Kỷ niệm 700 ngày Vua Trần Nhân Tông hóa Phật:

Nhân cách lớn trường tồn trong lòng dân tộc

Thứ Sáu, 28/11/2008, 15:16
Suốt những ngày qua và trong nhiều ngày tới, thị xã Uông Bí, Quảng Ninh liên tục diễn ra những hoạt động thu hút sự chú ý của cả cộng đồng, chư tăng phật tử trong nước và thế giới. Ngày 27/11, Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Vua Trần Nhân Tông nhập thế với quy mô trang nghiêm, thiêng liêng chưa từng có tại khu di tích Yên Tử.

Trước đó, ngày 26/11, đại trai đàn cầu siêu cho các chiến sĩ trận vong đời Trần cùng các chư vị anh hùng có công dựng nước, giữ nước đã được tổ chức lần đầu tiên tại đền Trần Hưng Đạo bên sông Bạch Đằng thuộc huyện Yên Hưng, Quảng Ninh. 700 chiếc đèn trời tượng trưng cho 700 năm Ngày mất của Đức Vua Trần Nhân Tông đã được thả lên trời.

Tất cả những hoạt động mang màu sắc tín ngưỡng đều hướng đến duy nhất một nhân vật, một vị vua huyền thoại dám từ bỏ ngai vàng, quyền lực, nhung lụa tìm đến Yên Tử, nơi thâm sơn cùng cốc tu hành, khai sáng Phật phái chỉ có ở Việt Nam: Trúc Lâm tam tổ. Đó là Trần Nhân Tông, vị vua hóa Phật.

Một sự kiện quan trọng, đáng kể nhất là cuộc hội thảo khoa học tầm cỡ quốc tế với chủ đề "Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông cuộc đời và sự nghiệp". Cuộc hội thảo khoa học nói trên diễn ra vào ngày 26/11 quy tụ trên 200 đại biểu là các nhà tư tưởng, triết học, chính trị gia, chức sắc tôn giáo cao nhất trong nước và quốc tế.

Trong đó có cả các Đại lão Hòa thượng đức cao vọng trọng đến từ các nước Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ... Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự GHPGVN và PGS, Tiến sĩ Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Khoa học xã hội đồng chủ tọa hội thảo.

Do tính chất và ý nghĩa đặc biệt của cuộc hoạt động này, các đồng chí nguyên là lãnh đạo cao nhất nước như nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được đã về dự.

17 trong tổng số 92 bản tham luận vô cùng công phu, đậm chất nghiên cứu, phân tích khoa học khách quan lần lượt được trình bày suốt cả một ngày. Mỗi bản tham luận có cách nhìn nhận riêng biệt, biện chứng nhưng tựu trung đều khẳng định: Trần Nhân Tông là vị vua quá xuất chúng, quá đặc biệt, đã để lại cho đời sau nhiều di sản quý báu về văn học, triết học, nghệ thuật quân sự... và đặc biệt là hệ thống giáo lý dòng Thiền phái Trúc Lâm.

Với Phật giáo Việt Nam, Trần Nhân Tông không chỉ là người khắc họa rõ nét tư tưởng nhập thế - hòa quang đồng trần của nhà phật mà ông còn được coi là vị Phật tổ Việt Nam.

Trong phần tham luận của mình, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm (Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh) phân tích: Thiền phái trong Phật giáo có mặt từ rất sớm tại Việt Nam. Nhưng chỉ đến khi Vua Trần Nhân Tông hợp nhất những gì ưu việt nhất của 3 dòng thiền lập nên Thiền phái Trúc Lâm.

Sự kiện này thể hiện tinh thần và khả năng đoàn kết, là bản chất rất Việt ngay cả những lĩnh vực thuộc về tôn giáo, tâm linh. Đặc biệt hơn, đây là thiền phái đầu tiên do một người Việt sáng lập mà người đó lại chính là vị vua đứng đầu một đất nước.

Tính độc đáo này được Hòa thượng Yoshimizu Daichi (Nhật Bản) thừa nhận bằng nhận xét sau đây: Nhìn lại lịch sử, cả Nhật Bản và Việt Nam, Phật giáo đều du nhập từ các nước lân cận, các vị tổ đều là người nước ngoài.

Chỉ đến vua Trần Nhân Tông, người thống nhất ba dòng tu Tì Ni Đa lưu chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường để sáng lập ra Trúc Lâm Yên Tử mang đậm bản sắc dân tộc Việt.

Dưới góc độ là nhà khoa học trong lĩnh vực an ninh, nhà giáo Nguyễn Quỳnh Anh (Học viện ANND) mổ xẻ: Trần Nhân Tông cho rằng "Bụt ở trong nhà", tồn tại trong chính bản thân mỗi người, trong thế giới hiện thực chứ không phải ở tầng trời mông lung nào đó. Do vậy, chỉ cần quay đầu nhìn lại chính mình thì sẽ đến được bến bờ của sự giác ngộ.

Tất cả tham luận đều đánh giá cao giá trị và ý nghĩa của các di sản thời Trần. Các đại biểu đều đi đến thống nhất tuyệt đối: Nếu chỉ kính trọng, ngưỡng mộ, yêu quý vẫn chưa đủ.

Cần phải có những hành động cần thiết, hiệu quả nhằm tôn vinh đúng mức các di sản thời Trần hơn nữa. Đặc biệt đối với Phật hoàng Trần Nhân Tông cần phải được xem xét công nhận Danh nhân văn hóa quốc gia, đồng thời lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Danh nhân văn hóa thế giới.

Chưa có cuộc hội thảo khoa học nào lại có sức lôi cuốn như lần này, gần như không có điểm dừng khi nói đến công đức to lớn của Phật hoàng.

Trong phần kết luận, PGS.TS Trần Đức Cường nhấn mạnh: "Với tầm vóc và công đức lớn lao của Đức Vua Trần Nhân Tông, tinh thần Thiền phái Trúc Lâm đã trải qua trên 700 năm với biết bao thăng trầm của lịch sử dân tộc song luôn tỏa sáng là trụ cột của văn hoá, lối sống của dân tộc, Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông xứng đáng được vinh danh là Danh nhân văn hóa"

Lê Minh Triết
.
.
.