Nhà Xuất bản CAND ra mắt cuốn sách ‘Những lá thư thời chiến Việt Nam’:

Nhịp cầu nối quá khứ với tương lai

Thứ Sáu, 01/05/2015, 10:52
Cuốn sách gồm hơn 300 lá thư của của hơn một trăm tác giả, hầu hết là của các chiến sĩ Công an và bộ đội thời kháng chiến chống Pháp,  chống Mỹ gửi cho người thân và ngược lại...

Những người viết những lá thư này thuộc nhiều thành phần, ngành nghề, trình độ học vấn khác nhau, có cả những lá thư của người lính thuộc chính quyền Sài Gòn trước 1975, mà theo quan điểm của Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, người tổ chức sưu tầm và biên soạn cuốn sách: “Những lá thư từ phía “bên kia” sẽ góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh”.

“Những lá thư thời chiến Việt Nam” mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc, bởi tính chân thực và sinh động lạ kỳ của mỗi trang viết, bởi đó chính là cuộc đời, khi không một người nào khi đặt bút viết những dòng chữ ấy, lại nghĩ rằng, sau mấy chục năm nữa, chúng sẽ được in thành sách và họ trở thành tác giả. Đôi khi chính những trang thư, nhật ký, ghi chép… tưởng chừng rất đỗi riêng tư, lại có thể mang đến những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu, có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần của xã hội trong quá khứ, góp phần lý giải những bí mật của lịch sử… Bởi cuốn sách được biên soạn theo nguyên tắc: Tôn trọng tối đa văn bản gốc, từ cách diễn đạt đến câu chữ thường dùng của người viết.

Đọc lên, ta có thể hình dung ra từng số phận con người và cao hơn nữa là hơi thở của thời đại và thế hệ trẻ hôm nay có thể hiểu được phần nào quan niệm, lý tưởng sống, sự hy sinh vì Tổ quốc của cha anh.

Những lá thư viết trong chiến tranh được lưu lại. 

Những lá thư, những trang nhật ký này đều được viết trong thời gian đất nước có chiến tranh, trang viết “trẻ” nhất cũng đã hơn 40 năm. Nhiều lá thư đã có từ hơn nửa thế kỷ. Một điều đặc biệt là phần lớn các tác giả đều không còn nữa. Họ đã ngã xuống chiến trường, hoặc bị thương và di chứng chiến tranh, đã mất sau khi trở về.

Mỗi lá thư là một câu chuyện rung động lòng người. Những tâm sự dịu dàng, đằm thắm yêu thương trong những bức thư của Anh hùng, liệt sỹ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm gửi về cho ba mẹ, để chúng ta hiểu nhiều hơn về tâm hồn, tình cảm của người nữ chiến sĩ nơi chiến trường nóng bỏng. Chúng ta cũng được đối diện với nghĩ suy của nhân vật “M”. (chính là anh Khương Thế Hưng, con trai nhà thơ Khương Hữu Dụng), để hiểu về người mà bác sỹ Đặng Thùy Trâm từng gửi gắm yêu thương... Những tâm sự của một người lính trong lá thư dài 16 trang khiến chúng ta như được gặp “nguyên mẫu” trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, đó là anh Nguyễn Trí Phước, vì khuôn mặt biến dạng do bị tra tấn dã man, nên cô con gái nhỏ nhất định không chịu nhận bố…

Trong cuốn sách này, còn có cả bức thư của Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội Trần Duy Hưng xin cho 2 con trai nhập ngũ đánh giặc: “Các con tôi có khẩn khoản nhiều lần để “nói” với các đồng chí cho được phục vụ trong hàng ngũ Quân đội. Tôi rất thông cảm với những yêu cầu của các con tôi những ý muốn rất chính đáng của thanh niên trong lúc này. Vì vậy tôi rất mong các đồng chí xét đến nguyện vọng tha thiết của các con tôi. Chào quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ!”.

Ở đây, chúng ta còn có dịp biết được một góc đời sống tâm hồn của nữ tướng Nguyễn Thị Định qua những trang thư bà viết cho người đồng đội có tên “8 Trần” - bí danh của Thiếu tướng Trần Văn Phác (sau là Bộ trưởng Bộ Văn hóa), để hiểu vì sao thời đánh Mỹ, đồng đội của bà thường gọi bà bằng hai tiếng “chị Ba” giản dị nhưng đầy yêu thương và kính trọng.

Trong cuốn sách, có bức thư duy nhất của liệt sĩ Công an Nguyễn Ngọc Sơn, như một khái quát tình cảm, suy nghĩ của một thế hệ đã đi theo cách mạng không hề suy tính. Bức thư của anh Lê Văn Huỳnh (Thái Bình) chắc chắn sẽ khiến nhiều người rung động và kinh ngạc, bởi trước khi vượt sông Thạch Hãn vào thành cổ Quảng Trị năm 1972 để tham gia cuộc chiến 81 ngày đêm khốc liệt, anh đã viết một lá thứ 10 trang, dặn dò kỹ lưỡng gia đình chính xác địa điểm mà anh sẽ hy sinh và nơi anh được chôn cất, dù chiến trường rộng lớn, để hướng dẫn chi tiết cho vợ với lời dặn: “Khi hòa bình, nếu có điều kiện hãy vào Nam lấy hài cốt của anh về”.

Sẽ không thể không rơi nước mắt khi đọc những dòng chữ của anh lính Nguyễn Đặng Ngãi: “Trước giờ xuất phát, đúng như dự kiến lời hẹn, con đã được gặp mẹ. Khi đoàn tàu còn cách khoảng 20 - 30 mét, con đã thấy mẹ bế cái Oanh đứng ngay đường cái, cả bác Dụ nữa. Con cố nhoài ra khỏi tàu để mẹ trông thấy, vì anh em cùng quê cho nên chúng nó hò reo quá nhiều, vì thế mà mẹ khó phát hiện được con. Con la lên đến cháy cổ họng, vậy mà tàu qua rồi mẹ mới thấy con. Con rất đau khổ khi nhìn thấy mẹ ngồi thụp xuống và lăn lóc ở đường cái, trên tay còn bế Oanh...”. Để rồi, nao nao bồi hồi trước tâm tình của người thầy giáo - chiến sỹ Nguyễn Đại với người học trò yêu: Chẳng như em lần nào học trong nhà tắm, tôi đang ngồi trên một tảng đá, bên bếp lửa giữa rừng, trước giờ xuất phát để viết lên những dòng ly biệt này. Lửa vẫn reo lên, táp vào mặt, song có hề chi em, lửa chiến trường còn nóng hơn nhiều”...

Có cả ở đây ba bức thư được gửi cách đây đã hơn 40 năm, nhưng người thân của các anh chưa từng được đọc và cũng không ai biết tác giả hiện còn hay mất, bởi người lưu giữ ba bức thư này từng là thông dịch viên cho Mỹ và thư lấy được từ thi thể của người chiến sỹ chuyển thư đã hy sinh những năm 1967 - 1968.

Những con chữ như những nhịp cầu nối quá khứ vào tương lai. Giữa sự im lặng của những trang giấy mỏng manh cũ kỹ và ố vàng vì thời gian, ta bỗng nhận ra khí phách Việt Nam trong quá khứ hào hùng và cả trách nhiệm với những người đã hy sinh, cống hiến cho hôm nay.

Thanh Hằng
.
.
.