Nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa: Tựa vào âm nhạc

Chủ Nhật, 07/09/2008, 18:10
Âm nhạc chính là điểm tựa để nhạc trưởng Thiếu Hoa bước qua nỗi buồn, để anh vẫn biểu diễn với tất cả tình yêu và sự thăng hoa mỗi khi những âm thanh trong trẻo của phím đàn vang lên.

Rất cởi mở, nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa (NSƯT, Trưởng Khoa Lý luận, Sáng tác, Chỉ huy - Nhạc viện Hà Nội, Chỉ huy chính Dàn nhạc Giao hưởng Philharmonic Hà Nội) nhận lời trò chuyện cùng tôi, dẫu cú điện thoại hẹn gặp đúng vào ngày nghỉ.

Anh ra tận cửa đón tôi vào căn nhà khang trang, yên tĩnh bên đường Hồng Hà, nơi có căn phòng khách xinh xắn đặt cây đàn piano và những lùm cây cảnh dịu mát. Cảm nhận đầu tiên trong cuộc nói chuyện với con người tài hoa này là sự dễ gần.

Mọi câu hỏi đều được trả lời một cách thoải mái với nụ cười hồn nhiên. Chuyện riêng, chuyện công. Hầu như không có sự đắn đo trước mỗi câu hỏi. Những lúc đó, anh thật trẻ trung so với tuổi Nhâm Thìn (1952) của mình. Hình như sự nổi tiếng không nằm trong ý thức của anh - một người giữ thói quen đơn giản trước cuộc sống, sau gần 30 năm xa xứ.

Thiếu Hoa là con nhà nòi. Cha anh là NSƯT tuồng Nguyễn Văn Ốn, mẹ là nghệ nhân chèo. 2 em trai là NSƯT đàn nhị Nguyễn Thế Dân và NSƯT tuồng Nguyễn Mạnh Đức.

11 tuổi, Thiếu Hoa đã bước chân vào Nhạc viện Hà Nội với chương trình sơ cấp âm nhạc chính quy. 18 tuổi, anh được sang học tại Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô cũ) và may mắn được là học trò của GS. Leo Ghinzburg và GS. Kitaenko, những người thầy lừng danh từng đào tạo nhiều nhà chỉ huy dàn nhạc giao hưởng và opera nổi tiếng của thế giới.

Với khả năng thiên bẩm cùng lao động nghệ thuật đích thực, sau 11 năm học liên tục, Thiếu Hoa đã tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành chỉ huy giao hưởng, opera và balê của Nhạc viện Tchaikovsky. Sau đó, cùng với công việc chính là giảng dạy âm nhạc, nhạc trưởng Thiếu Hoa đã chỉ huy thành công nhiều chương trình hòa nhạc lớn ở Moskva…

Để trở thành chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, ngoài việc được đào tạo bài bản, điều không thể thiếu là tài năng và sự đam mê, là năng lực hiểu biết tính năng các nhạc cụ trong dàn nhạc và nhất là trình độ thẩm định, cảm nhận các tác phẩm. Vì thế, cho đến nay, Thiếu Hoa vẫn là một trong số hiếm hoi các nhạc trưởng chuyên nghiệp nhất của Việt Nam, sau thế hệ đàn anh là NSND Trọng Bằng, NSND Quang Hải, NSND Trần Quý. Ở Hà Nội, cũng chỉ có anh và nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là nhạc trưởng trẻ người Việt đảm trách vai trò chỉ huy dàn nhạc giao hưởng.

Về Việt Nam, Thiếu Hoa được làm chuyên môn chính của mình, được cống hiến và thể hiện bằng tất cả niềm đắm đuối với âm nhạc thính phòng mà anh trót đam mê từ nhỏ. Anh lao vào cống hiến. Người phụ nữ Việt Nam yêu và hiểu âm nhạc cổ điển đã thực sự lấp đầy khoảng trống số phận trong anh, để anh luôn hết mình trong mỗi chương trình biểu diễn hấp dẫn và ấn tượng với khán giả.

Những kiến thức được đào tạo từ chiếc nôi âm nhạc cổ điển danh tiếng cùng sự trải nghiệm của một người chỉ huy tài năng đã thực sự làm nên một phong cách riêng không trộn lẫn của nhạc trưởng Thiếu Hoa. Sự kết hợp độc đáo giữa những nét nhạc hoành tráng của âm nhạc đương đại thế giới với những sắc màu đậm chất dân tộc, truyền thống đã làm nên những đêm nhạc đặc sắc.

Tài năng của nhạc trưởng Thiếu Hoa thêm một lần tỏa sáng và tên tuổi của một nhạc trưởng người Việt Nam lại được công chúng quốc tế biết tới, khi anh vinh dự được mời sang Busan (Hàn Quốc) chỉ huy chương trình chào mừng Á vận hội XIV với tác phẩm giao hưởng số 9 của L.V.Beethoven.

Với sự kiện này, Thiếu Hoa cũng là người Việt Nam đầu tiên được mời ra nước ngoài chỉ huy dàn nhạc giao hưởng lớn. Mới đây, anh cũng đã rất thành công tại Festival hợp xướng 4 trường đại học quốc gia Đông Á.

Không chỉ xuất sắc trong việc chỉ huy dàn nhạc, nhạc trưởng Thiếu Hoa còn khẳng định mình ở lĩnh vực sáng tác với nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam: "3 Preludes cho piano" năm 1998; "Khúc hồi tưởng viết cho cello và piano" năm 2001; "Giao hưởng cho dàn nhạc" năm 2002; "Tứ tấu cho kèn gỗ và Cor" năm 2003; "Khúc mở đầu - Overture" - Hội làng viết cho dàn nhạc và nhị solo, concerto cho sáo trúc và dàn nhạc giao hưởng nhằm tôn vinh các nhạc cụ truyền thống và những giá trị của âm nhạc dân gian Việt Nam, hòa nhập với dàn nhạc giao hưởng châu Âu…

NSND Phạm Anh Phương cho rằng: "Những sáng tác của anh mang tâm hồn Việt Nam, đã tôn vinh thêm giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời làm phong phú thêm âm hưởng bản hợp xướng của châu Âu, tạo nên hơi thở mới cho tác phẩm".

Âm nhạc chính là điểm tựa để nhạc trưởng Thiếu Hoa bước qua nỗi buồn, để anh vẫn biểu diễn với tất cả tình yêu và sự thăng hoa mỗi khi những âm thanh trong trẻo của phím đàn vang lên. Thành công của chương trình hòa nhạc hữu nghị Canada - Việt Nam nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh Canada, mà anh được mời dàn dựng và chỉ huy sau đó ít ngày đã chứng minh điều đó.

Không có gì cản trở được tình yêu âm nhạc trong anh, nên cùng với công việc đào tạo sinh viên chuyên ngành chỉ huy, những ngày tới của nhạc trưởng Thiếu Hoa lại ăm ắp những kế hoạch biểu diễn trong các chương trình của Dàn nhạc Nhà hát Nhạc Vũ kịch, Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội và chuẩn bị một chương trình tham dự Festival âm nhạc Betthoven ở Đức v.v…

Câu chuyện của chúng tôi kết thúc bằng một lời khẳng định của anh: "Với tất cả tình yêu âm nhạc luôn đau đáu trong tim, tôi vẫn tiếp tục làm việc và cống hiến"

Dạ Miên
.
.
.