Nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng nỗi đau lẻ bóng

Thứ Ba, 11/08/2009, 11:27
Sinh hẹn nhưng tử không hẹn, việc ra đi đột ngột của người vợ yêu dấu, người phụ nữ của gia đình, NS Phạm Tuyên bỗng chốc như mất đi một nửa cuộc sống bình thường.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên chống chếnh vượt qua cơn đau bất ngờ. Trong chuỗi những nỗi đau, trắc ẩn của một số phận ẩn chứa nhiều biến cố của gia đình, dòng họ trong lịch sử, Phạm Tuyên là người biết lặn giấu nỗi đau vào bên trong mình. Ông vượt lên số phận, vượt lên những định kiến nghiệt ngã trong quá khứ từ người cha nổi tiếng Phạm Quỳnh để phấn đấu và vươn lên làm một người đảng viên tốt, cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng. Nhưng lần này, dường như nỗi đau vượt quá sức chịu đựng.

Vốn trầm tĩnh, nho nhã và vô cùng mực thước trong đời sống, trong các quan hệ, vậy mà trước nỗi đau quá bất ngờ vừa ập đến trong gia đình ấm cúng nhiều hạnh phúc của ông, ông đã choáng váng và mất thăng bằng. Ông vừa mất người vợ yêu quý - PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết trong một cơn suy tim. Bà ra đi đột ngột đến mức gần một tháng sau, tạp chí vẫn in bài phỏng vấn của bà mà chưa kịp hay tin bà đã mất, và trên bàn làm việc còn dở dang những bản thảo, những luận văn thạc sỹ, bà chưa kịp hướng dẫn xong.

Lần nào đến nhà nhạc sĩ Phạm Tuyên, tác giả của ca khúc "Gửi nắng cho em", tôi cũng thấy vợ ông, PGS-TS Tâm lý Nguyễn Ánh Tuyết đeo kính sáng, lúi húi bên chiếc máy tính trên bàn làm việc. Mới đây nhất hơn một tháng trước, khi tôi đến phỏng vấn nhạc sỹ (NS) Phạm Tuyên, bà Tuyết còn xếp chồng một đống luận văn của các nghiên cứu sinh ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi bà vẫn nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh cho các học trò của mình.

Vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên.

PGS-TS Nguyễn Ánh Tuyết là Chủ nhiệm khoa đầu tiên Khoa Giáo dục Mầm non Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bà là tác giả của 18 bộ giáo trình về bộ môn Tâm lý học được dùng làm tài liệu nghiên cứu và giảng dạy trong Trường Đại học Sư phạm. Bà cũng là tác giả của 14 cuốn sách phổ biến khoa học liên quan đến giáo dục mầm non và trẻ em. Ngoài ra, bà còn là tác giả của vài chục công trình nghiên cứu khoa học giáo dục đã công bố, trong đó có hai công trình được công bố ở Hội nghị Tâm lý học Quốc tế lần thứ XXII tại Leipzig- CHDC Đức tháng 6/1980 và Hội nghị Giáo dục Tiền học đường Quốc tế lần thứ X tại Matxcơva-Nga tháng 12/1984, và nhiều bài báo về khoa học giáo dục trẻ em được đăng tải ở các báo và tạp chí chuyên ngành.

Bà đã có gần 40 năm giảng dạy và đào tạo hàng trăm cử nhân về Tâm lý học và Giáo dục mầm non. Giảng dạy cao học nhiều khóa tại Trường Đại học Sư phạm, và hướng dẫn thành công hàng chục nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ về Tâm lý học và Giáo dục mầm non.

Lần ấy, tôi đã hỏi đùa bà: "Lần nào cháu đến cũng thấy cô làm việc, cô nghỉ ngơi vào lúc nào vậy?". Bà Tuyết cười: "Nghề của mình, nếu không còn làm việc được nữa, thì đời vô vị và buồn lắm. Với lại ngoài làm việc của cô, cô còn phải giúp ông Tuyên hệ thống lại danh mục các bài hát, đánh máy các tác phẩm và xuất bản sách cho ông ấy. Ông Tuyên lười đánh máy tính lắm, chỉ mình cô lụi cụi làm thôi".

Vậy mà chỉ hơn tháng sau lần trò chuyện ấy, hôm qua, tôi đến thăm ông, đã thấy căn phòng làm việc nhỏ xíu của bà để một bàn thờ mới lập ở giữa, đèn nhang, khói hương nghi ngút. Trên bàn thờ mới, không khí tang tóc vẫn chợn vợn quanh căn nhà có một người thân vừa lìa cõi thế đi xa, và dù sững sờ, không dám tin vào mắt mình nữa thì không thể khác được là gương mặt bà, PGS-TS Ánh Tuyết với nụ cười mãn nguyện đang nhìn tôi ở một cõi xa xăm nào đó.  

Bàng hoàng và ngơ ngác, tôi lặng người trước di ảnh của bà Tuyết. Không kịp hình dung được mọi chuyện xảy ra nhanh như vậy. NS Phạm Tuyên thở dài lặng lẽ. Vốn là người kiệm lời, chừng mực, ông chỉ nói với tôi: Tội lắm cháu ạ, bà ấy không biết là mình sẽ đi nhanh như thế. Vợ tôi bị bệnh tiểu đường đã 28 năm nay. Từ khi biết bệnh, bà ấy đã làm tất cả mọi nỗ lực để cưỡng lại bệnh tật và số mệnh. Bà tuân thủ nghiêm ngặt các chế độ kiêng khem dành cho người bị bệnh tiểu đường. Tự kiêng cữ và tự điều trị, chăm sóc bản thân mình một cách kỹ lưỡng và chu đáo, bà đã chiến đấu với bệnh tật được 28 năm trời. Thế nhưng, trước khi căn bệnh suy tim và suy thận bùng phát, bà ấy vẫn không nghĩ đến cái chết có thể đến bất thần như thế.

Vợ tôi có một cơ thể kỳ lạ, hàng chục năm sống chung với căn bệnh tiểu đường, nhờ kiêng khem, gìn giữ, sức khỏe bà ấy vẫn rất tốt. Cho đến những ngày cuối cùng, bà không có những biểu hiện lâm sàng thông thường của một người chuẩn bị lên cơn nguy kịch nên đã chủ quan không lường hết được những tai biến.

Trước khi mất chưa đến 1 tháng, trong một lần đi mua chiếc máy đo đường trong máu, khi thử máy, nhân viên quầy dược phẩm phát hoảng khi thấy lượng đường trong máu của bà Tuyết quá cao so với mức cho phép bèn khuyên bà sang Viện Lão Khoa khám ngay. Bà Tuyết bán tín bán nghi, sang viện kiểm tra lại thì đường trong máu đã ở mức báo động. Mặc nhân viên y tế khuyên bà vào viện ngay, bà bảo, bà vẫn khỏe và bà đi xe ôm trở về nhà ăn uống tắm giặt bình thường, ngày mai mới vào Viện Việt Xô khám. Ở viện, bác sỹ sau khi khám cho bà yêu cầu bà nhập viện ngay và cho biết tình trạng sức khỏe của bà khá nặng. Đến lúc ấy, bà vẫn bình thản và tự tin vào sức khỏe của mình.

Vào được hai ngày, nhân viên y tế yêu cầu chuyển bà xuống Khoa Hồi sức cấp cứu. Hôm ấy, khoa chưa có giường trống, hẹn đến ngày mai, thế là bà đi xe ôm về nhà nghỉ ngơi rồi ngày mai mới vào. Bà ấy vẫn nói đùa với tôi rằng, vẫn còn khoẻ lắm, thể nào cũng đi sau chồng. Không ngờ, ngày hôm sau vào viện, bà ấy suy sụp dần và phải thở bằng máy. Tất cả diễn ra quá nhanh, bản thân vợ tôi chưa kịp cảm nhận được mức nghiêm trọng bệnh của mình thì đã đến hồi kịch phát, rất nặng. Chỉ vài tuần nằm viện, bà ấy hôn mê và mất.

Sinh hẹn nhưng tử không hẹn, việc ra đi đột ngột của người vợ yêu dấu, người phụ nữ của gia đình, NS Phạm Tuyên bỗng chốc như mất đi một nửa cuộc sống bình thường. Hằng ngày, đang có vợ tay hòm chìa khóa, lo việc đối nội đối ngoại, chăm sóc cho ông, giờ Phạm Tuyên như mất đi trụ cột gia đình, mất chỗ dựa vững chắc về tinh thần ở người vợ thông minh hiền thục đã song hành cùng ông từ những ngày trẻ tuổi cho đến tận khi đầu bạc răng long. Đã đứng bên cạnh ông đằng sau những thành công của một người nhạc sĩ. Ông chống chếnh, lạ lẫm và ngác ngơ trong căn nhà của mình sau mất mát lớn.

Tất cả những đồ vật của vợ ông vẫn được để vẹn nguyên như lúc bà còn sống, cả giường ngủ của ông bà, phòng làm việc, chiếc áo bà vẫn thường mặc, và những bức ảnh hai người, tay trong tay trong cuộc hôn nhân nhiều sóng gió, sự chia sẻ và ấm áp hạnh phúc của hai ông bà.

Trước khi bà mất một thời gian ngắn, ông tình cờ phát hiện ra bà vừa viết xong một cuốn hồi ký có tên: "Chúng tôi đã sống như thế". Hóa ra, giữa bộn bề công việc, giữa lo âu bệnh tật, bà đã chắt chiu dành những khoảng lặng hiếm hoi để nhớ về quá khứ, để hồi tưởng tất cả những gì vợ chồng bà đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, đã nắm tay nhau đi qua bao thăng trầm dâu bể của cuộc đời để viết nên cuốn hồi ký để lại cho cháu con sau này hiểu được những cay đắng gian truân trong quá khứ của dòng họ ông bà đã từng trải.

Cũng chỉ đến khi lật giở những trang hồi ký yêu thương, đọc những ý nghĩ của vợ mình với tư cách là một nhà khoa học đã có những hiểu biết sâu sắc, những sẻ chia thấu đáo với gia cảnh của gia đình nhà chồng, những tâm nguyện, những tình cảm với chồng mà có thể khi sống bên cạnh nhau, một người kín đáo, ý nhị như bà không dễ dàng nói nên lời. NS Phạm Tuyên đã lặng đau, bao yêu thương nuối tiếc với người vợ đã vỡ òa trên từng trang viết. Bao nhiêu ký ức ngày đầu yêu nhau, bao nhiêu những kỷ niệm trong mối tình sóng gió vì thành phần lý lịch của chồng, có những lúc tưởng không thể vượt qua khỏi những định kiến rào cản từ phía gia đình, dòng họ. Thế nhưng bằng tình yêu, đức hy sinh, nghị lực kiên cường, nhờ sự giúp đỡ của tổ chức, hai người đã đến được bên nhau trong một đám cưới hạnh phúc từ khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc.

Trong cuốn hồi ký, bà Tuyết đã dành cả những chương để nói về tình yêu và tổ ấm hạnh phúc của vợ chồng bà: "Đến đây, ngẫm lại, thấy con đường tình yêu của anh và tôi thật quá gian truân, đúng là "bảy nổi ba chìm chín lênh đênh", lắm trở ngại có lúc tưởng chừng không thể vượt qua được. Thế mà cuối cùng, chúng tôi đã chiến thắng. Đó là nhờ công giúp đỡ của biết bao nhiêu người, đặc biệt là các "ông Bụt", các ông đã ra sức cứu nguy mặc dầu chẳng có một phù phép nào cả, chỉ có tấm lòng nhân hậu, tin yêu và sẵn sàng sẻ chia với tuổi trẻ. Có một "ông Bụt" vô hình không thể nhắc tới, đó là tình yêu mãnh liệt, tha thiết giữa anh và tôi. Tình yêu ấy là sức mạnh diệu kỳ giúp cho chúng tôi vượt qua mọi sóng gió bão bùng. Chính tình yêu ấy đã làm cho mọi người xung quanh tin tưởng ở chúng tôi hơn và cũng chính tình yêu ấy đã huy động sức mạnh "vô thần" của các "ông Bụt" mạnh hơn cả phép biến hóa thần thông để đem lại hạnh phúc cho chúng tôi".

Bà Tuyết mất gần một tháng, một buổi sáng có người đưa cuốn tạp chí có bài phỏng vấn mới nhất của vợ ông và nhuận bút đến nhà cho NS Phạm Tuyên. Trong bài phỏng vấn, ảnh bà Tuyết tươi cười như chưa hề có cuộc đi xa. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm cũng vừa mang đến nhà cho ông cuốn sách "Giáo dục mầm non - những vấn đề lý luận và thực tiễn" vừa tái bản lần thứ 2. Cả tờ tạp chí lẫn nhà xuất bản đều không hay biết bà Tuyết vừa mất nên vẫn in ảnh bà trang trọng như lúc đang sống.

Cuộc sống vốn lạ lùng như vậy đó, có hạnh phúc lâu dài rồi, ắt sẽ có lúc biệt ly. Nhưng cuộc biệt ly này giữa nhạc  sỹ Phạm Tuyên và người vợ yêu quý xem ra là cuộc biệt ly mãi mãi, chỉ có thể có sự trùng phùng của kiếp sau hay thế giới bên kia mà thôi. Nhạc sỹ Phạm Tuyên ngậm ngùi: Lúc còn sống, nhà tôi chỉ có một mong ước được chết sau tôi để còn lo đám tang cho chồng chu đáo.

Trước khi mất, một hôm, hai vợ chồng nằm bên nhau, bà bảo với ông: Sau này em mất thì mang em về quê. Phạm Tuyên trả lời: Về Quảng Bình ư, thế thì xa quá. Bà cười nhỏ nhẹ: Không mang em về chôn cất ở quê anh cơ, sau này hai vợ chồng mình nằm cạnh nhau nhé. Không ngờ nguyện ước ấy giờ đã sớm trở thành hiện thực

L.T.T.B.(An ninh thế giới cuối tháng số 20)
.
.
.