Nhớ nhà thơ Phạm Hổ

Chủ Nhật, 20/04/2008, 18:08
Lần giở những kỷ niệm một thời, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Chú Phạm Hổ đặc biệt cẩn trọng khi hỏi mượn ai cái gì, nhất là mượn sách. Trong nhà tôi vẫn còn giữ được bức thư chú gửi mẹ tôi, một ngày đầu năm 1979. Ấy là bức thư chú hỏi mượn mẹ tôi cuốn "Kể chuyện Quang Trung" của cha tôi để viết bài về Quang Trung nhân 190 năm Ngài đại phá quân Thanh. Trong thư, chú nói rõ: "Chỉ xin mượn chị hôm nay và ngày mai. Ngày kia xin mang hoàn lại chị ngay".

Tháng 6/1957, Nhà xuất bản Kim Đồng được thành lập thì chỉ ít tháng sau, nhà thơ Phạm Hổ có tập thơ đầu tay được in - tập "Em thích em yêu". Khỏi phải nói nhà thơ trẻ đã vui sướng thế nào khi đón nhận cuốn sách đầu tiên trong đời. Nhưng ông cũng ngạc nhiên không kém khi lĩnh nhuận bút tác phẩm của mình: không, không phải là quá ít ỏi như ngày nay người ta thường nghĩ, mà ngược lại, quá nhiều, ít nhất là với suy nghĩ lúc bấy giờ của nhà thơ.

Không kìm được, nhà thơ đã hỏi thẳng cha tôi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Giám đốc Nhà xuất bản. Cha tôi nói nhà thơ cứ yên tâm, tất cả hoàn toàn theo đúng chế độ. Chẳng qua chỉ là cha tôi vận dụng "biên độ" cho phép để cố gắng trả sao cho thỏa đáng, chứ đã là gì so với lao động của nhà thơ...

Chi tiết trên, tôi được nghe từ chú Phạm Hổ và đã xin phép chú đưa vào phần mở đầu bài tham luận của tôi tại Hội thảo Việt Nam - Nhật Bản về quyền tác giả, được tổ chức cách đây vài năm, khi ấy nhà thơ còn mạnh khỏe và chuyện trò thoải mái.

Nói chung, câu chuyện giữa chú và tôi mỗi khi tôi có dịp được gặp, thường hay trở về những kỷ niệm của chú với cha tôi. Như chuyện hồi chú mới tập kết ra Bắc, mọi thứ còn bỡ ngỡ lắm.

Rồi chú lập gia đình và cô chú sinh được con gái đầu lòng - Phạm Sông Hồng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng sao mà vui. Chẳng may Sông Hồng bị ốm rất nặng, có thể nói "thập tử nhất sinh".

Bác sĩ kê cho một thứ thuốc đặc hiệu, hi vọng sẽ chữa khỏi được. Nhưng thuốc ấy lại quá đắt, gia đình chú không có đủ tiền mua. Cha tôi biết chuyện, ông đã giúp chú số tiền cần thiết để mua thuốc chữa cho Sông Hồng. Nhờ đó mà Sông Hồng qua khỏi...

Câu chuyện này là do chú Phạm Hổ kể lại, mà không phải một lần. Còn về phần cha mình, tôi chắc ông đã không nói cho mẹ tôi nên bà hoàn toàn không biết mà kể lại cho chúng tôi. Tôi nghe nhà thơ kể câu chuyện và thử hình dung, nếu cha tôi còn sống và nghe lại chuyện này thì sẽ thế nào nhỉ?

Có lẽ ông sẽ không khoát tay nói một câu chiếu lệ: "Ồ, có gì đâu!". Mà ông sẽ hỏi sang chuyện Sông Hồng dạo này thế nào rồi, có gì vui, phấn khởi? Tôi biết cha tôi rất quan tâm đến sự tiến bộ của lớp trẻ. Với con gái bạn, người đã qua được cơn hiểm nghèo năm ấy, chắc chắn ông lại càng quan tâm. Và phần thưởng tốt đẹp cho ông khi biết rằng, giờ đây con gái bạn đã trưởng thành, trở thành một người cũng viết văn như cha mình, như bác Tưởng...

Sông Hồng với tôi cùng trang lứa, lại là con của hai người cha thân nhau, nên chúng tôi luôn coi nhau như những người bạn tốt. Sau nhiều năm là kỹ sư tự động hóa lăn lộn nơi các công trình xây dựng, giờ đây bạn chuyển hẳn sang viết văn, làm việc tại một nhà xuất bản có uy tín ở Hà Nội với trọng trách không nhỏ.

Mừng cho bạn, song tôi vẫn thích nhớ đến bạn thời xưa hơn, hồi chúng tôi còn bé. Hồi ấy tôi mới đi học, có thể là lớp hai chăng. Một hôm, tôi được học bài thơ "Mười quả trứng tròn" của nhà thơ Phạm Hổ. Tôi vốn không thích thơ, đến bây giờ vẫn vậy, nhưng không hiểu sao bài thơ của chú Phạm Hổ lại khiến tôi yêu thích thế. Phải chăng do vần điệu. Hay do ở hình ảnh. Tôi không rõ nữa. Chỉ biết giờ học hôm ấy, mấy câu thơ của chú cứ ngân nga trong tôi:

Mười quả trứng tròn
Mẹ gà ấp ủ
Mười chú gà con
Hôm nay ra đủ

Tan học ra về, tôi sung sướng như người bắt được của. Những câu thơ bốn chữ, nhịp nhàng và uyển chuyển, như nhảy múa trong lòng. Một cảm giác hân hoan khiến tôi tung tăng bước, theo nhịp bốn bước một. Vô hình trung, tôi đã nhún nhảy theo bài thơ từ lúc nào không biết. Và cứ đến chữ cuối ở mỗi khổ bốn câu trong bài, tôi lại xoải dài bước chân một cách thật khoái chá:

Mười chú gà con
Hôm nay ra đủ

Ước gì đường về nhà cứ dài mãi ra, để tôi còn được xoải dài bước chân ở những chữ "ra đủ", "ra đủ", "ra đủ" ấy...

Ít lâu sau, như do duyên số, tôi được dự một buổi liên hoan văn nghệ. Cụ thể là liên hoan gì thì tôi không nhớ, cũng như chẳng còn nhớ được các tiết mục văn nghệ nói chung. Có điều chắc chắn, hôm ấy có tiết mục ngâm thơ "Mười quả trứng tròn" của nhà thơ Phạm Hổ. Người trình bày, không phải ai khác, chính là con gái chú, Phạm Sông Hồng.

Ôi cái giây phút Sông Hồng bước ra sân khấu. Bạn mặc gì, áo hoa quần âu hay váy lụa vàng ươm xòe ra như đôi cánh gà con, tôi không còn nhớ nữa. Chỉ biết là bạn rất xinh. Chuyện, ai lên sân khấu mà chả xinh, nhất là khi người ta còn bé tí! Và rất sướng nữa, tôi thầm nhủ. Được biểu diễn chính bài thơ của cha mình, một bài thơ hay đến thế!

Tôi như nuốt từng lời ngâm, từng động tác của bạn: Có phải khi ngâm câu đầu "Mười quả trứng tròn", bạn đã khoanh tròn hai ngón tay giơ lên thật duyên dáng; có phải đến hết câu thứ hai, bạn đã áp hai bàn tay lại dưới mái đầu để biến mình thành "Mẹ gà ấp ủ"; có phải đến hết khổ đầu tiên thì bạn khoa rộng hai tay ra như để khẳng định rằng, "Mười chú gà con / Hôm nay ra đủ"? Cụ thể thế nào tôi không còn nhớ rõ nữa.

Chỉ biết rằng hôm ấy, xem Sông Hồng biểu diễn, trong tôi như luôn có tiếng reo: "Ôi, sao mà bạn sướng thế!". Đồng thời, điều này thì chỉ mình tôi biết thôi, tôi lại khẽ thở dài. Không, không phải tôi ghen với bạn đâu, xin bạn biết cho, mà chỉ là chạnh nghĩ đến mình!

Cha tôi mất sớm, ông qua đời khi tôi mới năm tuổi. Là con trai độc nhất trong gia đình có tới sáu chị em, điều này càng khiến tôi cảm thấy hẫng hụt, sự hẫng hụt thậm chí dẫn tới thái độ tự ti, mặc cảm.

Hồi cha tôi mới đi xa, nằm buồn nghe mẹ đọc truyện "Lá cờ thêu sáu chữ vàng" không biết đến lần thứ mấy, tôi vẫn thấy cay cay mắt mỗi khi đến câu: "Cha ta mất sớm, nên ta mới phải đứng rìa nhục nhã thế này!".

Chú Phạm Hổ, hơn ai hết, rất hiểu và thương tôi. Đương nhiên chú quý cả sáu chị em chúng tôi, nhưng riêng với tôi, chú dành cho một tình cảm đặc biệt, theo kiểu giữa đàn ông với nhau.

Một lần đến chơi, thấy tôi cứ ru rú trong nhà, chú hỏi tôi đã biết đi xe đạp chưa. Hồi ấy thường nhà nào ở Hà Nội cũng có một chiếc xe đạp. Trẻ con cứ học đến lớp ba lớp bốn là tập đi, rồi chả mấy chốc mà đi được (dù chẳng đủ cao để mà cưỡi lên yên). Thấy tôi lúng búng trả lời rằng chưa, rằng tôi không có xe, các chị cứ lấy xe đi suốt, chú gật gật đầu thông cảm.

Ít lâu sau, chú đến, mang theo một chiếc xe đạp trẻ con. Chiếc xe ấy là của Sông Hồng, chú mua nhân một chuyến đi công tác Liên Xô; nay Sông Hồng đã biết đi rồi, chú cho tôi mượn, bao giờ biết đi thì trả lại cho Sông Hồng...

Tôi nghe chú nói, lo lắng hơn là cảm động. Tôi vốn nhút nhát, chẳng qua sợ ngã mà không dám tập xe, chứ thiếu gì lúc các chị để xe ở nhà. Nay thì thôi nhé, Thắng ơi, tôi tự nhủ, mày chẳng còn kiếm cớ vào đâu được nữa!

Thế nhưng tôi vẫn lần lữa tập xe. Thỉnh thoảng gặp chú Phạm Hổ, chú hỏi, tôi lại ậm à ậm ừ rằng tôi đang tập. Đúng là tôi cũng có tập, nhưng là tập trong nhà. Nhà tôi ở có một hành lang khá dài và rộng, lũ trẻ con chúng tôi vẫn chơi sô-vê, chơi trốn tìm thoải mái giữa những chum vại, bàn ghế cũ... các hộ đem ra hành lang để cho đỡ chật nhà. Đấy cũng là chỗ tôi mang xe ra tập, để cho phải phép với người cho mượn xe hơn là do thích thú.

Nhưng tập thế chứ tập nữa cũng chả thể tiến bộ. Hành lang không đủ dài cho công việc này. Vì thường khi đã lấy được đà cho xe chạy thẳng thì cũng là lúc vừa hết hành lang. Thế là lại vội vội vàng vàng nhảy xuống giữ xe lại...

Một lần chú Phạm Hổ đến chơi thấy tôi đang tập xe theo kiểu ấy, chú cương quyết bắt tôi mang xe xuống dưới đường tập. Cũng chẳng đợi tôi có đồng ý không, chú xách luôn xe xuống, bảo rằng sẽ giữ cho tôi tập đến khi biết đi thì thôi. Miệng nói tay làm, chú giữ xe cho tôi tập thật.

Tôi ngồi cứng đờ người trên xe, vốn đã nhát, lại thêm mặc cảm trước người lớn, nên đâm càng vụng về, luống cuống. Tôi gò người đạp lúc chậm lúc nhanh, khiến chiếc xe khi thì khựng lại, lúc lại lồng lên, đã thế thỉnh thoảng tôi lại trượt chân khỏi pê-đan, chúi mình loạng choạng, nếu không có chú Phạm Hổ giữ cho thì đã ngã.

Chú vốn cao, chiếc xe lại thấp, để giữ được xe chú phải cúi hẳn người xuống, một tay vươn dài ra giữ phía sau yên. Giữ ở tư thế ấy mỏi người lắm, tôi biết. Thực tế là, sau mấy vòng đạp đi đạp lại, tôi quá là đánh vật với chiếc xe, còn chú cũng chẳng khác nào một vận động viên bất đắc dĩ. Thế nhưng chỉ đến lúc thấy tôi đã oải, chú mới cho thôi.

Không thể nói buổi tập hôm ấy là một buổi tập thú vị. Song có điều chắc chắn, kể từ hôm đó, tôi không còn tập trong hành lang nữa, mà luôn mang xe xuống dưới đường tập đi. Không còn được ai giữ đằng sau cho, tôi có bị ngã mấy bận, nhưng hóa ra cũng chả đến nỗi đau lắm, nên lại lồm cồm đứng dậy tập tiếp ngay được...

Không nhớ chiếc xe đã ở lại nhà tôi bao lâu, mấy tháng, mấy tuần? Nhưng chắc chắn là khá lâu, mãi đến khi tôi đi được vững rồi chú Phạm Hổ mới đến lấy xe về. Bấy giờ quả là tôi chả nghĩ ngợi gì nhiều.

Nhưng sau này nghĩ lại, mới chợt giật mình, không biết chú đã phải giải thích, thuyết phục Sông Hồng thế nào khi cho tôi mượn chiếc xe của bạn. Xe đạp hồi ấy quý lắm. Một chiếc xe cho trẻ con lại càng quý hiếm.

Chả khó khăn gì tôi cũng có thể hình dung, mỗi khi Sông Hồng đi xe trên đường, nhiều người đến phải dừng lại chỉ trỏ, trông theo cô bé xinh xắn đạp nhoay nhoáy trên chiếc xe con. Nay lâu không thấy Sông Hồng đi xe, người ta hỏi, bạn sẽ nói gì? Ôi, sao tôi lại có thể "chiếm dụng" chiếc xe của bạn lâu như thế được!

Lần giở những kỷ niệm một thời, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thoải mái như thế khi là người cho mượn, chú Phạm Hổ lại đặc biệt cẩn trọng khi hỏi mượn ai cái gì, nhất là mượn sách. Trong nhà tôi vẫn còn giữ được bức thư chú gửi mẹ tôi, một ngày đầu năm 1979.

Ấy là bức thư chú hỏi mượn mẹ tôi cuốn "Kể chuyện Quang Trung" của cha tôi để viết bài về Quang Trung nhân 190 năm Ngài đại phá quân Thanh. Trong thư, chú nói rõ: "Chỉ xin mượn chị hôm nay và ngày mai. Ngày kia xin mang hoàn lại chị ngay".

Nói chung, khi cần cuốn sách nào hay, tài liệu gì về cha tôi, chú thường trực tiếp qua nhà hỏi mượn; nếu không đến được thì đều nhờ người đem thư tới. Nhưng lúc trả thì bao giờ chú cũng tự đi, vừa để được yên tâm, vừa cũng để cảm ơn và thăm chúng tôi luôn, tôi nghĩ thế...

Nguyễn Huy Thắng
.
.
.