Nhà văn “say” những số phận kỳ lạ

Chủ Nhật, 14/06/2009, 15:02
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải kể rằng, bà đã đi theo nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn 10 năm dù vị tướng này không cho bà viết về ông. Sau đó, “ông cũng nhận ra điều tôi muốn là điều có thể giúp được cho bạn đọc một cái nhìn mới, không phải về bản thân ông, mà về thời cuộc và lịch sử”.

Nguyễn Thị Ngọc Hải không phải là một nhà văn ăn khách. Nhưng, những tác phẩm của bà mang đến một điều tưởng chừng như đơn giản nhưng lại vô cùng khó khăn, ấy là sự thật về những nhân vật đặc biệt. Tác giả của "Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời" đang tiếp tục hành trình dấn thân tìm kiếm những số phận mới, kỳ lạ và nhân văn. Bà đang dựng chân dung Ya Duk, nguyên Phó Thủ tướng FULRO, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng, một nhân vật đặc biệt của Tây Nguyên...

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải.

- Đi tìm kiếm những nhân vật kỳ lạ, có lẽ là phẩm chất của một nhà báo. Bởi nhà báo là đi kiếm những cái ngoài mình. Còn nhà văn khi viết chủ yếu là soi vào lòng mình. Bà thì khác. Bà có sợ văn chương của bà sẽ bị sự rối bời của tư liệu trong những con chữ?

- Trước tiên, tôi là một nhà báo. Cả đời tôi đã gặp, phỏng vấn và viết bài về hàng trăm con người. Nên tôi đặc biệt mê những số phận kỳ lạ của đời sống. Viết văn, tôi thường nghĩ rằng, cũng phải bắt đầu từ sự thật. Hằng ngày, chúng ta trải qua biết bao ngẫu sự, gặp biết bao chuyện đời, muốn kể và muốn giãi bày lắm chứ. Nhưng văn học tư liệu thì tính khách quan và chính xác vẫn phải đặt lên hàng đầu. Và chúng ta phải giải quyết được vấn đề là, làm sao tìm được sự đồng nhất giữa những "cái ngoài mình" và "soi vào lòng mình", nghĩa là chúng ta phải tìm được những mật mã, những thứ căn cốt trong nhân vật, từ đó mình tìm được sự đồng cảm mạnh mẽ nhất, để bắt đầu những trang viết. Tôi vốn không nặng về tư liệu. Tôi nặng về cái tình. Và trong tất cả những trang viết của tôi, có thể còn thiếu hụt những tư liệu này, chi tiết khác, nhưng tôi biết bạn đọc nhận ra được bởi cái tâm và cái tình.

- Làm thế nào để chúng ta không bị những tư liệu hành hạ như những chiếc vòng kim cô? Phải chăng, chúng ta có thể thoát ly nó và nghĩ rộng hơn, nhìn về nhân vật của mình theo nhiều chiều kích, đa diện hơn?

- Cũng có thể nói là như vậy. Ở vào thời điểm hiện tại, chúng ta có đủ độ lùi để nhìn nhận những vấn đề, sự kiện và con người một cách công bằng hơn. Và đó chính là cách mà các nhà văn tư liệu đang lựa chọn. Những chân dung tô hồng một chiều đã trở nên lạc điệu. Bạn đọc đã quá thông minh để nhận ra rằng, không có gì hoàn hảo ở trên đời. Mà con người, trong hành trình sống của mình, sẽ bộc lộ rất nhiều góc khác nhau. Không hẳn xấu, cũng không phải đi ngược những chuẩn mực. Mà nó làm cho nhân vật chân thật hơn, sòng phẳng hơn.

Khi tôi viết về những nhân vật của mình, tôi vẫn thường nghĩ, họ là những con người bình thường. Nhưng họ sống một cuộc đời đặc biệt, bởi tài năng, bởi số phận và bởi cuộc đời này buộc họ vào những hoàn cảnh như thế. Khi ấy, tư liệu sẽ là cái phông nền, để chúng ta không đi chệch đường, chứ nó không phải là cái "phao" buộc chúng ta thành những kẻ chết đuối, bám riết lấy.

- Thực hiện chân dung một con người bằng văn chương, thì cái cực lớn nhất của nhà văn chính là làm thế nào, để nhân vật bộc lộ mình rõ nhất. Mà con đường đi đến nhân tâm không gì khác cũng phải bằng nhân tâm. Bà có bao giờ gặp thất bại khi thuyết phục một ai đó làm nhân vật của mình?

- Có. Cái này đúng là cần thời gian. Không ai tự dưng ngồi bộc bạch đời họ cho chúng ta nghe, nhất là khi cuộc đời đó còn nhiều góc khuất và cần phải được sự tĩnh tâm, chia sẻ. Phạm Xuân Ẩn chính là thách đố của tôi trong 10 năm. Tôi biết ông đã lâu, nhiều lần đề đạt việc viết về ông mà ông từ chối. Tôi cũng bỏ ý định viết về ông rồi. Nhưng tôi muốn đi theo ông, thỉnh thoảng đến chơi, đến thăm và học những điều hay từ nhân cách này. Mười năm. Dần dần tôi hiểu về ông nhiều hơn. Và càng thấy kỳ lạ hơn về một tài năng và nhân cách lớn. Mười năm. Ông cũng nhận ra điều tôi muốn là điều có thể giúp được cho bạn đọc một cái nhìn mới, không phải về bản thân ông, mà về thời cuộc và lịch sử. Có biết bao nhiêu trang lịch sử vẫn cần được giải mã. Mà cách giải mã chính xác nhất, là qua những cuộc đời. Họ đang là những nhân chứng thực sự. Họ đang tồn tại trong cuộc đời này.

- Nhân vật mới của bà thế nào? Bà có thực sự hào hứng nhập cuộc không?

- Tôi phải nói thật là tôi cần thêm thời gian để hiểu kỹ hơn về con người này. Ya Duk là một trí thức Tây Nguyên. Ông đã từng lầm lạc chạy theo hướng của FULRO, nhưng được cảm hóa và đổi thay, giờ thì ông đã là đại biểu Quốc hội. Và đây là một con người thông minh.

 Khi tiếp xúc với ông, tôi nhận ra rằng, ông có cái lịch thiệp được ẩn sau một vẻ giản dị của người dân tộc. Và trong những trang tư liệu về ông, chỉ là những sự việc, những cái mà ông đã làm, đã thay đổi và mong muốn thay đổi. Chúng ta có thể tìm thấy những thứ như thế ở bất cứ đâu và bất cứ con người nào. Cái quan trọng là tôi đã nhận ra ở Ya Duk có một con người khác nữa, cái con người mà tôi đang đi tìm cho tác phẩm của mình. Và tôi sẽ nhập cuộc. Hy vọng đây sẽ là một chân dung khác, mà tôi mong muốn.

- Bà viết văn trước khi rời Hà Nội vào Nam, nhưng thực lòng là phải đến những cuốn tiểu thuyết tư liệu này, nhiều người mới nhận ra bà. Nhưng, người ta nói rằng, tiểu thuyết tư liệu sẽ không bao giờ là đỉnh cao của văn chương. Bà có thấy chạnh lòng không?

- Tôi vốn không bao giờ đố kỵ hay tính chuyện thứ bậc trong bất cứ chuyện gì. Nếu như những cuốn sách đó được nhiều bạn đọc đón nhận, và nó thực sự có giá trị về văn chương và lịch sử, thì nó sẽ là cuốn sách mà bạn đáng giữ lại, cho dù bạn có ghi là tiểu thuyết hay truyện hay hoặc không phân chia thể tài đi nữa. Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ mình phải chinh phục đỉnh cao. Viết báo là tìm kiếm mà viết văn là chia sẻ. Tôi tìm kiếm những điều đẹp nhất, lay động nhất và tìm để chia sẻ với bạn đọc của mình.

- Nhìn thấy rõ niềm say mê của bà với những số phận lớn. Đó có phải là một "bệnh nghề nghiệp" của người quen viết ký chân dung báo chí không?

- Tôi làm mảng nhân vật cũng lâu năm và tự thấy cái tạng của mình nó vậy. Những số phận lớn, nếu chúng ta thấu hiểu được, chúng ta sẽ tự thấy mình đang ở đâu và nên như thế nào. Đó là những tấm gương soi, đa chiều.

- Bà viết về cuộc đời người khác đã nhiều. Có khi nào bà muốn trải lòng mình, viết thành thật về cuộc đời mình?

- Có. Tôi ấp ủ lâu lắm rồi, cuốn "Nuôi Nguyên thời bao cấp". Tôi muốn viết hành trình nuôi con trai tôi những ngày khó khăn. Không phải hồi ký, tự truyện, mà nó là một cuốn sách, trong đó mỗi sự thật đều sống động đến mức đau lòng. Nhưng Nguyên - con trai tôi - thì không muốn cho tôi viết. Nguyên nói mẹ viết gì cũng được, nhưng đừng bắt con làm nhân vật của mẹ. Nguyên làm được nhiều việc, nhưng thích sống thầm lặng hơn. Tôi tôn trọng con. Và cũng có thể, đến một ngày nào đó, hành trình có thể là 10 năm, như hành trình tôi thuyết phục Phạm Xuân Ẩn, con trai sẽ đồng ý để mẹ làm công việc yêu thích của mình.

- Bà đã không còn trẻ nữa. Nhưng thấy bà chạy vòng quanh thành phố mỗi ngày, bà có thấy rằng, dường như thành phố này dạy bà một thói quen, làm cái gì cũng nhanh hơn, vội vã hơn và... nhiều hơn?

- Tôi rời Hà Nội vào Sài Gòn vài chục năm, nghĩ đi nghĩ lại thấy mình ra đi khi ấy là vì mình muốn đổi thay rồi. Nên vào đây là nhập cuộc quyết liệt lắm. Nhưng cũng phải nói rằng, tôi là cái chân quen chạy, nghề báo nó vậy chứ không phải vì nhịp sống đẩy mình đi. Tôi làm việc nhiều vì biết được sự hữu hạn của cuộc sống, nếu mình không làm vài năm nữa chân cẳng rã rời, mắt mờ đi, tai nghe bập bõm, làm gì cũng khó.

Ông chồng tôi không bao giờ thấy phiền về việc vợ đi nhiều, vì tôi vẫn làm việc cần mẫn mỗi ngày trong gian bếp của mình trước khi ra đường, và hình như ông ấy còn đi chơi nhiều hơn tôi (cười). Tôi đi nhiều, thấy mình trẻ hơn và đỡ mệt hơn. Thế nên viết cũng là một cách để mình cân bằng lại, mình sống được trầm tĩnh hơn...

- Xin cảm ơn bà!

Toàn Nguyễn (thực hiện)
.
.
.