Nhen lên ngọn lửa sáng tạo

Thứ Ba, 15/08/2006, 08:30
Tại Trại sáng tác kịch bản toàn quốc 2006, với tư cách là một trong những tác giả có đề cương phim truyện được Ban tổ chức lựa chọn, Thiếu tướng - nhà văn Hữu Ước đã nói một cách rất hình ảnh rằng: Người viết rất cần ngọn lửa say mê sáng tạo. Việc Cục Điện ảnh tổ chức trại viết chính là để nhen lên và thổi bùng ngọn lửa ấy.

Tại Hà Nội vừa diễn ra lễ khai mạc Trại sáng tác kịch bản các thể loại phim năm 2006 trong phạm vi toàn quốc. Tổ chức trại viết kịch bản là việc làm thường xuyên của Cục Điện ảnh, nhưng nét mới ở trại viết 2006 là sự hưởng ứng, tham gia hết sức nhiệt tình của đông đảo cây bút trong cả nước.

Tổng cộng đã có 260 đề cương kịch bản phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình gửi về Ban tổ chức và đây cũng là số lượng đề cương gửi tham dự nhiều nhất từ trước đến nay. Trong số 146 đề cương phim truyện gửi tham dự trại, Ban nghiệm thu chỉ chọn được 38 đề cương của 38 tác giả để đưa vào đầu tư viết kịch bản. Ngoài tiêu chí hàng đầu là chất lượng và tính khả thi của đề cương, Ban nghiệm thu cũng quan tâm đến sự cân đối giữa các đề tài, giữa phim truyện điện ảnh và phim truyền hình nhiều tập.

Theo Ban tổ chức, trại viết này đã quy tụ được khá đông nhà văn, nhà biên kịch đã thành danh như: Hoàng Nhuận Cầm, Khuất Quang Thụy, Lưu Nghiệp Quỳnh, Hữu Ước, Đoàn Trúc Quỳnh, Phạm Thùy Nhân, Châu Thổ, Viết Linh, Thảo Phương, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đinh Thiên Phúc, Đoàn Minh Tuấn, Đào Quang Thép, Đức Ánh, Mạc Văn Chung, Đoàn Hữu Nam…

Đồng hành trên con đường sáng tạo kịch bản văn học cùng các nhà văn thế hệ trước còn có một số gương mặt lứa tuổi 7X, 8X mới tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh như: Đàm Văn Anh, Nguyễn Quỳnh Trang, Trần Toàn, Đoàn Thị Mai Hoa…

Phát biểu tại buổi lễ, với tư cách là một trong những tác giả có đề cương phim truyện được Ban tổ chức lựa chọn, Thiếu tướng - nhà văn Hữu Ước đã nói một cách rất hình ảnh rằng: Người viết rất cần ngọn lửa say mê sáng tạo. Việc Cục Điện ảnh tổ chức trại viết chính là để nhen lên và thổi bùng ngọn lửa ấy.

Tuy nhiên, nhà văn Hữu Ước cũng có những trăn trở muốn chia sẻ cùng bạn viết thông qua những kỉ niệm vui buồn từ khi bước chân vào làng điện ảnh. Từ những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, nhà văn Hữu Ước đã trình làng điện ảnh một số bộ phim truyện nhựa, như "Đêm dông", "Chuyện tình thời Siđa" và "Người con gái Đất Đỏ". Nhưng rồi, có kịch bản văn học của nhà văn, qua khâu sản xuất, trở thành tác phẩm điện ảnh xa lạ với những gì mà tác giả đã nghiền ngẫm, gửi gắm...

Dẫn lại ý của nhà văn Hữu Ước về "một số đứa con tinh thần" của tác giả kịch bản, qua "bà đỡ" là nhà sản xuất khi trở thành tác phẩm điện ảnh đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, nhà văn đến từ phương Nam: Phạm Thùy Nhân bàn nhiều đến vị trí của nhà biên kịch trong mỗi tác phẩm điện ảnh. Sau khi dẫn ra những kinh nghiệm xây dựng một tác phẩm điện ảnh của một số nước trên thế giới, ông khẳng định: Muốn nâng cao chất lượng điện ảnh, ngoài việc lựa được kịch bản hay, trong quá trình sản xuất cần phải có sự bàn bạc và thống nhất cao giữa nhà biên kịch và đạo diễn. Và cũng đã đến lúc phải chấm dứt một tình trạng phổ biến hiện nay là khi kịch bản văn học được duyệt rồi thì nhà biên kịch không còn vai trò gì nữa đối với việc sản xuất phim

Xuân Nguyễn
.
.
.