Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Từ trục trặc tới “mùa được giải”

Thứ Ba, 10/01/2006, 09:30

Năm vừa qua, Sương Nguyệt Minh được nhận tới 8 giải thưởng về văn chương và báo chí. Anh bảo: “Đằng nào viết ra cũng phải in, nhọc nhằn gì mà không ghi thêm hai chữ dự thi. Được giải thì có tiền mua sách học cho con; không được thì cũng chẳng mất gì”.

Sương Nguyệt Minh tên thật là Nguyễn Ngọc Sơn. Anh sinh ra ở xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Thuở nhỏ, anh may mắn học được thú đam mê sách vở từ ông nội, một người giỏi chữ Nho nhất làng. Xung quanh ông cụ toàn sách cổ. Và vì ông cụ có đặc tính thấy gì ghi đó nên những gia phả, hương ước, chuyện dòng họ, chuyện làng... còn lưu lại rất đầy đủ. Sợ con cháu mình không biết chữ Hán nên ở trên ông viết chữ Hán, ở dưới ông viết chữ quốc ngữ.

Rất lạ, trong số những người cháu nội, nhiều người đã trưởng thành, nhưng ở nhiều cuốn ông cụ lại ghi: “Quyển sách này để lại cho cháu Sơn”, mặc dù khi đó Sơn còn chưa đến tuổi đi học... vỡ lòng và chưa ra khỏi làng. Người ta bảo ông cụ hay chữ, xem tướng số giỏi. Trong làng hễ có đứa trẻ nào sinh ra muốn biết được vận mệnh tương lai thì đưa đến ông cụ xem cho. Có lẽ ông “biết” cậu bé Sơn có thiên hướng văn chương từ thời khắc chào đời nên đã trao “di sản” mình cất giữ cho nhà văn tương lai chăng?

Sương Nguyệt Minh xuất hiện trên văn đàn khá muộn. Đầu những năm chín mươi (thế kỷ XX), anh bắt đầu gửi truyện ngắn đến các tòa báo. Viết rồi sửa chữa thật kỹ lưỡng mới đem gửi, nhưng buồn một nỗi gửi đi năm, sáu nơi vẫn... bặt vô âm tín. Lúc này anh thực sự mất kiên nhẫn. Anh rủ một người bạn đến tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) thập thò gửi bản thảo. Hôm ấy, các nhà văn đi dự trại viết cả, tòa soạn vắng hiu vắng hắt, anh đành gửi bản thảo lại cho cô văn thư.

Trước lúc quay về, anh nói với người bạn rằng: “Nếu lần này vẫn không được in thì tao bỏ bút, đi buôn”. Nhưng mà anh không bỏ bút được. Truyện ngắn “Nỗi đau dòng họ” lọt vào “mắt xanh” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường (khi đó ông còn là biên tập viên của tạp chí này) và ra mắt bạn đọc vào số tháng 8/1992.

Sương Nguyệt Minh cho in truyện ngắn vào năm anh 35 tuổi. Nhưng từ khi còn học tiểu học, anh đã từng viết... trường ca, và được bạn bè suy tôn là “nhà thơ của lớp”. Sau này anh có viết nhưng không gửi. Cho nên khoảng 10 năm nay, nếu bạn đọc thấy trên các mặt báo tên anh xuất hiện liên tục thì đó là sự tích góp của những năm tháng anh đã sống, đã trải nghiệm.

Trở lại với truyện ngắn đầu tiên của anh được in trên VNQĐ. Tác phẩm đã gây được một ấn tượng mạnh trong dư luận. Nói như một bạn văn là nó “có mùi có vị”, rõ ra tư chất nhà văn. Nội dung truyện xoay quanh những mâu thuẫn trong hai dòng họ. Họ đánh nhau, chia phe, xây đình riêng, không chịu ngồi chung với nhau. Khi tác phẩm được in ra, một vài người đọc được đã đem về làng anh cho mọi người xem.

Chuyện vào lời ra. Chuyện hiểu lầm cũng bắt đầu từ đây. Thế rồi đơn từ kiện cáo ào ào bay từ quê ra Hà Nội... Tất nhiên tạp chí VNQĐ phải vào cuộc để giải thích cho người dân quê anh thấy rằng đây là tác phẩm văn học chứ không phải là bài báo phản ảnh thực tế. Chuyện có vậy nhưng cũng phải mất ba năm Sương Nguyệt Minh mới dám... trở lại làng.

Bốn năm sau cái đận rắc rối đó, Sương Nguyệt Minh chính thức được giải thưởng truyện ngắn của tạp chí VNQĐ và đến cuối năm 1997, anh chuyển công tác về đây làm biên tập viên phần văn xuôi. Năm vừa qua, một năm thành đạt và có phần may mắn của Sương Nguyệt Minh, anh được nhận tới 8 giải thưởng về văn chương và báo chí. Giải “to như con cá quả”, giải “bé như con tép riu”, gặp được là anh “bắt” tất. Anh bảo: “Đằng nào viết ra cũng phải in, nhọc nhằn gì mà không ghi thêm hai chữ dự thi. Được giải thì có tiền mua sách học cho con; không được thì cũng chẳng mất gì”.

Nhiều người có cảm tưởng Sương Nguyệt Minh viết khỏe. Kỳ thực thì cả văn nghiệp của anh đến hôm nay cũng chỉ có khoảng 40 cái truyện ngắn. Không phải cứ viết nhiều là bạn đọc nhớ. Người ta nhớ đến Sương Nguyệt Minh là nhớ đến giọng văn, nhớ chi tiết. Mà truyện nào của anh cũng ngồn ngộn chi tiết. Bạn văn, có người bảo anh “tham” chi tiết. Họ nhắc: “Sao không san ra, để dành cho truyện khác”. Anh chỉ cười bảo: “Tớ thích thế”.

Có hai mảng đề tài chính mà Sương Nguyệt Minh thường quan tâm khai thác là nông thôn và chiến tranh. Mặc dù thời gian anh sống ở thành phố nhiều hơn nhưng bạn đọc rất ít thấy anh viết về thành phố. Phải chăng đó không phải là sở trường của anh? Anh tâm sự: “Mình chỉ viết được những cái gì mình hiểu nhất”. Sự thật thì Sương Nguyệt Minh đã chọn một hướng đi, một vùng đất cho riêng mình rồi

Yên Trang
.
.
.