Nhà văn Phong Điệp: Hãy tránh xa các đám đông ồn ào

Chủ Nhật, 14/08/2011, 23:17
Dường như đòi hỏi của công chúng với nhà văn chưa bao giờ muốn dừng lại ở những cái "nhất thời". Với nhà văn trẻ, con đường đi đến với văn học càng ngắn, càng nôn nóng, thì nguy cơ "mất tích" của họ trong đời sống văn chương càng gần. Chúng ta hãy cùng nhà văn Phong Điệp trò chuyện xung quanh vấn đề này.

Nếu như mấy năm trước, cụm từ "thảm họa dịch thuật" được nhắc nhiều thì gần đây, trên các phương tiện truyền thông, cụm từ "thảm họa âm nhạc" được xuất hiện với tần số chóng mặt. Đó là hệ lụy của thời kỳ bùng nổ CNTT, khi mà bất cứ cái gì hay hoặc dở cũng đều dễ dàng được chuyển tải đến số đông công chúng nhờ tốc độ lan truyền không biên giới của Internet.

Những sản phẩm làm ô nhiễm đời sống văn hóa có nguy cơ xuất hiện ngày càng nhiều, vì nó vẫn được "bảo trợ" bởi một bộ phận công chúng tò mò, thiếu hiểu biết. Đấy là trong âm nhạc. Còn trong văn học thì sao? Có hay không những tác phẩm văn học mang tính "thảm họa" như vậy nhưng lại mang đến cho tác giả của nó những ảo tưởng về sự nổi tiếng? Câu trả lời là có. Và nguy hại ở đây là không chỉ Internet mà ngay cả các đơn vị xuất bản, truyền thông, với cơ chế in ấn dễ dàng đã không ngừng tiếp tay cho những sản phẩm văn học kém chất lượng ra đời. Bên cạnh đó, sự thờ ơ, vắng lặng của đời sống phê bình đã khiến cho nhiều giá trị văn học bị đảo lộn, nhập nhằng, làm hoang mang công chúng...

Trước thềm Hội nghị nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ 8, bên cạnh việc ghi nhận những thành tựu của đội ngũ những người cầm bút trẻ trong những năm qua, thì việc nhìn nhận những vấn đề bức xúc còn tồn tại cũng là cần thiết. Vấn đề muôn thuở của một nhà văn vẫn là tri thức, tài năng, thẩm mỹ, thái độ lao động để có thể cống hiến cho độc giả những tác phẩm có giá trị. Dường như đòi hỏi của công chúng với nhà văn chưa bao giờ muốn dừng lại ở những cái "nhất thời". Với nhà văn trẻ, con đường đi đến với văn học càng ngắn, càng nôn nóng, thì nguy cơ "mất tích" của họ trong đời sống văn chương càng gần. Chúng ta hãy cùng nhà văn Phong Điệp trò chuyện xung quanh vấn đề này.

- Thưa chị Phong Điệp, báo chí gần đây nói rất nhiều về cái gọi là "thảm họa" âm nhạc, là những tác phẩm làm ô nhiễm đời sống văn hóa chứ không mang lại các giá trị thẩm mỹ cho công chúng. Từ quan sát của một nhà văn làm báo, chị cho rằng có hay không những tác phẩm tương tự như vậy trong văn học trẻ?

+ Tôi đã đọc nhiều tác phẩm văn học được xuất bản trong thời gian vừa qua, và không ít tác phẩm sau khi đọc xong rồi tôi tự hỏi, rằng không thể hiểu tại sao người ta lại viết ra một cuốn sách vô bổ như vậy, và tại sao nó có thể cứ "nhơn nhơn" được phép xuất bản giữa bàn dân thiên hạ, giữa những người quan tâm đến văn học. Giống như  không ít người đã tự hỏi, cái cô ca sĩ người mẫu Phi Thanh Vân tìm kiếm điều gì khi cứ lải nhải mãi cái ca khúc "Da nâu" hết sức vớ vẩn về ca từ và thẩm mỹ như vậy. Và tự hỏi thêm nữa là vì sao trong khi những người nghe tử tế cảm thấy buồn nôn về một ca khúc “thảm họa” thì vẫn có một bộ phận không nhỏ khán giả tò mò quan tâm đến nó, nghe nó, cổ súy cho nó. Trong văn học cũng vậy đấy, cũng có những "thảm họa" khủng khiếp chả kém gì âm nhạc đâu. Có lẽ chúng ta cần phải học thêm một vài kĩ năng khác nữa, để có thể sống chung với các loại "thảm họa văn hóa" chăng?

Nhà văn Phong Điệp.

- Để cắt nghĩa một cách rõ ràng về những tác phẩm mang tính thảm họa trong văn học hiện nay, nhất là trong văn học trẻ, chị có thể chỉ ra những nguyên nhân căn bản nào?

+ Tôi nghĩ nguyên nhân trước hết là do chính những người đã tạo ra những sản phẩm thảm họa đó. Nó báo hiệu một sự xuống cấp về thẩm mỹ và cả đạo đức của một bộ phận những người đang cố tình khoác chiếc áo sang trọng của kẻ sáng tạo, làm ô nhiễm môi trường văn hóa, tìm kiếm sự nổi tiếng bằng việc yêu chiều thị hiếu của một bộ phận công chúng thiếu hiểu biết. Sau đó là lỗi truyền thông. Rất buồn phải nói ra điều này, vì tôi cũng là một người làm báo. Hãy thử nhấp chuột vào các trang báo mạng, bạn sẽ gặp vô số ảnh "lộ hàng", "khoe ngực", cùng những tuyên bố gây sốc của người mẫu này, ngôi sao nọ, bên cạnh những bài viết rất đáng suy nghĩ về những vấn đề lớn của xã hội, đất nước, như vấn đề biển Đông, cháy xưởng da giầy hàng chục người vô tội chết oan uổng... khiến cho nhiều độc giả, trong đó có tôi không chịu nổi vì sự phản cảm. Rõ ràng là một số đơn vị truyền thông đang tiếp tay tích cực cho các "thảm họa" được phủ sóng. Sách dở mà xuất bản rồi tái bản ầm ầm, cứ như một hiện tượng văn học thì thật đáng sợ. Tác giả văn chương thì xuất hiện trên báo chí theo kiểu… diễn viên điện ảnh, không thể kệch cỡm hơn. Nguyên nhân thứ ba không kém phần quan trọng, chính là đang tồn tại một bộ phận công chúng hào hứng, tò mò thái quá với những sản phẩm văn hóa quái dị. Một tác phẩm văn học càng dở, càng được số đông công chúng tò mò quan tâm. Nó rất giống với các "thảm họa âm nhạc" là càng thảm họa thì độ “hot” càng cao. Người ta có thể đã nhầm lẫn giữa chất lượng nghệ thuật với doanh số của sản phẩm. Trong văn học nghệ thuật, hai phạm trù này không thể đánh đồng được.

- Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, có một nghịch lý như chị vừa nói, là những tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng kém, bị chê bai trên các diễn đàn nhiều khi lại làm cho tác giả của nó trở nên nổi tiếng. Vấn đề ở đây là đang có không không ít người sáng tác trẻ hài lòng với sự nổi tiếng ấy. Họ thậm chí nghiện cái hiệu ứng chê ấy, vì họ biết sau đó, những gì họ viết lại được độc giả tò mò chú ý nhiều hơn. Chị nói gì về hiện tượng này?

+ Đời sống văn chương vốn muôn màu muôn vẻ. Mỗi người cầm bút tìm đến với văn học bằng một tâm thế, và có thể mang theo một mục đích riêng. Có người xác định đến với văn chương như đến với một nghề cực nhọc mà thiêng liêng. Có người thì đến với văn chương chỉ là để chơi, để được nổi tiếng bằng mọi giá. Tôi nghĩ quan niệm thế nào là quyền của mỗi người, và họ đi con đường như thế nào cũng là sự lựa chọn mang tính cá nhân  họ. Vấn đề đặt ra ở đây là dư luận xã hội cần phải có thái độ với những trường hợp văn học gây "ô nhiễm". Mức độ "ô nhiễm" này, theo tôi, chính là thước đo sự văn minh của một xã hội.  Giống như khi bạn sang Singapore, thì bạn đừng có mong vứt rác ra đường, bạn sẽ bị phạt. Còn ở Việt Nam chúng ta thì sao? Chúng ta vẫn còn làm ngơ trước hành vi xả rác ngoài đường thì mặc nhiên rác vẫn tiếp tục ngoài đường. Trong văn hóa hay văn học cũng vậy, nếu xã hội không tạo ra một dư luận tốt, không có những biện pháp cấm xả rác văn hóa thì môi trường văn hóa vẫn ô nhiễm thôi. Đã đến lúc thay bằng việc tặc lưỡi cho qua, thiết nghĩ tự mỗi người trong chúng ta hãy tự học cách biết xấu hổ trước mỗi hành động của mình. Nếu ta tẩy chay các tác phẩm độc hại, không có lợi cho văn hóa, thì liệu rằng chúng có còn đất để tồn tại hay không?

- Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, nhà văn Phạm Ngọc Tiến có nói đến một nguy cơ trong văn học trẻ hiện nay, đó là nguy cơ "văn học biểu diễn". Trước sức hút của truyền thông cộng với sự nôn nóng để nổi tiếng, không ít người viết trẻ đã không đủ bình tĩnh, không đủ lặng lẽ, thậm chí là vô danh bên trang viết của mình. Họ thích xuất hiện, phát ngôn, chạy theo những giá trị ảo, chỉ với mục đích được nhiều người biết đến. Nếu thực sự có một khuynh hướng như vậy, thì theo quan điểm của chị, con đường ấy sẽ dẫn các nhà văn trẻ của chúng ta đi đâu?

+ À, những giá trị ảo thì có thể dẫn người ta đến đâu được nhỉ? Tôi nghĩ rằng họ đã có sẵn câu trả lời trên thực tế rồi.

- Có một số nhà văn trẻ hiện nay quan niệm rằng, họ không cần hướng tới việc viết một tác phẩm có giá trị xuyên thời. Họ chỉ cần phục vụ một đối tượng độc giả mà họ lựa chọn, làm thỏa mãn thị hiếu nhất thời của độc giả cũng đã là thành công. Chị có đồng ý với quan điểm này?

+ Như tôi đã nói, văn chương mỗi người một quan điểm. Tôi tôn trọng sự lựa chọn của mỗi người viết. Nhưng ở đây tôi xin nói thêm, nếu anh thực sự là người cầm bút có tài năng, thì dẫu anh có viết về cái bếp nhà mình đi nữa thì tác phẩm của anh  vẫn có thể khiến cho người đọc phải xuýt xoa, tấm tắc. Có một điều rất dễ hiểu là, những sản phẩm phục vụ thị hiếu nhất thời thì đương nhiên nó cũng chỉ có giá trị nhất thời mà thôi.

- Dẫu không nhiều nhưng chúng ta vẫn luôn có thể điểm tên những người viết trẻ của thời đại mình, cần mẫn và nghiêm túc trong nghề văn, dù không phải họ đã được biết đến nhiều bằng những người cầm bút biết "khua khoắng" để nổi danh. Sự nhập nhèm giá trị trong văn học trẻ (và không chỉ trong văn học trẻ) hiện nay, là hệ lụy của thực trạng phê bình cũng nhập nhèm không kém. Về khía cạnh này, chị có điều gì chia sẻ?

+ Tôi luôn luôn nghĩ rằng, người viết đừng đợi ai phải thiết lập giá trị cho mình. Tự bản thân mỗi người hãy nên đi tìm và thiết lập giá trị cho bản thân. Mọi thứ hàng giả sớm hay muộn rồi cũng bị tẩy chay mà thôi. Vậy nên thay bằng việc mất thời gian tìm nguyên nhân hay đổ lỗi cho ai đó, thì người viết nghiêm túc đã  có thể bắt tay vào một tác phẩm mới của mình rồi

- Là nhà văn (vẫn còn được xem là nhà văn trẻ), nhưng đã có một số đầu sách xuất bản rất đáng nể, cá nhân chị quan niệm như thế nào về lao động viết và con đường trở thành một nhà văn với chị được hình dung ra sao?

+ Hãy tránh xa các đám đông ồn ào!

- Xin cảm ơn chị!

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.
.