trước đây cùng với những hiện vật được phát hiện trong cuộc khai quật được thực hiện vào tháng 6- 2014 tại Trường Sa  một lần nữa đưa ra những chứng cứ khoa học hiển nhiên về hoạt động trên biển của cư dân tiền sử, cũng như của người Việt trong lịch sử ở quần đảo này, đồng thời khẳng định những nghiên cứu trước đây là khoa học, trung thực và khách quan.

Hình ảnh về những phát hiện khảo cổ mới được giới thiệu tại hội nghị sáng 25/9.

- Vấn đề khảo cổ ở các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Vì vậy, sau đợt khai quật này, các nhà khoa học có tiếp tục tiến hành mở rộng quy mô khảo cổ ở những nơi này?

TS Bùi Văn Liêm: Hiện chúng tôi đang chỉnh lý để báo cáo gửi các cấp có thẩm quyền và  nhận sự chỉ đạo để tiếp tục khảo cổ học ở Trường Sa. Chúng tôi đặc biệt quan tâm khảo cổ học dưới nước ở Trường Sa, Hoàng Sa, đồng thời tiến hành quy hoạch khảo cổ học ở Trường Sa, và lên kế hoạch bảo vệ các di tích, di vật hiện có nhằm tránh những ảnh hưởng của các cư dân hiện đại đến các dấu vết cổ. Vì thế vấn đề này đã được kiến nghị tiếp tục triển khai. Bên cạnh đó, cùng với việc tiếp tục tìm kiếm thêm các di tích, di vật ở Trường Sa, chúng tôi sẽ tổ chức trưng bày, quảng bá những tư liệu tìm được, tổ chức hội thảo và tiến hành xuất bản các hiện vật tìm được trong các đợt khảo cổ học tại Trường Sa.

- Ngành Khảo cổ học có quan tâm phát triển khảo cổ học dưới nước của Việt Nam, khi chúng ta còn rất nhiều tiềm năng của kho tàng lịch sử, văn hóa ẩn chứa dưới nước?

TS Bùi Văn Liêm: Đây cũng là vấn đề chúng tôi rất quan tâm nên đã bước đầu xây dựng nguồn nhân lực về khảo cổ học dưới nước. Bên cạnh việc kết hợp với các chuyên gia, nhà khảo cổ học nước ngoài tổ chức khai quật khảo cổ dưới nước tại Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi, chúng tôi đã xây dựng đề án và chuẩn bị xin thành lập Trung tâm khảo cổ học dưới nước, với việc và trang bị các dụng cụ thiết yếu hiện đại để phục vụ công tác nghiên cứu để có thể tiến hành khảo cổ tại nhiều vùng lãnh thổ của Việt Nam, các vùng đảo, quần đảo....

- Xin cảm ơn ông!

Thái Hoàng (thực hiện)
.
.
.