Nhập nhằng chuyện Tổng đạo diễn phim "Thái tổ Lý Công Uẩn"

Chủ Nhật, 15/06/2008, 08:30
Gần một năm qua, từ khi đạo diễn Lê Đức Tiến giữ cương vị Giám đốc Hãng Phim truyện VN kiêm Giám đốc sản xuất (GĐSX) dự án làm phim Thái tổ Lý Công Uẩn, chức danh Tổng đạo diễn được nhắc đến nhiều trên công luận. Qua những diễn biến rối ren và phức tạp của quá trình điều hành dự án, đã có những ý kiến cho rằng những toan tính ngồi vào ghế Tổng đạo diễn của GĐSX là nguyên nhân sâu xa gây ra những rắc rối, trì trệ và bế tắc của dự án này.

Vậy bộ phim có cần một Tổng đạo diễn không và nếu cần thì nên giao trọng trách ấy cho ai? Để rộng đường dư luận và góp phần cung cấp cho độc giả thêm một góc nhìn về vấn đề đang gây bức xúc này, xin giới thiệu bài viết của nhà thơ, đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn, một trong những người có liên quan sâu sắc tới quá trình chuẩn bị thực hiện dự án phim Lý Thái Tổ. Cũng xin được nói thêm rằng, đây chỉ là ý kiến riêng của nhà thơ Đỗ Minh Tuấn.

Những câu trả lời bất nhất và mâu thuẫn

Trong một thời gian dài, công luận chờ đợi câu trả lời từ phía Hãng Hãng Phim truyện VN (PTVN): Ai sẽ là Tổng đạo diễn phim "Thái tổ Lý Công Uẩn". Tuy nhiên, đáp lại mong đợi của cả xã hội, câu trả lời từ GĐ Lê Đức Tiến luôn luôn thay đổi.

Đầu năm 2008, trả lời PV Báo Thanh Niên, ông Lê Đức Tiến cho biết sẽ công bố tên Tổng đạo diễn vào thời điểm thích hợp. Sau đó một tháng, trả lời Báo điện tử ViệtNamNet ông Tiến lại nói:"Và như vậy không có chức danh Tổng đạo diễn. Cũng như đối với các phim lớn của nước ngoài, chỉ có chức danh đạo diễn. Chúng ta nên học cách điều hành sản xuất phim của nước ngoài, trong đó vai trò Giám đốc sản xuất (GĐSX) rất quan trọng. Hãng sản xuất và cá nhân GĐ Hãng là người chịu trách nhiệm cuối cùng, toàn diện về bộ phim".

Sau khi khẳng định vai trò tối cao của GĐSX mà ông đang đảm nhiệm, ông Tiến cũng nói rõ ông sẽ chỉ tập trung làm nhiệm vụ của GĐSX mà không làm công việc của Tổng đạo diễn dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả hình thức "chỉ đạo nghệ thuật". Ông nói: "Người "chỉ đạo" không phải người "trực tiếp" thực hiện công tác, nên không thể coi là Tổng đạo diễn được. Vì tôi có nghề đạo diễn, nên trong các trường hợp cần thiết, có thể trực tiếp thực hiện một số công việc cụ thể để thúc đẩy tiến độ và chất lượng phim. Nhưng đấy là các trường hợp "không mong muốn". Tôi nghĩ trách nhiệm Giám đốc sản xuất cũng đã rất nặng nề. Tôi tin các đạo diễn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình".

Thế nhưng đầu tháng 6/2008, ông Lê Đức Tiến đã tổ chức cuộc họp với các thành viên Ban GĐ và Đảng ủy để đề nghị họ ủng hộ ông trong việc giữ vai trò Tổng đạo diễn của phim. Để tạo tiền đề cho việc tự bổ nhiệm mình làm Tổng đạo diễn, ông Tiến sẵn sàng xóa bỏ những cam kết trong biên bản làm việc với đạo diễn về việc phân công trách nhiệm viết KBPC, nghiễm nhiên tham gia viết phân cảnh trong tư cách GĐSX rồi gửi KBPC của mình lên TP Hà Nội không thông qua sự góp ý chọn lựa của tập thể lãnh đạo cơ quan như phải có.

Sự thay đổi tiền hậu bất nhất trong phát ngôn và hành động của ông Lê Đức Tiến khiến dư luận băn khoăn: Đây thực chất là một chuỗi những việc làm có kế hoạch của ông trước xã hội hay một sự toan tính cá nhân giấu đầu hở đuôi như hoạ sỹ Vũ Huy đã nói trong bài PV "Lại chuyện lằng nhằng của phim Lý Công Uẩn" đăng trên VietNamNet ngày 10-6-2008?

Vì sao ông Lê Đức Tiến muốn làm Tổng đạo diễn?

Chia sẻ nhận định của họa sỹ Vũ Huy, một số nghệ sỹ của Hãng PTVN cho rằng, ông Lê Đức Tiến mong muốn làm Tổng đạo diễn phim vì chức danh này sẽ giúp ông thoát khỏi "án treo" về hưu đang lơ lửng trên đầu ông khi chỉ còn một năm nữa là ông "đến hẹn lại lên", phải bàn giao trách nhiệm GĐ Hãng kiêm GĐSX phim cho người khác để về phường lĩnh lương hưu. Nếu có chức danh đạo diễn phim Dự án thì ông có thể kéo dài thời gian nhận sổ hưu đến sau khi bộ phim hoàn tất.

Và như vậy, việc ông Tiến kiêm thêm chức danh Tổng đạo diễn cũng đồng nghĩa với việc kéo dài nhiệm vụ GĐSX của ông mà những ai đó không muốn nó "nửa chừng đứt gánh". Nói cách khác, trong trường hợp này việc giao thêm chức danh Tổng đạo diễn cho ông Tiến chỉ là để duy trì nhân sự, không phải xuất phát từ nhu cầu có một Tổng chỉ huy nghệ thuật của phim…

Có lẽ ý thức được tính chất nhạy cảm của một quyết định tự bổ nhiệm mình vào chức danh Tổng đạo diễn nên ông Tiến đã không ra quyết định ấy ngay khi Dự án mới đưa về Hãng PTVN, mà lèo lái, lựa thế, tìm cơ hội, tìm thêm vây cánh như họa sỹ Vũ Huy đã nói.

Trong thời gian gần một năm, Lê Đức Tiến nhiều lần tuyên bố rằng ông chỉ làm GĐSX phim. Nhưng ông luôn để trống chiếc ghế Tổng đạo diễn bằng nhiều cách: hoặc "câu giờ" lần lữa không công bố ai sẽ được giao trọng trách này, hoặc cho rằng chưa có ai đủ kinh nghiệm để được ông giao phó nhiệm vụ Tổng chỉ huy nghệ thuật, hoặc lúng túng mâu thuẫn trong việc xác nhận vai trò chính phụ của hai đạo diễn khi giải trình trước công luận về quyết định thành lập đoàn phim "Thái tổ Lý Công Uẩn" ban hành cuối tháng 2-2008. 

Kín đáo, thận trọng là thế nhưng đến nay, sau những tai tiếng về cách điều hành dự án, ông Tiến lại làm nhiều việc không minh bạch để thực hiện mục đích làm Tổng đạo diễn phim.

Nên trao nhiệm vụ Tổng đạo diễn cho ai?

Tổng đạo diễn phải là người nhạc trưởng kết nối những sáng tạo của các bộ phận như diễn viên, quay phim, thiết kế mỹ thuật, dựng phim và âm thanh thành hình tượng nghệ thuật nhất quán. Nếu không có Tổng đạo diễn các bộ phận sẽ bị rời rạc "năm cha ba mẹ" không kết tụ với nhau thành một hình tượng hữu cơ.

Một bối cảnh trong phim "Thái Tổ Lý Công Uẩn".

Trong quá trình sản xuất, Tổng đạo diễn hay Đạo diễn chính là người tổng chỉ huy ra mệnh lệnh nghệ thuật, quyết định những giải pháp mà tập thể nghệ sỹ chưa nhất trí. Tuy nhiên, người ta chỉ sử dụng chức danh Tổng đạo diễn khi bộ phim cần huy động sự tham gia của nhiều đạo diễn. Trong trường hợp đồng đạo diễn hay chỉ có hai đạo diễn thì người ta chỉ xác định đạo diễn chính để tạo cơ sở pháp lý kết nối hai chủ thể sáng tạo khác nhau.

Nếu xác định vai trò Tổng đạo diễn hay Đạo diễn chính sòng phẳng như vậy, thì quả là đạo diễn Lê Đức Tiến với trình độ văn hoá chung và trình độ chuyên môn của mình thật khó có thể đảm nhiệm chức danh này, nhất là khi phải chỉ huy về nghệ thuật những đạo diễn, quay phim và họa sỹ có khả năng và thành tích chuyên môn hơn ông.

Vì thế, để dọn đường cho việc mình sẽ ngồi vào chiếc ghế nóng này, đạo diễn Lê Đức Tiến đã phải dựa vào trách nhiệm của GĐ Hãng trước hợp đồng đã ký với TP Hà Nội. Ông Tiến nói: "Tôi cũng muốn có một Tổng đạo diễn chỉ huy chung, nhưng thú thật tôi chưa tìm được người, mà một dự án sản xuất với số tiền lớn như vậy liệu có ai dám giao cho cá nhân một đạo diễn nào đó để họ tuỳ ý thể nghiệm, sáng tạo... mà khi phim dở thì trách nhiệm cuối cùng đơn vị sản xuất là Hãng phim Truyện VN phải gánh".

Nghĩa là, vì Hãng PTVN phải chịu trách nhiệm về chất lượng phim nên GĐ Hãng phải nhảy vào làm Tổng đạo diễn cho yên tâm và... cho sòng phẳng - vì tôi làm dở thì tôi chịu trách nhiệm, còn người khác làm dở mà bắt tôi chịu trách nhiệm thì thật bất công (!).

Đây là một lập luận hết sức kỳ quặc vì ông Tiến đã đồng nhất Hãng PTVN với cá nhân ông, mặt khác đối lập các nghệ sỹ làm phim với chính hãng phim mà họ đang là chủ thể. Nếu GĐ Hãng không phải là một đạo diễn, mà chỉ là kỹ sư kinh tế hay nhà biên kịch như các đời GĐ trước đây, thì GĐ có thể lấy lý do phải chịu trách nhiệm về chất lượng để nhảy vào làm Tổng đạo diễn không?

Các nghệ sỹ điện ảnh cũng có thể nói rằng không nên để một người như GĐ Lê Đức Tiến điều hành dự án vì nếu phim ra chậm hay phim dở do cách điều hành đó thì chính họ lại phải chịu trách nhiệm trước xã hội và bị lên án trên công luận. Các đạo diễn đâu có thể tự tung tự tác muốn làm gì thì làm vì trên đầu họ còn có Ban GĐ, Ban biên tập và GĐSX - những người xét duyệt và nghiệm thu sản phẩm trong từng công đoạn của bộ phim.

Ngay như ở các nước mà quyền nghệ sỹ rất được tôn trọng như Mỹ, Pháp... nhà sản xuất vẫn có thể thay đổi đạo diễn nếu anh ta làm sai những cam kết liên quan đến nội dung và chất lượng bộ phim.

Vậy thì tại sao khi đã ý thức được vai trò quan trọng của GĐSX: "Chúng ta nên học cách điều hành sản xuất phim của nước ngoài, trong đó vai trò GĐSX rất quan trọng", ông Lê Đức Tiến lại lo lắng muốn có thêm quyền lực của Tổng đạo diễn để yên tâm với chất lượng phim? Người ta có thể hỏi: Vì sao trao trọng trách ấy cho ông xã hội lại thấy yên tâm hơn khi biết chắc rằng với khả năng và cung cách của ông, ông sẽ làm ra một bộ phim dở?

Tổng đạo diễn hay Đạo diễn chính của phim "Thái tổ Lý Công Uẩn" không thể là một kiểu đứng tên hữu danh vô thực, càng không thể là một sự khống chế sáng tạo bởi một người kém năng lực chuyên môn hơn những người bị khống chế, lại càng không thể là sự khống chế sáng tạo nhân danh chất lượng.

Trách nhiệm nghệ thuật này cần được giao cho đạo diễn nào có cảm xúc và tư duy nhất quán vì nếu Tổng đạo diễn là người "ba ngày bảy vía" như ông Lê Đức Tiến, nay lấy thêm người này để ban ơn, mai đuổi cổ người kia để trừng phạt, nay lên cơn sáng tác theo hướng này, mai lại nổi hứng tưởng tượng theo hướng khác thì bộ phim sẽ nát như bươm.

Tổng đạo diễn phải là người có năng lực đưa ra những mệnh lệnh nghệ thuật cho tập thể nghệ sỹ thừa hành, không phải là người chẳng biết phải làm gì, ngồi chờ người khác sáng tác rồi chỉnh sửa xào xáo biến thành của mình. Đó là một kiểu đánh cắp công khai chứ không phải Tổng chỉ huy nghệ thuật theo đúng nghĩa.

Bộ phim "Thái tổ Lý Công Uẩn" so với nước ta là một phim có quy mô rất lớn, nhưng chỉ là một phim có quy mô vào hạng thấp nhất của nước ngoài. Vì thế, có thể phim chẳng cần đến những chức danh to tát và nhạy cảm như Tổng đạo diễn, mà chỉ nên có Đạo diễn chính và các đồng đạo diễn.

Cũng không nên cho phép kiêm nhiệm hai chức danh GĐSX và Tổng đạo diễn (hay Đạo diễn chính) vì như vậy sẽ dẫn đến sự tự tung tự tác tuỳ tiện của một cá nhân, nếu đó là cá nhân kém năng lực chuyên môn thì dự án sẽ có nhiều khả năng thất bại.

Cuối cùng, dự án làm phim "Thái tổ Lý Công Uẩn" không phải là dự án chìa khoá trao tay như các công trình xây dựng, nên không thể để bên thi công tự quyết định cả kịch bản và nhân sự. Nếu phía đặt hàng đã mất năm năm xây dựng và kiểm soát kịch bản, thì cũng phải đứng ra quyết định về nhân sự thực hiện để bộ phim "Thái tổ Lý Công Uẩn" có thể hoàn thành đúng thời hạn với chất lượng cao

Đỗ Minh Tuấn
.
.
.