Nhà văn Mỹ Saul Bellow: Thành danh từ tứ cố vô thân

Thứ Sáu, 08/04/2005, 07:18

Tỉnh táo tới phút cuối cùng. Khi hấp hối có vợ và cô con gái 6 tuổi liền kề. Không nhiều nhà văn được một hạnh phúc như nhà văn Mỹ Saul Bellow (tên họ gốc là Solomon Bellows), giải Nobel văn học năm 1976. Ông qua đời ngày 5/4/2005 tại Brooklyn, bang Massachusetts, thọ 90 tuổi.

Bellow sinh ngày 10/7/1915, tại thành phố Lachine thuộc Quebec, Canada, trong một gia đình người Do Thái di cư từ Saint Petersburg (Nga) tới. Năm lên 9 tuổi, gia đình ông chuyển sang Mỹ sống. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế nhưng cha mẹ ông đã cố gắng cho con trai mình có được một học vấn đàng hoàng và năm 1937, ông đã tốt nghiệp trường đại học Tây Bắc ở Chicago. Học đường này về sau rất gắn bó với ông và ông đã nhiều năm giảng dạy tại đây. Chỉ tới năm 1993, ông mới bất ngờ chuyển sang làm việc cho trường Đại học Tổng hợp Boston.

Hoàn cảnh xuất thân đã in hằn dấu ấn lên mọi sáng tác của Bellow. Các cuốn sách của ông luôn mang một trạng thái tha hương, tha nhân khắc khoải và xót xa của trí thức gốc Do Thái.  Ông bắt đầu nghề chữ nghĩa bằng những bài điểm sách cho các báo với nhuận bút khá bèo: 10 USD một bài. Rồi từ đó, ông mon men bước vào làng văn và được đánh giá cao ngay từ tác phẩm đầu tay Tứ cố vô thân (có người dịch là "Con người giữa trời và đất"), xuất bản năm 1944.  Nhân vật chính trong sách của ông mang màu sắc hiện sinh với tâm trạng luôn luôn bất ổn, giống như trong sách của Dostoyevsky hay Kafka...

Tác phẩm mang lại sự nổi tiếng rộng rãi cho ông là cuốn Những cuộc phiêu lưu của Augie March - cũng nhờ cuốn sách này mà ông lần đầu được nhận giải thưởng văn học quốc gia Mỹ. Ông còn được nhận thêm giải thưởng này hai lần nữa vào năm 1965 (với tác phẩm Hersog) và năm 1971 (với tác phẩm Hành tinh của ông Sammler (cho tới nay, ông là nhà văn Mỹ duy nhất giữ kỷ lục "quá tam ba bận" này). Năm 1976, Bellow được trao giải thưởng Nobel về văn học. Cùng năm, ông còn được nhận giải  thưởng Pulitzer về văn học nhờ tiểu thuyết "Năng khiếu của Humboldt". Bellow còn là tác giả của không chỉ một vở kịch và tiểu luận được giới trí thức đánh giá cao. Cho tới cuối đời, Bellow vẫn không rời trang viết. Năm 2000, ông còn cho ra mắt một cuốn tiểu thuyết với nhan đề Ravelstein.

Ông được các nhà phê bình xếp hạng đầu bảng như một chuyên gia của những câu văn ngắn và hình thức đồ sộ. Tác phẩm được coi là có giá trị nhất của ông, từng mang lại cho ông giải Nobel văn học, Hersog, kể về thân phận của một trí thức Do Thái không tìm ra vị trí đích thực của mình trong một thế giới đen bạc tư bản chủ nghĩa. Các nhà phê bình cho rằng, tác phẩm này in đậm dấu ấn đời thực của chính nhà văn.

Bellow năm lần lấy vợ. Ông được bốn người con. Cô con gái út Naomi sinh ra khi Bellow đã 84 tuổi.

Khi hay tin ông qua đời, Chủ tịch trường Đại học Tổng hợp Boston, Emeritus John Silber, người năm 1993 đã mời Bellow tới đây giảng dạy, đã nói: "Bellow không chỉ là một nhà văn vĩ đại, mà còn là một người thầy và một người bạn tuyệt vời - một nhân cách hoàn thiện rất đáng nể trọng". Còn Philip Roth, một trong những nhà văn lớn nhất nước Mỹ đang còn sống hiện nay, đã nói sau khi hay tin Bellow mất rằng, toàn bộ nền văn học Mỹ thế kỷ XX đã được đặt trên hai vĩ nhân, đó là William Faulkner và Saul Bellow

Trọng Nhân
.
.
.