Nhà văn Vũ Thị Hồng: Mình vẫn viết về người lính

Thứ Sáu, 05/03/2010, 14:02
Một ngày gần đây, tôi ngồi đối diện với nhà văn Vũ Thị Hồng, trong một con ngõ nhỏ phố Lý Nam Đế. Phố thời bình, không gian yên tĩnh nhưng ngôi nhà vẫn có hơi hướng của người lính, gọn ghẽ như mọi thứ đang chuẩn bị cho chuyến đi viết.

Nữ nhà văn Vũ Thị Hồng vẫn đang viết tiểu thuyết, trang viết về chiến tranh và những thân phận thuộc về chiến tranh. Chị nói chỉ khoảng 300 trang sách thôi. Không viết dài hơn, chị đã nhiều năm làm biên tập ở Nhà xuất bản Quân đội nhân dân nên chị biết cần viết ở độ dài nào cho vừa đủ. Tính năm nay xong mà vẫn còn dây dưa sang đến mùa xuân vì lấn cấn với đứa cháu nội.

Lên chức bà và nghỉ hưu ở cấp Đại tá, những năm làm công tác Trưởng ban Phụ nữ Quân đội, chị đã đi rất nhiều nhưng chưa viết được gì. Mất mười năm, đã có lần tính bỏ nghề ấy chứ. Năm 1996, tuyển truyện ngắn Chu Lai - Vũ Thị Hồng ra mắt, chị Hồng bảo: "Tớ ngại đọc quá, vì mình ở nghề biên tập thấy nhiều lỗi, sách in sai lỗi chính tả đã đành, in sai cả câu chữ thì tớ ngượng lắm, định in lại mà chưa làm được".

17 năm làm công tác biên tập, những hồi ức chiến tranh trong chị cứ thôi thúc chị viết.Chị viết về những người phụ nữ thanh niên xung phong, khác hẳn với cuốn tiểu thuyết "Trở lại là em" viết về người phụ nữ trên mặt trận an ninh. Nhìn bề ngoài có vẻ như chị Hồng sống bình lặng, ẩn dật, nhưng sức khỏe của chị, nước da, ánh mắt của chị đã như nói với người đối diện rằng chị không khỏe lắm.

Nhà văn Vũ Thị Hồng trong một cuộc trả lời phỏng vấn TH trực tiếp.

Một thời ngang ngửa đạn bom ở chiến trường khu 5, chị với tên bút danh Bắc Hà, nữ phóng viên Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng của miền Trung Trung Bộ. Trong bộ ảnh chiến trường xưa, tôi đã nhìn thấy chị Hồng mặc áo bà ba, vai choàng khăn rằn, vác súng đi qua nhiều chiến dịch đầy bom rơi đạn nổ. Năm năm ở chiến trường B, với nhiều thiếu thốn kham khổ và chứng kiến nhiều sự hy sinh của người lính đã giúp những trang viết của chị sinh động và đầy ắp hơi thở cuộc sống thời chiến. Chị bảo hồi đó thấy quê hương Bắc Ninh xa vời, thấy Hà Nội cũng xa vời.

Bây giờ có thể với tay ra là chạm ngay hơi thở Hà Nội, chị đi bộ sáng sớm qua Lăng Bác, rồi đi chợ, cơm nước cho cả nhà. Có lần, tách ra ít ngày đi trại sáng tác Đại Lải, nhưng vẫn chưa xong được cuốn sách, vì phụ nữ thì cứ vướng bếp núc, gia đình.

Hỏi chị, một thời đi nhiều sao chị không viết gì? Chị Hồng đáp giọng buồn buồn: Công việc chi phối tối mắt tối mũi, không còn sức để viết. Nhưng có lúc có thể ngồi viết thì thời gian đã làm loãng đi nhiều sự kiện, nhiều dòng thời sự khác ồ ạt lấp lên. Lại thấy viết đã khó đi rất nhiều.

Chị chỉ mơ ước khỏe hơn để có thể tiếp tục viết xong những trang tiểu thuyết mà những phận người phụ nữ còn nằm trong tim chị mà chưa trải ra giấy được. Cứ như món nợ với chính cuộc đời này lại là những trang viết về chiến tranh, về thân phận phụ nữ chị luôn khắc khoải chưa trả xong, những trang viết

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng
.
.
.