Nhiều trở ngại bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số

Thứ Hai, 15/09/2014, 09:52
Theo thống kê, hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 15% dân số của Việt Nam, nhưng chiếm tới 70% nhóm đối tượng nghèo, dưới nghèo. Do cuộc sống khó khăn, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ít quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản và nâng cao đời sống văn hóa.

Nhiều di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số chưa được nghiên cứu, đánh giá một cách bài bản khoa học, thậm chí có dấu hiệu mai một, điển hình như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… Hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá trong tình trạng xuống cấp, thiếu đồng bộ và hiệu quả sử dụng còn thấp.

Tham gia đoàn khảo sát về bảo tồn, phát triển vốn văn hóa dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Nam vừa qua, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VH-TT&DL Hoàng Đức Hậu nêu thực trạng, không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam đang ngày càng bị thu hẹp dần. Hiện tượng phá rừng diễn ra với tốc độ nhanh đã phá vỡ cấu trúc văn hóa đặc trưng, làm đứt gãy bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Lễ hội Then Kin Pang của người Thái trắng là một trong những lễ hội thuộc diện cần phải bảo tồn.

Tình trạng sử dụng các loại nhạc cụ điện tử thay cho nhạc cụ truyền thống ngày một phổ biến ở các bản làng... khiến cho âm nhạc cồng chiêng mất đi tính linh thiêng vốn có. Theo đánh giá của Bộ VH-TT&DL, việc huy động các nguồn vốn khác đầu tư cho bảo tồn, phát triển văn hóa rất hạn chế do chính sách khuyến khích chưa cụ thể và thiết thực. Vai trò chủ thể của người dân, của cộng đồng chưa được phát huy, ảnh hưởng tới hiệu quả của bảo tồn; chính sách giáo dục còn chưa được quan tâm đầy đủ... khiến di sản văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, bất cập trong mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển chưa được tháo gỡ.

Tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa là một trong những dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015, trong đó quy định cụ thể về việc xây dựng và phát triển đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở ở các cấp, tạo điều kiện để nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa. Đề án “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đến năm 2020” cũng được Bộ VH-TT&DL tập trung triển khai.

Nhiều chuyên gia cũng đề nghị, cơ quan chức năng cần có cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả của công tác trên, tránh tình trạng các nguồn lực đầu tư không phát huy tác dụng

Nguyễn Lộc
.
.
.