Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Chế Lan Viên (1920 – 2020):

Nhớ về một thiên tài của nền thơ ca hiện đại Việt Nam

Thứ Tư, 28/10/2020, 06:11
Ngày 27/10, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Chế Lan Viên (1920 – 2020). Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương… đã đến dự.



Cùng dự chương trình còn có đại diện gia đình nhà thơ Chế Lan Viên, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch một số tỉnh thành và đông đảo các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học nghệ thuật.

Nhà thơ Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh năm 1920 tại tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, Bình Định được ông coi như quê hương thứ hai của mình. Năm 17 tuổi, ông xuất bản tập thơ đầu tiên với nhan đề “Điêu tàn”, với bút danh Chế Lan Viên. Thời gian này, ông còn là học sinh Trường Trung học Quy Nhơn, cùng một nhóm thơ với Yến Lan, Hàn Mặc Tử và Quách Tấn. Tựa “Điêu tàn” là Tuyên ngôn của Trường Thơ Loạn do ông và thi sĩ Hàn Mặc Tử lập ra.

Lễ Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà thơ Chế Lan Viên tại Hội Nhà văn Việt Nam.

Năm 1939, ông ra Hà Nội học, sau đó làm báo ở Sài Gòn, dạy học ở Thanh Hóa, Huế. Sau Cách mạng tháng Tám, ông làm báo “Quyết Thắng” của Việt Minh Trung Bộ và đã gặp nhà thơ Tố Hữu. Kháng chiến chống Pháp, ông công tác báo chí ở Liên khu 4 cũ…

Suốt thời kháng chiến chống Mỹ, ông công tác tại miền Bắc, tham gia Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, các khóa Quốc hội 4,5,6,7 và hoạt động đối ngoại trên các diễn đàn văn học quốc tế ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sau ngày đất nước thống nhất, ông vào công tác tại miền Nam, ở lại TP Hồ Chí Minh cho đến ngày mất (19/6/1989).

Theo nhà văn Vũ Thị Thường, trong khoảng gần 8 năm, từ tháng 2/1981 đến tháng 10/1988, ông đã sáng tác nhiều bằng cả đời thơ của mình trở về trước. Sau khi ông mất, 3 tập “Di cảo thơ Chế Lan Viên” gồm 534 bài đã được in ra. “Di cảo thơ” tập IV cung đã gom được trên 200 bài.

Nói về vị thế nhà thơ Chế Lan Viên trên văn đàn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, cho rằng: “Chế Lan Viên đóng góp cho thơ Việt to lớn đến mức, tôi muốn xem ông như một thế giới. Thế giới Chế Lan Viên, đặc điểm lớn nhất của sự cống hiến đó là hài hòa. Lý luận mỹ học coi sự hài hòa là tiêu chuẩn số một của cái Đẹp. Chế Lan Viên đem đến sự hài hòa cho Thơ Mới, và cũng tương tự như vậy, cho tiến trình thơ Việt từ 1945 đến nay. Một người phải có tài đến mức nào mới có thể làm vế đối cho cả một nền thơ”.

Cũng theo nhà thơ Hữu Thỉnh thì “Trong các nhà thơ Việt, chưa có ai bàn về thơ chuyên nghiệp thâm thúy, triệt để như Chế Lan Viên. Ông trở đi trở lại không biết bao nhiêu lần về đề tài này. Ông đưa và một hệ thống thi pháp vừa phổ quát vừa yên sâu, có giá trị kinh điển về nghệ thuật thơ ca. Ông là nhà phê bình thơ hay nhất trong số các nhà thơ. Chế Lan Viên là một nhà hùng biện. Ông là bộ óc điện tử của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông chiếm lĩnh đỉnh cao của thành tựu triết học, lịch sử, luật học, xã hội học, chính trị học, nghệ thuật quân sự, các trào lưu nghệ thuật Đông Tây Kim Cổ. Ông say mê với nhiều bộ môn khoa học tự nhiên. Và ông đã huy động tất cả thành một siêu lực của trí tuệ để đối thoại”.

Chế Lan Viên là bậc thầy đáng kính của các nhà thơ trẻ. Chuyên mục ông ký tên Chàng Văn trên Báo Văn nghệ thực sự là một trường học cho những cây bút mới và những người yêu văn học. Ông nâng đỡ, khuyến khích và bảo vệ các tài năng trẻ. Trong sổ tay của ông chép rất nhiều những câu thơ hay của lớp trẻ.

Chế Lan Viên là một chính khách, một nhà ngoại giao kỳ tài. Ông tham gia Quốc hội liền 4 khóa 4,5,6,7 và tham gia Ủy  ban Đối ngoại cả 4 khóa. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, với 6USD trong túi và 2 bộ veston mượn Bộ Tài chính, ông tiếp xúc và thuyết phục được những bộ óc, những trí thức tiêu biểu nhất của châu Âu, giúp họ nhận ra bản chất của chiến tranh và đứng về phía nhân dân Việt Nam.

100 năm nhà thơ lớn Chế Lan Viên. 100 năm nhà văn hóa Chế Lan Viên. 100 năm biệt tài Chế Lan Viên. Một người đã góp phần xuất sắc nhất đưa nền thơ dân tộc lên đỉnh cao. Cuộc đời và sự nghiệp của Chế Lan Viên đã đi vào lịch sử như một tinh hoa văn hóa, biệt tài của đất nước.

GS Hà Minh Đức cũng chia sẻ: “Chế Lan Viên đến với thơ trong tuổi đời còn rất trẻ, như một thần đồng trong thi ca. Chế Lan Viên là kiện tướng của phong trào Thơ Mới nhưng giữa Thơ Mới và thơ Chế Lan Viên có nhiều điểm trùng hợp và cũng có nhiều điểm rất khác biệt. Một tập thơ “Điêu tàn” và một tập văn “Vàng sao” đã xác lập cho Chế Lan Viên một chỗ đứng vững chắc, một tầm cao lay động cách cảm nghĩ của nhiều người. Nhà phê bình Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam” đã dành cho Chế Lan Viên sự trân trọng, cảm phục một tài năng thi ca mới hé lộ nhưng đã tỏa sáng rạng rỡ: “Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở nửa thế kỷ XX nó đứng sừng sững như một cái tháp Chàm chắc chắn và lẻ loi bí mật”.

GS.TS Trần Đăng Suyền thì khẳng định: “Chế Lan Viên – Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh”.

“Tài thơ thiên bẩm, ý chí và nghị lực phi thường, ý thức lao động nghệ thuật hết mình, gắn bó sâu sắc với Tổ quốc, nhân dân và thời đại, tất cả những điều đó đã tạo nên một nhà thơ lớn Chế Lan Viên, tầm vóc, thật là tầm vóc mà cho đến nay, ít cây bút nào sánh kịp. Chế Lan Viên đã đóng góp vào nền thơ hiện đại Việt Nam một cách nhìn mới, một cách nghĩ mới, một cách cảm xúc mới…, tức là một phong cách cá nhân vô cùng độc đáo.

Với 50 năm miệt mài lao động nghệ thuật, nỗ lực sáng tạo không ngừng, Chế Lan Viên đã để lại một sự nghiệp thơ lớn lao, có sức sống mãnh liệt, trong đó có những bài đủ sức vượt qua được thử thách khắc nghiệt của thời gian. Ông là một thiên tài của nền thơ ca hiện đại Việt Nam, một nhà văn hóa lớn của dân tộc”, GS.TS Trần Đăng Suyền nhấn mạnh.

N.Nguyễn
.
.
.