Nhiều thách thức khi Hà Nội chi 2 triệu USD để quảng bá hình ảnh

Thứ Hai, 19/12/2016, 07:57
Hà Nội vừa “mạnh tay” chi 2 triệu USD để quảng bá hình ảnh của mình trên kênh truyền hình CNN (Mỹ), bắt đầu từ 1-1-2017 đến 31-12-2018. Đây là một trong những chương trình xúc tiến đầu tư và xúc tiến du lịch của Hà Nội được doanh nghiệp lữ hành đặc biệt quan tâm.


Hiện nay, Hà Nội có 5.175 di tích văn hóa lịch sử, trong đó có 1.050 di tích được xếp hạng quốc gia, nhiều di tích nổi tiếng đã được UNESCO công nhận như Hoàng thành Thăng Long, Cổ  Loa, Văn Miếu-Quốc Tử  Giám... Hà Nội cũng tập trung nhiều làng nghề thủ công truyền thống lâu đời với những sản phẩm độc đáo như đúc đồng Ngũ Xã, gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc... tạo thành những tour du lịch văn hóa lịch sử, làng nghề đặc sắc. 

Đặc biệt, từ ngày 1-9, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã tạo dựng không gian vui chơi thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước, phát huy được các giá trị văn hóa lịch sử khu vực hồ Hoàn Kiếm, đồng thời kích cầu phát triển dịch vụ, du lịch của quận Hoàn Kiếm. Theo ông Phạm Tuấn  Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, trung bình mỗi ngày, không gian đi bộ thu hút hơn 2 vạn người.

Bà Vũ Giang Biên, Giám đốc Công ty Du lịch Thiên đường Á Châu cho rằng đây là một dự án đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, dự án cần sự vào cuộc của các chuyên gia bởi không phải kênh đắt nhất là tốt nhất vì thực ra xu hướng phát triển của truyền thông quảng cáo rất nhanh. Hà Nội phải đưa ra mục tiêu cụ thể chẳng hạn kênh đầu tư, thương mại hay du lịch sau đó đo tính sự hiệu quả. Việt Nam nên nhờ các đơn vị chuyên nghiệp quốc tế tư vấn để tạo nên bộ nhận diện thể hiện hết thông điệp đó.

Hà Nội kỳ vọng qua dự án này khách quốc tế sẽ đến Hà Nội nhiều hơn và lưu trú dài ngày hơn.

Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour Lê Công Năng cho rằng, trung bình hằng năm, Việt Nam thường chi khoảng 2 triệu USD cho hoạt động xúc tiến du lịch, chính vì vậy việc Hà Nội chi 2 triệu USD cho CNN để quảng cáo hình ảnh trong hai năm là dấu hiệu tích cực cho thấy Hà Nội đã mạnh dạn đầu tư cho du lịch. Đây là một bước đi đúng đắn. 

Bởi, nhìn sang Thái Lan, khi họ xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Thái Lan luôn có kế hoạch xúc tiến du lịch tổng thể, đồng bộ và bài bản cho các tỉnh, thành, địa phương du lịch trọng điểm với ngân sách đầu tư trung bình khoảng 67 triệu đô la mỗi năm. Trong đó, thủ đô Bangkok của Thái Lan là một trong những điểm đến được chú trọng đầu tư phát triển du lịch và đã tạo được những thành tích ấn tượng như luôn đứng trong top 10 thành phố được du khách ghé thăm nhiều nhất thế giới với gần 19,59 triệu khách quốc tế nghỉ qua đêm năm 2015. 

“Một phần thành công này là do ngành công nghiệp tình dục phát triển từ sớm ở Bangkok từ thập niên 90 của thế kỷ trước nhưng cũng không thể phủ nhận nỗ lực quảng bá du lịch của thành phố này từ việc tạo dựng các tên gọi “Venice của phương Đông” với cảnh quan các kênh đào chạy khắp thành phố hay “Bangkok smile” (Nụ cười Bangkok) để nói đến sự thân thiện, chào đón nồng nhiệt của người dân nơi đây. 

Trong khi đó, với tiềm năng hơn 1.000 làng nghề truyền thống, hơn 5.000 di tích, Hà Nội lại chưa có một thương hiệu du lịch rõ ràng và mới chỉ thu hút gần 3,8 triệu du khách quốc tế năm 2016 (bằng khoảng 1/5 lượt khách quốc tế đến Bangkok)”, ông Lê Công Năng cho biết.

Ông Phạm Tuấn Long cho rằng, quảng bá trên một kênh nổi tiếng như CNN là một việc nên làm và cần thiết. Tuy nhiên, để thu hút được khách du lịch, trước hết, Hà Nội cần nhận diện được các di sản và tiềm năng mà mình đang có, thứ hai là người dân và cộng đồng phải hiểu được giá trị của việc quảng bá và chuẩn bị sẵn tâm thế để đón nhận như thể dọn dẹp nhà sạch sẽ khi đón khách. 

Cụ thể, ý thức trong ứng xử chấp hành pháp luật như các hành vi hút thuốc lá, vứt rác nơi công cộng của người dân sống trong địa bàn Hà Nội phải tốt lên. Bên cạnh đó, các công trình di tích, di sản phải được quan tâm đầu tư; phố nghề, mặt nước, cây xanh, ẩm thực... Khi lượng khách đến đông cần tính toán giải pháp; các loại hình dịch vụ cung cấp phải đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế; việc di chuyển trong thành phố phải cải thiện.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, một trong những vấn đề nan giải của du lịch Hà Nội là thiếu hướng dẫn viên chuyên nghiệp, khu vui chơi giải trí, khu trung tâm mua sắm. Tính trung bình lượng khách lưu trú sau đó quay lại Hà Nội đạt tỷ lệ rất thấp, số ngày lưu trú tại Hà Nội cũng thấp. Bên cạnh đó, số lượng người dân tham gia vào toàn bộ hệ thống mạng lưới trở thành hướng dẫn viên cũng thấp. 

Mỗi người dân tại phố cổ, hay làng Bát Tràng, Vạn Phúc chưa thực sự tham gia thành một hướng dẫn viên du lịch. Thực sự họ chưa nhận thức được tầm quan trọng vai trò của du lịch. Như vậy, song song với việc quảng bá hình ảnh, Hà Nội vẫn còn rất nhiều việc cần làm và phải làm thì mới có thể níu chân du khách và thu hút khách mới đến với Hà Nội.

Lưu Hiệp
.
.
.