Nhớ mạ mỗi sớm mặt trời

Thứ Năm, 10/03/2005, 07:48

Mạ tôi về với cát hơn hai mươi năm rồi mà đêm nào cũng hiện về trong giấc mơ tôi. Bóng mạ ngồi dưới gốc dừa giã trầu nhìn biển. Mạ ngồi đưa võng gai ru cháu. Mạ rón rén thổi ngọn đèn dầu cá tôi thắp đầu giường nằm đọc sách rồi ngủ quên...

Mạ tôi quê ở làng Thử Luật (Quảng Trị). Tuổi con gái, mạ gánh chè xanh, thơm (dứa), mít... những đặc sản của Vĩnh Linh, ra làng Thượng Luật, Quảng Bình bán. Những đêm trăng, mạ ở lại hò giã gạo chày đôi, chày ba với trai gái làng biển. Lúc đó, ba tôi đã có vợ sắp sinh. Vợ trước của ba sinh chị Ngô Thị Vượng được ba ngày thì bị bệnh mất. Mạ tôi thương quá, ở lại luôn với ba, làm mẹ đứa trẻ mới lọt lòng.

Chống Pháp, mạ tôi đào hầm nuôi bộ đội trong nhà. Mạ gánh cá chạy mười lăm cây số về chợ Chè trong khuya, dưới cá giấu mấy quả lựu đạn, để kịp tinh mơ bí mật chuyển cho tổ du kích Hưng Đạo diệt thằng ác ôn đồn Hòa Luật thường vào các xóm làm hại bà con.

Mạ không biết chữ, ba tôi dạy mãi mạ mới viết được tên mình, nhưng không biết mạ học ở đâu mà thuộc lòng các truyện như Lục Vân Tiên, Phạm Tải - Ngọc Hoa... Cứ đêm về là mạ ngâm ngợi, giọng buồn buồn, "Thưa rằng tôi Kiều Nguyệt Nga. Con này tì tất tên là Kim Liên"... Có lẽ do yêu truyện thơ mà khi đi chợ, mạ hay mua sách về cho anh em tôi đọc. Thời đó sách nhà tôi đã xếp đầy một tủ lớn. Nhờ có sách mà tôi học lỏm, đọc viết thông thạo chữ quốc ngữ trước khi đến trường!

Cuộc sống gia đình tôi đang yên ấm, bỗng tai họa ập đến. Ba tôi bị tai nạn, mất khi ông mới 53 tuổi. Ở quê tôi, đàn ông đi biển nuôi cả nhà. Ba tôi mất, mạ tay trắng một mình nuôi năm con dại... Biển trở nên xa vắng, hãi hùng. Mỗi chiều nhìn ra biển là mạ khóc! Mạ ngày nào cũng trằn lưng bới cát trồng khoai. Ruộng nhà ít, mạ phải đi mót khoai ở những ruộng nhà người ta đã thu hoạch xong. Quần quật suốt ngày dưới nắng cát chang chang mới bới nhặt được vài ba ký khoai hà. Đêm về, mạ ngồi tỉ mẩn gọt những chỗ sâu hà rồi xắt lát phơi khô, dự trữ.

Để có thức ăn, mạ phải cắp rổ đi ăn xin cá khi thuyền về bãi! Bữa có bữa không. Xin được nắm cá cơm, hay dăm con cá nục ươn, dẫu các con thèm cá, mạ vẫn dành một nửa phơi khô, muối mắm phòng khi biển động. Cuộc đời cô đơn, lam lũ đã biến mạ tôi từ một cô gái đẹp, thành một phụ nữ đen xạm, gầy gò, mắt luôn ngấn lệ buồn!

Những năm tai ương đó, gia đình tôi bữa đói bữa no, đêm đêm mạ thắp nhang trên bàn thờ vái hương hồn ba tôi, rồi ra gốc dừa, ngóng về quê, khóc một mình. Bí quá, mạ liều vay vốn đi buôn cá mắm. Mấy chuyến đầu không có kinh nghiệm, cá khô bị nhừ. Thế là lỗ vốn. Mạ không nản, lại vay vốn đi chuyến khác. Mạ mua cá ngừ, cá thu... mang về cắt khứa, ướp muối thật cứng rồi hấp. Đầu, đuôi cá, mang cá, ruột cá thì cho vào chum làm chượp, rút nước mắm.

Cứ hai ngày mạ đi chợ một lần. Những ngày đó ban ngày tôi không bao giờ thấy mạ. Hai giờ sáng, mạ gánh hàng trĩu vai, leo qua ba động cát cao, đi hai chục cây số, mới về chợ Tréo. Bà con miền nông thích mắm, cá khứa mạ hấp thơm ngon mà chắc thịt, nên mạ bán rất nhanh. Bán xong, mạ vào cửa hàng sách hỏi có sách gì hay mua cho con. Bẩy giờ tối mạ về, anh em chúng tôi mới được ăn chiều. Những khi hàng ế, mạ phải cuốc bộ hàng chục cây số từ chợ Tréo qua chợ Hôm Tràm, Tuy Lộc, rồi vào tận các làng, xế chiều mới bán hết. Những bữa đó hai giờ sáng mạ mới về đến nhà.

Tôi nhớ có bữa mạ về khuya, bốn anh em chúng tôi ôm nhau ngủ. Khi tỉnh dậy chúng tôi hoảng hồn thấy mạ ngồi giữa sân cát ôm mặt khóc. Mới hay mạ mua bánh ướt, thịt lợn về để cúng giỗ ba, không ngờ chú mèo nhảy đổ vùi hết xuống cát! Đi chợ về, lo cho con ăn xong, mạ lại giặt giũ, vá may đến nửa đêm mới ngủ. Cứ như thế, mạ lăn lội hơn hai chục năm, mỗi ngày đi bộ bốn năm mươi cây số kiếm gạo nuôi mấy anh em tôi khôn lớn nên người!

Thế mà, tuổi thơ tôi chẳng hiểu gì về nỗi cay cực của mạ. Tôi suốt ngày đi nghịch sóng, thả diều, đánh căng, tóc đỏ hoe. Nhiều bữa ăn, mạ phải đi tìm cùng xóm. Trong đời tôi, ân hận nhất là lần tôi chơi trò búng diêm, que diêm bật lên mái tranh nhà. Ngôi nhà rường ba gian mạ dành dụm chục năm, vay mượn mới làm được, bốc cháy ngùn ngụt. Mạ đi chợ về thấy nhà cháy thì ngất xỉu, nằm mấy ngày chẳng ăn uống gì! Thế mà năm năm sau, mạ làm được ngôi nhà gỗ khác. Khi Mỹ ném bom miền Bắc, ngôi nhà mới ấy lại bị bom na-pan đốt trụi. Nhà cháy tủ sách cũng tiêu tan. Mạ ngồi thẫn thờ vuốt ve từng cuốn sách cháy sém, nước mắt lưng tròng. Không hiểu sao đời mạ tôi đắng cay và nước mắt nhiều đến thế?

Dường như cái gì liên quan đến việc ăn học của con là mạ tôi không tiếc tiền. Nhờ thế mà dù ở góc biển heo hút ấy, mấy anh em tôi vẫn được học hành tử tế. Cũng nhờ đó mà tôi được đọc sách văn học Đông Tây kim cổ từ bé, tập tọng làm thơ, viết báo từ năm lớp ba trường làng. Có lẽ thơ tôi bắt nguồn từ nỗi cô đơn và những bài hát ru buồn của mạ, từ những đêm nằm bên mạ nghe diễn ngâm Lục Văn Tiên chăng?

Lần duy nhất tôi trong đời thấy mạ vui là hôm tôi nhận được giấy báo trúng tuyển đại học. Tôi là một trong hai sinh viên đại học đầu tiên của xã Ngư Thủy ấy. Suốt ngày, mạ cười nói, rối rít sắp xếp áo quần, khâu túi đựng tiền vào trong quần đùi vì sợ đi xe tàu bị móc túi. Mạ thức cô nước mắm thành từng viên nhỏ như thuốc tề, vàng rộm, cho tôi mang ra trường làm thức ăn cả năm. Tôi đã uống hàng ngàn những hạt biển cô ấy của mạ suốt bốn năm sinh viên, để lớn lên, vượt Trường Sơn thành chiến sĩ giải phóng, đánh giặc và làm thơ.

Mạ tôi chỉ đỡ tủi khổ hơn khi anh em tôi lập gia đình. Nhưng lúc đó mạ đã vào tuổi thất thập rồi... Mạ ơi, nhớ mạ mỗi sớm mặt trời/thơm như miếng trầu đỏ thắm/ con về tìm dấu cát xưa/ gốc dừa mạ ngồi têm nắng... Nhớ mạ con ra với biển/ chân trời sóng đánh xác xơ/ ngả nghiêng võng thuyền tao gió/ câu ru mặn đắng chiều xưa..

Ngô Minh
.
.
.