Nhớ nhà thơ Phạm Hổ với gốc rễ đời người

Thứ Tư, 12/12/2012, 13:05
Cành lá dễ xôn xao sôi nổi
Gốc rễ thường trầm lặng sâu xa.

Nhà thơ Phạm Hổ từ giã cõi đời cách đây 5 năm. Nhưng bài thơ hai câu này rất đúng với tâm hồn nhà thơ Phạm Hổ.

Tôi được biết ông khi còn là học trò của cô Hà Huy Tuyết, vợ ông - cô giáo dạy văn học phương Tây ở Trường Đại học Văn hóa những năm 1977. Bấy giờ nhà ông ở trên tầng 3, khu tập thể Kim Liên (Hà Nội), trong một căn phòng hẹp. Sau này ông được chuyển đến căn hộ chung cư ở Bách Khoa, nhiều phòng hơn. Nhưng ông sống giản dị lắm. Nhà, ngoài treo tranh ông vẽ và sách ra, gia tài chẳng có gì, hình như giá trị vật chất không thấy có gì vướng bận đến ông.

Khi đọc lại thơ hai câu của nhà thơ Phạm Hổ, ngoài gia tài viết cho thiếu nhi, ông còn viết truyện ngắn: “Cây bánh tét của người cô”, giống như một chiếc bánh chưng ở miền Bắc, ngày Tết cái bánh tét ở Bình Định, quê ông, được viết rất ám ảnh khôn nguôi về tấm lòng của người cháu với tuổi thơ đi chúc Tết ở nhà người cô. Day dứt mãi, chỉ là chiếc bánh tét to và cái bánh tét nhỏ trong lòng bạn đọc về một người cô nghèo ở Bình Định.

Rồi đọc “Gió biển Qui Nhơn”, người dân địa phương hay gọi xuống Giã. Hơi thở của biển, hơi thở của Phủ Mới gieo vào ký ức ông không nhòa. Hay như truyện ngắn “Người chị tàn tật”, ông viết đằm tay, xót thương, về người chị. Một đời sống ở Bình Định của giữa thế kỷ 20 hiện hữu trong bút pháp tả thực; một truyện “Xu-xoa ơi! Xu –xoa”, ngân ngấn vui buồn.

Nhưng bạn đọc vẫn nhớ thơ Phạm Hổ, thơ hai câu của ông đúc kết kinh nghiệm, đúc kết sự đời: Hình như giấc mơ còn muốn nói với ta một điều gì mà ta chưa nghe được/khiến khi thức giấc ta vẫn còn ngơ ngác, bâng khuâng. Hay ở một câu khác/trong giấc mơ ta là ta, hay là ai khác/sao thức giấc rồi mắt ta còn đang khóc (Ta với giấc mơ). Với Phạm Hổ giấc mơ đẹp còn quý hơn vàng.

Thơ ông có nhiều giấc mơ đẹp và ông viết thơ nhớ má, nhớ chị, nhớ Qui Nhơn: Gặp lại bãi cát vàng/có những con còng chạy vội về hang. Và giấc ngủ gối đầu trên sóng biển ông còn nhớ/sáng dậy hai vành tai rin rít cát. Biển Qui Nhơn va đập sóng vào nhà thơ và ông luôn khắc khoải nhớ/trong tim tôi/tiếng sóng, tiếng sóng vào bờ. Ngay cả khi đi xa, ra nước ngoài mà trái tim ông vẫn hướng nội, vẫn/nghe đầy trời nỗi nhớ quê hương.

Thiên nhiên trong thơ Phạm Hổ như tranh ông vẽ, cũng bảng lảng diệu vợi gam màu nhẹ. Khi qua đồng lúa ông viết: Ôi hạt lúa trong tay nhìn bé nhỏ/mà nỗi lo no ấm lớn nghìn năm. Cái hạt lúa nhỏ, đương nhiên hạt lúa nhỏ dẹt rồi vậy mà câu thơ sau gánh cả một nỗi niềm trĩu nặng của con người, sự ấm no, cây lúa trong mắt nhà thơ còn là cái chốt cài cửa trong ngôi nhà nông thôn. Cây lúa đem lại bao nhiêu hạnh phúc khác.

Khi viết về trăng, Phạm Hổ nêu rõ lý do nhà thơ không nhìn: Mình anh... chẳng dám nhìn trăng nữa/trăng sáng anh càng thấy vắng em. Còn khi Phạm Hổ qua rừng/luồn rừng đi mãi ngỡ rừng theo. Với tâm trạng tràn cảm xúc của cây và lá xanh nhưng không đả động đến lá đến cây, mà động đến rừng.

Và khi ông chạm mắt nhìn đến đất và hoa, một Phạm Hổ tôn vinh đất giấu kín sự lặng lẽ/đất luôn tạo cho các loài hoa bao nhiêu mùi hương cao quý: Ngửi hương thơm/con người thường quên mất đất, chỉ khen hoa.

Có vẻ thơ hai câu người đọc, đọc ở tốc độ nhanh cho rằng thơ ngắn, dễ đọc, nhưng thơ Phạm Hổ, thơ ngắn mà đọc xong thấy không dễ, ta phải nghĩ thêm, ông giấu ta ý tưởng gì nhỉ, ông đẩy thiên nhiên lên rạng rỡ rồi hóa vào nỗi đau con người. Bài thơ có tên Cuối cùng: Phải bao tiếng nói mới thành lặng im/phải bao hỗn độn mới thành trang nghiêm.

Hỏi cái sự cuối cùng mà rất khó khăn này không dễ lý giải. Nhà thơ Phạm Hổ ngoài đời, ông vốn rất hiền, như nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết về ông… ông không có khả năng nghĩ xấu về người khác. Phạm Hổ sống còn lặng lẽ hơn thế, khi còn làm ở Báo Văn nghệ, ông từng giúp bao đứa trẻ mồ côi nên người tử tế, giúp các cháu có công ăn việc làm lương thiện.

Tôi nhớ một lần đến thăm cô giáo Tuyết, Phạm Hổ vắng nhà, có một cậu học trò đến thăm ông Hổ, cháu nói tên là D. ở một trại mồ côi, cháu được ông Phạm Hổ giúp đỡ, cháu đã có việc làm, và cháu chẳng biết địa chỉ của ông để nói lời cảm ơn. Cháu hỏi thăm mãi ở tòa Báo Văn nghệ rồi đến đây, chỉ nói với ông Hổ rằng - cháu rất biết ơn ông.

Không chỉ một mình cháu, mà còn nhiều bạn cháu cũng được ông giúp đỡ. Cháu còn hay tin rằng, ông Hổ giỏi võ lắm, nhưng mà ông hiền khô. Đó là một Phạm Hổ hiền sỹ. Đã từng có một huyền thoại về ông, có một kẻ đi đường đi sai làn lại còn hung hăng đánh ông, vậy mà ông Hổ chỉ tránh nhẹ gã hung hăng kia đã ngã sóng soài. Nhiều người xúm lại xem, thì ông Hổ lẫn vào đám đông. Ông tránh đám đông chứ không phải ông sợ gì.

Lại nhớ một lần cô giáo Tuyết kể, trong lần đi công tác xa về nhà lại bằng xe xích lô. Cả nhà từ tầng ba xuống đón ông ở tầng một. Tất cả mừng rỡ, quấn quýt, thế là ông xích lô lợi dụng sự tíu tít ấy, đã rong xe chở đi mất một cái túi xách chất đầy quà tặng cho cả nhà. Vợ con ông tiếc ngẩn ngơ, nhưng ông Hổ nói đại ý, thôi để cho có quà tặng cho gia đình nhà bác xích lô ấy. Chắc nhà bác xích lô này túng mới làm thế. Thể tất cho họ, để lần khác anh sẽ mua quà bù lại cho em và con. Cô Tuyết kể. Cả nhà đều thấy ba Hổ đúng.

Hãy giở đọc thơ hai câu “Rộng hẹp” của ông: Cứ tưởng rộng hẹp là chuyện của áo quần/hay đâu cũng là chuyện của yêu thương…

Cả cuộc đời nhà thơ Phạm Hổ đã sống tận tụy để yêu thương con người, viết cho con người từ tác phẩm dành cho trẻ thơ đến người lao khổ. Sau giấc mơ, không phải người từng trải như ông, người biết rất rõ thực tại cuộc sống không hề đơn giản: Trở về cuộc sống thực/thêm bao niềm vấn vương. Và phần kết cho cuộc đi và đến của Phạm Hổ lại là: Nơi xa nhất lại là chính mình/bao giờ ta hiểu được ta/bao giờ ta đến được ta.

Đi và đến trong thơ Phạm Hổ vẫn là cái đích mà bao người đang sống đang mơ giấc mơ gần hay xa trong một chặng dài trên cõi nhân gian. Đến được chính mình khó sao? Nhà thơ Phạm Hổ nổi tiếng là nhà thơ viết cho thiếu nhi, nhưng nhà văn Lê Phương Liên lại nhìn nhận ở góc khác, ông rất thành công ở lĩnh vực thơ hai câu và truyện ngắn viết cho người lớn nữa.

Ví như Lê Phương Liên bảo: Khi biên tập, tập truyện ngắn - Cây bánh tét của người cô, chị đọc “Gió biển Qui Nhơn” của Phạm Hổ, Lê Phương Liên phải vào Qui Nhơn bằng được, vì Phạm Hổ tả hay và ám ảnh lắm.

Còn nhà phê bình văn học Vân Thanh lại tâm sự: “Tôi  đã có nhiều năm biên tập văn học thiếu nhi, làm việc cùng anh Phạm Hổ, mỗi khi có ít tiền thưởng, lễ, Tết gì đó, anh Hổ rất hay góp lại rồi gửi đi cho người nghèo. Anh ấy rất hay thương người”.

Nếu như ở thế giới bên kia, Phạm Hổ không hiểu được mình, thì thế giới bên này, đồng nghiệp lại thấu hiểu ông. Ông đã đi qua cõi người, và để lại những điều tốt đẹp cho nhân gian

H.V.H.
.
.
.