Nhìn từ lễ hội mùa xuân

Thứ Bảy, 11/02/2012, 14:35
Ở địa phương tổ chức không tốt, lễ hội xuân trở thành những tụ điểm sát phạt nhau dưới hình thức cờ bạc trá hình khiến kẻ thu bội tiền, người mất tiền, có khi dẫn tới gia đình vợ chồng, con cái mâu thuẫn.

Theo thống kê ở Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội trong một năm từ cấp tỉnh, thành tới làng xóm. Gần đây Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch có văn bản quy định việc tổ chức lễ hội phải đảm bảo được bản sắc văn hóa truyền thống, vui tươi, lành mạnh. Mùa xuân là mùa có nhiều lễ hội nhất.

Du xuân cùng lễ hội để cảm nhận nét đẹp và chưa đẹp ở mỗi lễ hội diễn ra. Tại lễ hội La Phù – Hoài Đức – Hà Nội, nét văn hóa truyền thống, tâm linh của người dân nơi đây thật đẹp. Hằng năm vào ngày 13 tháng Giêng (âm lịch), lễ hội dâng lợn tế Thành hoàng làng được tổ chức long trọng. Mỗi xóm có một “Ông Lợn” to béo khoảng 200kg được một gia đình chăm nuôi trong điều kiện đặc biệt cả năm mổ thịt, đặt cả “Ông Lợn” ấy lên kiệu sơn son thiếp vàng để đưa tới đình làm tế lễ.

15 xóm có 15 kiệu “Ông Lợn” và mâm xôi nếp, nghi thức rước kiệu cũng khá độc đáo: có đủ cờ lọng do trẻ em và thanh niên giương cao, tiếp theo là đoàn nhạc bát âm, múa sanh tiền hoặc thêm múa lân, rồng, thanh niên nam khiêng kiệu, tất cả mặc lễ phục, dân xóm đi sau từ xóm tới đình làng bắt đầu hồi 17h để tới 21h vào đình tế. Đường làng, ngõ xóm sạch sẽ được giăng đèn lồng, đèn nhấp nháy, đêm xuống càng thêm đẹp lung linh. Mọi người quan tâm tới lễ hội, không có các trò cờ bạc trá hình.

Cờ bạc trá hình tại lễ hội làng Đa Sĩ.

Ngược lại, tại lễ hội làng Đa Sĩ – Hà Đông (Hà Nội) diễn ra ngày 12 tháng Giêng. Ngoài phần lễ theo nghi thức cổ truyền, trong tiếng loa thuyết minh về truyền thuyết Thành hoàng làng, truyền thống với những danh nhân cũng như thành tích của địa phương trong năm, thì phần hội lại không có. Toàn bộ sân đền là các nhóm, các bàn tổ chức trò chơi có thưởng, thực chất là cờ bạc trá hình.

Ở các bàn trò chơi cua cá, quay số may mắn… chủ trò cầm cả tập tiền dày, các cò mồi trên tay một nắm tiền nhanh tay ném vào các ô 50.000 – 100.000đ, người đến chơi cũng rút ví ném tiền vào một ô. Có thể người chơi thắng một vài ván và rồi mất dần, mất dần đến đồng tiền cuối cùng.

Một vài cháu bé rút những tờ tiền 10.000đ - 20.000đ mới cứng được lì xì dịp Tết đưa ra chơi, mong được trúng giải, nhưng sau đó thì nhăn nhó vì chẳng còn đồng nào để mua cây kem giải khát. Một chị phụ nữ bế con, kéo áo ông chồng lôi ra khỏi bàn chơi cua cá, khi ra ngoài chị hỏi chồng: “Hết mấy trăm ngàn chuẩn bị mua giống má, phân bón rồi chứ?”, anh chồng ấp úng không trả lời.

Vậy là chuyện lễ hội ở mỗi địa phương được tổ chức khác nhau. Khi chính quyền địa phương, ban tổ chức, các đoàn thể với tâm niệm giữ cho lễ hội lành mạnh theo truyền thống, người dân háo hức đi dự lễ hội để xem, để nghe, để học luôn là nét đẹp.

Ngược lại, ở địa phương tổ chức không tốt, sẽ biến lễ hội trở thành những tụ điểm sát phạt nhau dưới hình thức cờ bạc trá hình khiến kẻ thu bội tiền, người mất tiền, có khi dẫn tới gia đình vợ chồng, con cái mâu thuẫn

Duy Tường
.
.
.