Nhớ Trường Sơn, nhớ nhà thơ Phạm Tiến Duật

Thứ Bảy, 24/01/2009, 15:50
Mới đó mà đường Trường Sơn đã bước qua cuộc chiến tranh 33 năm, nhà thơ Phạm Tiến Duật, người hùng của Trường Sơn huyền thoại năm nào giờ cũng đã thành người thiên cổ. Nhớ Trường Sơn, nhớ đường mòn Hồ Chí Minh lại nhớ đến nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Năm nay, đường Trường Sơn kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 (1959- 2009). Nhớ Trường Sơn, nhớ con đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử không thể không nhớ đến một nhà thơ tài hoa với những cống hiến rất nhiều cho cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Ông đã có mặt trên đường Trường Sơn, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và đã có những tượng đài thơ bất tử. Đó là nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Vậy là đã một năm trôi qua, kể từ ngày "con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại" một thời khép đôi cánh nghìn thu để bay về một cõi diệu vợi khác. Tròn một năm, nhà thơ Phạm Tiến Duật, "cây săng lẻ của rừng già" đã rùng mình trút mùa lá cuối cùng để hóa thành linh hồn giữa đại ngàn Trường Sơn bạt gió. Thời gian như một chớp mắt.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã từng nói rằng, việc ông có mặt trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa, cuốn vào cuộc chiến ác liệt của quân và dân ta là một cuộc phiêu bạt lớn của số phận.

Mặc dù đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm, thay vì làm một thầy giáo dạy học, ông xin nhập ngũ với mong ước tha thiết được đi vào chiến trường. Nguyện vọng đi bộ đội được chấp nhận khi ông trúng tuyển vào Tiểu đoàn Pháo cao xạ Tây Bắc. Trong tâm hồn của người đàn ông lãng tử miền rừng Phú Thọ đã có sẵn ham muốn được dịch chuyển.

Phạm Tiến Duật đã hăm hở xin chuyển về Cục Vận tải quân sự - Tổng cục Hậu cần chỉ vì muốn được đắm mình trong cuộc chiến, được tận mắt chứng kiến và nếm trải sự khốc liệt của cuộc chiến. Khát vọng tự do sáng tạo, cống hiến cho dân tộc đã cho Phạm Tiến Duật sự cất bước nhẹ nhõm vào chiến trường.

Có thể nói, chiến trường, cuộc kháng chiến chống Mỹ và con đường Trường Sơn huyền thoại đã sinh ra một Phạm Tiến Duật thứ hai, nhưng lại là con người duy nhất có sức mạnh thống soái và định hình một tính cách, một số phận Phạm Tiến Duật.

Cuộc phiêu bạt này hẳn không phải do anh mong muốn mà hình như số phận đã vẫy gọi, đã kiến tạo, để rồi xuất hiện trên con đường Trường Sơn huyền thoại những bước chân Phạm Tiến Duật.

Đỉnh cao của những tượng đài thơ Phạm Tiến Duật đã dựng lên trên tuyến đường Trường Sơn là: "Đường ra trận mùa này đẹp lắm. Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây". Đường Trường Sơn những năm tháng chiến chinh binh lửa trở thành con đường thơ của Phạm Tiến Duật. Khắp các mặt trận, bộ đội hát vang bài hát "Trường Sơn đông Trường Sơn tây".

Phạm Tiến Duật những năm tháng ở Trường Sơn.

Gắn bó với Trường Sơn, với những người lính ngày đêm chiến đấu với kẻ thù, đối mặt với bom đạn, chết chóc, Phạm Tiến Duật luôn có một tinh thần lạc quan, nhìn mọi thứ  kể cả những thực tế nghiệt ngã, những góc khuất và những bi kịch của cuộc chiến qua một lăng kính hồn nhiên, tếu táo đến lạ.

Chính cái hồn nhiên tếu táo đầy lạc quan ấy đã giúp cho triệu triệu những đoàn quân vững tin trùng trùng tiến vào mặt trận với một niềm tin chiến thắng. Niềm lạc quan từ những bài thơ của Phạm Tiến Duật đã truyền lửa cho bao thế hệ những người lính những năm tháng ấy bước ra mặt trận.

Phạm Tiến Duật từng kể cho tôi nghe rằng, những năm tháng ông đeo bám dọc tuyến đường Trường Sơn, vật bất ly thân của ông là chiếc xe đạp quý giá. Chiếc xe ấy Phạm Tiến Duật đã chuẩn bị cho nó rất kỹ lưỡng trước khi vào chiến trường ấy là chiếc xe được sơn màu xanh lá cây để phù hợp với công tác ngụy trang giữa rừng, nơi giặc Mỹ có thể rọi con mắt cú vọ để kiếm tìm mục tiêu, nơi bom rơi đạn nổ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Để chiếc xe trở thành thành viên chính thức đồng hành cùng mình vào chiến trường, Phạm Tiến Duật đã sơn lên khung xe hai chữ: "Chống Mỹ".

Chiếc xe như một chiến hữu dũng cảm, như một thằng bạn chung thủy sống chết xả thân, đã rong ruổi cùng Phạm Tiến Duật trên những dặm dài đường rừng Trường Sơn, chở Phạm Tiến Duật đi tác chiến trên những trận địa vừa dứt tiếng súng, hay nằm vắt vẻo cùng với chủ nhân trên những chiếc xe tải chở vũ khí đạn dược vào chiến trường.

Phạm Tiến Duật có mặt trên hầu hết các chiến trường của tuyến đường Trường Sơn. Từ Binh trạm 10 ở Thanh Hóa, Phạm Tiến Duật tiến sâu vào Binh trạm  11 Nghệ An, rồi ghé qua Hà Tĩnh để lại bài thơ nổi tiếng "Gửi em cô thanh niên xung phong": Từ Hà Tĩnh, Phạm Tiến Duật tiến sâu vào Binh trạm 12 ở Quảng Bình…

Lúc bấy giờ cấp trên chỉ thị thành lập Tổng cục Tiền phương gọi tắt là Bộ Tư lệnh 500, sau đó sáp nhập với Bộ Tư lệnh 559 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Phạm Tiến Duật cùng với chiếc xe đạp Chống Mỹ nghiễm nhiên trở thành những người lính Trường Sơn, bám theo những đoàn xe ôtô nối đuôi nhau tiến sâu vào mặt trận. Những địa danh Đường 9, Khe Sanh, Nam Lào đều đã bước vào thơ của Phạm Tiến Duật và trở thành những tiêu điểm của mặt trận.--PageBreak--

"Đường ra trận mùa này đẹp lắm" đã được Phạm Tiến Duật cụ thể hóa bằng những hình ảnh có một không hai trong việc khắc họa những người lính và khung cảnh chiến trường dọc theo con đường Trường Sơn, rừng Trường Sơn huyền thoại: "Giữa rừng ngổn ngang cây đổ/ Xe đi trong tầm bom rơi/ Đồng chí lái chính, đồng chí lái phụ và tôi/ Đồng chí lái phụ hơi trẻ/ Đồng chí lái chính hơi già/ Điều đó không quan trọng lắm/ Xoay nghiêng xoay ngửa rừng già/ Trong khi bụi mờ tứ phía/ Tôi muốn xoay cửa kính lên/ Đồng chí lái chính không muốn/ Đồng chí lái phụ ngồi yên/ Giữa đường gặp một cô gái/ Tôi nghĩ cô này xinh đây/ Đồng chí lái chính hớn hở/ Đồng chí lái phụ cau mày/ Bỗng nhiên bên rừng bom nổ/ Chiếc xe bùng cháy bất ngờ/ Chúng tôi lao vào dập lứa/ Biết nơi cần đạn đang chờ".

Gắn bó với Trường Sơn, ông điểm danh cây rừng Trường Sơn như điểm danh những người bạn, những người lính, những đồng đội của ông: "Thân thẳng cây chò, cành ngang cây bứa/ Thân nhựa trắng là cây si cây sữa/ Nhựa vàng cây dọc, nhựa đỏ cây nò/ Cây nứa mọc đứng, cây giang mọc bò/ Cây tầm gửi mọc ngồi đỏng đảnh".

Hay: "Tiếng vượn như cây, cành cao chót vót/ Tưởng trèo lên nhìn thấu nước Lào xưa/ Thấy voi đi trong rừng già săng lẻ/ Thấy con chồn bay xòe như quạt nhà vua/ Rừng bồ kết dầm nước mưa sủi bọt/ Cô gái Lào má ướt như mưa".

Đồng nghiệp hỏi thăm nhà thơ Phạm Tiến Duật những ngày cuối đời.

Mới đó mà đường Trường Sơn đã bước qua cuộc chiến tranh 33 năm, nhà thơ Phạm Tiến Duật, người hùng của Trường Sơn huyền thoại năm nào giờ cũng đã thành người thiên cổ. Nhớ Trường Sơn, nhớ đường mòn Hồ Chí Minh lại nhớ đến nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Còn nhớ, cách đây hơn một năm, trước khi Phạm Tiến Duật ngã bệnh, ông đã cùng với những người thân yêu của mình đi thăm lại đường Trường Sơn và Nghĩa trang Trường Sơn, nơi những đồng đội của anh đã nằm lại nơi này.

Một người thân của Phạm Tiến Duật kể rằng, trở lại Nghĩa trang Trường Sơn hôm ấy, nhà thơ Phạm Tiến Duật khỏe như một người hùng, không thể một ai, ngay cả Phạm Tiến Duật nghi ngờ rằng, ông đang mang một căn bệnh quái ác ở trong người. Mấy ngày đi đường Trường Sơn, ông và người thân chỉ ăn bánh mỳ và nước suối.

Khi vào thăm Nghĩa trang Trường Sơn, Phạm Tiến Duật đã dắt tay người thân đến trước mộ của những người bạn chiến đấu, những người mà có mặt trong đội hình tốp 5, tốp 3, đang đi thì bị bom nổ, tất cả người đi trước đi sau đều hy sinh chỉ còn lại Phạm Tiến Duật là bom đạn chừa ra. Ông đến thắp hương cho những đồng đội xấu số, và khóc.

Sau chuyến đi thăm Trường Sơn về, Phạm Tiến Duật bắt đầu có dấu hiệu ngã bệnh. Khi bệnh tình đã trở nên nguy kịch, Phạm Tiến Duật vẫn tâm sự với người thân rằng ông tin ông sẽ vượt qua, sẽ không thể chết.

Bởi ngày còn ở Trường Sơn, cận kề với cái chết, bao nhiêu lần bom đạn chừa ông ra thì không lẽ gì bây giờ số phận lại bắt ông phải từ bỏ cuộc sống vì bệnh hiểm nghèo. Ngay cả lúc sắp đi xa, Phạm Tiến Duật vẫn tin rằng, ông sẽ sống, ông không thể chết

Phong Cầm
.
.
.