Nhà văn Trần Diễn: "Viết bằng tấm lòng nhân ái"

Chủ Nhật, 01/11/2009, 11:01
Nhà văn Trần Diễn quê ở Hà Nam nhưng sinh ra và lớn lên tại Ninh Bình. Ông từng giữ chức vụ Giám đốc - Tổng biên tập NXB Công an nhân dân. Ông được biết đến với hơn chục cuốn tiểu thuyết hình sự - tâm lý xã hội như: "Bức thư giải oan", "Đứa con lạc mẹ", "Yêu người xứ lạ", "Phần đời còn lại", "Mã số 07" …

Ông cũng đã được các giải thưởng văn học như: Giải B cuộc thi viết về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an trao tặng (năm 2005). Nhân dịp xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ 13 "Người con di trú", nhà văn Trần Diễn đã có cuộc trò chuyện với Báo CAND Cuối tuần.

- Thưa nhà văn Trần Diễn, ông được độc giả biết đến với hơn chục cuốn tiểu thuyết về đề tài phản gián, hình sự, vụ án. Hẳn là cuốn sách mới xuất bản "Người con di trú" cũng nằm trong mạch viết ấy?

- Đúng vậy, tôi có nhiều năm làm việc trong ngành nên có nhiều tư liệu để "mài bút" với đề tài này. Trên thực tế thì mỗi nhà văn có một "tạng" riêng và nên trung thành với sự thuận tay của mình. Ở "Người con di trú" tôi thiên về thể loại tiểu thuyết hình sự tâm lý xã hội. Cũng là một trong các đề tài của An ninh mà tôi vẫn đeo đuổi bấy lâu nay.

- Ông có thể nói rõ hơn về cuốn tiểu thuyết mới của mình?

- Nạn nhân của vụ án này là một cô gái. Người ta tìm thấy thi thể cô ở sân sau một nhà hàng. Người ta tìm thấy ở sau gáy, chếch về bên phải nạn nhân có một vết thương dài khoảng năm xăngtimét, từ đó máu chảy ra đầu tóc và loang ra ướt đẫm nửa chiếc áo cô mặc. Căn cứ hiện trường, người điều tra kết luận cô gái bị hung thủ đánh vào đầu rồi cầm cả hung khí tháo chạy.

Vậy hung thủ, kẻ gây ra cái chết cho cô gái nọ là ai? Mở rộng, đi sâu vào tra xét, các điều tra viên khẳng định, hung thủ chính là một cô gái khác, bạn đồng nghiệp cùng trang lứa với nạn nhận, tên là Diệu Hồng.

Diệu Hồng tốt nghiệp trung học phổ thông, từ một miền quê ra Hà Nội tìm kiếm công ăn việc làm, trải qua nhiều cảnh đời, nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương, cuối cùng cô gái xinh đẹp này, với sở trường của một người con gái vùng quê Kinh Bắc, lớn lên trong tiếng ru quan họ, vào làm ở một quán karaoke, và việc cô gây ra cái chết cho cô gái nọ được các điều tra viên mô tả như là hậu quả của cuộc đánh ghen vì ái tình...

Với cốt truyện là một vụ án, câu chuyện này sẽ được triển khai xoay quanh cái trục mâu thuẫn quyết liệt, trong đó không ít pha đấu trí lắt léo, những tình huống eo le, những thắt mở bất ngờ giữa các chủ thể của tam giác quan hệ: nạn nhân - hung thủ - người điều tra...

- Thực ra, hầu hết những nhà văn viết về hình sự luôn dựa trên một câu chuyện có thật trong cuộc đời, bản thân ông thì sao?

- Có chứ, những cuốn tiểu thuyết của tôi đều dựa trên những tài liệu có thật mà tôi thu thập được của các cơ quan An ninh, hoặc chỉ đơn giản là một câu chuyện ngẫu nhiên tôi nghe được từ đâu đó. Chẳng hạn, cuốn "Người con di trú" được viết ra từ một câu chuyện mà đạo diễn Đặng Nhật Minh, kể lại cho tôi nghe từ một vụ án có thật đã từ rất lâu rồi, ngẫm ngợi mãi giờ tôi mới viết ra được.

Tất nhiên, câu chuyện có thật chỉ làm nền cảm hứng cho mình mà thôi, còn nhiệm vụ của mỗi nhà văn là phải hư cấu cho cuốn sách của mình thêm những "ngoại đề" để trang viết có sức lôi cuốn.

- Ông được học qua hơn 10 trường lớp dài hạn, ngắn hạn với đủ các ngành nghề, nhưng điều đặc biệt là ông chưa học qua một ngày nào về các ngôi trường liên quan đến văn chương. Tuy nhiên, ông đã có tới 15 đầu sách, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản phim các loại. Lúc mới cầm bút viết văn, ông đã nghĩ tới điều gì?

- Tôi viết từ những thúc bách của nghề nghiệp. Bởi nhiều điều mình được chứng kiến, được "sống" cùng nó khiến cho lòng mình có nhiều điều để nói, mà không còn cách nói nào hay hơn, tuyệt vời hơn trang viết. Và tôi đã cầm bút như một điều không thể khác. Trong vòng một tháng tôi đã viết xong cuốn tiểu thuyết đầu tay "T72 mã số 07". Liên tiếp các năm sau đó, tôi đã viết được các cuốn khác như "Cuộc truy tìm", "Bức thư giải oan", "Đứa con lạc mẹ"…

- Thường thì các nhà văn sẽ đi theo thứ tự viết truyện ngắn rồi mới viết tiểu thuyết, ông thì ngược lại, có lẽ nhà văn Trần Diễn sinh ra là để viết những cuốn tiểu thuyết dài hơi?

- Không phải tôi là người tài giỏi gì nhưng tôi trộm nghĩ rằng tôi có khả năng viết dài hơi. Chỉ ở lãnh địa tiểu thuyết mới khiến tôi thỏa sức ngòi bút, hầu hết các cuốn sách của tôi đều dày xấp xỉ khoảng 300 đến 500 trang. Tôi còn khác những người khác, khi viết tôi không trình bày sẵn đề cương mà viết theo mạch cảm xúc.

Có khi tôi đảo đoạn cuối lên đầu và ngược lại, đoạn đầu thành cuối mà không thay đổi gì nội dung của tiểu thuyết. Khi đã vào mạch, tôi viết triền miên trong các buổi đêm từ 22 giờ tối đến 5 giờ sáng và thường khi tập trung cao độ như thế, tôi hoàn thành các cuốn tiểu thuyết của mình chỉ trong vòng một tháng.

- Liệu với sức làm việc như thế ông có lo ngại sức khỏe của mình sẽ bị giảm sút?

- Thậm chí, tôi đã bị tai biến mạch máu não với kiểu viết thế này, nhưng biết làm sao được, khi đã bị cuốn vào rồi thì khó mà dứt ra được.

- Được biết rằng, ngoài viết tiểu thuyết, ông còn viết kịch bản phim truyện. Mảnh đất tiểu thuyết dường như chưa đủ hấp dẫn ông chăng?

- Tôi muốn thử nghiệm khả năng của mình với nhiều thể loại. Viết kịch bản phim với đề tài hình sự cũng là một điều lý thú và tôi muốn ngòi bút mình sẽ được trải nghiệm với một chất liệu khác tiểu thuyết, khác truyện ngắn.

Trước đây tôi đã có kịch bản phim dài 100 phút mang tên "Người cận vệ". Bây giờ tôi muốn quay lại viết kịch bản phim để làm mới mình sau một thời gian dài viết tiểu thuyết. Tất nhiên, nếu thất bại với phim trường tôi sẽ lại… "ngựa quen đường cũ" mà… phi nước đại!

- Hầu hết các cuốn sách của ông đều có một kết thúc có hậu và đầy nhân ái. Tác giả đã nói hộ được ý nghĩ của người đọc. Tuy vậy, có bao giờ trong tương lai, ông có muốn thay đổi để có một cái kết mở như một số cuốn tiểu thuyết đương đại vẫn đang theo đuổi bấy lâu nay?

- Tôi xin trả lời câu hỏi này bằng lời tự bạch mà tôi "ngỏ" trong cuốn "Người con di trú": Nhà văn viết tiểu thuyết là viết về cái nhất của đời người: Hành động anh hùng nhất, kẻ xu nịnh nhất, lỗi lầm lớn nhất, cuộc sống bi ai nhất, tình yêu mãnh liệt nhất…

Cuốn tiểu thuyết này viết về cái nợ lớn nhất của đời người, theo lời dạy thứ 11 của Phật đó là nợ tình cảm. Nợ tiền càng trả càng vơi/ Nợ tình càng trả càng đầy ai ơi. Tả món nợ này thì người đi trả nợ và người được trả càng ngập sâu trong yêu thương, nhân ái, vị tha. Con người sống tốt đẹp hơn lên.

Bởi chữ tình duy trì cả đời người, cả thế giới. Tôi là nhà văn "muôn năm cũ" và có lẽ, để thay đổi cái tạng viết của mình không phải dễ và cũng không cần thiết phải thay đổi để hợp thời. Việc đó xin dành cho các nhà văn thuộc thế hệ trẻ dài sức phấn đấu.

- Nhân nói về các nhà văn trẻ, hiện nay không nhiều các tác giả trẻ đi vào khai thác các đề tài về hình sự, theo ông, vì họ không trường vốn hay là do ngại tiếp xúc với một lãnh địa vốn dĩ chỉ dành cho các… nhà văn Công an?

- Tôi nghĩ, các đề tài hình sự không phải khó viết, thậm chí viết có phần dễ hơn vì có khá nhiều các câu chuyện trong đời thực còn bí ẩn, đau đớn, xót xa… hơn nhiều sức tưởng tượng của nhà văn. Bởi vì, lương thiện thì thường có biểu hiện giống nhau, còn cái ác thì thiên hình vạn trạng mà những kẻ vô nhân tính mới có khả năng làm nên nó.

Các nhà văn, với sự hư cấu tài tình của mình sẽ làm cho những câu chuyện hình sự đi vào cuộc đời nhẹ nhàng hơn, để góp phần cải tạo xã hội, làm cho những cái ác chưa kịp thành hình kịp thức tỉnh. Hiện nay, có một số các nhà văn trẻ đã bắt đầu đi sâu tìm tòi ở các lĩnh vực hình sự, trinh thám… là một tín hiệu khả quan để bắt đầu những hành trình mới!

- Riêng nhà văn thì có bao giờ ông có ý định viết sang một đề tài mới ngoài những đề tài hình sự mà ông đã theo đuổi từ bấy lâu nay?

- Có, nhưng có lẽ bây giờ chưa phải lúc vì tôi vẫn đang "say" đề tài này lắm! (cười).

- Vâng, xin cảm ơn ông!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.
.