Nhớ bài thơ "Lại về" của nhà thơ Tố Hữu

Thứ Bảy, 10/10/2009, 13:50
Bài "Lại về" Tố Hữu viết tháng 10/1954 khi bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô là một trong những bài ghi lại được sự kiện có ý nghĩa trọng đại và đặc biệt - lưu lại được những xúc cảm, những buồn vui lẫn lộn của lòng người lúc bấy giờ.

... Hà Nội ơi Hà Nội!
Bao giờ
             
Giữa Thủ đô

Cụ Hồ về
             
Bộ đội
Tiến vào năm cửa ô?

Về đến đây rồi, Hà Nội ơi 
Người đi kháng chiến tám năm trời
Hôm nay về lại đây Hà Nội
Ràn rụa vui lên ướt mắt cười

Đường quen phố cũ đây rồi
Thủ đô tươi dậy mặt người như hoa
Vườn hồng ngớt gió mưa qua
Cờ hoa đỏ nắng, mái nhà vàng sao...

Tay vui sóng vỗ dạt dào
Người về kẻ đợi, mừng nào mừng hơn?
Biết bao vui sướng tủi hờn
Trông nhau mà tưởng như còn trong mơ

Hồ Gươm xanh thắm quanh bờ
Thiên thu hồn Nước mong chờ bấy nay
Bây giờ đây lại là đây
Quốc kỳ đỉnh tháp, sao bay mặt hồ...

Nếu như trong thế kỷ XX, Tố Hữu được xem là "nhà thơ thời sự thành công nhất của Việt Nam ta", thì trước tiên, có mấy cơ sở để ta tin lời nhận định ấy, là với những bước ngoặt lịch sử, những biến đổi lớn lao của đất nước, ông đều sáng tác và đều có những sáng tác tương xứng. Bài "Lại về" ông viết tháng 10/1954 khi bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô là một trong những bài ghi lại được sự kiện có ý nghĩa trọng đại và đặc biệt - lưu lại được những xúc cảm, những buồn vui lẫn lộn của lòng người lúc bấy giờ.

Các cán bộ, chiến sĩ Công an hành quân tiếp quản Thủ đô trước quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Ảnh: Thân Trọng Ninh.

"Nguyên bản" của bài thơ cũng... khá dài, dài như đằng đẵng những năm trường kỳ kháng chiến, trông trời trông đất mà mong có ngày trở lại Thủ đô. Để tham gia vào sự "tiếp quản" này, tác giả đã huy động khá nhiều "binh chủng" thể loại đưa vào bài thơ: Nào là thơ ngũ ngôn, thất ngôn, thơ lục bát. Ngay trong từng khổ, từng đoạn, bút pháp của tác giả cũng rất linh hoạt, biến hóa:

Chợt là câu chuyển sang thơ thất ngôn, câu thơ bảy chữ dài, căng phần phật, như một lời reo vui chất ngất:

Về đến đây rồi, Hà Nội ơi!
Người đi kháng chiến tám năm trời    

Rồi bỗng chùng xuống, lắng lại:

Hôm nay về lại đây Hà Nội
Ràn rụa vui lên ướt mắt cười

Trong những ngày này, những giây phút này, niềm vui thường bừng lên rồi lại lắng xuống, hòa xen với nỗi buồn. Để có được ngày hôm nay, bao máu xương anh em đồng chí đã đổ suốt chín năm ròng kháng chiến.

Nhưng rồi, có lẽ thơ lục bát (với những đặc điểm của hai vế đối đồng đều) biểu lộ niềm vui, sự dào dạt ngất ngây của lòng người hơn cả. Cũng vẫn là sóng, sóng nhịp, sóng tình, nhưng đây là sóng cồn lên từ những dòng lục bát:

Đường quen phố cũ đây rồi
Thủ đô tươi dậy mặt người như hoa
Vườn hồng ngớt gió mưa qua
Cờ hoa đỏ nắng, mái nhà vàng sao
Tay vui sóng vỗ dạt dào
Người về kẻ đợi, mừng nào mừng hơn?
Biết bao vui sướng tủi hờn...

Nhưng sao, rõ ràng có sự náo nức trong lòng người, mà giọng thơ vẫn buồn buồn. Có sự ngây ngất của hình ảnh đẹp "lãng mạn cách mạng": Bây giờ đây lại là đây/ Quốc kỳ đỉnh tháp sao bay mặt hồ, mà âm thanh thơ vẫn trầm lắng. Âu cũng là quy luật tình cảm.

Và phải chăng, với nhãn quan của một nhà thơ Ủy viên Trung ương (Tố Hữu được bầu trong Đại hội Đảng lần thứ II năm 1951), Tố Hữu đã nhận thức và muốn nhắc nhở người ta rằng: Sau bao mất mát hy sinh để có được thắng lợi vĩ đại này, toàn Đảng, toàn dân ta lại bước vào một chặng đường mới với rất nhiều khó khăn thử thách...

P.K.
.
.
.