Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật tưng bừng trong dịp 2/9

Chủ Nhật, 30/08/2015, 01:08
Trong dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức trên khắp cả nước, để bữa tiệc tinh thần của người dân khắp nơi thêm phong phú.

Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội) có trưng bày: “Sưu tập báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945”, với gần 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật quý, đặc biệt sưu tập báo chí cách mạng thời kỳ 1925-1945 đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Thái Nguyên, Bảo tàng Sơn La… giúp khách tham quan hiểu hơn về một thời kỳ biên tập, in ấn, phát hành đầy khó khăn, gian khổ của các thế hệ người làm báo.

Cũng qua triển lãm này, công chúng sẽ hiểu hơn sự hy sinh, mất mát của những người chiến sĩ cầm bút và biết bao quần chúng nhân dân, cơ sở cách mạng đã bảo vệ, nuôi giấu cơ quan biên tập, in ấn báo trong hoàn cảnh hiểm nguy những năm trước Cách mạng Tháng Tám.

Từ nay đến 30/11, có 160 phiên bản tài liệu quý được trưng bày, giới thiệu trong triển lãm “Tuyên truyền cách mạng trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ” do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ tổ chức tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II TP Hồ Chí Minh.

Các tư liệu được trưng bày lần này chủ yếu là truyền đơn, ấn phẩm của Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức quần chúng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đây là những tài liệu có giá trị đặc biệt về mặt sử liệu đối với công chúng, nhất là đối với các nhà nghiên cứu lịch sử về tuyên truyền và vận động cách mạng trước năm 1945.

Một số bản truyền đơn đã bị sờn rách hoặc phai màu mực, nhưng hầu hết vẫn giữ được nguyên vẹn nội dung. Ngôn ngữ biểu đạt trên các truyền đơn rất ngắn gọn, lời văn mộc mạc, chân thành, dễ hiểu nhưng sức mạnh truyền cảm của nó vô cùng to lớn. Các truyền đơn đều có nội dung tố cáo chính sách áp bức bóc lột của thực dân Pháp cùng bè lũ tay sai, đồng thời kêu gọi các tầng lớp nhân dân đoàn kết đấu tranh chống áp bức, phản đối chiến tranh, đánh đổ phong kiến và đế quốc thực dân để giành tự do, độc lập cho dân tộc.

Chiều 2/9, sau một năm gián đoạn, chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” sẽ trở lại tại Nhà hát Lớn Hà Nội với diện mạo mới: Hòa nhạc quốc gia “Điều còn mãi” 2015 tiếp tục đồng hành với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi.

Chương trình năm nay gồm các tác phẩm khí nhạc kinh điển của các nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Hồ Bắc, Trọng Bằng, Hoàng Dương... và các tác phẩm thanh nhạc của Đỗ Hồng Quân, Doãn Nho, Cầm Phong, Hoàng Vân, Đinh Trung Cẩn, Nguyễn Văn Thương, Phạm Tuyên... Xuất hiện tại “Điều còn mãi”, ca sĩ Tùng Dương sẽ trình diễn 2 ca khúc "Người lái đò trên sông Pô Cô" và "Chiếc khăn Piêu" cùng với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam. Bên cạnh đó, những bài ca đã đi cùng năm tháng như “Tiếng hát giữa rừng Pắc Pó”, “Bài ca xây dựng”, “Tổ quốc gọi tên mình” do Lan Anh, Trọng Tấn, Đăng Dương thể hiện.

Dạ Miên
.
.
.