Nhà văn phải đồng cam cộng khổ bằng cả tấm lòng

Thứ Sáu, 20/07/2012, 11:27
Nhà văn Nguyễn Như Phong bày tỏ: “Để có được tác phẩm phản ánh sinh động, chân thực cuộc sống, chiến đấu của người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, người viết phải đồng cam cộng khổ bằng cả tấm lòng, chứ đừng nhìn họ bằng con mắt soi mói, đố kỵ. Tôi thấy buồn vì hiện có nhiều cây bút nhìn người Cảnh sát bằng con mắt không tử tế và như thế, không thể có tác phẩm hay được.”

Nhà văn Nguyễn Như Phong là một cây bút rất thành công trrong đề tài về người Cảnh sát nhân dân. Từ truyện ký “Những người săn bắt cướp”, đến các tiểu thuyết “Cổ cồn trắng”, “Bí mật cuộc đời”, “Chạy án 1”, “Chạy án 2”… (được chuyển thể sang kịch bản phim truyền hình) đều phản ánh đậm nét cuộc đấu tranh chống tội phạm của lực lượng Cảnh sát. Phim truyền hình “Chạy án 1” và “Chạy án 2” đã giành 2 giải Cánh diều vàng và sau đó, được trình chiếu tại LHP ở Nhật. Những trang viết của anh không chỉ ngồn ngộn vốn hiểu biết, mà còn sâu nặng nghĩa tình với đồng đội.

PV: Có vẻ như, dấu ấn về người chiến sĩ Cảnh sát in đậm trong tâm trí, tình cảm, nên đã phả rất sâu trong mỗi tác phẩm của anh?

Nhà văn Nguyễn Như Phong đang tác nghiệp ở Palestine.

Nhà văn Như Phong: Từ khi bước chân vào nghề báo, tôi đã được giao viết về các hoạt động của Công an, trong đó có lực lượng CSND. Công việc của họ diễn ra hằng ngày, hằng giờ, sôi động trên tất cả các lĩnh vực: đấu tranh chống tội phạm, quản lý hành chính, trật tự trị an, Cảnh sát giao thông v.v… nên dễ viết. Cũng do đặc thù, các chuyên án của Cảnh sát ít bí mật hơn, lực lượng Cảnh sát cũng cởi mở với báo chí hơn, nên dễ tiếp cận nguồn tài liệu.

PV: Anh là nhà văn, nhà báo hiếm hoi được song hành cùng Cảnh sát hình sự trong nhiều chuyên án lớn. Vì thế, nhiều người tò mò muốn biết, ấn tượng mạnh nhất của anh trong những chuyến thực tế đặc biệt ấy?

Nhà văn Như Phong: Cũng nhờ được anh em quý mến nên mỗi khi có vụ án “hay”, lại gọi và cho đi theo các mũi truy lùng. Mỗi chuyên án đều là một cuộc đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng của lực lượng Cảnh sát với tội phạm, nên đều mang những dấu ấn riêng: chuyên án đấu tranh triệt phá đường dây ma túy của Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường, chuyên án băng nhóm tội phạm của Khánh Trắng, chuyên án truy tìm tên cướp tiệm vàng Kim Sinh, chuyên án truy tìm 2 tên tử tù vượt ngục v.v...

Trong vụ truy tìm thủ phạm cướp tiệm vàng Kim Sinh, tôi còn là người lái xe ôtô đưa các trinh sát đi. Đó cũng là một ấn tượng đáng nhớ vì tôi biết, đó là một may mắn mà không phải người làm báo nào cũng được trải nghiệm. Nhờ lao vào thực tế của lực lượng Cảnh sát mà các trang viết của tôi chân thực, sinh động hơn.

PV: Lăn lộn cùng thực tế chiến đấu của lực lượng Cảnh sát, phẩm chất nào của họ để lại ấn tượng sâu đậm trong anh?

Nhà văn Như Phong: Đọng lại trong tôi về họ là tinh thần lao động quên mình, sẵn sàng hy sinh vì sự bình yên của nhân dân. Mỗi khi bắt tay vào nhiệm vụ, tất cả các chiến sĩ đều làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, mưu trí, dũng cảm. Để hoàn thành công việc, họ luôn chấp nhận mọi khó khăn gian khổ, không nề hà mọi hiểm nguy và tuyệt đối không tính toán. Đôi lúc còn có những hình ảnh chưa đẹp của lực lượng Công an, nhưng đó chỉ là cá biệt, còn hầu hết, các chiến sĩ CSND đều có phẩm chất cao quý, trân trọng. Họ là những người chịu nhiều gian khổ nhất trong lực lượng Công an, bởi xã hội ngày càng phức tạp, thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, đa dạng.

Thế nhưng, các chế độ ưu tiên, đãi ngộ, cơ chế chính sách chưa tương xứng với sự cống hiến của họ. Càng phải làm nhiều, người  CSND cũng khó tránh khỏi sai sót, nhưng lại không được người dân thông cảm, mà là sự soi mói, thậm chí, một số người còn phỉ báng. Đây quả là sự không công bằng xã hội, là điều nguy hiểm, đáng để lo lắng khi có vẻ như người ta thích bảo vệ những người chống lại Cảnh sát. Đó là điều không bình thường, là hệ lụy với xã hội khi kỷ cương phép nước không được thực hiện nghiêm.

PV: Anh có thể chia sẻ ký ức đặc biệt về một người Cảnh sát mà anh đã gặp?

Nhà văn Như Phong: Thật khó để nói riêng về ai đó. Bởi khi đã vào nhiệm vụ, tất cả các trinh sát điều tra đều là một tập thể gắn kết và quên đi cái tôi của mình. Trong các chuyên án lớn, từ người chỉ huy đến người lính đều chung một chí hướng, thậm chí, gia đình họ cũng vào cuộc. Trong chuyên án truy tìm 2 tên tử tù, chị Trinh (vợ Thiếu tướng Phạm Chuyên, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội) lọ mọ dậy từ mờ sáng, đi từng ngõ phố đẫm sương đêm, mua gom từng quả trứng vịt lộn, từng gói xôi về để chia cho các trinh sát đang truy lùng bọn tội phạm. Cuộc truy lùng tên cướp tiệm vàng Kim Sinh ở Tuyên Quang, các trinh sát đều phải nhịn đói, nhịn khát và giữa cái nắng chang chang của tháng 7, kiểm tra từng chiếc xe qua lại, tìm dấu vết kẻ giết người.

PV: Tên tuổi nhà văn Như Phong gắn với nhiều tác phẩm về người chiến sĩ CSND. Bằng sự trải nghiệm cá nhân, theo anh, điều cần thiết để có tác phẩm thành công ở đề tài này là gì?

Nhà văn Như Phong: Để có được tác phẩm phản ánh sinh động, chân thực cuộc sống, chiến đấu của người chiến sĩ CSND, người viết phải đồng cam cộng khổ bằng cả tấm lòng, chứ đừng nhìn họ bằng con mắt soi mói, đố kỵ. Tôi thấy buồn vì hiện có nhiều cây bút nhìn người Cảnh sát bằng con mắt không tử tế và như thế, không thể có tác phẩm hay được. Chiến công của lực lượng CSND rất lớn, nhưng đến nay vẫn thiếu những tác phẩm hay, khắc họa rõ nét, là do người viết thiếu vốn sống, xa rời thực tế. Tài đã kém mà còn không chịu lăn lộn, thì không thể có tác phẩm đúng và hay được.

Trước đây, để có được những tác phẩm viết về cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn, CLB chính khách, Đội Công an số 6 v.v… nhà văn Ngôn Vĩnh, Lê Tri Kỷ, Văn Phan đều là những người hiểu Công an sâu sắc và đầu tư thời gian, công sức kỹ lưỡng, công phu. Nhưng giờ nhiều nhà văn làm việc “cưỡi ngựa xem hoa” thì làm sao có tác phẩm hay? Đây cũng là điều lo ngại về mảng đề tài an ninh trật tự. Đội ngũ nhà văn Công an ngày càng đông, nhưng số lượng không tỉ lệ thuận với chất lượng. Do đó, vấn đề quan trọng với các nhà văn Công an hôm nay, không phải là đầu tư tiền bạc, mà là thời gian và nhất là, nhà văn phải lăn vào cuộc sống của người Cảnh sát.

PV: Nói về đề tài người chiến sĩ Công an, anh vẫn tâm huyết đến đắm đuối. Nhưng giờ đây, trong cương vị người đứng đầu tờ báo Năng lượng mới, liệu anh còn đủ thời gian và tâm huyết để gắn bó?

Nhà văn Như Phong: Tâm huyết của tôi với người CSND có lẽ không bao giờ cạn dù tôi rất bận rộn. Vì thế, kịch bản phim truyền hình Chạy án 3 mang tên “Đặc biệt nguy hiểm” của tôi đã chuẩn bị hoàn thành. Không lâu nữa, phim sẽ ra mắt khán giả màn ảnh nhỏ và đó chính là món quà tôi tiếp tục dành tặng những chiến sĩ Cảnh sát mà tôi yêu quý.

PV: Cảm ơn nhà văn Như Phong!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.