Nhớ một nhà văn áo lính

Thứ Hai, 15/12/2008, 09:15
Tháng 12 này tôi lại nhớ một nhà văn áo lính. Cả đời ông hầu như dành phần lớn cho Quân đội từ lúc cầm súng chiến đấu cho đến khi cầm bút, cho dù cuối đời ông có chuyển nơi công tác nhưng anh em vẫn luôn luôn gọi ông là Nhà văn Quân đội Xuân Thiều.

Nhà văn Xuân Thiều, sinh ngày 1/4/1930, mất ngày 4/4/2007. Tháng chào đời và tháng xa cõi nhân thế này như có sự sắp đặt của số phận để chỉ bảy mươi bảy năm sau khi ông trở về với cõi vĩnh hằng cũng trong cái tháng trùng với tháng sinh của mình.

Nhà văn Xuân Thiều quê ở  huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 12/1947, ông nhập ngũ được làm anh lính của Bộ đội Cụ Hồ. Chỉ bốn năm sau, chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Thiều đã là chính trị viên đại đội của mặt trận Trị Thiên. Ông có nhiều năm làm Biên tập viên rồi Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội trước khi được biệt phái sang Hội Nhà văn Việt Nam công tác.

Ông có nhiều giải thưởng về văn học cho các tác phẩm Gió từ miền cát (1989) - Giải văn học Bộ Quốc phòng, giải thưởng Hội Nhà văn. Xin đừng gõ cửa - Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1996… Ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1, năm 2001.

Hồi ông và đồng đội của ông đánh giặc tôi còn nhỏ hoặc đang là anh giáo dạy học trên vùng biên giới Lạng Sơn. Tuy không được cầm súng chiến đấu  như các ông và bạn bè cùng trang lứa nhưng văn học về đề tài người lính, về đề tài chiến trận ngày ấy đã như một món ăn tinh thần hàng ngày đến với tôi qua sách vở, qua báo chí văn nghệ, qua các buổi phát thanh văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Cảm động nhất là khi được đọc, được nghe những tác phẩm từ miền Nam gửi ra trong đó có tên tuổi của ông với bút danh Nguyễn Thiều Nam. Phải nói thời kỳ đó văn học đề tài người lính nở rộ và được mùa. Đến bây giờ tôi vẫn coi những trang viết của thời kỳ ấy là những trang Sử Thi Vệ Quốc của dân tộc mình. Lửa và khói, bom và đạn, cầm bút và cầm súng để rồi cho ra đời những trang viết còn đẫm máu của người đã hy sinh sau mỗi trận đánh; những mái nhà vô tội, những người dân vô tội bị thiêu trong bom đạn kẻ thù; Mái đầu trắng khăn tang của những người vợ, những đứa con khi người thân ra trận không trở về… Cả dân tộc đã lấy máu và nước mắt của mình để làm nên những trang sử thi hùng tráng ấy.

Tôi dám chắc những trang văn được ra đời trong lửa đạn này không thể là những trang văn minh họa. Bỏ qua những bài báo viết vội cho kịp thời, những ghi chép chưa thật kỹ về cuộc sống lửa đạn ác liệt, cả những chịu đựng không dám nói ra thành lời, viết nên thành chữ sau những mất mát ghê gớm thì văn học đề tài chiến tranh Cách mạng luôn luôn là người trong cuộc, là nhân vật chính của nền văn học ta lúc ấy. Dân tộc ta đã chiến thắng kẻ thù, đã đuổi được quân xâm lược.

Những trang văn hào hùng khí thế chiến thắng đã là một hiện thực chứ không phải nói lấy được, không phải là minh họa như ai đó quan liêu nhận xét. Ai cũng hiểu những điều mình làm được và chưa làm được. Là người viết thực sự thì tác phẩm lớn đang ở trước mắt họ. Nghệ thuật luôn luôn là khám phá và không có giới hạn cuối. Tác phẩm đỉnh cao luôn luôn đòi hỏi các văn tài. Ta chưa trả được là ta còn mắc nợ!

Nhớ về ông tôi đã tìm đọc những trang văn của ông. Truyện ngắn Tâm sự người chiến sĩ quản tượng đã cho tôi nhiều xúc cảm. Chuyện giản dị về một con vật hiếu đễ với con người, tận tụy cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho cuộc đấu tranh của con người. Chủ đề nghe có vẻ to tát như vậy nhưng văn chương của Xuân Thiều lại như một tâm sự mộc mạc và đậm đà tình nghĩa.

Chuyện của con voi Pắc Chăn cũng là chuyện của con người chăm nuôi và sử dụng Pắc Chăn. Pắc Chăn, con voi chiến sĩ hậu cần đã tải lương, tải đạn dọc dài hai cuộc chiến đấu của dân tộc ta. Lời kể là của người chiến sĩ quản tượng nhưng cuộc đời là cuộc đời của con vật mà chuyện của nó ấm áp như chuyện của người.

Nhiều chi tiết cảm động về Pắc Chăn như đoạn nó được thả về rừng để tự tìm lá thuốc chữa bệnh cho mình theo tục sống của loài voi. Đoạn Pắc Chăn trốn đơn vị đi với người tình rồi ân hận khi bị phát hiện. Rồi cả đoạn Pắc Chăn lặng lẽ vui đùa lấy vòi phun nước như không có chuyện gì xảy ra rồi bất ngờ trầm mình tự nguyện chết trong vực nước sâu xoáy khi biết mình không thể chữa khỏi bệnh cho mình…

Tâm sự người chiến sĩ quản tượng có những trang viết sinh động về phẩm chất của con người cho dù nhân vật chính là con voi. Nhà văn đã thâm nhập sâu vào đời sống người chiến sĩ, rút ruột mình để viết ra nó. Không đơn giản mà Tâm sự người chiến sĩ quản tượng lại được chọn trong Tinh tuyển Truyện ngắn in trong dịp kỷ niệm 60 năm Báo Văn Nghệ.

Đây là một trong nhiều những tác phẩm văn học về đề tài chiến trận và sự nghiệp giải phóng dân tộc của những nhà văn mặc áo lính đã đóng góp thành tựu cho nền văn học chung của đất nước!

Tôi là người gặp ông muộn nhưng biết ông sớm. Bậc tiên sinh Nghệ Tĩnh hơn mình tới mười bốn tuổi nhưng khi trò chuyện với đàn em lại thân tình tớ tớ cậu cậu rất chi gần gũi. Lần đầu tiên tôi gặp ông tại nhà nghỉ dưỡng Hương Thanh của Công an Thanh Hoá cách đây hàng chục năm. Hồi ấy Bộ Công an mở Trại Sáng tác văn học tại Sầm Sơn. Nhà văn Xuân Thiều được mời về giúp đọc bản thảo, trao đổi nghề nghiệp… với các cây bút dự trại.

Ông chịu đọc, đọc một cách chuyên cần cho dù bản thảo không phải cái nào cũng dễ đọc, cũng hấp dẫn. Ông chân tình trong góp ý và trong tâm sự. Có chứng kiến việc ông góp ý với cây bút A, cây bút B mới hay ông đã thực sự đọc họ bởi lời góp ý của ông có dẫn giải cùng những chi tiết của bản thảo mà ông thấy được và chưa được.

Ông cũng là người, có lẽ là một trong những người đầu tiên đọc kỹ và viết bài về con người và tác phẩm của nhà văn Lê Tri Kỷ, nhà văn đầu đàn của lực lượng viết văn Công an nhân dân. Trong câu chuyện của mình và bài biết của mình, ông đánh giá trung thực, khách quan về con người và văn chương Lê Tri Kỷ, một cây bút ấn tượng và có đóng góp của văn học đề tài Công an nhân dân với nền văn học chung của đất nước. Tôi cũng được biết trong sự trưởng thành văn chương của một số nhà văn trẻ khác cũng có được những góp ý quý báu từ ông.

Với tôi, ông đã viết những dòng quý báu và kỹ lưỡng khi biên soạn cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại do Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản năm 1997 thời điểm sau một năm tôi được kết nạp vào hội.

Tình cảm này nơi ông đã lưu lại trong tôi niềm trân trọng về một nhà văn đàn anh với lứa các nhà văn nhỏ tuổi đời và tuổi nghề hơn mình. Biết quý người, trân trọng người cho dù tuổi tác và văn nghiệp chưa thâm niên như mình phải chăng đó là cái đạo chân thành, chân tình của người đi trước như ông

Phan Quế
.
.
.