Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Đề kháng với những cái không phải của mình khi sáng tác

Thứ Bảy, 31/12/2005, 08:21

“Sáng tạo là tiếp thu, học hỏi nhưng quan trọng là sự sàng lọc, kết hợp sự rung động của cá nhân để tạo thành một tác phẩm âm nhạc của riêng mình… Làm nhạc sỹ cần phải có sự tự đề kháng với những cái không phải của mình, còn nếu đi ngược lại thì là sự cóp nhặt, bắt chướ”, Chủ tịch Hội nhạc sỹ Việt Nam Đỗ Hồng Quân nói.

Điện thoại lúc nào cũng thấy anh bận họp và những cuộc phỏng vấn luôn được hẹn vào 12h trưa, trước khi anh đi ăn và chuẩn bị cho giờ làm chiều. Từ họp Quốc hội cho đến họp cơ quan, chuẩn bị trao giải thưởng hàng năm của Hội Nhạc sỹ, nhưng bỏ lại mọi thứ, khi đã "nhập thế" vào chuyện âm nhạc, Đỗ Hồng Quân nói say mê và thẳng thắn đến không ngờ...

- Âm nhạc Việt Nam 2005 được ví như tấm áo của cô vũ công, nhiều màu sắc nhưng lại không đắc dụng lắm, không phục vụ thiết thân cho đời sống xã hội. Ý kiến này có khiến anh tự ái không?

- Tôi thấy ý kiến đó chưa công bằng nhưng cũng có phần đúng. Đời sống âm nhạc năm qua phát triển theo bề rộng, nó chỉ có ý nghĩa về mặt xã hội. Cái chúng tôi quan tâm hơn cả là chúng ta cần có những chương trình mẫu mực ở đỉnh cao hoặc là có những tác phẩm đóng đinh trong một năm, trở thành một tác phẩm nối liền vào thư viện âm nhạc của đất nước thì chưa có.

Rõ ràng để có được một đời sống âm nhạc thực sự lớn mạnh thì đầu tiên phải là tác phẩm. Chúng ta đừng chỉ lấy cái ngọn của sự việc mà nghĩ rằng đã tổ chức được chương trình này sôi động, sự kiện kia thu hút khán giả... Báo động đỏ hiện nay là không có ca khúc hay, không đọng lại lâu dài với công chúng và thiếu cả lực lượng biểu diễn thực sự có tài.

- Chúng ta còn thiếu những nhạc sỹ tài năng và đội ngũ biểu diễn giỏi, vậy phải chăng âm nhạc của chúng ta mới chỉ mang tính bề nổi, nặng hình thức mà thiếu đi những bước đi lâu dài, có tính chiến lược của một nền âm nhạc phát triển?

- Trong nhiều năm qua, âm nhạc Việt Nam chỉ hướng mạnh về bề nổi, ca khúc hướng về thị trường nhiều mà đội ngũ biểu diễn cũng bị nghiệp dư hoá và bị màu mè hóa. Sứ mạng quan trọng và thiêng liêng của âm nhạc là một loại hình nghệ thuật truyền cảm từ một con người đến nhiều con người, hay nói cách khác là gây sự đồng cảm trong một xã hội lớn. Có thể do có yếu tố thị trường, có yếu tố doanh thu, trong đó có cả lý do chúng ta hiểu sai về khái niệm xã hội hoá. Xã hội hoá phải được hiểu theo nghĩa văn hoá của nó là những gì phục vụ cho đông đảo quần chúng, chứ không có nghĩa xã hội hoá là chúng ta quẳng các nghệ sỹ, các sân khấu, diễn viên ra ngoài đường.

Chúng ta đã chỉ "xã hội hoá" ở bề nổi và công tác quản lý văn hoá còn lỏng lẻo nên không có một chiến lược bề sâu. Có những vấn đề mà Nhà nước phải vào cuộc như dựng một vở nhạc kịch, làm nên một chương trình giao hưởng hay những chương trình phổ biến những tác phẩm âm nhạc đúng nghĩa... Năm qua, Nhà nước cũng đã có chế độ "đặt hàng" các nhạc sỹ, nhưng quan trọng hơn cả đặt hàng chính là làm sao phải có chính sách để dàn dựng và phổ biến nó đến với công chúng thì chúng ta lại thiếu, chúng ta không có kinh phí cấp cho vấn đề này.

- Tức là sự hỗ trợ của Nhà nước cần nhiều hơn?

- Không đơn thuần là nhiều hơn mà phải sâu hơn, chiến lược hơn chứ không phải để đắp điếm, giải quyết những bức xúc trước mắt. Âm nhạc rất cần công chúng, nhu cầu của công chúng bây giờ lại cao, nên không thể phổ biến nó một cách sơ sài và hời hợt được. Bây giờ chẳng ai còn nghe băng cassette nữa, cũng chẳng thể diễn bên cạnh cây đàn piano, mà phải có đĩa nhạc, có âm thanh ánh sáng và công nghệ biểu diễn đỉnh cao. Tất cả những cái đó thì phải có tiền. Từ năm 1999 đến nay, Nhà nước đã hỗ trợ hơn 200 tỷ cho các Hội VHNT. Nhưng mỗi năm, các Hội lĩnh có hơn 1 tỷ như thế để giải quyết những vấn đề riêng đã hết, thì đương nhiên tác phẩm âm nhạc sẽ phải nằm trong ngăn kéo thôi.

- Anh vừa nói về cái bề nổi, cái hình thức. Anh là một nghệ sỹ được sống trong ngôi nhà văn hoá, hàng ngày anh đi qua tấm biển rất lớn đề khu phố văn hoá và Nguyễn Thái Học đang chuẩn bị thành phố văn hóa đêm. Vậy có khi nào đi qua nó, anh giật mình vì nó chủ yếu vẫn là hình thức chứ chưa đi vào bề sâu và những người dân như anh chưa được sống trong không gian đích thực của văn hóa?

- Tôi tự hào vì được sống trong ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học, nơi ấy rất nhiều nghệ sỹ lớp cha anh đã có những tác phẩm ghi lại trong lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam. Thế nên tôi cho rằng, việc xây dựng những khu phố, ngôi nhà, địa chỉ văn hóa là một chủ trương hoàn toàn đúng. Nhưng có một điều thế này, việc xây dựng đó phải xuất phát từ nhận thức, nhu cầu nội tại của người dân, nhằm biến những công trình, đường phố của chung đó thành quý giá, thân thiện với mỗi người. Cũng giống như chuyện sáng tác, nếu ta không chú ý đến phần gốc rễ mà chỉ nhìn vào cái ngọn thì đúng là hình thức. Phải làm sao mỗi người dân nơi đó sẽ tự hào về di sản cha ông để lại và sáng tạo đồng hành cùng di sản ấy. Nó giống như của để dành được tích luỹ từ thế hệ trước đến thế hệ sau, chứ không chỉ cứ trương tấm biển lên là thành khu phố văn hóa.

- Nghĩa là chúng ta phải công bằng nhìn nhận, cái bề nổi cũng không xấu, nhưng nếu chỉ có thế thôi thì văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng đang mắc vào một cái họa lớn...

- Thì đúng vậy. Trở lại các hiện tượng năm 2005, chúng ta thấy các lễ hội đã bị hình thức hóa. Hình thức và sân khấu hóa lịch sử một cách hết sức thô sơ như thế là thiếu đi một chiều sâu văn hóa cần thiết nên nó vừa lãng phí, vừa gây phản cảm và là rào cản khó khăn đối với các thế hệ sau khi tiếp cận với di sản văn hóa của cha ông. Cốt lõi của văn hoá vẫn là nhận thức và sự phát triển bền chắc, có chiều sâu.

- Chúng ta đang chứng kiến một thực tế, một số sáng tác âm nhạc trẻ đang "thiếu muối" trầm trọng và thiếu đi cái gọi là cơ bản của văn hóa Việt. Có nên đổ lỗi cho việc chúng ta đã quá chú trọng đến hình thức trong một thời gian không ngắn như vừa qua?

- Các sáng tác của các nhạc sỹ trẻ xuất hiện rất ồ ạt và sự mất đi của nó cũng vậy, đó là điều tất yếu. Nếu nói là sự cởi bỏ những khuôn thước cũ và hội nhập với những cái mới cũng chỉ đúng một phần, mà phải nhìn nhận đây là sự thiếu hụt cái phông nền văn hoá cần thiết của người sáng tác và không nắm được những quy luật của sự sáng tạo.

Sáng tạo là tiếp thu, học hỏi nhưng quan trọng là sự sàng lọc, kết hợp sự rung động của cá nhân để tạo thành một tác phẩm âm nhạc của riêng mình. Một số tác giả trẻ hiện nay không đi theo một quy trình nhà nghề mà "đi tắt", có nghĩa là cóp nhặt. Tôi tin là nhiều người không hiểu lịch sử âm nhạc Việt Nam, không hiểu âm nhạc dân tộc, cũng không hiểu âm nhạc quốc tế theo nghĩa văn hoá âm nhạc rộng, nghĩa là cơ sở văn hoá âm nhạc là yếu kém. Vì vậy, cùng mục đích kiếm tiền nữa nên biến công việc thiêng liêng của sáng tạo thành những công việc mang tính thủ công, cơ khí đơn thuần, thiếu đi sự nhân bản và tài năng. Làm nhạc sỹ cần phải có sự tự đề kháng với những cái không phải của mình, còn nếu đi ngược lại thì là sự cóp nhặt, bắt chước...

- Vậy là chúng ta vẫn phải mang mối lo này đi vào năm 2006 và anh nghĩ nó có thể nhanh chóng được triệt tiêu không?

- Không, khó lắm, văn hóa là cả một quá trình. Nhưng cũng tin rằng, với những nghệ sỹ chân chính, sự sáng tạo luôn ở phía trước họ. Nghệ thuật là trường tồn. Khi những giá trị âm nhạc được ghi nhận thực sự thì không có bảo tàng nào tốt hơn trái tim của con người.

- Xin cảm ơn anh!

Toàn Nguyễn
.
.
.