Nhiếp ảnh gia MPK: "Vẽ" Đà Lạt với nắng, nước và gió

Thứ Ba, 18/12/2007, 11:06

Với chủ đề "Đà Lạt mơ", triển lãm bao gồm 60 bức ảnh với những góc nhìn về thành phố núi thật lạ: mọi cảnh vật, cỏ cây Đà Lạt đều được nhìn qua những cái bóng của chính chúng, được ghi nhận, nhòe đi qua mặt nước sóng sánh của hồ Xuân Hương, trong phút reo vui cùng nắng gió, chút huyền ảo, giá lạnh buổi sớm mờ sương hay chỉ trong khoảnh khắc của chiều tà. Với MPK, tình yêu là ngọn nguồn của tất cả…

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Phước nhận mình là đứa con trung thành với mảnh đất Đà Lạt, sở hữu một gia tài là kho tác phẩm nhiếp ảnh khổng lồ sau 25 năm cầm máy, trong vòng 14 năm thực hiện liên tiếp 17 triển lãm, trong đó, đa phần là triển lãm về Đà Lạt.

Thế nhưng đến nay, anh vẫn trung thành thực hiện đúng lời hứa: mỗi năm sẽ dành cho những người yêu thành phố núi trên vùng đất cao nguyên Langbiang nhiều huyền thoại này một gương mặt Đà Lạt thật mới, thật độc đáo bằng chính triển lãm của mình.

Anh chính là Nguyễn Văn Phước, người được giới nhiếp ảnh nói riêng, nghệ sỹ nói chung thường gọi một cách thân thiện với cái tên nghe khá lập dị: Phước MPK hay Phước… khùng.

Tái hiện những vũ điệu Đà Lạt trong nắng, gió, sương

Những ngày diễn ra lễ hội hoa Đà Lạt 2007, giới nhiếp ảnh, dù đã thành danh hay vẫn chưa một chút tiếng tăm hoặc những người yêu thích, ưa tìm tòi về lĩnh vực này đều khó có thể ngăn được sự tò mò để không tìm đến Trung tâm Thông tin triển lãm TP Đà Lạt xem triển lãm mới của nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Phước (biệt danh MPK).

Với chủ đề "Đà Lạt mơ", triển lãm bao gồm 60 bức ảnh với những góc nhìn về thành phố núi thật lạ: mọi cảnh vật, cỏ cây Đà Lạt đều được nhìn qua những cái bóng của chính chúng, được ghi nhận, nhòe đi qua mặt nước sóng sánh của hồ Xuân Hương, trong phút reo vui cùng nắng gió, chút huyền ảo, giá lạnh buổi sớm mờ sương hay chỉ trong khoảnh khắc của chiều tà.

Những lằn vân của vải bố được sử dụng in hình khiến người xem khi mới nhìn qua từ xa sẽ dễ nhầm đây là những tác phẩm tranh vẽ sơn dầu hơn là những tác phẩm nhiếp ảnh.

Kể lại hành trình những ngày đi "săn"… bóng Đà Lạt, MPK bảo ý tưởng cho triển lãm được hình thành cách đây ba năm. Trong một lần đang bò lăn lê bên bờ hồ Xuân Hương rình chụp mắt các loài côn trùng, bất chợt ngó xuống mặt nước và khám phá ra rằng cảnh vật trong bóng nước có một vẻ đẹp thật lạ.

Sinh ra tại Đà Lạt, thân thuộc với mảnh đất này đến từng thuộc tính gốc cây, ngọn cỏ nhưng nhìn chúng qua mặt hồ lại thấy cứ như thực mà như ảo, vừa thân thuộc vừa có gì đó thật mới mẻ. Vậy là bấm máy.

Thế nhưng phải gần 2 năm sau đó mới chính thức bắt tay vào thực hiện và hơn 1 năm sau, những khoảnh khắc Đà Lạt với nắng, với sương và với gió mới hình thành. Chọn lọc trong gần 3.000 tấm ảnh được mấy chục bức ưng ý nhất nhưng không in trên giấy như thông thường mà quyết định in trên… vải bố.

Cũng vì muốn ý tưởng phải được thực hiện đến tận cùng nên hơn ba ngày trước khi triển lãm, anh lại đích thân một mình hì hục, ngồi tỉ mẩn bấm lên từng khuôn gỗ, nhất định không mượn thợ.

Tình yêu sinh ra cái đẹp

Con đường đến với nghệ thuật nhiếp ảnh của MPK khá tình cờ. Những năm 1982, 1983, khi nghề chụp ảnh dạo đang là công việc hái ra tiền, thì chiếc máy cổ lỗ của anh lại là cái máy kiếm cơm tốt nhất.

Năm 1993, triển lãm ảnh đầu tiên "Đà Lạt 100 năm" được thực hiện tại Đà Lạt. 14 năm, 17 triển lãm, nhưng hình ảnh Đà Lạt trong mỗi triển lãm đều là những nét hoàn toàn mới mẻ. Lãng mạn với mưa, trăng, sương, rực rỡ nhưng buồn với hoa dại, thu gọn trong từng giọt sương mỏng mảnh hay độc đáo với một rừng những đôi mắt côn trùng nhỏ bé…

Mỗi triển lãm là mỗi công trình đầy kỳ công và đặc biệt không bao giờ MPK bán.

Cứ đi, cứ lăn lộn, tìm tòi và khám phá, sáng tạo. Nhiều người bảo sao anh cứ tự hành mình khổ thế nhưng anh bảo chưa chắc ai khổ hơn ai bởi con người khổ nhất là khi bị lệ thuộc bởi chính những kế hoạch mình lập ra.

Anh không hoài hạnh phúc trong quá khứ, không vọng ở tương lai, chỉ kiếm tìm hạnh phúc trong hiện tại, miệt mài đi tìm cái đẹp. Càng nhận thấy nhiều cái đẹp càng dễ sáng tạo.

Bản thân nhiếp ảnh chưa hoàn toàn được công nhận là một loại hình nghệ thuật, máy ảnh chỉ là một công cụ, là kỹ thuật photoshop nhưng ăn thua là biết tận dụng sáng tạo. Muốn nhìn thấy cái đẹp, muốn sáng tạo thành công phải có tình yêu đích thực, và sự rung cảm thật sự.

Tình yêu là ngọn nguồn của tất cả…

N.Hoa
.
.
.