"Nhẵn mặt trên truyền hình không chắc đã là người của công chúng"

Chủ Nhật, 01/06/2008, 16:07
“Truyền hình là phương tiện chứ không phải là cứu cánh.(…) Tôi cho rằng xã hội Việt Nam đang bị huyễn hoặc về sự nói dối của các chương trình truyền hình, hễ ai có mặt trên đó mới gọi là đương thời. Nhẵn mặt trên truyền hình không chắc đã là người của công chúng.” - nhạc sỹ Tuấn Khanh nói.

Nhạc sỹ Tuấn Khanh luôn được tiếng là người nói thẳng, nói thật. Anh cũng là một trong những người đầu tiên làm giám khảo các cuộc thi hát trên truyền hình. Nhưng anh không có được niềm lạc quan của người trong cuộc từng được tôn vinh khá nhiều trên các phương tiện truyền thông. Phút nói thật của Tuấn Khanh, rất tiếc lại là những phút rất buồn…

- Chưa bao giờ như bây giờ, các cuộc thi hát nở rộ hơn bao giờ hết, mà tất cả đều là thi hát trên truyền hình. Theo anh đây là điều tốt hay xấu?

- Những cuộc thi ca nhạc trên truyền hình ngày nay, theo thiển ý của tôi, hiện đang phần nhiều chạy theo các tiêu chí của lợi nhuận, tài trợ, thương mại... Do đó thường rầm rộ trước, tẻ nhạt sau. Con người được phát hiện từ những cuộc thi, chỏng chơ giữa thị trường và dần dần  một với nỗi chán chường và hoài nghi của xã hội.

- Vậy theo anh, có phải các cuộc thi hát chỉ để phục vụ cho truyền hình? Và nghề hát bây giờ thì không còn phương tiện nào khác để… tiến thân ngoài truyền hình?

- Truyền hình là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Tôi có thể chỉ ra hàng loạt các nhân vật văn nghệ luôn thu hút công chúng mà chẳng cần phải lên truyền hình nhiều.

Ví dụ, ca sĩ ăn khách nhất phía Nam là Ngọc Sơn, việc lên truyền hình của anh ta, hàng năm chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng điều đó không có nghĩa là người ta không biết đến anh. Phía Bắc, chẳng hạn, có Lê Khanh, cả năm không thấy chị xuất hiện ở đâu, nhưng không ai có thể phủ nhận đẳng cấp của chị.

Tôi cho rằng xã hội Việt Nam đang bị huyễn hoặc về sự nói dối của các chương trình truyền hình, hễ ai có mặt trên đó mới gọi là đương thời. Nhẵn mặt trên truyền hình không chắc đã là người của công chúng. Sự huyễn hoặc này, tôi cho rằng chỉ có tính giai đoạn của một xã hội văn hóa chưa có tính mở hoàn toàn.

- Nếu theo dõi các cuộc thi mới thấy, những gương mặt ca sỹ cũ kỹ, dường như rất ít nhân tố mới. Theo anh thì tại sao lại có tình trạng này?

- Vì các nhà tổ chức không đủ thuyết phục người tham gia từ nhiều mặt, không cho thấy rằng họ có một cái tâm, thật sự muốn phát hiện tài năng mới. Đằng sau những lời quảng cáo bóng bẩy, sự quyến rũ của quy mô, lẩn khuất ở đó là những liều kích thích vào thói đam mê danh vọng và tính cơ hội.

Người có thật tài khi muốn tham dự vẫn phân vân. Người đã tham gia và thất bại thì không tâm phục khẩu phục vì thấy những người được nhận vinh quang cũng chẳng hơn gì mình. Thậm chí giá trị của các ngôi sao đoạt giải đôi khi cũng là sự dè bỉu lâu dài của báo chí và người xem.

Tôi vẫn hay tự hỏi, một người kém cỏi như tôi còn nhìn thấy được những điều này, tại sao rất nhiều nhà tổ chức, công ty... lại không nhìn thấy? Hay vì lẽ gì khác?

- Theo anh, vì đâu nảy sinh tâm lý không đi thi hát bất thành sao ca nhạc như hiện nay? Chẳng lẽ bản thân một giọng hát tuyệt vời không đủ sức nói thay các danh hiệu?

- Đó là một dòng lý luận đang hoành hành trong giới trẻ và nhiều gia đình phụ huynh quá yêu chiều con cái và dư dả tiền bạc. Thực tế cho thấy có những người đi thi, thậm chí đồn đại đã bỏ ra hàng trăm triệu để mua giải, rốt cuộc thì tự treo mình lủng lẳng với hư danh mà không có chút thực lực nào trong đời sống.

Theo bạn nghĩ nếu ca sĩ Tuấn Ngọc, đổi tên, đổi lốt, đi dự thi các chương trình ca nhạc của chúng ta tổ chức gần đây, liệu có đoạt giải không?

Năm 1969, khi John Lennon viết ca khúc "Revolution", ông đã nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta đang bị thôi miên bởi truyền hình và phản bội lại đời sống thực tế của chính mình.

- Việc tìm kiếm danh hiệu từ các cuộc thi như một hành trang bắt buộc cho các ca sỹ, phải chăng do tâm lý bị các bầu show chi phối, có danh hiệu dễ treo biển, phát loa phóng thanh quảng cáo hơn? Hoặc lên các phương tiện truyền thông dễ hơn?

- Đó là biểu của một xã hội thiếu thông tin và người dân không được chọn lựa theo điều mà mình muốn. Họ chỉ còn một ngõ để đến với cái được gọi là "hàng đầu" để tránh bị tổn thương với cảm nghĩ ít nhất là mình không bị lừa. Truyền thông và mua bán đã bắt chặt tay nhau trong thời buổi này. Và cũng bởi vì thiếu tài năng, nên người ta mới bám rịt vào danh hiệu.

- Thời gian qua, chúng ta nói đến quá nhiều về công nghệ lăng xê ca sỹ. Anh cũng là người giúp đỡ khá nhiều ca sỹ và band nhóm nhạc trẻ thành công. Vậy, công nghệ lăng xê ở Việt Nam hiện nay có được coi là chuyên nghiệp?

- Công nghệ đẩy một nghệ sĩ mới, nó chỉ gọi là chuyên nghiệp được xác định bởi tính mục đích lâu dài và giá trị đóng góp vào dòng chảy văn hóa.

Lăng xê ở Việt Nam hiện nay đang được đếm bằng tiền. Người ta ngã giá với nhau là phải 500 triệu mới nổi cỡ này, 1 tỷ mới thành ngôi sao kiểu kia... hóa ra khán giả là những kẻ ngốc nghếch, tiền bạc sẽ lừa được tất cả?

Các bầu show và các nhà sản xuất tự đặt tên hiện nay hay bàn bạc đến "chiêu", tức những kiểu cách gây scandal, sự kiện gì đó để người ta chú ý đến nhân vật mới.

Ở các nước công nghiệp biểu diễn phát triển, ca sĩ mới, mới được ghi nhận với ca khúc thành công nhất của họ, còn ở đây thì chúng ta hay ghi nhận ca sĩ mới với sự kiện, thậm chí "lừng danh" theo kiểu nào đó vài năm, vẫn không có ca khúc nào được khán giả nhớ hoặc thuộc.

- Tạm coi cách mà anh làm việc cũng là một cách lăng xê ca sỹ. Vậy thì theo anh, cách làm đó có thực sự phù hợp với công nghệ lăng xê chuyên nghiệp của thế giới?

- Chúng ta nhìn vào thế giới như những bài học vỡ lòng. Tôi cũng vậy. Nhưng có một khác biệt là tôi tự nhận xét mình không đủ khả năng lăng xê ca sĩ. Tôi chỉ dừng ở mức tiếc nuối các khả năng mà tôi nhìn thấy được, và nhất là khi họ không có được một cơ hội công bằng. Vì vậy, tôi quyết định dùng sức của mình thử nghiệm với họ như một cách khuyến khích tinh thần. Hay nói cách khác, tôi tự biến mình thành bàn đạp, giúp cho họ đi tìm hướng đi và tự tin hơn.

- Hiện nay có quá nhiều công ty mở ra để đào tạo ca sỹ, rất nhiều "ông bầu" nhí tung tăng với những ca sỹ mà chưa ai biết là ai, chủ yếu xuất hiện trên các forum như những ca sỹ ảo và hát cho học sinh trong một vài show ca nhạc tạp kỹ miễn phí. Rồi nhờ quen biết với báo chí để bơm thổi thành những "hotboys", "hotgirls". Như vậy là công nghệ lăng xê hay phản công nghệ lăng xê?

- Nói một cách nào đó, những ông bầu đó hết sức thông minh. Và báo chí, những người mà bạn đề cập đến, đang tự biến mình thành những kẻ ngu muội hoặc phản bội lại chức năng truyền thông cao quí của mình để chạy theo sự mua chuộc tạm thời. Cả một tập hợp đó, đang phản bội lại khán giả đang tha thiết tìm đến cái hay nhất, đẹp nhất.

- Anh làm giám khảo, làm hội đồng nghệ thuật ở khá nhiều cuộc thi hát ở Việt Nam, anh thấy các cuộc thi ấy có điểm gì không ổn?

- Khởi đầu luôn tốt đẹp nhưng dần dần bị nhiều áp lực để hình thành những điều không còn dính gì đến tiêu chí ban đầu. Hầu hết các ban tổ chức đều tự dễ dãi với chính mình sau những lần làm được. Đáng sợ nhất là khi làm sai điều đó, họ luôn ngụy biện bằng những lý thuyết cao đẹp nhất về thế giới và tương lai, nghĩa vụ...

- Sau các cuộc thi hát, người ta hay thấy rằng, những ca sỹ được giải nhất đôi khi lại bị mờ nhòe đi, để những ca sỹ chỉ được xếp dạng triển vọng trở thành những ngôi sao nổi tiếng trong làng ca nhạc. Theo anh, do ban giám khảo làm việc chưa tốt hay do ca sỹ được giải nhất chỉ có nhu cầu đi thi và đoạt giải chứ không có nhu cầu trở thành một ngôi sao đúng nghĩa?

- Sự cách biệt về khả năng của người hạng nhất và người hạng nhì ở Việt Nam hiện nay không khác bao nhiêu. Chúng ta chưa có cơ hội để nhìn thấy nhiều tài năng xuất chúng mà không cần sự bàn cãi.

Thường thì sau các cuộc thi, người hạng nhất yên vị và thỏa mãn với danh vị của mình (cộng với tính vắt chanh bỏ vỏ của nhiều chương trình), thì người hạng nhì luôn vươn lên với ý thức đầy hệ thống của chủ nghĩa phục thù. Điều đó khiến các giá trị luôn mất ổn định trong một thời gian ngắn, trước khi trở về tính nhạt nhẽo cố hữu của con người và thị trường âm nhạc thời quá độ này.

- Theo anh, một ca sỹ đoạt giải nhất tiếng hát truyền hình với một ca sỹ âm thầm chuẩn bị và phát hành album của mình trên thị trường, ai sẽ là người được công chúng đón nhận tốt hơn?

- Đó là 2 thái cực cần chỉ trích. Làm một công việc nghệ thuật trước đám đông thì chuyện lập dị và làm "âm thầm" là điều không nên. Còn người đoạt giải nhất cũng không có nghĩa là họ có được quá nhiều thuận lợi đâu. Tôi muốn nhắc lại ở đây là tính mục đích của họ.

Đứng ngoài các trường hợp đó, chẳng hạn một nghệ sĩ mới, nghiêm túc phát triển các ca khúc mới của mình trên blog của mình và dần dần được biết đến, tôi nghĩ tính mục đích của nhân vật thứ ba này, đôi khi sẽ vượt lên mọi toan tính tầm thường khác.

- Chúng ta, về cơ bản không thiếu gì những cuộc thi hát so với thế giới, từ tự chế như Sao Mai - Điểm hẹn cho đến mua bản quyền như Vietnam Idol, từ thuần chất truyền thống như Sao Mai cho đến lai tạp đủ kiểu như Ngôi sao tiếng hát Truyền hình TP Hồ Chí Minh, và các cuộc thi ấy đều diễn ra dày đặc. Vậy mà chúng ta không có nổi một ngôi sao có đẳng cấp để bắt nhịp với dòng chảy âm nhạc của khu vực. Vì sao vậy, thưa anh?

- Chúng ta chưa có đủ một sự mạnh mẽ để nhìn nhận mọi cái mới với các góc độ của thời đại. Một quốc gia mà chỉ vừa gỡ bỏ (ít nhiều) thành kiến với rock và hiphop, rụt rè với các trào lưu mới như Parkour hay X-Games... thì sẽ còn lâu nữa, mới có chuyện nhìn nhận hoặc có được sự góp mặt của những góc cạnh nghệ sỹ độc đáo.

Hầu hết cái được của các chương trình ca nhạc hiện nay là "mô hình ngôi sao kiểu Việt Nam". Ngôi sao - theo cách xưng tụng của giới truyền thông trong nước, hiện chỉ là những học trò nhỏ của thế giới nhưng lại ít khi chịu nhìn nhận điều đó.

Tôi còn nhớ Jackson Castro, một thí sinh nam trong vòng American Idol 2008, khi trình bày ca khúc Halleluja, bị phê bình là đã phá cách quá nhiều. Anh đã trả lời rằng: "Tôi đến với chương trình bằng hương vị của tôi". Dù rớt ở vòng 4 người, Jackson Castro vẫn được tờ O.C Register bình luận là một điều độc đáo của American Idol từ khởi đầu đến nay. Ngay sau đó, hàng loạt các công ty thu âm đã ký hợp đồng với anh.

- Bản chất các cuộc thi hát là tìm kiếm những tài năng mới. Nhưng khi các tài năng không tìm thấy, và các giải nhất thuộc về những người không đáng được, như vậy có phải là mối họa? Hay chỉ đơn giản là một cuộc thi và người ta sẽ quên?

- Đó là những bước đệm cho tương lai, nếu các nhà tổ chức có chủ trương chân thành trong việc tìm kiếm tài năng mới một cách lâu dài. Nhưng cũng nên nhớ rằng các tài năng cũng lắng nghe và ngắm nhìn các cuộc thi với suy nghĩ của mình, trước khi bước ra nhận lời thi thố. Vì vậy, tính tử tế của các cuộc thi cũng sẽ là yếu tố chính để các thí sinh chọn lựa.

Vậy bạn sẽ hỏi tôi là nếu các cuộc thi không có tài năng có nên dẹp đi không? Tôi xin nói rằng không nên dẹp đi cái gì cả. Thế giới khách quan sẽ tự đào thải mọi thứ không cần thiết.

- Vì sao anh từ chối vai trò giám khảo của Vietnam Idol 2008?

- Tôi từ chối vai trò giám khảo và thật lòng áy náy khi ban tổ chức hết sức nhiệt thành mời gọi. Thật lòng khi ngồi ở những nơi đó, tôi nhìn thấy sự ganh tị, ảo vọng của giới đồng nghiệp và ngao ngán lắm. Cố gắng làm một thường dân sống tự do đôi khi cũng lớn lao như một người cố lên đỉnh Everest để chứng minh rằng mình là người biết trèo cao. Tôi tin Vietnam Idol sẽ ngày một tốt hơn, nếu nhà tổ chức biết rút kinh nghiệm được từ những sai sót ban đầu của mình.

- Xin cảm ơn anh!

Dương Bình Nguyên (thực hiện)
.
.
.