Nhà văn ta sống bằng gì?

Thứ Ba, 16/01/2007, 09:14

Trong bối cảnh nhà văn Việt Nam hầu như khởi sự từ công chức, công việc viết văn luôn đặt ngoài lao động kiếm sống (chẳng ai sống chết với trường văn trận bút), thì việc nhà văn không sống được bằng tác phẩm của mình xem ra đã là chuyện tất nhiên, "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"!

"Vì sao nhà văn không sống được bằng tác phẩm?", câu hỏi thú vị do nhà thơ, nhà báo kiêm nhà biên soạn khá nhiều đầu sách tham khảo Lê Minh Quốc đặt ra trong buổi tọa đàm văn học diễn ra mới đây tại Tòa soạn Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh đã nhận được hàng loạt phản hồi thú vị.

Trả lời nỗi bức xúc của nhà thơ Lê Minh Quốc về chuyện "bị" trích 10% cho khâu biên tập sách (văn học nói riêng và các thể loại khác nói chung) tại các nhà xuất bản là quá cao, nhà văn Triệu Xuân (Trưởng chi nhánh NXB Văn học tại TP Hồ Chí Minh) cho biết, khoản chiết khấu đó là để trang trải rất nhiều "hạng mục" xuất bản phí khác nhau, không cao so với mặt bằng chung phát hành sách hiện nay. Nhà văn Triệu Xuân nhận xét, nhà văn ta đa số không "prồ" (chuyên nghiệp), hầu hết coi văn chương như cuộc chơi (thích thì cứ chơi cho thỏa chí!) và ăn lương từ những công việc khác.

Bàn thêm về luật bản quyền, ông Nguyễn Mạnh Quý (cán bộ Cục Bản quyền, VPĐD phía Nam) cũng chỉ ra khoảng cách quá xa giữa nước ta và nước ngoài. Ở các nước phát triển, luật bản quyền đã có từ hàng trăm năm trước với hàng loạt chỉnh lý, bổ sung cập nhật thường xuyên, còn tại Việt Nam, việc khai thác và đứng ra thu "hộ" bản quyền cho nhà văn chỉ mới áp dụng khoảng gần… hai năm nay, thu được khoảng… 350 triệu đồng.

Nhà văn Võ Phi Hùng nửa thật nửa đùa phản ứng quan niệm sáng tác "văn học là cuộc chơi" của nhà văn Triệu Xuân. Bởi theo ông, nếu chỉ là cuộc chơi thì nhà văn đâu cần phải hao tốn quá nhiều tâm sức. Viết lách có thể phân ra làm hai giai đoạn - nghĩ những điều sẽ viết và viết ra những điều đã nghĩ, giai đoạn nào cũng lao tâm khổ tứ như nhau. Trong khi nhuận bút thì còm cõi (khoảng vài triệu cho một cuốn tiểu thuyết viết cặm cụi trong 6 tháng tới một năm).

Văn chương cần cho đời sống, cho xã hội, cho con người, nhưng hình như bản thân nhà văn thì chẳng được ai "cần" (xét về khía cạnh thu nhập). Võ Phi Hùng còn trào lộng khá "bi quan" rằng: "Cứ cái kiểu đãi ngộ nhỏ giọt như hiện nay, sẽ tới lúc nhà văn bị… "tuyệt chủng" hết!". Cho nên, để sống được, nhà văn chỉ còn cách đi tìm việc khác để kiếm ăn và để tồn tại.

Với nhà văn Lê Văn Thảo (Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh), rõ ràng đây là vấn đề "thị trường". Dù ở nước ta hay nước ngoài thì tỉ lệ nhà văn sống được bằng tác phẩm cũng ít khi vượt quá… 1%. Ông tự trào vui rằng chính ông cũng không bán được tác phẩm của mình, phải nhờ những "mối quan hệ thân quen" để in được sách. Trong bối cảnh "thế giới phẳng", văn hóa Internet thống trị, con người không có đủ thời gian để đọc sách in khi phải "chia" mình cho quá nhiều thứ khác. Và do đã gia nhập WTO, các nhà văn cũng không nên "ngồi đó mà trông tài trợ"! Giải pháp được nhà văn Lê Văn Thảo đưa ra là xây dựng và phát triển hệ thống thư viện, coi như một "đầu ra" cho các tác phẩm văn học.

Nhưng ông Phạm Minh Thuận (Tổng Giám đốc FAHASA) thì lại rất lạc quan khi đánh giá rằng hiện nay nhu cầu đọc đang khởi sắc, được mùa. Ví dụ như hai cuốn nhật ký của hai liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc, nhờ báo chí, truyền hình làm "pi-a" tốt nên có số lượng phát hành rất "đỉnh". Mới đây là dòng sách hồi ký của những người nổi tiếng.

Với sách văn học, theo ông Thuận chủ yếu dành cho đối tượng trung niên, còn thanh niên thích chọn dạng sách công cụ. Giai đoạn này, nguồn sách văn học nước ngoài - loại kinh điển hay đoạt giải thưởng danh giá - cũng có thị phần độc giả riêng. Kinh tế và tri thức phát triển thì văn hóa đọc trong xã hội tăng cao. Trên thực tế, thị trường TP Hồ Chí Minh đang tiêu thụ sách văn học mạnh nhất (chiếm khoảng 50-60%), Hà Nội có tỉ lệ thấp hơn, còn nông thôn gần như không tiêu thụ bất kỳ đầu sách nào.

Mỗi năm, FAHASA xuất bản hơn 20.000 tựa sách, bạn đọc gần như bão hòa nhưng so với các nước thì cũng "chưa thấm tháp gì". Do vậy, khi một quyển sách đưa ra bán một cách "âm thầm" thì rất dễ bị chìm lấp trong một biển thông tin ngồn ngộn, và sẽ qua đi rất nhanh.

Ông Vũ Đình Hòa (Giám đốc Nhà sách Văn Lang) đặt ra những câu hỏi khác, rằng nhà văn Việt Nam đang viết cho bạn đọc hay thỏa mãn chính bản thân. Có phải nhà văn ta… rảnh lúc nào thì viết lúc ấy, rất nghiệp dư chứ không tâm huyết.

Nhà thơ Trần Quốc Toàn tán thành quan điểm này. Theo ông Toàn, nhà văn nên viết đúng như yêu cầu bạn đọc. Mở rộng khái niệm "tác phẩm" của người cầm bút, ông Toàn cho rằng không nên đóng đinh tác phẩm văn học chỉ vào những cuốn sách. Sống bằng tác phẩm không có nghĩa chỉ trông chờ nhuận bút viết sách, nhà văn cũng nên "cày, bừa" chăm chỉ và "luyện công" ở nhiều thể loại "tác phẩm" khác như báo chí, kịch bản (sân khấu, truyền hình, điện ảnh), tản văn, nghiên cứu, giáo dục… Và "tận thu" lợi nhuận phát sinh từ tác phẩm văn học (như thơ, văn được in trong… sách giáo khoa).

Với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì nhà văn không có mẫu số chung. Nhà văn nào, tác phẩm nào sẽ có đối tượng độc giả đó. Nếu đối tượng độc giả đông thì số lượng phát hành cao, thu nhập nhà văn sẽ ổn. Thêm nữa, cần phải xét đến sự… mất giá của đồng tiền. Với một xã hội phát triển công bằng, khi các thành phần lao động khác sống được bằng đồng lương thì nhà văn cũng thoải mái hơn.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng hài hước cho hay, ông sống bằng hai loại tác quyền: nhuận bút chính thức và "nhuận bút" của nhân dân. Loại thứ hai nặng ký hơn, lắm khi ông được trả nhuận bút bằng… nguyên chai rượu quý, kèm thêm "tình thương mến thương" của độc giả hâm mộ. Nguyễn Quang Sáng cũng rất hóm hỉnh khi nói ông viết văn là do nhu cầu thôi thúc của bản thân, thấy… "mắc viết" quá nên bắt buộc phải viết, để vậy hoài sẽ "khó tiêu"

 Nhà văn Nguyễn Đông Thức nhận xét thời buổi bây giờ người ta chỉ mua khi nghe "quyển sách đó… có vấn đề". Một giải pháp hấp dẫn của nhà văn Nguyễn Đông Thức là việc đăng nhiều kỳ các tác phẩm văn học (phơ-dơ-tông) trên những tờ báo ngày, trước khi in ra thành sách, nhuận bút sẽ "dồi dào", đảm bảo có sức để "tái tạo chất xám". Nhưng vấn đề là hình như… không thấy tờ báo nào mặn mà với giải pháp này hết.

Có lẽ những thông tin xác đáng và những con số cụ thể của nhà thơ Phạm Sĩ Sáu (biên tập viên NXB Trẻ) đã làm cho buổi tọa đàm xôn xao nhất. Theo ông Phạm Sĩ Sáu, trường hợp của nữ nhà văn triệu phú người Anh J.K. Rowling, tác giả bộ sách Harry Potter nổi tiếng khắp thế giới, đã được dịch ra 47 thứ tiếng và phát hành trên 60 triệu bản, riêng tại Việt Nam thì con số phát hành 6 tập (cả hai ấn bản dày và mỏng) đạt mức trên 300.000 bản (Hàn Quốc khai thác sau ta nhưng số lượng bản in đã lên tới hơn 2 triệu).

Từ đó có thể rút ra kết luận, vấn đề quan trọng không chỉ nằm ở giá bán của cuốn sách, tỉ lệ chiết khấu của nhà xuất bản hay phần trăm nhuận bút của tác giả, mà còn phụ thuộc vào số bản in. Thu nhập nhà văn sẽ cao nếu số lượng sách văn học phát hành không chỉ èo uột trong khung cố định "bi thảm" 1.000. Dựa trên cách tính của nhà thơ Phạm Sĩ Sáu, nhà văn Việt Nam sẽ sống phong lưu nếu số bản in cho mỗi ấn phẩm văn học là… trên 100.000 bản.

Năm 2006 có lẽ được xem là năm bội thu của nhà văn nữ trẻ Nguyễn Ngọc Tư với "hiện tượng" Cánh đồng bất tận, không kể tiền giải thưởng, tiền viết báo, lương công chức, thu nhập từ nhuận bút sách của cô ước tính khoảng… 250 triệu đồng! Một con số đáng để nhà văn ta mơ ước. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ("chuyên trị" mảng văn học thiếu nhi) cũng đã được nhắc đến như một trong số ít những nhà văn phía Nam "sống được bằng tác phẩm". Ngoài ra, còn có nhà văn Bùi Anh Tấn, với lượng phát hành trên 10.000 bản và tái bản nhiều lần cho mỗi đầu sách "đặc sản văn học giới tính", và nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn - tạm thưa viết văn để sáng tác… hàng trăm tập kịch bản phim truyền hình.

Lan man lại bàn đến công lao giới thiệu, tuyên truyền sôi nổi, mạnh mẽ của giới báo chí, truyền thông. Những "cơn bão" phát hành sách văn học dù ít hay nhiều đều gắn bó chặt chẽ với hàng loạt tin, bài khen, chê dày đặc trên các tờ báo, trên mạng Internet và trên truyền hình. Thế nhưng, vấn đề tài năng của nhà văn vẫn vô cùng quan trọng. Vì khi tác phẩm không đủ chất, việc "tiếp thị" ầm ĩ chắc chắn chỉ gây nên các hiệu ứng ngược, "best-seller ảo" hay nhà văn bị "tẩy chay".

Trong bối cảnh nhà văn Việt Nam hầu như khởi sự từ công chức, công việc viết văn luôn đặt ngoài lao động kiếm sống (chẳng ai sống chết với trường văn trận bút), thì việc nhà văn không sống được bằng tác phẩm của mình xem ra đã là chuyện tất nhiên, "biết rồi, khổ lắm, nói mãi"! Và thế là, nhà văn Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục "đi bằng hai chân" và "viết để kiếm sống bằng hai tay" như từ trước đến nay!

Phương Anh
.
.
.