Nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa và câu chuyện vượt lên số phận

Thứ Năm, 10/09/2015, 07:02
Nguyễn Kim Hòa – cô gái yêu văn chương và có nhiều truyện ngắn hay được giải thưởng, nhưng ít ai ngờ rằng, những tác phẩm ấy được ra đời bởi một cô gái yếu ớt, viết chỉ bằng 3 ngón tay trong tư thế nằm nghiêng. PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi nhân dịp Kim Hòa ra Thủ đô nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Chúng tôi hẹn gặp nhau khi chỉ còn 1 giờ nữa Kim Hòa phải ra sân bay trở về với xứ sở nho Ninh Thuận. Nguyễn Thị Kim Hòa sinh ra ở vùng đất Nam Trung Bộ khô cằn, quanh năm chỉ có nắng gió và cát bỏng. Có lẽ cái chất con người xứ ấy đã mạnh mẽ, rắn rỏi, cộng với hoàn cảnh riêng, nên Kim Hòa dù cơ thể và sức khỏe yếu ớt nhưng nghị lực và quyết tâm thì lớn gấp nhiều lần.

Sinh ra vốn bình thường như bao người khác nhưng đến năm 2 tuổi, Kim Hòa bị sốt cao khiến Hòa bị liệt cả tay phải và nửa cánh tay trái. Tuy nhiên, nếu có dịp gặp Kim Hòa, ta sẽ chỉ thấy một người đối diện rất cuốn hút, cùng câu chuyện lý lắc và ánh mắt đen láy, tươi vui...

Di chứng từ căn bệnh năm 2 tuổi, sau khi đã chữa trị nhiều nơi không thành công, bố mẹ Kim Hòa không biết làm sao, đành chấp nhận số phận. Nhưng họ đã xác định chỉ có con đường học hành mới giúp cho cuộc sống của Hòa thay đổi. Dải đất miền Trung nhiều nắng gió, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, bao nhiêu khó khăn vất vả họ đã hứng trải, đã thấu hiểu hơn ai hết, vậy nên dù yếu ớt, Kim Hòa vẫn được bố mẹ cho đến trường.

Tay phải mất cảm giác hoàn toàn, Hòa phải tập viết bằng tay trái. Chỉ còn lại nửa cánh tay hoạt động bình thường, mà Hòa vẫn hoàn thành chương trình phổ thông với kết quả 12 năm xuất sắc, đó là một sự kỳ công của cả Hòa và bố mẹ. Không những thế, Hòa còn sớm có năng khiếu và đạt được nhiều thành tích cao ở môn Văn. Có lẽ ông trời phú cho Hòa có được tài năng ấy khi lấy đi của Hòa một cơ thể khỏe mạnh.

Trước hôm thi đại học 1 ngày, Hòa gặp tai nạn. Việc đi thi đành phải gác lại. May mắn sao với giải khuyến khích môn Văn quốc gia mà Hòa giành được trước đó, Hòa được tuyển thẳng vào Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại TP Hồ Chí Minh.

Học xong Cao đẳng, ra trường, đi làm ở TP Hồ Chí Minh được hơn 1 năm, nhưng do hoàn cảnh gia đình bắt buộc, Hòa quay trở về quê, mở lớp dạy học cho những trẻ em quanh vùng. Hòa dạy được cả hai môn Văn và Tiếng Anh.

Gia đình thuần nông, kinh tế gia đình khó khăn, dưới Hòa còn 2 em đang đi học, Hòa xác định cố gắng để giúp thêm bố mẹ, hỗ trợ các em ăn học. Với cơ thể yếu đuối, ngồi một lúc là phải nghỉ, vậy mà Hòa dạy học cả sáng lẫn chiều; có lúc phải dạy tới 9h tối.

Nghề văn với Hòa có lẽ đúng là nghề chọn người. Với một con người thích làm việc, thích sáng tạo, lại có năng khiếu từ nhỏ, trong giai đoạn xuống dốc tinh thần vì bệnh cột sống, Hòa đã trở lại viết sau đúng 8 năm cô không "duyên nợ" cùng văn chương. Địa chỉ đầu tiên Hòa gửi cộng tác là Tập san Áo Trắng của Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh. Và với rất nhiều tác phẩm được đăng ở đây, Ban biên tập không hề biết Hòa là một người viết những truyện ngắn bằng nửa cánh tay trái và trong tư thế nằm nghiêng. Họ chỉ thực sự ngỡ ngàng khi nhận được 1 bài ký chân dung của một tác giả trong tỉnh viết về Hòa. Kỷ niệm đó Hòa vẫn không thể nào quên.

"Duyên" trở lại với văn chương của Hòa là vậy. Nhưng việc này Hòa không được gia đình ủng hộ. Trong suy nghĩ của bậc cha mẹ ở vùng quê nghèo, thì dù có quan tâm, yêu con cái đến mấy họ cũng bị cuộc sống cơm áo gạo tiền chi phối. Với họ, cố gắng làm lụng, có được đồng tiền nuôi các con ăn học là cố lắm rồi, làm gì có thời gian mà mơ mộng với văn chương.

Là một người sâu sắc, tinh tế, giỏi quan sát, cô gái nhỏ đã biến không gian sống hẹp quanh mình thành những bức tranh nhiều màu sắc, nhiều câu chuyện đầy sống động, đầy số phận. Để bây giờ cái tên nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa ở một vùng quê nghèo, xa xôi ngày càng được nhiều người biết đến, kéo cô bé lại gần với các bạn văn.

Với 5 quyển sách ra đời trong 5 năm cầm bút và giải nhất của cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2013-1014 là một sự khẳng định về tài năng của Nguyễn Thị Kim Hòa.

Lần này, Hòa là đại diện tiêu biểu của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Ninh Thuận ra dự Đại hội Phụ nữ thi đua yêu nước và nhận Bằng khen của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì có thành tích trong phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" giai đoạn 2010-2015.

Ra Hà Nội nhận giải, Kim Hòa còn kiêm luôn hướng dẫn viên cho cả đoàn đi cùng, gồm 3 cán bộ phụ nữ của xã. Thăm Hà Nội một hai ngày, đoàn đã tới Văn Miếu, đi chợ Đồng Xuân, đến thăm phố cổ Hàng Than, Hàng Điếu... Kim Hòa đã là một guide chính hiệu cho cả đoàn.

Tay có thể hơi yếu, cơ thể có thể còn mệt, nhưng chính sự lạc quan đã chắp cánh cho tâm hồn, cho cả những dòng văn Kim Hòa bay bổng, đến được với những số phận, những nơi đôi chân chưa đưa Hòa đặt đến bao giờ.

Ngô Chuyên
.
.
.