Triển lãm ảnh 'Hoa nơi chiến trường' bị xử phạt:

Nhân danh cái thiện để làm điều xấu

Thứ Ba, 21/04/2015, 08:45
Súng, đạn, pháo, dây thép gai… bỗng “biến” thành hoa trong các bức ảnh thời chiến bằng cách sử dụng photoshop. 116 bức ảnh của triển lãm “Hoa nơi chiến trường” của showroom Flower box Concept đã bị cơ quan chức năng lập biên bản và tạm giữ tối 19/4.

Dư luận lên án gay gắt, trong khi đó, đại diện Flower box Concept lại cho rằng, những bức ảnh chỉ bị tạm giữ vì showroom chưa xin giấy phép cho triển lãm, khi nào xin được thì triển lãm sẽ tiếp tục?!...

Trước đó, thông tin về triển lãm “Hoa nơi chiến trường” của showroom Flower box Concept (74E đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM) được một số tờ báo mạng đăng tải. Các trang báo giới thiệu: “Những bức ảnh tái hiện chiến tranh ở góc nhìn mới lạ - các vũ khí như bom, súng, pháo được thay thế bằng những bông hoa.

Chương trình nhằm truyền đi thông điệp về một thế giới hòa bình, nơi không có chiến tranh và các chiến trường ác liệt trở thành rừng hoa mang mầm sống và khát vọng tình yêu.

Triển lãm diễn ra từ ngày 17/4 đến 8/5 tại quận 1, TP Hồ Chí Minh, trưng bày gần 40 bức ảnh về chiến tranh Việt Nam…”.

Đại diện của showroom Flower box Concept lấp liếm rằng, đây là triển lãm chào mừng 40 năm thống nhất đất nước và muốn xoa dịu nỗi đau da cam.

Cụ thể, trong thời gian diễn ra triển lãm, mỗi đơn mua hoa tại cửa hàng thì showroom sẽ trích ra 50.000 đồng để ủng hộ trẻ em bị chất độc da cam, nạn nhân chiến tranh.

Một trong những bức hình tại triển lãm “Hoa nơi chiến trường” bị phản ứng của dư luận.

Nhiều bạn đọc không khỏi phẫn nộ xem những bức ảnh được trưng bày và cho rằng, đây là sự xuyên tạc lịch sử một cách lố bịch và trắng trợn. Cách ghép sơ sài, thô kệch được nhiều người ví như “quảng cáo cho nước xả vải hương hoa Comfort” trên nền chiến tranh khốc liệt. Một Facebooker: “Mình không nhận ra một thứ "giá trị"... nào ở đây! Không hiểu sao người ta có thể lấy ảnh về hiện thực chiến tranh, ghép thêm những cành hoa rồi đem đi trưng bày”.

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, trước phản ứng của dư luận, tối 19/4, UBND quận 1 đã chỉ đạo Phòng Văn hóa Thông tin quận và UBND phường Bến Nghé kiểm tra, xử lý. Chủ cửa hàng không cung cấp được giấy phép triển lãm, giấy phép xuất bản tập ảnh, album ảnh...

Cơ quan chức năng đã lập biên bản, tạm giữ 116 ảnh ở triển lãm. Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng trưng bày 32 hình. Đây đều là ảnh do cửa hàng lấy từ mạng Internet rồi chỉnh sửa.

Theo đội kiểm tra, một số bức ảnh của triển lãm thuộc diện cấm phổ biến. Showroom Flower box Concept kinh doanh bán lẻ hoa thuộc Công ty TNHH Thuận Lê do ông Lê Đức Thuận (ngụ tại quận Phú Nhuận, TP HCM) làm Giám đốc.

Ông Châu Quốc Dũng, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM cho biết: “Đây là triển lãm không phép. Chúng tôi đã có báo cáo lên Sở và Ban Tuyên giáo để có hướng chỉ đạo, xử lý”.

Sáng 20/4, UBND quận 1 đã mời ông Lê Đức Thuận lên làm việc, xử lý vi phạm hành chính. Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Vân, đại diện truyền thông Công ty TNHH Thuận Lê cho hay: “Sở dĩ chúng tôi chưa xin phép vì triển lãm này lưu hành nội bộ, gói gọn trong khuôn viên cửa hàng và cho khách hàng đến tham quan, do đó mới có sơ suất. Các bức ảnh đều do chúng tôi tải từ các trang mạng nước ngoài và có dẫn nguồn”.

Cách giải thích này đang cho thấy sự ấu trĩ trong nhận thức của những người làm triển lãm. Người nghệ sĩ có quyền sáng tạo vượt ra mọi quy tắc, miễn sao đóng góp thiết thực cho đời sống con người, đừng phi nhân tính, xúc phạm dân tộc. Nhưng những bức ảnh của triển lãm trên chỉ là những bức hình chộp giật trên mạng, cắt ghép tùy tiện thì chẳng thể nào gọi là sáng tạo, là nghệ thuật. Chưa kể nó làm đau lòng những người từng trải qua chiến tranh và làm sai lệch nhận thức về lịch sử của giới trẻ. Đó chỉ là sự núp bóng, tệ hơn là sự phỉ báng nghệ thuật lẫn lịch sử.

Chủ cửa hàng dùng mỹ từ muốn xoa dịu nỗi đau chiến tranh bằng hình ảnh (tinh thần) và hoạt động từ thiện (vật chất). Nhưng mục đích này bị nhiều người nghi hoặc: Đó là cái cớ núp bóng để kinh doanh khi các bức ảnh ghép quá ngô nghê, không truyền tải được thông điệp gì để thu hút khách mua tranh, mua hoa. Lịch sử không đơn giản chỉ là bức hình để có thể tự tiện bôi xóa rồi đưa ra chia sẻ, phổ biến cho cộng đồng. Đó là quá khứ, ký ức của một dân tộc, những điều không thể nào thay đổi. Họng súng, nòng pháo, những những quả bom napan… gieo rắc cái chết bỗng biến thành những bông hoa sặc sỡ không chỉ là trò cười, mà còn thay đổi bản chất của lịch sử chiến tranh. Xoa dịu nỗi đau chiến tranh phải bắt nguồn từ hành động thiết thực xuất phát từ cái tâm chân thành và cái tầm hiểu biết, chứ không thể bằng sự ngu ngơ, cố tình làm sai lệch sự thật lịch sử.

Quỳnh Nga
.
.
.